Nguồn: “Why hasn’t Bosnia and Herzegovina collapsed?”, The Economist, 01/11/2017
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Từ Tây Ban Nha đến Ukraine, từ Scotland đến miền bắc Italy, các vấn đề khu vực đe doạ đến sự toàn vẹn của các quốc gia châu Âu. Những kỳ vọng tương tự vẫn tồn tại liên quan đến Bosnia. Kể từ khi chiến tranh Bosnia chấm dứt vào năm 1995, các chính trị gia, nhà báo và các nhà phân tích đã cảnh báo về sự sụp đổ từ bên trong sắp xảy ra tại đất nước này. Nhiều năm sau khi kết thúc nhiệm kỳ của mình với tư cách Đại diện cao cấp của EU về Bosnia, Paddy Ashdown đã nói về nỗi lo ngại của mình rằng đất nước này đang tiến tới sự chia tách. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Ngay cả khi tương lai của các nước châu Âu khác bị nghi ngờ, Bosnia vẫn chậm rãi tiến lên. Tại sao quốc gia này lại không sụp đổ?
Chiến tranh đã đặt ba nhóm sắc tộc chính của Bosnia – người Serb, người Croat và người Bosniak (người Hồi giáo) – vào thế đối đầu nhau. Đất nước này đã sụp đổ sau khi Nam Tư cũ tan rã, và Serbia lẫn Croatia đã toan tính đưa nó vào trong kế hoạch của họ để hình thành một Đại Serbia hoặc một Đại Croatia. Các cộng đồng bây giờ sống tách biệt hơn trước chiến tranh, nhưng ở mức độ cá nhân, những người dân vẫn còn hòa đồng với nhau. Thoả thuận hòa bình giúp kết thúc chiến tranh trước đây có các phương thức phức tạp về cách điều hành đất nước này. Kết quả là, vị trí tổng thống của đất nước được chia sẻ giữa một người Serb, một người Croat và một người Bosniak (hình trên), những người này lần lượt làm tổng thống trong mỗi tám tháng.
Bosnia hiện đại bao gồm hai “thực thể” dựa trên sắc tộc, cả hai đều có các chính phủ và tổng thống riêng của mình, cộng thêm Brcko, một quận tự trị. Một thực thể là Cộng hòa Srpska nơi người Serb chiếm đa số, và thực thể còn lại là Liên bang (Federation), bao gồm đa số người Bosniak và Croat. Liên bang bao gồm mười bang (cantons), mỗi bang có thủ hiến riêng. Các nhà phê bình cho rằng tất cả những điều này là cực kỳ vô lý. Nhưng tình trạng phức tạp như vậy không phải chỉ ở Bosnia mới có. Xét cho cùng thì Vương quốc Anh cũng có bốn thực thể, ba nghị viện khu vực và một nguyên thủ quốc gia phải là thành viên của Giáo hội Anh. Quyền lực ở Bosnia nằm tại các thực thể và các bang, chứ không phải tại chính phủ quốc gia – nhưng điều tương tự cũng xảy ra ở Thụy Sĩ. Điều thể hiện sức mạnh của đất nước nằm ở việc họ tập trung vào hiệu quả, chứ không phải các chức vụ. Bosnia có thể có năm tổng thống và vô số thủ hiến, nhưng các cuộc bầu cử tại quốc gia này vẫn cho thấy có sự thay đổi liên tục các đảng và liên minh cầm quyền.
Mặc dù việc quản lý nhà nước tại Bosnia có thể không hoàn toàn hiệu quả, nhưng những mối lo ngại về việc bạo lực quay trở lại có tác động làm dịu tình hình. Tổng thống Cộng hòa Srpska trong nhiều năm đã đe dọa sẽ tổ chức thứ có thể được xem là một cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp về độc lập. Nhưng có lẽ do lo lắng bởi khả năng xung đột tiềm tàng và do thiếu sự ủng hộ từ nước ngoài, ông đã phải kiềm chế. Người Bosnia đã luôn nỗ lực để đặt sự khác biệt sang một bên nhằm xây dựng chính phủ ở tất cả các cấp, trong khi đó Bắc Ailen không có được điều này kể từ hồi tháng 01/2017. Người Bosnia có xu hướng linh hoạt hơn nhiều so với những gì mà người bên ngoài nghĩ về họ. (Chính phủ của Cộng hòa Srpska có sự tham gia của một số người Bosniak và Croat, họ hợp tác với Đảng dân tộc cấp tiến Serb của vị tổng thống, đảng này vốn có cam kết tiến hành trưng cầu dân ý đòi độc lập).
Hệ thống này nhấn mạnh sự đồng thuận. Dù chính thức hay không chính thức, các chính phủ ở Bosnia đều cần có đối tác, những người thường sẽ đến từ các nhóm sắc tộc khác nhau. Nhưng Bosnia đã phải đấu tranh để bỏ đi một tai tiếng cũ. Gerald Knaus, người đứng đầu Sáng kiến Ổn định Châu Âu (ESI), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Berlin, đã bác bỏ “những lời rập khuôn luôn cho rằng Bosnia là quốc gia vận hành kém cỏi độc nhất vô nhị và người Bosnia bị ám ảnh một cách phi lý về vấn đề sắc tộc theo cách mà bạn không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác tại châu Âu”. Ông đổ lỗi những lời lẽ này một phần cho hoàn cảnh của đất nước: EU (nơi Bosnia đã nộp hồ sơ xin làm ứng viên gia nhập) và các nước bên ngoài đã đặt ra các điều kiện cho đất nước này, mà đến khi họ không thể thực hiện được chúng, thì kết luận rằng “Bosnia là quốc gia vận hành kém cỏi độc nhất vô nhị”. Lấy ví dụ, trong quá khứ, EU đã yêu cầu Bosnia thực hiện cải cách hiến pháp. Nhưng người Bosnia đã chứng minh là không thể làm được việc này, và rốt cuộc điều đó kéo đất nước này tụt lại xa hơn những nước láng giềng của mình. “Đó là một vòng tròn luẩn quẩn”, ông Knaus cho biết.