Nguồn: “The Baha’i faith”, The Economist, 20/4/2017
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Nở rộ khắp thế giới, thế nhưng đức tin này lại phải đối mặt với sự đàn áp tại quê nhà.
Thành phố Haifa của Israel đang có những ngày bận rộn. Vào ngày 16 tháng 4, trong những con hẻm xung quanh bến cảng, những người Thiên chúa giáo đón chào Lễ Phục Sinh. Ngày trước đó, người Do Thái địa phương đã thực hiện nghi lễ tại các giáo đường Do Thái vào ngày Lễ Vượt Qua của riêng mình. Và từ ngày 20 tháng 4, một cộng đồng nhỏ người Baha’i sẽ bắt đầu Ridvan, lễ hội quan trọng nhất của họ. Người Baha’i ở Haifa không đơn độc. Mặc dù có nền móng tại thành phố Haifa, tôn giáo này tự hào có hàng triệu tín đồ trên khắp thế giới. Vậy các tín đồ Baha’i, họ là ai?
Đức tin của những người Baha’i tương đối mới. Năm 1844, một thương gia tự gọi mình là “Bab” (“Cánh cổng“) bắt đầu thuyết giảng tại Ba Tư. Ông diễn giải lại đức tin Hồi giáo Shia, và nói rằng Đức Chúa Trời sẽ sớm gửi xuống một vị tiên tri mới theo cách mà Người đã gửi Moses, Christ và Muhammad. Người Baha’i coi một trong những tín đồ của Bab – tên là Baha’u’llah – là đấng tiên tri này, và là người sáng lập chính thức cho tôn giáo của họ. Khi đối diện với sự đàn áp của đế quốc Ba Tư và Ottoman, Baha’u’llah đã viết ra thánh kinh chính của cộng đồng này. Ông cũng chọn vị trí chôn cất của Bab: một địa điểm đẹp nằm tại Haifa, nhìn ra biển Địa Trung Hải (trong hình).
Như nguồn gốc của nó gợi ý, đức tin Baha’i vay mượn tài tình từ đức tin của các tôn giáo khác. Giống như đạo Hồi, nó nghiêm cấm rượu. Và cũng giống như người Hồi giáo hướng về Mecca khi cầu nguyện, người Baha’i cầu nguyện hướng về phía ngôi nhà gần Haifa, nơi Baha’u’llah được chôn cất. Các tôn giáo khác – bao gồm đạo Hindu và Phật giáo – cũng được tôn vinh. Di sản Ba Tư của tôn giáo này cũng được thể hiện rõ ràng. Người Baha’i đón chào năm mới của người Iran, và tôn thờ Hỏa giáo (Zoroastrianism). Người Baha’i tin vào “tính nhất thể của nhân loại”, điều vượt qua sự phân biệt chủng tộc và giai cấp. Điều đó đã giúp tôn giáo này lan truyền trong các nhóm yếu thế như người Mỹ bản địa.
Ở phía bên kia bờ Thái Bình Dương, đức tin Baha’i phổ biến trong các bộ lạc thổ dân Papua: người Baha’i thoải mái hơn trong việc tiếp tục các phong tục truyền thống của họ so với các nhà truyền giáo Thiên chúa. Sự tổ chức tốt cũng giúp ích cho sự truyền bá đức tin Baha’i. “Những người tiên phong” đã rao giảng tôn giáo này ở nước ngoài, trong khi các nhà lãnh đạo của họ ủng hộ giáo dục cho phụ nữ. Hiện có hơn 7 triệu người theo đạo Baha’i trên toàn thế giới, từ Bolivia đến Chad.
Một mặt tính linh hoạt đã giúp lan truyền đức tin này, nhưng mặt khác nó cũng gây ra nhiều vấn đề. Nhiều học giả Hồi giáo coi Baha’i là những người bội giáo; những tín đồ đầu tiên của họ từng là người Hồi giáo, những người đã bác bỏ tất cả các vị tiên tri sau Muhammad. Các nhà phê bình khác cũng cáo buộc người Bahais về sự lật đổ, và quy cho trụ sở tôn giáo này ở Haifa là gắn với chủ nghĩa Phục quốc Do thái (Zionism).
Kết quả là, đạo Baha’i đã bị đàn áp trên khắp thế giới Hồi giáo, đặc biệt là ở Iran. Hàng trăm người theo đạo Baha’i ở Iran đã bị bắt trong những năm gần đây và vào tháng 9 năm ngoái, một người theo đạo Baha’i đã bị sát hại ở thành phố Yazd. Tín đồ Baha’i cũng đã bị giam cầm ở Yemen. Áp lực từ các nhóm Baha’i ở nước ngoài cũng giúp ích ít nhiều. Chẳng hạn, những người Baha’i Ai Cập không còn phải lựa chọn giữa “Hồi giáo”, “Thiên chúa giáo” hay “Do Thái” trên giấy tờ tùy thân của họ. Một trường học đặc biệt đã được thành lập để dạy những người Baha’i bị cấm học đại học. Nhưng các tín đồ Baha’i vẫn phải tiếp tục chịu đựng ở một số khu vực thuộc Trung Đông – ngay cả khi tôn giáo này đang phát triển mạnh mẽ ở các nơi khác.