Nguồn: Roderick MacFarquhar, “How Mao Molded Communism to Create a New China“, The New York Times, 23/10/2017.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Trong thời khắc cuối đời, khi đang hấp hối vì căn bệnh xơ cứng teo cơ (bệnh Lou Gehrig), Mao Trạch Đông tuyên bố hai thành tựu của mình là gồm đưa cách mạng cộng sản đi đến chiến thắng và phát động Cách mạng Văn hoá. Bằng cách nhấn mạnh những giai đoạn này, ông cũng nhấn mạnh mâu thuẫn suốt đời trong thái độ của ông đối với cách mạng và quyền lực nhà nước.
Mao định hình chủ nghĩa cộng sản cho phù hợp với hai khía cạnh tính cách của mình. Nói như người Trung Quốc, ông vừa là một vị vua hổ, vừa là một hầu vương.
Đối với người Trung Quốc, hổ là vua của rừng rậm. Còn trong thế giới loài người, “hổ” là cách gọi một quan chức cao cấp. Cơ quan chủ trì cuộc chiến chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình ngày nay vẫn thích thông báo mỗi khi họ đả được một con hổ. Bằng cách lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đi đến chiến thắng vào năm 1949, Mao đã trở thành con hổ mạnh nhất.
Trong khi đó, hầu vương là hình ảnh tưởng tượng về một siêu nhân, một con vật biết đi mây về gió và ưa dùng chiếc gậy thần của mình vào những mục đích mang tính hủy diệt. Nó rất khôn ngoan. Người thường và thậm chí là thần thánh cũng chẳng thể đánh bại nó.
Trong những bài viết đầu tiên của mình, Mao dường như đã miêu tả bản thân như siêu nhân kiểu Nietzsche, hay một con hổ:
Hành động vĩ đại của người anh hùng là của chính anh ta, là biểu hiện cho sức mạnh ý chí của anh, cao cả và thanh sạch, không hề dựa trên bất cứ tiền lệ nào. Sức mạnh của anh ta giống như cơn cuồng phong phát xuất từ hẻm núi sâu, giống như khao khát không thể cưỡng lại dành cho tình nhân, một sức mạnh sẽ không dừng lại, không thể bị dừng lại. Tất cả mọi trở ngại sẽ biến mất trước anh ta.
Vào đầu thập niên 1920, trong lúc lang thang ở vùng nông thôn của tỉnh Hồ Nam, Mao đã nói với người bạn đồng hành rằng ông thấy mình là hiện thân cho truyền thống của những nông dân đã sáng lập nên các triều đại Trung Hoa, đặc biệt là Lưu Bang, người sáng lập nên nhà Hán. Nhưng đến năm 42 tuổi, ngay sau khi những người sống sót trong cuộc Vạn lý Trường chinh cuối cùng đã đến đích an toàn ở tây bắc Trung Quốc, Mao lại thể hiện sự khinh thường đối với tất cả các hoàng đế vĩ đại của quá khứ. Trong một bài thơ nổi tiếng, Tuyết, Mao viết:
Giang sơn đẹp đẽ biết bao
Làm ngất ngây
Vô số bậc anh hào
Tiếc Tần Hoàng Hán Vũ
Kém phần văn nhã
Đường Tông Tống Tổ
Thiếu vẻ thanh tao
Một thuở kiêu hùng
Thành Cát Tư Hãn
Chỉ giỏi cung loan bắn đại điêu
Còn đâu nữa?
Điểm mặt phong lưu thử.
Dù ước mơ vinh quang thuở đầu của Mao có tự phụ đến mấy, thì vai trò lãnh đạo tối cao của ông cũng hoàn toàn không được định trước. Trước khi công khai theo chủ nghĩa Marx ở tuổi 27, Mao là một người theo chủ nghĩa dân tộc mộc mạc ở vùng tỉnh lẻ. Ông đã từ chối tin rằng nước Trung Hoa Dân quốc mới sẽ sống sót, tự hỏi liệu Hồ Nam có bao giờ trở thành một tiểu bang của Mỹ hay không, và ủng hộ việc tất cả các tỉnh của Trung Quốc trở thành các quốc gia riêng biệt.
Phải đến tháng 11/1920, ông mới thừa nhận thất bại: Dân Hồ Nam không đủ tầm để hiểu hết được ý tưởng của Mao. Ông đã viết cho những người bạn là nhà hoạt động ở thủ phủ của tỉnh để nói rằng mình giờ đây sẽ trở thành một nhà xã hội chủ nghĩa. Ông đã quyết định đúng lúc.
Các nhóm cộng sản đã được lập ra ở Thượng Hải, Bắc Kinh và các thành phố khác, và giữa năm 1921, Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ nhất được tổ chức. Mao, người nhanh chóng tổ chức một nhóm cộng sản ở Hồ Nam, đã giành được một trong 12 suất đại biểu tham dự. Ông đã sớm là một con hổ.
Các đặc vụ Liên Xô tài trợ và chỉ đạo cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong thời kỳ mới thành lập đã báo cáo về Comintern, cơ quan truyền bá ý tưởng và tầm ảnh hưởng của Liên Xô ở nước ngoài. Với ký ức về thất bại trong chiến tranh Nga – Nhật (1904 – 1905) và trong việc cạnh tranh với Nhật Bản để giành ảnh hưởng tại Mãn Châu, Liên Xô cần một Trung Quốc mạnh mẽ để làm đồng minh chống lại chủ nghĩa bành trướng của Nhật.
Nhưng ĐCSTQ non trẻ vẫn còn quá yếu. Liên Xô đã quyết định ủng hộ nhà cách mạng nổi tiếng, người đã giúp hạ bệ triều đại Mãn Châu nhưng sau đó lại bị các lãnh chúa gạt sang bên lề: Tôn Trung Sơn.
Họ cung cấp kinh phí, giúp Tôn tổ chức lại Quốc Dân Đảng (QDĐ) và giúp ông đào tạo một đội quân. Các thành viên ĐCSTQ được các đặc vụ của Comintern chỉ thị hỗ trợ QDĐ, và thậm chí trở thành thành viên của đảng này, nhưng vẫn giữ lòng trung thành của họ đối với cộng sản. Kế hoạch là nhằm giúp ĐCSTQ tiếp quản QDĐ từ bên trong, sau khi mặt trận liên hiệp này đánh bại các lãnh chúa Trung Quốc.
Hầu hết các lãnh đạo ĐCSTQ đã phản đối chính sách của Comintern; họ nghĩ hợp tác với QDĐ “tư sản” sẽ làm suy đồi các thành viên của họ. Nhưng ai trả tiền thì kẻ ấy có quyền quyết định, và thành viên ĐCSTQ bắt đầu gia nhập QDĐ, trong số đó hiếm ai hăng hái hơn Mao.
Có hai sự kiện đã đưa Mao vào một con đường mới, định hình cho sự nghiệp của ông. Đầu tiên là cuộc tấn công của Tưởng Giới Thạch vào Đảng Cộng sản. Đến năm 1927, sau cái chết của Tôn Trung Sơn, Tưởng Giới Thạch đã lên đảm nhận vai trò lãnh đạo QDĐ, và ông đã chinh phục được phần lớn miền nam đất nước. Hiểu được mục tiêu dài hạn của Liên Xô là để ĐCSQT lật đổ QDĐ, Tưởng đã phá vỡ kế hoạch này vào tháng 05/1927 bằng cách ra lệnh thanh trừng phe Cộng sản, chủ yếu ở Thượng Hải. Các nhà lãnh đạo cộng sản đã tan tác khắp nơi.
Sự kiện khác là trải nghiệm của Mao về quyền lực của người nông dân. Sau cái chết của cha mẹ, Mao và hai người anh em của ông được sở hữu một cơ ngơi tài sản đáng giá mà cha ông gầy dựng tại quê nhà. Gia đình họ đã đi từ nông dân nghèo khó trở nên giàu có. Và mặc dù đã lớn lên giữa những đau khổ của đời sống nông thôn, khi là một người cộng sản non trẻ, Mao đã tập trung vào giai cấp vô sản thành thị cho đến khi Moskva, nhận ra rằng Trung Quốc rất khác biệt, đã ra lệnh nên chú ý hơn đến nông dân.
Mao trở nên tích cực trong các vấn đề nông dân, và trải nghiệm mang tính cách mạng của ông là việc chứng kiến và ghi chép lại cuộc nổi dậy ở tỉnh Hồ Nam quê nhà. Trong một đoạn văn nổi tiếng, ông bác bỏ cáo buộc rằng những người nông dân “đã đi quá xa”:
Một cuộc cách mạng không giống như mời mọi người đến ăn tối, hoặc viết một bài luận, hoặc vẽ tranh, hoặc thêu hoa; nó không thể là bất cứ điều gì tinh tế, bình tĩnh và nhẹ nhàng.
Chứng kiến cảnh đổ máu ở vùng nông thôn Hồ Nam, Mao đã khám phá một khía cạnh khác của mình. Như học giả kiêm nhà ngoại giao Richard Solomon đã chỉ ra, Mao tìm thấy niềm vui trong sự “loạn”. Khi còn trẻ, Mao đã viết rằng để thay đổi, Trung Quốc phải “bị phá hủy và cải cách.” Giờ đây, ông nhận ra rằng chỉ có nông dân mới có thể làm được điều đó. Và Mao sẽ là vị hầu vương dẫn dắt sự tàn phá đó.
Nguyên bản của vị vua khỉ là cuốn tiểu thuyết Trung Hoa kinh điển “Tây Du ký.” Được cho là viết về nhà sư người Trung Quốc nổi tiếng, Huyền Trang, người đã thực hiện chuyến đi đầy khó khăn vượt dãy Himalaya để tìm kiếm chân kinh của Phật giáo ở Ấn Độ, “Tây Du ký” một câu chuyện huyền ảo trong đó Tôn Ngộ Không, vua khỉ, đã đóng vai trò quan trọng khi là người hộ tống nhà sư Huyền Trang. Vào đầu những năm 1960, giữa lúc ĐCSQT đang có tranh cãi với Đảng Cộng sản Liên Xô, Mao đã lên tiếng khen ngợi Tôn Ngộ Không:
Đất bằng khi nổi trận lôi đình
Thì thấy tòi ra Bạch Cốt Tinh
Lão sãi ngây ngô còn dễ dạy
Con yêu nham hiểm chuyện không lành
Khỉ vàng, thiết bổng vung tin tít
Lầu ngọc, trần ai quét sạch sanh
Nay lại hoan hô Tôn đại thánh
Chỉ vì yêu khí mới hồi sinh.
Sau đó, Mao đã nhanh chóng thăng tiến, từ chỉ huy đội quân du kích cuối thập niên 1920 trở thành một nhà lãnh đạo đảng vào giữa thập niên 1930 trong cuộc Vạn lý Trường chinh, hành trình của các thành viên ĐCSTQ từ đông nam đi về tây bắc để tránh các cuộc tấn công của Tưởng Giới Thạch. Đây là một sự kiện rất lớn trong biên niên sử của ĐCSTQ vì nó kéo dài đến một năm, vượt qua khoảng 6.000 dặm, và với 85.000 người ra đi thì chỉ có gần 8.000 người còn sống sót về đến tây bắc. Mao khi ấy đã rút ra hai bài học: “Quyền lực đẻ ra từ nòng súng”; và trong phần lớn thời gian, rất khó để tập hợp nông dân bởi vì họ phải chăm lo đồng ruộng và gia đình.
Từ giữa những năm 1930 đến giữa những năm 1950, Mao đã đóng vai hổ. Ông là người lãnh đạo một đảng và một đội quân ngày càng mạnh mẽ và hiệu quả, sống sót qua cuộc chiến chống lại người Nhật và sau đó đánh bại cả Tưởng Giới Thạch và QDĐ trong nội chiến cuối những năm 1940. Trong giai đoạn 1949 – 1956, Mao dẫn dắt việc thiết lập chế độ độc tài cộng sản tại Trung Quốc, loại bỏ mọi chống đối, dù có thực hay chỉ là tưởng tượng, và chuyển đổi quyền sở hữu phương tiện sản xuất từ tay tư nhân sang cho nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Sau đó, ông lần đầu tiên áp dụng vai trò vua khỉ. Theo quan điểm của một cán bộ ĐCSTQ, “vua khỉ” ở đây có thể được định nghĩa là bất kỳ biện pháp nào có thể làm gián đoạn các quy trình vận hành tiêu chuẩn của đảng. Các cán bộ đảng đã không đánh giá cao khi Mao, vào năm 1956, khuyên các trí thức “Hãy để Trăm hoa đua nở,” và một năm sau đó lại một lần nữa khuyến khích trí thức phê bình đảng. Là thành phần tinh hoa cầm quyền, các cán bộ không thích bị chỉ trích, và dù Mao đã hứa rằng những lời chỉ trích này sẽ chỉ giống như một cơn mưa rào, nhưng khi nó biến thành một cơn bão, ông đã nhanh chóng kết thúc chiến dịch và thanh trừng những người phê bình.
Mao thật sự đã trở thành vua khỉ khi bắt đầu Cách mạng Văn hoá vào năm 1966 để xua tan “sương mù” của “chủ nghĩa xét lại” kiểu Liên Xô trong ĐCSTQ. Giờ đây, chính giới trẻ Trung Quốc, chứ không phải những người nông dân, đã trở thành những kẻ phá hoại của Mao, khi các cơ quan đảng và chính phủ lớn bị phá hủy và các quan chức bị làm nhục và thanh trừng.
Đối với Mao, Cách mạng Văn hoá đã kết thúc vào năm 1969 với việc bổ nhiệm một ban lãnh đạo mới, và hy vọng có tính cách mạng hơn. Nhưng mặc dù ông đã đánh sập hệ thống quan liêu lâu đời của Trung Quốc bằng một đòn chí mạng, ông biết rằng nó vẫn có thể trỗi dậy từ tro tàn. Ông luôn nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ thường xuyên phải trải qua những cuộc Cách mạng Văn hoá như vậy.
Nhưng khi người kế nhiệm mà Mao lựa chọn, Hoa Quốc Phong, lặp lại khẩu hiệu đó, ông đã bị lật đổ. Đặng Tiểu Bình và những đồng chí sống sót của ông không muốn có thêm bất kỳ một vua khỉ nào khác đưa đảng cộng sản và đất nước rơi vào cảnh hỗn loạn một lần nữa.
Thế nhưng ngày nay, lãnh đạo đương nhiệm của Trung Quốc, Tập Cận Bình, với chiến dịch chống tham nhũng không ngừng nhằm làm cho các quan chức trung thành hơn, lại đang phát động một cuộc Cách mạng Văn hoá khác chống lại bộ máy quan liêu, dù lần này do trung ương kiểm soát chứ không phải xuất phát từ đường phố.
Đây là hành động của một vị vua khỉ. Dù ngày nay không có hỗn loạn, nhưng chắc chắn là nỗi sợ hãi và oán hận vẫn lan rộng khi cây thiết bảng của ông đang mang lại nhiều nạn nhân hơn.
Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 19 đã xác nhận Tập là con hổ đầu đàn, là nhà cai trị quyền lực nhất kể từ thời Mao. Nhưng Tập sẽ phải đảm bảo khía cạnh “vua khỉ” của ông không được quá lớn. Là nhà sáng lập cách mạng, Mao không bao giờ có thể bị lật đổ. Nhưng là một người kế nhiệm cách mạng, Tập có thể.
Roderick MacFarquhar là giáo sư tại Đại học Harvard và là tác giả của nhiều cuốn sách về lịch sử Trung Quốc dưới thời Mao.
Bản dịch các bài thơ trong bài được tham khảo từ các nguồn trên internet.