Tác giả: Sơ Nguyên
Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa lại gây sốc bằng việc viết lên Twitter “Các cuộc chiến thương mại là tốt, và dễ thắng”, sau hành động được coi là khơi mào tranh chấp thương mại của chính phủ Mỹ với mức thuế 25% lên thép và 10% lên nhôm nhập khẩu vào đầu tháng 3/2018. Trước đó, Mỹ đã đánh thuế lên máy giặt và pin mặt trời vào tháng 1/2018.
Những quan điểm về bảo hộ thương mại và chỉ trích nước ngoài đang hưởng lợi trên lưng nước Mỹ vốn không có gì mới, bởi lẽ ông Trump đã nói nhiều về các vấn đề này ngay từ khi vận động tranh cử. Nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên, ông công khai “tuyên chiến” bằng việc sử dụng cụm từ “chiến tranh thương mại”.
THÓI QUEN GÂY SỐC
Một năm rưỡi đã trôi qua kể từ tháng 11/2016, có vẻ như thế giới vẫn chưa thực sự quen với các phát ngôn gây sốc của ông Trump. Mỗi lần phát ngôn là một lần gây hoang mang cho giới hoạch định chính sách, học giả và doanh nghiệp của Mỹ và ở các nước khác, đồng thời tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo chí và cư dân mạng.
Trước đó, người ta chê cười. Bây giờ, người ta có thể chê, nhưng chưa chắc đã cười. Những tweets ông Trump đưa lên đều có hàm ý nào đó về những việc mà chính quyền của ông có thể làm. Và họ đã cho thấy là đã nói là sẽ làm, sẽ làm được hay không thì đó lại là một câu chuyện khác. Đúng hay sai, lợi hay hại thì còn phải bàn, nhưng thực tế không thể phủ nhận là bất cứ động thái của chính quyền Trump đều gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân Mỹ và chính trị quốc tế.
Lần này cũng vậy, nước Mỹ khiến thế giới đứng ngồi không yên. Các nước xuất khẩu vào Mỹ không thể không lo, bởi lẽ hành động đó sẽ tác động trực tiếp tới miếng cơm manh áo của doanh nghiệp và người dân họ. Rộng hơn, thế giới lo hành động này của Mỹ có thể châm ngòi cho hàng loạt các cuộc trả đũa theo kiểu “ăn miếng trả miếng” giữa các nền kinh tế lớn, trong đó tiêu biểu với Trung Quốc, EU và Nhật Bản.
Kinh tế thế giới năm 2017 vừa qua mới chỉ phục hồi tương đối trở lại, và trong đó thương mại quốc tế là một điểm sáng. Bóng ma về chủ nghĩa bảo hộ vốn rình rập kinh tế thế giới hơn 10 năm nay kể từ cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế 2007-2010 đến nay lại có nguy cơ thành hiện thực.
KHI HÀNG HÓA KHÔNG THỂ VƯỢT BIÊN GIỚI
Lập luận của ông Trump là khi nước Mỹ chịu thâm hụt thương mại 100 tỷ USD với quốc gia nào đó, thì đơn giản chỉ việc áp thuế cao để chặn lại, thế là thắng lợi. Qua đó, doanh nghiệp nội địa của Mỹ sẽ bớt chịu áp lực cạnh tranh hơn, và sẽ mở rộng sản xuất, tạo nhiều việc làm cho người Mỹ.
Hành động này của chính quyền Trump có thể nói là thống nhất với những tuyên bố về “nước Mỹ trên hết” và những luận điểm, cũng như chỉ trích được ông Trump lặp đi lặp lại trong quá trình vận động tranh cử từ năm 2016 đến nay.
Thực tế trong lịch sử, với tư thế của nước lớn, nước Mỹ đã không dưới hai lần khơi mào các tranh chấp thương mại ở quy mô lớn. Đáng kể nhất phải nhắc đến năm 1930, khi đạo luật Smoot – Hawley được Tổng thống Herbert Hoover đưa ra nhằm bảo vệ nền nông nghiệp Mỹ đang suy thoái.
Trước đó khi vận động tranh cử, ông Hoover hứa sẽ bảo vệ lợi ích của nông dân Mỹ trong những năm đầu của Đại khủng hoảng, và ông đã thực hiện điều đó. Tuy nhiên, việc áp dụng thuế với hơn 20.000 mặt hàng nhập khẩu, mức cao nhất lên đến gần 60% – cao bằng thời kỳ thực dân, đã khiến cho tiêu dùng và sản xuất trong nước Mỹ rối loạn, và khiến các nước khác trả đũa thương mại.
Kết quả là thương mại toàn cầu rơi vào vòng xoáy sụp đổ, giảm 66% trong 5 năm từ 1929-1934. Cuộc Đại khủng hoảng bị đổ thêm dầu vào lửa, trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết và là một trong những nguyên nhân gián tiếp dẫn đến Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tổng thống Hoover sau đó cũng chỉ tại nhiệm được đúng một nhiệm kỳ, và tổng thống mới từ Đảng dân chủ Franklin D. Roosevelt đã gỡ bỏ đạo luật này.
Lần thứ hai là vào thập kỷ 1980s, khi mà nước Mỹ đã ở vị trí số 1 về kinh tế nhưng đang phải đối mặt với sự thách thức đến từ Nhật Bản. Khi đó, nền công nghiệp nặng của Mỹ, đặc biệt ở các bang Trung Đông Bắc thuộc “vành đai công nghiệp” (Rust Belt) bị sa sút nặng nề và vấp phải cạnh tranh của hàng công nghiệp Nhật Bản. Các ông lớn sản xuất ôtô như General Motors, Ford và Chrysler điêu đứng vì những chiếc xe Nhật Bản gọn nhẹ, tiết kiệm nguyên liệu tràn ngập thị trường nội địa Mỹ.
Hai nước đã lời qua tiếng lại rất nhiều lần, và Nhật Bản đã nhượng bộ bằng tự nguyện hạn chế xuất khẩu sang Mỹ. Mặc dù vậy, người Nhật cũng không chịu thiệt khi họ ứng phó bằng cách xuất khẩu sang Mỹ những chiếc xe chất lượng cao, với cái giá đắt hơn, và qua đó duy trì lợi nhuận lớn. Chính quyền của Tổng thống Ronald Reagan khi đó đã tiếp tục thực hiện các mức thuế khác nhau, bao gồm 45% lên xe môtô và 100% lên các sản phẩm điện tử – tất cả đều là nhằm vào Nhật Bản. Trên một khía cạnh nào đó, những biện pháp này của chính quyền Reagan đã phát huy tác dụng vào thời điểm đó.
NHỮNG BƯỚC LẶP CỦA LỊCH SỬ
Lịch sử luôn có những sự trùng lặp trở lại. Bối cảnh ông Trump hiện tại có thể coi là một sự kết hợp của hai người tiền nhiệm. Ông đã hứa hẹn nhiều về việc sẽ bảo hộ nền kinh tế nội địa của Mỹ như Tổng thống Hubert Hoover. Cũng giống như ông Reagan phải ứng phó với Nhật Bản thì ngày nay, ông Trump cũng đứng trước một đối thủ kinh tế đáng gờm với các mặt hàng xuất khẩu tràn ngập nước Mỹ – đó là Trung Quốc. Bản thân ông Donald Trump cũng là một người hâm mộ cuồng nhiệt của Tổng thống Reagan, ngay từ khi tranh cử đã cho rằng nước Mỹ cần những chính sách bảo hộ như thời Reagan.
Lịch sử cũng luôn cho thấy những nghịch lý oái oăm. Nước Mỹ trong suốt quá trình phát triển của mình đều dựa rất lớn vào thương mại tự do. Đặc biệt kể từ thời kỳ của chủ nghĩa đế quốc trước đây, Mỹ luôn coi mình là kẻ đi đầu trong tự do thương mại quốc tế. Nhưng cũng chính họ, khi cảm thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm, hoặc khi rơi vào thế chịu thiệt, thì lại sử dụng những biện pháp bảo hộ và thậm chí là gây chiến thương mại.
Sau cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu 2007-2010, nước Mỹ là nơi xuất phát của khủng hoảng cũng là quốc gia lên tiếng tại các hội nghị G20 sau đó về “bất cân bằng thương mại”. Chính quyền tổng thống Obama khi đó đã chỉ trích Trung Quốc, và thậm chí hai đồng minh thân cận là Đức và Nhật Bản, hàm ý rằng họ đang làm lợi trên lưng nước Mỹ.
Mặc dù còn nhiều tranh cãi về quan điểm, nhưng các nhà kinh tế nói chung sẽ công nhận với nhau rằng không phải cứ bảo hộ là sai, và không phải cứ tự do mở cửa thương mại là tốt cho một nền kinh tế. Ít nhất là về lý thuyết, khi mở cửa, nền kinh tế quốc gia về tổng thể sẽ có lợi: hoặc là người tiêu dùng có thể mua hàng rẻ hơn, hoặc là doanh nghiệp nội địa có thể xuất khẩu và qua đó bán hàng nhiều hơn. Ở chiều ngược lại, lập luận chính cho bảo hộ thương mại đó là giữ lại việc làm và bảo vệ doanh nghiệp trong nước, khả năng tự chủ về kinh tế của một quốc gia, chống lại các tác hại về môi trường, sức khỏe của hàng hóa nước ngoài và trong đảm bảo sự phát triển của nền công nghiệp quốc phòng đối với một số ngành công nghiệp nặng.
Với việc áp dụng thuế lên thép và nhôm, ông Trump tuyên bố sẽ bảo vệ việc làm cho người dân Mỹ, và đồng thời giúp nền công nghiệp nội địa Mỹ phát triển, trong đó có cả công nghiệp quốc phòng – vốn được ông rất ủng hộ. Tuy nhiên, chính sách này có thể để lại nhiều rủi ro, bởi lẽ thép và nhôm là nguyên liệu đầu vào cơ bản của nhiều chuỗi sản xuất công nghiệp, từ sản xuất lon Coca-Cola đến xe tăng, máy bay.
Áp dụng mức thuế sẽ khiến cho chi phí đầu vào tăng cao, và doanh nghiệp Mỹ có thể sẽ phải thu hẹp sản xuất, từ đó lại dẫn đến mất việc làm của người dân Mỹ. Ngay cả lập luận về bảo vệ công nghiệp nội địa cũng không thuyết phục, bởi lẽ thường thì chính phủ chỉ nên bảo vệ các nền công nghiệp non trẻ. Còn đây rõ ràng là sau nhiều thập kỷ sa sút, nước Mỹ đã chứng tỏ họ không còn lợi thế so sánh trong các nền công nghiệp này nữa.
Công nghệ hiện đại thế kỷ 21 và hướng tới 4.0 đã khiến cho sản xuất công nghiệp nói chung ngày càng sử dụng ít lao động hơn. Nên việc áp thuế chưa chắc đã giúp ích nhiều trong mang lại việc làm. Đó là chưa kể đến khả năng các nền kinh tế lớn khác như EU, Trung Quốc và Nhật Bản tiến hành trả đũa bằng cách áp dụng các loại thuế khác hoặc tương tự lên hàng hóa của Mỹ xuất khẩu vào nước họ. Doanh nghiệp Mỹ qua đó sẽ chịu thiệt thòi không nhỏ.
Tình huống trở nên phức tạp hơn nhiều khi mà các yếu tố chính trị phủ bóng lên các lập luận về kinh tế. Việc mở cửa thị trường sẽ tạo ra tình huống kẻ thắng – người thua. Trong khi người tiêu dùng nước Mỹ nói chung hưởng lợi từ các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ hơn, những người nông dân Mỹ ở thời kỳ 1930s hay các doanh nghiệp ôtô như General Motors, Ford, Chrysler ở thành phố Detroit chính là những kẻ thua cuộc như vậy – khi mà họ không thể cạnh tranh được ngay tại sân nhà trước các đối thủ nước ngoài. Và khi thua thì người ta thường hay lên tiếng phản đối dữ dội hơn lúc được.
Họ sử dụng mọi biện pháp để gây áp lực lên nhà cầm quyền địa phương mình, và mạnh hơn nữa là dùng các kênh lobby để tác động tới Washington. Khi ấy, các chính trị gia vì muốn tranh thủ phiếu bầu sẽ phải đáp ứng yêu cầu của họ. Vụ kiện cá tra, cá basa của các bang Mississippi, Alabama, Arkansas, Louisiana đối với Việt Nam những năm vừa qua là một ví dụ điển hình.
ĐẰNG SAU THƯƠNG MẠI LÀ CHÍNH TRỊ
Chiến tranh thương mại không đơn thuần xuất phát từ những lợi ích kinh tế. Ví dụ như việc Mỹ và phương Tây cấm vận Triều Tiên, đó không phải là chiến tranh thương mại, mà là sử dụng các công cụ kinh tế một chiều để đạt phục vụ mục đích trong đối ngoại. Đa số các tranh chấp thương mại được đưa ra tại WTO cũng không hẳn là chiến tranh thương mại nếu đó là các vụ việc nhỏ lẻ xuất phát từ mâu thuẫn quan hệ kinh tế – thương mại giữa hai quốc gia. Chiến tranh thương mại là sự giao thoa của những toan tính lợi ích về kinh tế, chính trị nội bộ và chính trị quốc tế.
Trở lại câu chuyện của ông Trump. Cần nhớ lại rằng tháng 11/2016, ông giành chiến thắng trước bà Hillary Clinton bởi đã đánh trúng vào tâm lý “kẻ thua” của những người Mỹ da trắng bị “bỏ bơi” sau nhiều thập kỷ, tiêu biểu nhất là từ những vùng công nghiệp nặng đang sa sút.
Tuyên bố “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” là nhằm khơi dậy mơ ước được quay trở lại thời kỳ hoàng kim của những thành phố công nghiệp nặng như Detroit, của những người Mỹ da trắng làm chủ chính mảnh đất của mình. Việc đánh thuế lên thép, nhôm, các mặt hàng công nghiệp nhập khẩu chính là để ông Trump thể hiện rằng mình đã thực hiện lời hứa đó. Và hơn hết, cái đích ông nhắm tới là cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ diễn ra vào cuối năm nay.
Một thất bại trong cuộc bầu cử này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tái tranh cử nhiệm kỳ hai của ông, đó là còn chưa nói đến ý nghĩa sống còn khi nguy cơ bị luận tội truất quyền tổng thống trước thời hạn vẫn còn đang đeo bám ông Trump. Bởi lẽ đó, những chính sách kể từ khi nắm quyền đến nay của Thổng thống Trump chủ yếu tập trung vào tranh thủ sự ủng hộ của những cử tri trước đó đã bầu cho ông, thay vì hỗ trợ các vùng bờ Đông và bờ Tây – vốn ủng hộ phe Đảng Dân chủ.
Mũi tên của ông Trump cũng hàm ý nhằm vào một cái đích thứ hai, đó là quốc gia xuất khẩu thép lớn nhất thế giới là Trung Quốc. Tại tài liệu Chiến lược An ninh Quốc gia công bố cuối năm ngoái, chính quyền Mỹ đã nêu đích danh Trung Quốc (cùng với Nga) là hai quốc gia “xét lại” đang mong muốn thay đổi trật tự thế giới và vị trí số 1 của nước Mỹ. Kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, nước Mỹ luôn để ý nhận thức ai sẽ thách thức vị trí số 1 của mình, dù là quân sự, kinh tế hay ảnh hưởng quốc tế. Trải qua các thời kỳ, đó là Liên Xô, Đức, Nhật Bản và nay là Trung Quốc.
Việc Mỹ – nhà nhập khẩu thép lớn nhất thế giới có biểu hiện khơi mào chiến tranh thương mại với Trung Quốc – nhà xuất khẩu thép lớn nhất thế giới cũng khiến cho người ta hoài nghi về mục tiêu thực sự. Bởi lẽ Canada, Brazil, Mexico mới là những nhà xuất khẩu thép lớn nhất vào Mỹ, trong khi hiện nay Trung Quốc chỉ chiếm 3%. Thực tế, cuộc chiến thương mại về thép với Trung Quốc đã được khởi mào từ trước bởi chính quyền Tổng thống Obama vào năm 2016 với mức thuế lên tới 500% vào các mặt hàng thép Trung Quốc, khiến lượng xuất khẩu giảm 2/3. Vì vậy, nhiều chỉ trích với Tổng thống Trump lần này rằng chính sách thuế của ông sẽ chỉ khiến các nước đồng minh như Canada và EU chịu thiệt chứ không phải Trung Quốc.
Tuy nhiên, sẽ là hàm hồ nếu khẳng định nhóm cố vấn của ông Trump không biết điều này. Chính quyền Mỹ hoàn toàn có thể xem xét miễn trừ mức thuế này đối với các nước đồng minh như Canada, và chỉ áp dụng đối với các nước mà họ cho là không đồng minh, không thân thiện như Trung Quốc và Nga.
Mặt khác, Mỹ hiện chiếm 36% lượng nhập khẩu thép của thế giới, trị giá khoảng 33 tỷ Đô-la. Một nước nhập khẩu thép lớn nhất như Mỹ có thể có khả năng gây ảnh hưởng tới cung cầu thế giới. Mức thuế cao, nhu cầu thép giảm và việc phân biệt đối xử với đối thủ sẽ làm lệch dòng thương mại và qua đó vắt kiệt hơn nữa khả năng xuất khẩu của Trung Quốc và Nga. Tất nhiên, đó là kịch bản, còn thực tế chưa chắc đã như vậy.
Những quốc gia lớn bị ảnh hưởng đều lên tiếng phản đối gay gắt, bao gồm Canada, EU và Trung Quốc. Tuy nhiên, những đồng minh của Mỹ như Canada và EU đều có lợi thế vì họ có thể đàm phán, trao đổi với Mỹ để tìm ra giải pháp được lòng cả đôi bên. EU nhận thức rất rõ động cơ chính trị của ông Trump và họ đã tấn công đúng vào điểm yếu này khi dọa sẽ đánh thuế xe Harley-Davidson và rượu Bourbon. Đây chính là hai mặt hàng xuất khẩu đến từ bang Wisconsin của Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan và bang Kentucky của Lãnh đạo Thượng viện Mitch McConnell. Mất sự ủng hộ của cả hai nhân vật này, Trump sẽ bị phong tỏa và khó đưa ra được chính sách gì trong những năm tại nhiệm còn lại.
Trong khi đó, Trung Quốc và Nga sẽ khó khăn hơn nhiều. Trung Quốc mới đây đã tuyên bố sẽ đưa vụ tranh chấp này ra WTO và xem xét khả năng trả đũa bằng cách đánh thuế các mặt hàng nông nghiệp của Mỹ nhập khẩu vào nước này. Cũng đừng nên quên rằng vào năm 2002, chính quyền Bush cũng áp dụng thuế lên mặt hàng thép của Trung Quốc, bị Trung Quốc kiện ngược lại và buộc phải rút chính sách thuế.
Lý do khác cần xét đến là đây có thể là một trong những chiêu bài của chính quyền Mỹ nhằm hướng tới đàm phán lại các thỏa thuận thương mại song phương. Ông Trump vốn tự hào về khả năng đàm phán của mình, đặc biệt với phương thức đẩy vấn đề lên rất cao để tạo vị thế thuận lợi khi đàm phán. Cách của ông là thích gây sốc, và tạo dấu ấn mạnh.
Chuỗi hành động áp đặt thuế theo kiểu bảo hộ này có thể là một trong những bước đi chuẩn bị cho sau này. Trước đó, ông đã không ngần ngại chỉ trích các hiệp định thương mại trước đó của Mỹ, tiêu biểu như NAFTA là một thảm họa. Bản thân ông Trump không phải là một người chống lại thương mại một cách cực đoan, mà ông muốn tạo dấu ấn bằng các thỏa thuận thương mại mới, tiêu biểu như vậy tuyên bố sẽ sẵn sàng đàm phán thương mại song phương với các nước thuộc CPTPP.
PHÍA SAU ĐỐI NGOẠI LÀ ĐỐI NỘI
Việc áp thuế lên thép và nhôm mới đây của ông Trump có nguồn gốc từ những quan điểm của ông kể từ khi tranh cử, và nó xuất phát từ những toan tính chính trị của chính quyền Đảng Cộng hòa thời điểm hiện nay, cũng như đặt trong bối cảnh một nước Mỹ đang vật lộn bám giữ lấy vị trí số 1 của mình trước những thách thức của một thế giới đa cực và toàn cầu hóa đang biến đổi rất nhanh. Gần như chắc chắn đây là một, và sẽ còn những bước đi chính sách khác của chính quyền ông Trump nhằm đạt tổng thể những mục đích và vấn đề chung đó.
Sẽ cần thời gian để khẳng định được cuối cùng thì chính sách bảo hộ của chính quyền ông Trump có thực sự phát huy tác dụng hay không, và động lực mạnh nhất đằng sau đó là gì. Nhưng có thể khẳng định quyết định này sẽ gây ra nhiều tác động trực tiếp tới kinh tế Mỹ, đời sống quan hệ quốc tế cũng như gia tăng chia rẽ trong nội bộ Mỹ. Mới đây, cố vấn kinh tế, người đứng đầu Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Gary Cohn đã từ chức. Ông Cohn vốn được coi là chiến binh cuối cùng đấu tranh bảo vệ tự do thương mại tại Nhà Trắng. Bên ngoài nước Mỹ, các nước như Canada, Trung Quốc và EU lần lượt tuyên bố đang chuẩn bị các biện pháp trả đũa thương mại.
Chiến tranh thương mại tốt hay không cho một quốc gia thì còn chưa biết. Nhưng chắc chắn sẽ không dễ dàng. Nước Mỹ chắc chắn sẽ chịu thiệt hại, bởi lẽ giá cả trong nước Mỹ sẽ tăng, và các quốc gia khác sẽ không khoanh tay đứng nhìn. Chiến tranh thương mại là một cuộc chơi tốn kém, bản chất là xem ai có thể chịu đau nhiều hơn và dài hơn, vốn không dành cho người nghèo. Một nền kinh tế Mỹ mới khởi sắc chút ít trong vài năm trở lại đây chưa chắc sẽ đứng vững về lâu dài. Và điều nguy hiểm hơn, như đã nói, là việc “ăn miếng trả miếng” sẽ có thể nối đuôi nhau và kết quả là kéo toàn bộ hệ thống thương mại đi xuống, trong khi nền kinh tế thế giới hiện nay vốn đã không khỏe mạnh gì cho cam.
Trong một thế giới bất định như vậy, nước Mỹ liên tục khuấy nước để củng cố và tìm lại vị trí của mình, và các nước khác tìm kiếm các giải pháp để giảm thiểu tác động, thì một ẩn số lớn đang đặt ra đối với một người khổng lồ khác ở bên kia bán cầu.
Nguồn: Zing News