Nguồn: Vũ Minh Khương, “Hanoi the ideal place for the Trump–Kim summit”, East Asia Forum, 12/03/2018.
Biên dịch: Phan Nguyên
Vào ngày 8 tháng 3 năm 2018, chính phủ Hoa Kỳ tuyên bố rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại một địa điểm và thời gian sẽ được xác định sau. Các phương tiện truyền thông dường như cùng chung nhận định rằng có hai nơi có thể xảy ra sự kiện đáng ngạc nhiên này: Khu phi quân sự trên bán đảo Triều Tiên hoặc Bắc Kinh.
Địa điểm của cuộc họp mang tính biểu tượng cao và do đó có thể là một động thái chiến lược có giá trị cho cả hai bên. Hà Nội là một lựa chọn lý tưởng, đáp ứng ba tiêu chí quan trọng để có được một kết quả thành công: Cuộc gặp ở Hà Nội sẽ thể hiện sự quan tâm nghiêm túc đối với việc cải thiện cơ bản quan hệ Hoa Kỳ- Triều Tiên; gửi một thông điệp mang tính biểu tượng mạnh mẽ đến cộng đồng thế giới tại nơi mà Việt Nam và Hoa Kỳ đã hòa giải những xung đột đau thương trong quá khứ, và nó cũng chỉ ra các bước chuẩn bị mà Bắc Triều Tiên cần phải làm để tái gia nhập cộng đồng thế giới.
Bằng cách chọn Hà Nội làm địa điểm gặp mặt, hai bên sẽ chứng minh rằng họ nghiêm túc về việc đạt được những thay đổi cơ bản trong chính sách đối với nhau. Hà Nội, trong vai trò một thành phố, cho thấy bằng cách nào chỉ trong vòng một thế hệ, quan hệ ngoại giao có thể được chuyển đổi từ thù địch sang hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau. Trong cuộc chiến tranh Việt Nam- Hoa Kỳ, và thậm chí trước khi khởi động các cải cách kinh tế năm 1986, Hà Nội vẫn là một trung tâm của sự oán giận và nghi ngờ đối với Hoa Kỳ. Ngược lại, người Mỹ bây giờ đã được chào đón ở Hà Nội, nơi đã trở thành một trung tâm trao đổi kinh tế, du lịch và giao lưu văn hoá sôi động.
Việc dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại của Hoa Kỳ đối với Việt Nam năm 1994 và bình thường hóa quan hệ song phương năm 1995 đã có một tác động mạnh mẽ lên nền kinh tế và sự phát triển của Việt Nam. Việt Nam hiện nay là một trong những nước đang phát triển nhanh nhất thế giới, đi lên từ chỗ bị cô lập và bần cùng hóa trong những năm 1980 để trở thành một nền kinh tế mở và năng động. Xuất khẩu của Việt Nam tăng 200 lần trong giai đoạn 1996 đến 2016 và đạt mức 230 tỷ USD vào năm 2017, trong đó 80% là hàng chế tạo và một tỷ trọng đáng kể được xuất sang thị trường Hoa Kỳ. Hơn nữa, Việt Nam đã vượt xa nhiều nền kinh tế lớn trong khu vực, bao gồm Indonesia và Philippines, về tổng giá trị xuất khẩu hàng chế tạo.
Cả Việt Nam và Hoa Kỳ đều coi quan hệ đối tác của họ là mang tính chiến lược và đã tiến hành những nỗ lực mạnh mẽ để làm sâu sắc hơn mối quan hệ này. Chuyến thăm lịch sử của tàu sân bay Hoa Kỳ USS Carl Vinson đến Đà Nẵng vào tháng 3 năm 2018 là một ví dụ đáng chú ý cho thấy cam kết đó. Trong chiến tranh, các tàu sân bay Mỹ đã tới Việt Nam để hỗ trợ các chiến dịch ném bom. Ngày nay, các chuyến thăm của chúng là một biểu tượng đáng mừng của tình hữu nghị.
Bằng cách tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh tại Hà Nội, Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên sẽ gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ cho cộng đồng quốc tế về cách tiếp cận mà họ dự định sử dụng để cải thiện quan hệ: hướng tới tương lai, thực tế và không can thiệp chính trị từ bên ngoài. Việt Nam là một ví dụ phù hợp để Triều Tiên cân nhắc trong việc lựa chọn các chiến lược nhằm bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ và thúc đẩy cải cách kinh tế của mình.
Hà Nội là một sự lựa chọn lý tưởng khi Hoa Kỳ và Triều Tiên xem xét các bước tiếp theo để biến cuộc gặp thượng đỉnh thành các tiến bộ thực chất. Hàn Quốc, một trong những nhà đầu tư lớn nhất và có cam kết mạnh mẽ nhất tại Việt Nam, có thể chứng minh khả năng của mình trong việc giúp Triều Tiên thịnh vượng thông qua việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao, hiện đại hóa kinh tế và hội nhập toàn cầu. Tính đến tháng 12 năm 2017, tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Hàn Quốc tại Việt Nam lên đến 57,7 tỷ đô la Mỹ. Đầu tư từ Samsung và LG, với xuất khẩu tổng cộng gần 50 tỷ đô la Mỹ các sản phẩm điện tử sản xuất tại Việt Nam, đã giúp Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh và đưa cán cân thương mại của Việt Nam từ thâm hụt sang thặng dư. Nếu Triều Tiên cho thấy mong muốn thực lòng hướng tới hòa giải, Hàn Quốc có thể sẵn sàng giúp nước láng giềng của mình thành công.
Tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên ở Hà Nội là một cơ hội để làm nên lịch sử và thúc đẩy các mục tiêu ngoại giao ở một nơi có lịch sử tương tự với bán đảo Triều Tiên. Nếu chọn cải cách và theo đuổi mở cửa thương mại, Triều Tiên có thể sớm trở thành một trong những điểm đến đầu tư, một nền kinh tế mới nổi hấp dẫn nhất, và là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới. Thông qua kinh nghiệm gần đây của mình, Việt Nam có thể cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách Triều Tiên những tư vấn về cách chuyển đổi từ một nền kinh tế chỉ huy, cô lập sang một nền kinh tế thị trường, hội nhập toàn cầu. Sự thay đổi này khó mà dễ dàng, nhưng hiện tại là một cơ hội hiếm có để tưởng tượng xem một Triều Tiên mở cửa và thịnh vượng sẽ trông như thế nào, và làm sao có thể đạt được điều đó.
Tất cả các ý tưởng đều đang để ngỏ, bao gồm cả một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều tổ chức tại Hà Nội.
Vũ Minh Khương là Phó Giáo sư tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, và là giáo sư thỉnh giảng tại Trường cao học về Chính sách Công, Đại học Nazarbaev.