Nguồn: Edward Miller, “Behind the Phoenix Program”, The New York Times, 29/12/2017.
Biên dịch: Phan Nguyên
Vào cuối tháng 12/1967, Chính phủ Nam Việt Nam tuyên bố tái tổ chức nỗ lực chiến tranh của mình nhằm chống lại phong trào nổi dậy của lực lượng cộng sản. Có hiệu lực ngay lập tức, tất cả các hoạt động chống nổi dậy của Nam Việt Nam đều trở thành một phần của một chương trình mới được gọi là Phụng Hoàng, tên của một loài chim linh thiêng gắn liền với hoàng gia và quyền lực trong truyền thống văn hóa Việt Nam và Trung Quốc. Đáp lại động thái của Nam Việt Nam, các quan chức Hoa Kỳ ở Việt Nam bắt đầu gọi các nỗ lực phối hợp chống nổi dậy của họ với tên gọi Phoenix, tên gọi gần gũi nhất trong văn hóa phương Tây với loài vật huyền thoại này.
Chương trình Phụng Hoàng sẽ trở thành một trong những khía cạnh gây tranh cãi nhất trong cuộc chiến của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Được bảo trợ bởi Cục Tình báo Trung ương (CIA), Chương trình Phụng Hoàng sử dụng các lực lượng bán quân sự nhằm tấn công các đặc vụ cộng sản nằm vùng tại các thôn làng khắp Nam Việt Nam. Các nhân chứng cáo buộc rằng các thành viên của chương trình cùng các cố vấn Hoa Kỳ của họ thường xuyên tiến hành tra tấn, sát hại và ám sát, những cáo buộc mà các quan chức Mỹ đã bác bỏ.
Cho tới ngày nay, cuộc tranh luận về Chương trình Phụng Hoàng vẫn tập trung chủ yếu vào vai trò của CIA và các cá nhân người Mỹ trong chương trình này. Nhưng đại bộ phận nhân sự của Chương trình Phụng Hoàng, như binh sĩ, thẩm vấn viên và nhà phân tích, đều là người Việt Nam. Tìm hiểu vai trò của các nhân sự Việt Nam trong chương trình Phụng Hoàng mang lại những góc nhìn khác biệt về nguồn gốc và tầm quan trọng của chương trình này.
Trong tất cả những người Việt Nam đóng góp cho Chương trình Phụng Hoàng, có lẽ nhân vật nhiều ảnh hưởng nhất là một sĩ quan quân đội Nam Việt Nam tên là Trần Ngọc Châu. Lúc còn trẻ, ông Châu đã đi theo phong trào độc lập Việt Minh và nhà lãnh đạo cuốn hút của phong trào này là Hồ Chí Minh. Ông từ chối gia nhập Đảng Cộng sản của ông Hồ và trở nên khó chịu với việc Việt Minh ngày càng nhấn mạnh đấu tranh giai cấp. Năm 1950, ông đào ngũ sang phía chính phủ chống cộng do Pháp hậu thuẫn.
Ông Châu cuối cùng đã thu hút được sự chú ý của Tổng thống Ngô Đình Diệm, người giao cho ông làm về chiến lược và chiến thuật chống nổi dậy. Năm 1962, ông Diệm bổ nhiệm ông Châu làm tỉnh trưởng Kiến Hòa (Bến Tre ngày nay – ND), một tỉnh lớn thuộc Đồng bằng sông Cửu Long. Ông Châu dành phần lớn trong khoảng thời gian 3 năm ở Kiến Hòa để thử nghiệm các phương pháp chống nổi dậy khác nhau.
Ông Châu nhanh chóng nhận thấy chính phủ đối mặt với một số vấn đề liên quan tới nhau ở Kiến Hòa. Tỉnh này được coi là “chiếc nôi của cách mạng” bởi vì các cán bộ Cộng sản đã tổ chức một trong những cuộc nổi dậy địa phương đầu tiên chống lại Diệm tại một trong những huyện của tỉnh này vào năm 1960. Hơn nữa, ông Châu sau này hồi tưởng lại rằng hệ thống tình báo của chính phủ “như một trò đùa” bởi vì nó phụ thuộc vào những người cung cấp tin đã làm cho nhà nước trong nhiều năm và thường được cung cấp tin giả bởi kẻ thù. Do đó, các lực lượng chính phủ tại Kiến Hòa thường không biết những người nổi dậy là ai và họ đang hoạt động tại đâu. Thay vì tiến hành các chiến dịch có mục tiêu chọn lọc dựa trên các thông tin tình báo chính xác, các chỉ huy thường sử dụng các chiến dịch hỏa lực mạnh làm chết hoặc bị thương người dân địa phương. Dân làng càng trở nên tức giận hơn bởi các quan chức và sĩ quan cảnh sát địa phương, nhiều người trong số đó rất bất tài, tham nhũng, hoặc cả hai.
Để khắc phục những vấn đề này, ông Châu đã thiết kế nên chương trình Điều tra dân số kết hợp khảo sát ý kiến về các bất bình của người dân (Census – Grievance – sau đây gọi là Chương trình điều tra – khảo sát). Thông qua sáng kiến này, các nhóm cán bộ được phái xuống các thôn làng do chính phủ kiểm soát. Sau khi tiến hành điều tra dân số, các thành viên bắt đầu tiến hành hàng ngày các cuộc phỏng vấn bắt buộc đối với từng người lớn. Các câu hỏi có vẻ như vô thưởng vô phạt, ví dụ như ông bà có nhận thấy điều gì bất thường gần đây không, hay chính phủ có thể làm gì để giúp đỡ ông bà và gia đình. Các câu hỏi này một phần là nhằm tạo điều kiện cho người dân nêu lên những bất bình về các quan chức địa phương tham nhũng, những người mà ông Châu sau đó có thể kỷ luật hoặc cách chức. Nhưng mục tiêu cuối cùng là nhằm thu thập thêm các thông tin chính xác hơn về kẻ thù.
Sáng tạo thứ hai của ông Châu là việc tạo ra cái mà ông gọi là các Đội chống Khủng bố, tiền thân của Chương trình Phụng Hoàng. Được thành lập với sự hỗ trợ từ CIA, các đội nhóm này bao gồm các nhóm nhỏ nhân viên được huấn luyện để tiến hành các chiến dịch bí mật trong các vùng lãnh thổ do kẻ thù kiểm soát. Khi ông Châu nhận được tin tức tình báo về nhân dạng và vị trí của các đặc vụ kẻ thù, ông liền cử Đội chống Khủng bố tới giết hoặc bắt sống họ. Theo cách này, ông Châu và các đối tác CIA hi vọng có thể làm tiêu hao và tiêu diệt những gì mà sau này họ gọi là cấu trúc Việt cộng, tức mạng lưới các cán bộ và đặc vụ cộng sản nằm vùng trong dân cư nông thôn.
Ông Châu nhận thức rất rõ rằng các phương pháp của mình rất dễ bị lạm dụng. Một chủ doanh nghiệp bất lương trong làng có thể lợi dụng chương trình Điều tra – khảo sát để thuyết phục chính phủ rằng đối thủ địa phương của mình là một người cộng sản. Và các thành viên của Đội chống Khủng bố nếu không được huấn luyện và giám sát kỹ lưỡng có thể cảm thấy và hành động như thể họ được phép tiến hành giết người. Nhằm chống lại những vấn đề như vậy, ông Châu đã bổ nhiệm các thanh tra viên để điều tra các báo cáo về các sai phạm của cán bộ, quan chức. Ông cũng tuyên bố rằng việc sử dụng các lực lượng sát thủ sẽ chỉ là phương thức cuối cùng, chỉ được áp dụng sau khi các nỗ lực nhằm thuyết phục các đặc vụ của kẻ thù đào ngũ sang phe Chính phủ thất bại.
Mặc dù ông Châu nói tiếng Anh với giọng nặng nhưng ông có thể trình bày các ý tưởng của mình về chống nổi dậy theo một phương thức đơn giản và dễ hiểu, khiến cho ông trở nên nổi tiếng với các cố vấn Hoa Kỳ. Daniel Ellsberg, nhà phân tích của Công ty RAND mà sau này trở thành một nhà hoạt động phản chiến, đã gặp ông Châu khoảng giữa những năm 1960 và coi ông là chuyên gia Việt Nam hàng đầu về quy trình bình định hóa. Ông Châu cũng tương tác và làm việc với John Paul Vann, William Colby, Edward Lansdale và những nhân vật tiêu biểu khác trong đội ngũ chống nổi dậy của Hoa Kỳ. Những người Mỹ này đặc biệt thích việc ông Châu khẳng định rằng có thể tiến hành chống nổi dậy theo một phương thức nhân văn, có đạo đức, và làm giảm các thiệt hại không mong muốn đối với sinh mạng và tài sản của thường dân.
Nhờ một phần vào sự hỗ trợ của các bạn bè Hoa Kỳ, ông Châu đã được bổ nhiệm vào cuối năm 1965 làm lãnh đạo một chương trình huấn luyện chống nổi dậy mới dành cho cán bộ Nam Việt Nam. Sự đề bạt của ông là một phần trong nỗ lực của CIA nhằm thiết kế một chiến lược chống nổi dậy trên cả nước dành cho Nam Việt Nam, những nỗ lực mà cuối cùng dẫn tới sự hình thành Chương trình Phụng Hoàng. Trong quá trình thiết kế Chương trình Phụng Hoàng, các quan chức CIA đã đưa vào các ý tưởng của chương trình Điều tra – Khảo sát nhằm thu thập thông tin tình báo từ dân làng. Ảnh hưởng của ông Châu cũng rất rõ ràng trong bộ phận sau này trở thành phần gây tranh cãi nhất của Chương trình Phụng Hoàng, đó là các biệt đội chống khủng bố tinh nhuệ được gọi là các Đơn vị Thám sát Tỉnh (PRU). Được tuyển mộ và huấn luyện bởi CIA, các đơn vị này tiến hành hàng chục nghìn vụ “bắt và giết” các đặc vụ của kẻ thù từ năm 1968 tới năm 1972.
Tuy nhiên, có phần bất ngờ khi ông Châu không thực sự tham gia vào việc thiết kế hay thực hiện Chương trình Phụng Hoàng. Với tư cách là người đứng đầu của chương trình đào tạo cán bộ quốc gia Nam Việt Nam, ông sớm trở nên thất vọng với tình trạng đấu đá chính trị bất tận giữa các lãnh đạo cấp cao. Năm 1967, ông Châu rời bỏ vị trí chính thức của mình và giành được một ghế dân biểu trong Quốc hội Nam Việt Nam.
Sau đợt Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, ông Châu bắt đầu kêu gọi một giải pháp thương lượng dành cho cuộc chiến. Điều này khiến ông trở thành kẻ thù của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, người cho bắt giam, xét xử và tống giam ông về tội phản quốc. Ông sống phần thời gian còn lại của cuộc chiến trong tù hoặc trong tình trạng quản thúc tại gia. Sau chiến thắng của miền Bắc năm 1975, ông bị tống giam một lần nữa, lần này là trong một trại cải tạo của cộng sản. Ông được cho ra tù năm 1978 và di cư sang Mỹ cùng với gia đình.
Trong những thập niên sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, ông Châu và những người Mỹ ủng hộ ông đã than phiền rằng việc ông bị hạ bệ vừa là một sự phản bội vừa là một cơ hội bị bỏ lỡ. Theo quan điểm của họ, ông Châu đã thiết kế nên một công thức chống nổi dậy có hiệu quả: Bằng cách lôi kéo người dân địa phương ở Kiến Hòa tham dự thông qua các chương trình Điều tra – khảo sát, ông đã giành được trái tim và lý trí của họ trong khi vẫn có thể tiếp tục thu thập được các thông tin tình báo mà các Đội chống Khủng bố sử dụng để truy tìm các mạng lưới bí mật của kẻ thù. Tuy nhiên, ông Châu cũng tin rằng lãnh đạo cấp cao của CIA đã không thể hiểu được những thành tố cốt lõi trong cách tiếp cận của ông.
Mặc dù Chương trình Phụng Hoàng vay mượn một số khía cạnh của mô hình Kiến Hòa, ông kết luận rằng nó quá nhấn mạnh sử dụng vũ lực và không coi trọng việc huy động người dân. Kết quả là ông Châu và các bạn bè người Mỹ của ông coi Chương trình Phụng Hoàng như là một sự “suy đồi hóa” các ý tưởng ban đầu của ông Châu. Ông Châu đã trình bày cách diễn giải này trong các cuộc phỏng vấn, trong cuốn hồi ký bằng tiếng Anh xuất bản năm 2012 của ông, và trong bộ phim tài liệu gần đây The Vietnam War của Ken Burns và Lynn Novick.
Nhưng ông Châu đã thực sự đạt được những thành tựu gì ở Kiến Hòa? Những người ủng hộ ông thường dẫn các số liệu chính thức để chứng minh cho thành công của ông: Trong năm đầu tiên ông làm tỉnh trưởng, ước tính số dân thường sống trong vùng chính phủ kiểm soát của tỉnh đã tăng từ 80.000 lên 220.000 trong tổng dân số khoảng hơn nửa triệu người. Tuy nhiên, chính ông Châu cũng thường nói rằng những thành tựu đó ít có ý nghĩa nếu người dân địa phương không ủng hộ chính phủ và các tuyên bố của chính phủ về đảm bảo chủ quyền quốc gia – một nhiệm vụ tỏ ra quá khó khăn tại Nam Việt Nam trong thời kỳ giữa những năm 1960. Tính chất ngắn ngủi trong các thành quả của ông Châu đã bộc lộ rõ sau khi ông rời tỉnh Kiến Hòa: lực lượng cộng sản nhanh chóng giành lại phần lớn lãnh thổ và dân cư và họ đã mất.
Thành quả cụ thể nhất của ông Châu tại Kiến Hòa đó là chương trình Điều tra – khảo sát dân cư. Như một sử gia của CIA sau này ghi nhận, chương trình tỏ ra là một công cụ hiệu quả nhằm tạo ra các thông tin tình báo khả dụng về các lực lượng và đặc vụ của kẻ thù. Nhưng hiệu quả của nó bắt nguồn chủ yếu không phải từ việc giành được sự ủng hộ của công chúng là từ việc giám sát họ.
Thực sự, chương trình không chỉ thu thập thông tin tình báo về “cấu trúc Việt Cộng”, nó còn tổng hợp các thông tin chi tiết về mọi cư dân tại từng thôn ấp nơi chương trình được triển khai. Những thông tin này bao gồm dữ liệu về quan hệ họ hàng, các mối liên hệ chính trị, tôn giáo, và cả tình trạng sở hữu tài sản. Như ông Châu thừa nhận, các thông tin này thường được sử dụng để gây áp lực lên các gia đình và toàn bộ cộng đồng buộc họ tuân theo các chỉ thị của chính phủ. Về khía cạnh này, chương trình ít tích cực và mang nhiều tính cưỡng bức hơn so với những người thúc đẩy nó thừa nhận.
Việc sử dụng các đội chống khủng bố ở Kiến Hòa cũng đôi lần không thể tuân theo các nguyên tắc tốt đẹp mà ông Châu đã đề ra. Bằng cách nhắm vào những cán bộ cộng sản cụ thể để “vô hiệu hóa” họ, chương trình đã làm gia tăng sức ép quân sự và tâm lý lên kẻ thù. Các chỉ huy cộng sản phản ứng lại bằng cách treo thưởng đặc biệt cho bất cứ người nào trong đơn vị của họ có thể tiêu diệt được một thành viên của đội chống khủng bố. Cuộc đấu tranh giữa hai bên nhanh chóng trở thành cuộc nội chiến ở cấp độ cộng đồng mà trong đó lời hứa của ông Châu rằng sẽ chỉ sử dụng vũ lực như là phương tiện cuối cùng thường bị phá vỡ. Khi một tuyên truyền viên cộng sản phân phối các tờ bướm ca ngợi một người bắn tỉa du kích tiêu diệt được một cố vấn quân sự Mỹ ở Kiến Hòa, ông Châu đã ra lệnh cho Đội chống Khủng bố thâm nhập vào thôn do kẻ thù kiểm soát nơi người lính bắn tỉa đang sống. Các thành viên của nhóm đã giết chết người lính bắn tỉa bằng cách tung lựu đạn vào nhà của anh ta trong lúc anh ta đang ngủ.
Những người chỉ trích hoạt động chống nổi dậy ở Việt Nam nhiều khả năng sẽ coi câu chuyện tiêu diệt tay súng bắn tỉa trên như là bằng chứng cho thấy các hoạt động của ông Châu ở Kiến Hòa đơn thuần chỉ là một chương trình ám sát. Ông Châu và những người bảo vệ ông có thể phản bác rằng những hành động giết chóc như vậy là cần thiết và được biện minh bởi việc những người cộng sản sử dụng biện pháp ám sát có chọn lọc, và rằng việc thi thoảng triển khai những chiến thuật như vậy nên được nhìn nhận trong bối cảnh những nỗ lực rộng lớn hơn của ông nhằm giành được trái tim và khối óc của người dân. Nhưng cả hai lập luận này làm giảm ý nghĩa của những thành tố cốt lõi trong chiến tranh chống nổi dậy được tiến hành tại Việt Nam.
Ông Châu không đề xuất đánh bại cộng sản ở Kiến Hòa chỉ bằng cách ám sát họ. Ông tạo ra các đội Điều tra – khảo sát như là một phương tiện để thu hút sự ủng hộ của người dân trong cuộc chiến chống lại kẻ thù. Tuy nhiên, quy trình mà ông đề xuất nhằm giành được sự hợp tác của người dân không dựa vào việc giành được sự đồng thuận hay sự tự nguyện tham gia của họ. Các đội Điều tra – khảo sát đã mang lại cho chính phủ một phương thức áp đặt một hệ thống giám sát và kiểm soát lên toàn bộ các cộng đồng dân cư và thu thập các thông tin tình báo từ mỗi người dân. Trong khi ông Châu hy vọng rằng người dân sẽ cung cấp những thông tin tình báo này một cách tự nguyện, mục tiêu bao trùm của ông là thu được thông tin cần thiết để phát hiện và phá hủy các mạng lưới bí mật của kẻ thù. Hơn nữa, dù việc theo đuổi mục tiêu này bao gồm các nỗ lực nhằm bắt giữ những đặc vụ của kẻ thù hoặc thuyết phục họ đầu hàng, nó cũng bao gồm rất nhiều vũ lực, bao gồm một số vụ ám sát. Trong tất cả những khía cạnh này, mô hình mà ông Châu thiết kế nên tại Kiến Hòa có nhiều điểm tương đồng với Chương trình Phụng Hoàng sau này.
Sự nghiệp của Trần Ngọc Châu chỉ ra một sự thật lớn hơn về hoạt động chống nổi dậy ở Việt Nam về về lịch sử của chiến tranh chống nổi dậy nói chung. Giống như các đối tác người Mỹ của mình, ông Châu đã thúc đẩy cái mà bây giờ được gọi là phương thức chống nổi dậy lấy dân cư làm trung tâm, một cách tiếp cận nhấn mạnh việc bảo vệ và kiểm soát dân cư dân sự. Những người ủng hộ cách tiếp cận này thường mô tả nó như là một phương thức chiến tranh nhân bản, hoàn toàn phù hợp với pháp luật về chiến tranh, và với các lý tưởng tự do của người Mỹ.
Cách tiếp cận của ông Châu rõ ràng ít mang tính hủy diệt hơn so với những chiến thuật mà các chỉ huy Hoa Kỳ và Nam Việt Nam ưa thích, đó là chiến đấu với kẻ thù bằng đạn pháo và các cuộc không kích. Nhưng các phương pháp của ông cũng không hoàn toàn không đổ máu và chiến thắng mà ông muốn đạt được không dựa vào việc giành được trái tim và khối óc của người dân. Thay vào đó, cách tiếp cận của ông dựa rất nhiều vào việc thao túng, cưỡng ép, đe dọa và ám sát. Người Mỹ cần ghi nhớ những điều này khi nghĩ về các cuộc chiến tranh chống nổi dậy mà Mỹ tiếp tục tiến hành ngày nay.
Edward Miller là phó giáo sư lịch sử tại Dartmouth College và là tác giả cuốn “Misalliance: Ngo Dinh Diem, the United States, and the Fate of South Vietnam”.