01/02/1979: Ayatollah Khomeini quay trở lại Iran

Nguồn: Ayatollah Khomeini returns to Iran, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1979, sau 15 năm lưu vong, Ayatollah Khomeini đã quay trở lại Iran trong tiếng tung hô chiến thắng. Nhà vua (shah) và gia đình đã trốn khỏi đất nước từ hai tuần trước, còn các nhà cách mạng thì hân hoan, háo hức thiết lập một chính phủ Hồi giáo cơ yếu (fundamentalist) dưới sự lãnh đạo của Khomeini.

Sinh ra vào khoảng đầu thế kỷ 20, Ruhollah Khomeini là con của một học giả Hồi giáo. Ngay từ thời thơ ấu, ông đã sớm thuộc lòng kinh Qur’an. Khomeini theo dòng Shia – một nhánh Hồi giáo được đa số người Iran tin theo – và đã sớm tập trung nghiên cứu về Đạo Hồi Shia tại thành phố Qom. Là một giáo sĩ mộ đạo, ông dần thăng tiến trong hệ thống cấp bậc không chính thức của Hồi giáo Shia và đã thu hút rất nhiều đệ tử.

Năm 1941, Anh cùng Liên Xô chiếm đóng Iran, đưa Mohammad Reza Pahlavi lên làm vị vua thứ hai của nước này. Vị shah mới có quan hệ chặt chẽ với phương Tây, thậm chí vào năm 1953, tình báo Anh và Mỹ đã giúp ông lật đổ một đối thủ chính trị vốn được lòng dân hơn. Mohammad Reza ủng hộ nhiều tư tưởng phương Tây; năm 1963, ông đã phát động cuộc “Cách mạng Trắng” – một chương trình quy mô lớn của chính phủ, trong đó kêu gọi cắt giảm các phần đất dành cho tôn giáo và phân phối lại đất đai, trao quyền bình đẳng cho phụ nữ, cũng như thực hiện các cải cách hiện đại khác.

Khomeini, nay được biết đến với danh hiệu cao quý “ayatollah” (giáo chủ) của người Shia, là nhà lãnh đạo tôn giáo đầu tiên công khai lên án chương trình cải cách của vua shah. Trong các bài phát biểu mạnh mẽ từ Tu viện Faziye ở Qom, Khomeini đã kêu gọi lật đổ chế độ shah và thành lập một nhà nước Hồi giáo. Năm 1963, Mohammad Reza bắt giam ông – điều đã dẫn đến bạo loạn – và vào ngày 04/11/1964, trục xuất ông khỏi Iran.

Khomeini chuyển đến An Najaf, một thành phố thiêng của người Shia tại Iraq, nằm gần biên giới với Iran, và thường xuyên gửi bản ghi âm các bài thuyết giảng của mình để tiếp tục kích động đệ tử. Đi ngược lại truyền thống của người Shia là các giáo sĩ sẽ không tham gia chính phủ, ông đã lên tiếng kêu gọi các nhà lãnh đạo Shia cai trị Iran.

Vào thập niên 1970, Mohammad Reza đã khiến giáo chức Hồi giáo cơ yếu ở Iran vô cùng giận dữ khi tổ chức lễ kỷ niệm 2500 năm chế độ quân chủ Ba Tư tiền Hồi giáo, và cho thay thế lịch Hồi giáo bằng lịch Ba Tư. Bất mãn càng gia tăng, shah càng đàn áp nhiều hơn, và sự ủng hộ dành cho Khomeini cũng càng tăng theo. Năm 1978, các cuộc biểu tình lớn nhằm chống shah nổ ra tại nhiều thành phố lớn của Iran. Những người bất mãn thuộc tầng lớp hạ lưu và trung lưu đã gia nhập cùng các sinh viên cấp tiến, và Khomeini kêu gọi lật đổ shah ngay lập tức. Sang tháng 12, quân đội nổi dậy, và vào ngày 16/01/1979, shah đã chạy trốn.

Khomeini trở về Tehran trong tiếng tung hô vào ngày 01/02/1979 và được xem là lãnh đạo của Cách mạng Iran. Khi tinh thần tôn giáo đang dâng cao, ông củng cố quyền lực của mình và bắt đầu biến đổi Iran thành một nhà nước tôn giáo. Ngày 04/11/1979, kỷ niệm 15 năm lưu vong của ông, các sinh viên đã tấn công Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Tehran và bắt các nhân viên làm con tin. Với sự chấp thuận của Khomeini, nhóm cấp tiến này yêu cầu Mỹ trao trả shah cho Iran để đổi lại sự tự do cho 52 con tin người Mỹ (bị bắt giữ suốt 444 ngày). Sau này, shah chết ở Ai Cập vì ung thư vào tháng 07/1980.

Tháng 12/1979, Hiến pháp mới được thông qua tại Iran, đưa Khomeini trở thành nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo của Iran suốt đời. Dưới quyền cai trị của ông, phụ nữ Iran đã bị từ chối các quyền bình đẳng và buộc phải mang mạng che mặt, văn hoá phương Tây bị cấm đoán, luật Hồi giáo truyền thống và những hình phạt tàn bạo của nó được phục hồi. Đối với việc đàn áp phe đối lập, Khomeini đã chứng tỏ mình cũng tàn bạo chẳng kém shah, và hàng ngàn nhà bất đồng chính kiến đã bị hành quyết trong suốt thập niên cầm quyền của ông.

Năm 1980, Iraq xâm chiếm Khuzestan, tỉnh sản xuất dầu của Iran. Sau vài bước tiến, đợt tấn công của Iraq đã bị đẩy lùi. Năm 1982, Iraq tự nguyện rút lui và tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình, nhưng Khomeini đã khơi mào lại cuộc chiến. Điều ấy dẫn đến bế tắc và cái chết của hàng ngàn binh sĩ Iran ở Iraq. Năm 1988, Khomeini cuối cùng đã đồng ý chấm dứt xung đột theo một thỏa thuận ngừng bắn được Liên Hiệp Quốc đề xuất.

Sau khi Ayatollah Khomeini qua đời vào ngày 03/06/1989, hơn hai triệu người đã tham dự đám tang của ông. Dân chủ hóa dần dần bắt đầu ở Iran vào đầu những năm 1990, lên đến cực điểm trong một cuộc bầu cử tự do vào năm 1997, trong đó nhà cải cách trung lập Mohammed Khatami được bầu làm tổng thống.