25/03/1941: Nam Tư tham gia phe Trục

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Yugoslavia joins the Axis, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1941, mặc dù đã tuyên bố trung lập, Nam Tư lại tham gia Hiệp ước Ba bên và tạo thành liên minh với các cường quốc phe Trục – Đức, Ý và Nhật.

Sau Thế chiến I, Nam Tư – một quốc gia thống nhất, một liên bang ẩn chứa nhiều bất ổn gồm người Serbia, Croatia và Slovenia – chính là phản ứng trước sự sụp đổ của Đế quốc Ottoman và Đế quốc Áo -Hung của Nhà Hapsburg. Những phần lãnh thổ thuộc hai nước này đã hợp thành Nam Tư. Đi theo chế độ quân chủ lập hiến, Nam Tư đã xây dựng quan hệ hữu nghị với Pháp và Tiệp Khắc trong những năm giữa hai thế chiến.

Thế chiến II bùng nổ, cùng với sự kiện Anschluss (“sáp nhập”) giữa Áo và Đức, Nam Tư gặp áp lực phải trở nên gần gũi hơn với Đức, dù trước đó đã tuyên bố trung lập. Nỗi sợ hãi phải hứng chịu một cuộc xâm lăng như Pháp đã đẩy Nam Tư đến chỗ ký “Hiệp ước Hữu nghị” – một liên minh chính trị chính thức – vào ngày 11/12/1940.

Chiến tranh lan rộng tới Balkans sau khi Ý xâm lăng Hy Lạp, điều quan trọng đối với Hitler là các cường quốc phe Trục là có một đồng minh trong khu vực để làm thành lũy chống lại sự lấn chiếm của quân Đồng minh trên lãnh thổ của phe Trục. Trong cuộc họp vào ngày 14/02/1941, Adolf Hitler đã không thể thuyết phục Thủ tướng Nam Tư Dragisa Cvetkovic chính thức gia nhập phe Trục. Ngày hôm sau, Thủ tướng Anh Winston Churchill đã liên lạc với nhiếp chính Nam Tư, Hoàng thân Paul, nhằm khuyến khích ông kiên định trước các dụ dỗ của Đức. Việc Nam Tư hợp tác với liên quân Anh-Hy Lạp chống lại đợt tấn công của phe Trục vào Hy Lạp là điều rất quan trọng đối với quân Đồng minh.

Nhưng với việc Vua Boris của Bungaria đầu hàng trước người Đức, Hoàng thân Paul đã cảm thấy sức nóng từ Đức Quốc Xã, và vào ngày 20/03, ông yêu cầu Nội các Nam Tư cho phép người Đức tiếp cận Hy Lạp qua ngả Nam Tư. Đã xảy ra tranh cãi trong Nội các, và bốn bộ trưởng từ chức nhằm phản đối đề xuất này. Nhưng cuối cùng thì họ vẫn thất bại trong việc ngăn cản Thủ tướng Cvetkovic ký Hiệp ước Ba bên ở Vienna vào ngày 25/03/1941.

Trong vòng hai ngày, chính phủ của Cvetkovic bị lật đổ bởi một mặt trận thống nhất gồm nông dân, giới chức nhà thờ, công đoàn, và quân đội – đó là phản ứng tức giận đối với liên minh với Đức. Hoàng thân  Paul đã bị phế truất khỏi ngai vàng, và thay vào đó là con trai ông, Vua Peter, người chỉ vừa 17 tuổi. Chính phủ mới, dẫn đầu bởi vị tướng Không quân Dusan Simovic, ngay lập tức từ bỏ Hiệp ước Ba bên. Trong chưa đầy hai tuần, Đức xâm chiếm Nam Tư và chiếm đóng đất nước bằng vũ lực.