Nguồn: Ian Storey, “Whither Malaysia’s China Policy Under Prime Minister Mahathir?“, ISEAS Commentary, 11/05/2018.
Biên dịch: Phan Nguyên
Là đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của Malaysia, Trung Quốc rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước này. Tuy nhiên, mặc dù Mahathir Mohamad là kiến trúc sư của chính sách thân thiện với Trung Quốc vào đầu những năm 1990, ông cũng đã phê phán rất nhiều mối quan hệ của cựu Thủ tướng Najib Razak với Bắc Kinh, cho rằng Malaysia đã trở nên quá phụ thuộc vào Trung Quốc.
Mahathir đã đặt câu hỏi về lợi ích của một số dự án lớn do Trung Quốc tài trợ ở Malaysia và tố cáo Najib đã đặt lợi ích riêng của mình trước lợi ích quốc gia. Ông gọi việc bán các tài sản ngành năng lượng cho Trung Quốc để lấy tiền cứu vãn quỹ đầu tư quốc gia 1MDB đầy tai tiếng là “ngu xuẩn”.
Mahathir đặc biệt chỉ trích việc phát triển khu đô thị Forest City trị giá 40 tỷ đô la Mỹ ở Johor, nơi Trung Quốc là nhà đầu tư chính và công dân Trung Quốc là những người mua chủ yếu các căn hộ. Theo Mahathir, bằng cách cho phép Forest City được triển khai, Malaysia đã bán hết chủ quyền đất nước cho Trung Quốc: “Đây không phải là đầu tư của Trung Quốc, đây là một khu định cư của Trung Quốc.”
Trong các cuộc phỏng vấn trước bầu cử, Mahathir phủ nhận rằng ông “chống Trung Quốc ”, nhưng hứa rằng nếu được tái đắc cử, ông sẽ kiểm tra lại và, nếu cần, đàm phán lại các dự án đầu tư lớn của Trung Quốc. Mahathir thậm chí còn cáo buộc Najib phá hoại chính sách không liên kết của đất nước bằng cách khởi xướng quan hệ hợp tác quân sự với quân đội Trung Quốc, nói rằng “Bây giờ chúng ta không còn độc lập nữa, chúng ta bây giờ là một phần của khối Trung Quốc.”
Các nhà phân tích an ninh khu vực sẽ quan tâm nhất đến quan điểm của chính phủ mới đối với tranh chấp Biển Đông. Mặc dù Trung Quốc và Malaysia đã có quan hệ chính trị thân mật trong 25 năm qua, hai nước đã không thể giải quyết được các yêu sách về lãnh thổ và quyền tài phán chồng chéo nhau ở Biển Đông. Malaysia có yêu sách đối với 12 cấu tạo thuộc quần đảo Trường Sa và đang chiếm đóng 5 trong số đó, trong khi Trung Quốc yêu sách tất cả các cấu tạo, điểm đảo và nguồn tài nguyên nằm trong đường chín đoạn của mình.
Mặc dù các chính phủ Malaysia khác nhau đã cố gắng hạ thấp căng thẳng ở các vùng biển tranh chấp, giới hoạch định an ninh quốc gia của đất nước này vẫn lo ngại trước sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực cũng như hành vi ngày càng quyết đoán của nước này. Trong năm 2013 và 2014, Kuala Lumpur đã bị bất ngờ bởi các cuộc tập trận hải quân quy mô lớn của Trung Quốc tại tại bãi James Shoal (bãi Tăng Mẫu), một cấu tạo nằm trên thềm lục địa đảo Borneo nhưng bị Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ cực nam của mình. Mahathir đã lập luận rằng dù Malaysia không thể, và không nên, đối đầu quân sự với Trung Quốc, nước này phải duy trì các tuyên bố của mình một cách mạnh mẽ trong khu vực và tổ chức các cuộc đàm phán với Trung Quốc.
Dù các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể đã quan sát kết quả cuộc bầu cử một cách đầy lo lắng, nhưng trên thực tế, những thay đổi lớn trong mối quan hệ song phương khó có thể diễn ra. Trung Quốc là một đối tác kinh tế quá quan trọng khiến Kuala Lumpur không muốn xúc phạm, và Malaysia cũng là một chủ thể chính trị có quá nhiều ảnh hưởng trong ASEAN khiến Bắc Kinh không muốn gây khó dễ. Bên cạnh đó, chính phủ mới sẽ muốn trấn an các chính phủ nước ngoài rằng Malaysia vẫn là một quốc gia cởi mở với các doanh nghiệp và tiếp tục là một đối tác đáng tin cậy.
Dù vậy, trong vài tháng tới, một số dự án gây tranh cãi do Trung Quốc tài trợ, và đặc biệt là những dự án liên quan đến vụ bê bối 1MDB, sẽ bị “soi” một cách kỹ lưỡng, và Malaysia có thể trở nên công khai hơn trong việc chỉ trích tiến trình quân sự hóa tranh chấp Biển Đông của Bắc Kinh. Nhưng cũng như những gì đã xảy ra với các nước Đông Nam Á khác có sự thay đổi chính phủ trong thời gian qua, Trung Quốc sẽ làm việc với chính phủ mới của Malaysia để thúc đẩy quan hệ song phương. Xét cho cùng, theo nhiều cách, Thủ tướng Mahathir là một người bạn cũ của Trung Quốc.
Ian Storey là Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute), Singapore.