Nguồn: Joschka Fischer, “The Trump Factor and US Foreign Policy”, Project Syndicate, 26/01/2018.
Biên dịch: Nguyễn Tuấn Tú | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Trong năm đầu tiên nhiệm kỳ, thiệt hại từ chính sách đối ngoại của chính quyền tổng thống Donald Trump dường như ít hơn rất nhiều so với những lo sợ trước đây. Mặc dù đưa ra chỉ trích dữ dội và các dòng tweets miêu tả nhà độc tài Bắc Triều Tiên Kim Jong Un là “little rocket man” (gã tên lửa nhỏ bé), vị tổng thống mới của nước Mỹ đã không châm ngòi cho bất cứ một cuộc chiến nào, ở trên bán đảo Triều Tiên lẫn trên Biển Đông. Cũng không có cuộc xung đột nào về vấn đề Đài Loan dù trước đó Trump đặt nghi vấn về chính sách “một Trung Quốc” lâu đời của Mỹ.
Trên thực tế, thay vì lựa chọn va chạm với Trung Quốc, Trump dường như đang tạo ra một mối quan hệ cá nhân thân tình với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc khó có thể tin vào vận may của mình khi một trong những hành động chính thức đầu tiên của Trump là rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), là hiệp định không có sự tham gia của Trung Quốc và thúc đẩy những quy định thương mại của phương Tây tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Cứ như thể Trump muốn làm cho Trung Quốc, chứ không phải nước Mỹ, vĩ đại trở lại.
Ngoài ra, Trump cũng chưa khơi mào một cuộc chiến tranh thương mại đối với các đối tác thương mại quan trọng của Mỹ như Trung Quốc, Đức và Nhật Bản bằng cách áp thuế cao đối với các mặt hàng nhập khẩu. Đến cuối tháng 1/2018, thỏa thuận hạt nhân Iran vẫn còn hiệu lực bất chấp sự phản đối của ông. Và hậu quả lâu dài từ quyết định đơn phương của Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel vẫn chưa rõ ràng.
Bỏ qua lợi ích của các đồng minh, hi vọng của Trump trong việc hợp tác chặt chẽ hơn với Nga đã không được thực hiện, và lập trường chính thức của Mỹ trong cuộc xung đột ở Ukraina cũng chưa hề thay đổi. Tất nhiên, vấn đề này chủ yếu là do quyết định can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 của Tổng thống Nga Vladimir Putin, khiến cho Trump không thể định hướng lại chính sách của Mỹ đối với Nga nếu như không muốn châm ngòi cho một cơn bão táp chính trị trong nước.
Tương tự như vậy, mặc dù bị Trump coi là “lỗi thời”, nhưng nhờ có việc Nga đẩy mạnh quân sự và cuộc chiến tranh đang tiếp diễn ở miền Đông Ukraina, NATO hiện đã tăng cường được sức mạnh và tính chính danh của mình trong năm qua. Chắc chắn rằng, người châu Âu bây giờ sẽ phải tự lo cho nền quốc phòng của mình nhiều hơn những năm trước đây. Nhưng điều này cũng không có gì khác biệt nếu Hillary Clinton lên làm tổng thống (mặc dù thông điệp này có thể sẽ được diễn đạt bằng những thuật ngữ thân thiện hơn).
Ngoài ra, các quan chức Nhà Trắng gốc gác quân đội – như Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, (cựu) Cố vấn An ninh Quốc gia H. R. McMaster, và Chánh Văn phòng John Kelly – đều giúp đảm bảo tính liên tục trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Và điều này dường như cũng đúng với chính sách kinh tế và thương mại của nước này.
Liệu điều đó có nghĩa là chúng ta có thể an tâm? Tất nhiên là không. Vẫn còn một dấu hỏi lớn đang treo lơ lửng đối với chính sách đối ngoại của Mỹ dưới hình hài chính bản thân Trump. Những gì tổng thống muốn, những gì ông ta thực sự biết, và những gì các cố vấn đang nói và đang không nói cho ông ta hoàn toàn không rõ ràng. Một chính sách đối ngoại nhất quán có thể mâu thuẫn với tính khí thất thường của Trump và những quyết định tự phát của ông ta.
Điều này khiến cho các vấn đề trở nên tồi tệ hơn, việc Bộ Ngoại giao bị thu hẹp quy mô đã làm suy yếu nền tảng thể chế trong việc thực hiện các chính sách đối ngoại chính thức của Mỹ tới mức gần như nghiêm trọng. Chiến lược An ninh Quốc gia mới đây của Nhà Trắng cũng không mang lại sự an tâm. Từ bỏ quan điểm chính thức sau sự kiện 11 tháng 9 năm 2001 coi khủng bố bởi các tác nhân phi quốc gia là mối đe dọa chính, Mỹ thay vào đó hiện đang xem cạnh tranh quyền lực toàn cầu với Trung Quốc và Nga là hiểm họa chính đối với an ninh quốc gia và hòa bình thế giới.
Do đó, nhìn lại năm 2017, mọi người có ấn tượng rằng dù chính sách đối ngoại của Mỹ phần lớn là không thay đổi nhưng lại trở nên hoàn toàn không thể dự đoán được. Do đó, năm 2018 có thể là năm mà các rủi ro sẽ gia tăng đáng kể, đặc biệt là nếu xét đến căng thẳng tại Vịnh Ba Tư và Lebanon, cuộc chiến ở Syria, cuộc cạnh tranh giành bá quyền giữa Ả Rập Xê Út và Iran, và tình trạng bên bờ vực hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.
Tại Bán đảo Triều Tiên và Vịnh Ba Tư, mục tiêu chính là phải ngăn chặn việc vũ trang hạt nhân cho các chế độ độc tài đe dọa tới sự ổn định khu vực và cân bằng quyền lực hiện tại. Do các vấn đề này vẫn còn hiện hữu nên nguy cơ đối đầu quân sự với Bắc Triều Tiên hoặc Iran là không thể xem nhẹ.
Trong trường hợp của Bắc Triều Tiên, nước này đang cố gắng nhanh chóng sở hữu một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng tiếp cận đất liền của Mỹ, một cuộc xung đột như vậy có thể dẫn tới việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Tình huống này không mang lại sự lạc quan, đặc biệt là bây giờ khi nước Mỹ được dẫn dắt bởi một tổng thống mà ít người có thể tin cậy, và chính sách đưa ra phải được dự đoán dựa trên các dòng tweets lộn xộn của ông.
Thực tế, nhân tố Trump có thể là nguồn gốc quan trọng duy nhất cho tình trạng bất định của chính trị quốc tế trong năm nay. Hoa Kỳ vẫn là cường quốc mạnh nhất thế giới, và nước này đóng một vai trò không thể thiếu trong việc duy trì các chuẩn mực toàn cầu. Nếu các chính sách của Mỹ trở nên khó dự đoán, và hành vi của Trump làm suy yếu mức độ tin cậy của chính phủ Mỹ thì trật tự quốc tế sẽ rất dễ bị tổn thương trước các bất ổn trên toàn thế giới.
Khi người dân Mỹ chuẩn bị tiến hành cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11, điều quan trọng là phải xem xét các sự kiện chính trị trong nước có thể định hình chính sách đối ngoại của nước này như thế nào. Nếu các thành viên đảng Cộng hòa mất đa số ghế của họ ở một hoặc cả hai viện và nếu Robert Mueller, công tố viên đặc biệt trong cuộc điều tra sự can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ, đưa ra các kết luận của mình vào cùng thời điểm đó, thì Trump sẽ cảm thấy sức mạnh của ông ta nhanh chóng bị xói mòn.
Vì vậy câu hỏi then chốt cho năm 2018 là Trump sẽ làm gì nếu ông ta cảm thấy bị đe doạ bởi các vấn đề trong nước vào cùng mội thời điểm khi xảy ra một cuộc khủng hoảng về chính sách đối ngoại. Liệu “những người lớn trong Nhà trắng” vẫn có thể đứng mũi chịu sào được không? Không cần phải là một người bi quan mới thấy được sự ngờ vực và lo lắng đáng kể trong những tháng tiếp theo.
Joschka Fischer là Ngoại trưởng và Phó Thủ tướng Đức từ năm 1998 đến năm 2005, một nhiệm kỳ được đánh dấu bởi việc Đức ủng hộ mạnh mẽ sự can thiệp của NATO vào Kosovo năm 1999, theo sau là phản đối cuộc chiến ở Iraq. Fischer bước vào nền chính trị dân cử sau khi tham gia các cuộc biểu tình kháng chính thống trong những năm 1960 và những năm 1970, và đóng vai trò chủ chốt trong việc thành lập Đảng Xanh của Đức mà ông dẫn dắt trong gần hai thập niên.