Khía cạnh chính trị của ký ức quốc gia

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Shlomo Ben-Ami, “The Politics of National Memory”, Project Syndicate, 19/02/2018

Biên dịch: Dương Trường Phúc |Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Trong chuyến thăm Warsaw năm 1970, khi Thủ tướng Tây Đức Wilhelm Brandt đột nhiên quỳ xuống trước Đài tưởng niệm cuộc Nổi dậy của người Do Thái chống Đức Quốc xã, Władysław Gomułka – nhà lãnh đạo cộng sản Ba Lan – đã nói thầm “Tượng đài sai lầm!”. Gomułka có lẽ đã muốn tôn vinh những người lính Ba Lan hi sinh trong Thế chiến II. Chính phủ bảo thủ-dân tộc chủ nghĩa hiện thời của Ba Lan, được dẫn dắt bởi Đảng Pháp luật và Công lý (PiS), có lẽ cũng sẽ đồng tình với điều đó.

Trên thực tế, chính phủ PiS đang cố gắng tái định hình hồi ức của Ba Lan về Thế chiến II – và không cần phải thì thầm – với một đạo luật mới nhằm hình sự hóa việc nhắc tới sự đồng lõa của “quốc gia Ba Lan” với tội ác diệt chủng Holocaust. Trong khi người Ba Lan có thể có lý do chính đáng khi cảm thấy bị xúc phạm bởi các cụm từ như “trại thảm sát Ba Lan” – bởi đó là các trại do Đức Quốc xã quản lý nằm trên lãnh thổ Ba Lan bị chiếm đóng và nên được gọi theo tên gọi như vậy, nhưng đạo luật đó chẳng khác gì là một nỗ lực nguy hiểm nhằm sử dụng lịch sử như một công cụ chính trị.

Đối với người Ba Lan, hồi ức phổ biến về thảm sát Holocaust rất đáng buồn. Sau tất cả, ba triệu người Công giáo Ba lan đã bị giết chết trong Thế chiến II và Ba Lan sẽ bị xóa sổ khỏi bản đồ nếu Hitler thắng trận. Hơn 6.700 người Ba Lan – nhiều hơn bất kỳ quốc tịch nào khác – đã được Israel vinh danh là “Người Chính nghĩa” vì đã đứng lên chống lại lực lượng Đức Quốc xã và cứu mạng người Do Thái.

Tuy nhiên, khi người Israel thực hiện các cuộc hành hương đến vùng đất của Holocaust, Ba Lan trở thành điểm đến của họ. Ngược lại, Đức – nơi hình thành sự diệt trừ cả Ba Lan lẫn người Do Thái châu Âu, lại trở thành vùng đất đầy hứa hẹn và nhiều cơ hội cho thanh niên Israel.

Tuy nhiên, dù đáng xấu hổ hoặc thất vọng tới đâu, sự thật vẫn là sự thật. Thậm chí Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã thừa nhận tính hai mặt đối với lịch sử Thế chiến II của Ba Lan. Tháng 3 năm 2016, khi dự lễ khánh thành một bảo tàng tôn vinh hàng trăm người Ba Lan thiệt mạng vì đã giúp đỡ người Do Thái trong thời Holocaust, ông đã kêu gọi nói lên “toàn bộ sự thật, dù đôi khi sự thật đó đau buồn và kinh khủng”.

Thế nhưng, đạo luật mà Duda vừa ký ban hành đã hình sự hóa việc thảo luận về những sự thật đau buồn và kinh khủng đó. Một trong những sự thật đó là vụ thảm sát khoảng 200.000 người Do Thái Ba Lan bởi những người láng giềng phi Do Thái được nhà sử học Jan Grabowski thuật lại.  Một sự thật khác là vụ thảm sát ít nhất 340 người được điều tra bởi nhà báo Anna Bikont, và có thể lên tới khoảng 1.600 người theo các tác giả khác, bao gồm nam giới, phụ nữ và trẻ em Do Thái ở thị trấn Jedwabne. Người Do Thái ở Ba Lan vẫn bị tàn sát ngay cả sau chiến tranh, đáng chú ý nhất là thảm sát ở Kielce, trong đó một nhóm binh lính, cảnh sát, và thường dân Ba Lan đã giết chết ít nhất 42 người sống sót sau vụ Holocaust.

Đối với PiS, đạo luật mới là một động thái chính trị thông minh dù không đẹp. Các nhà lãnh đạo của đảng biết rõ rằng khi Tổng thống Ba Lan hồi năm 2001 là Aleksander Kwaśniewski thừa nhận sự thật về vụ thảm sát Jedwabne thì các cư dân thị trấn này đã gọi ông là kẻ bù nhìn của “cộng đồng Do Thái quốc tế”. Tập trung vào cách mà người Ba Lan trở thành nạn nhân của Chủ nghĩa phát xít, hoặc thậm chí tốt hơn là phản ứng lại tình trạng đó bằng cử chỉ anh hùng – đã tỏ ra rất hiệu quả về mặt lấy phiếu cử tri.

Đạo luật ấy thậm chí còn có tác dụng đối với các chính trị gia nước ngoài. Bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào mùa hè năm ngoái (2017) tại chính tượng đài nơi Brandt quỳ gối đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của công chúng Ba Lan chính bởi vì ông không đi chệch hướng so với quan điểm mà PiS ủng hộ.

Tất nhiên, Ba Lan không phải là quốc gia duy nhất muốn điều chỉnh lịch sử bằng cách coi nhẹ sự đồng lõa trong những tội ác thời chiến gây ra đối với người Do Thái và những sắc dân khác. Các nước cộng sản cũ ở Đông Âu – như Litva, Ukraine và Hungary – cũng ủng hộ quan điểm lịch sử dân tộc chủ nghĩa kiểu coi mình là nạn nhân và đề cao sự phản kháng của dân tộc. Nếu xét việc tất cả đều là nạn nhân của cả Đức Quốc xã và Liên Xô, giảm thiểu vai trò của chính họ trong nạn diệt chủng Holocaust không phải là điều quá khó khăn.

Ngay cả những quốc gia có truyền thống dân chủ dài hơn cũng đã phải chật vật mới chấp nhận được sự thật lịch sử về việc hợp tác với phát xít Đức trong thảm họa Holocaust. Nhiều năm sau khi chiến tranh kết thúc, Hà Lan tuyên truyền dòng quan điểm trong đó quốc gia Hà Lan đã chiến đấu anh dũng để cứu người Do Thái khỏi cỗ máy hủy diệt của Đức Quốc xã. Trên thực tế, có sự hợp tác quy mô lớn của bộ máy quan liêu Hà Lan với Đức Quốc xã, và các công dân Hà Lan đã đóng một vai trò thiết yếu trong việc trục xuất 80% dân số Do Thái nước này vào các trại tập trung.

Đối với Pháp, chỉ sau khi bộ phim tài liệu năm 1969 “The Sorrow and the Pity” (vốn bị cấm chiếu trên truyền hình Pháp cho đến năm 1981), thì câu chuyện về cuộc kháng chiến chống lại Đức Quốc xã mới bắt đầu đổ vỡ, tiết lộ những sự thật về sự đồng lõa sâu rộng của đất nước này với phát xít Đức. Mãi 26 năm năm sau thì Tổng thống Pháp Jacques Chirac mới chính thức thừa nhận vai trò của các cộng tác viên người Pháp trong việc trục xuất 90.000 người Do Thái vào các trại thảm sát của Đức Quốc xã.

Quá khứ luôn dễ bị thao túng bởi những mánh khóe chính trị. Và, quả thật vậy, việc chỉnh sửa lịch sử là điều cốt yếu đối với hầu hết hồi ức quốc gia ở khắp mọi nơi. Ở Mỹ, sách giáo khoa lịch sử tập trung vào cuộc chiến tranh giành độc lập anh dũng của người dân thuộc địa trong Chiến tranh Cách mạng chứ không nói tới cuộc diệt chủng mà quốc gia mới đã tiến hành đối với người da đỏ bản địa.

Các câu chuyện về Chiến tranh giành độc lập của Israel tập trung vào cuộc chiến chống lại sự xâm lược của quân đội các nước Arab chứ không đề cập tới bạo lực của Israel chống lại những người Palestine bị tước quyền và phải di tản. Khi chiến tranh kết thúc, vấn đề Palestine được định nghĩa một cách thuận tiện là vấn đề về “người tị nạn” hoặc “những kẻ xâm nhập”.

Israel đã cố gắng hết sức để áp đặt câu chuyện này lên các công dân Palestine. “Luật Nakba” năm 2011 cho phép bộ trưởng tài chính Israel từ chối các khoản ngân sách dành cho các tổ chức bác bỏ đặc tính dân tộc của Israel như một quốc gia Do Thái hay kỷ niệm Ngày Quốc khánh của đất nước – ngày mà người Palestine gọi là Nakba (Thảm hoạ) – là một ngày quốc tang.

Khi thấy cần về mặt chính trị, Thủ tướng Binyamin Netanyahu đã không ngại ngần bóp méo lịch sử Holocaust. Vào tháng 10 năm 2015, ông tuyên bố rằng người đầu tiên đưa ra ý tưởng tiêu diệt người Do Thái không phải là Hitler mà là một nhà lãnh đạo Palestine, ông Grand Mufti Haj Amin el-Husseini. Đó là sự lạm dụng ký ức thô lỗ và xấu xí như chính những gì mà PiS đã làm.

Shlomo Ben-Ami, cựu Ngoại trưởng Israel, là phó chủ tịch Trung tâm Quốc tế Toledo vì Hòa Bình. Ông là tác giả của cuốn sách nhan đề: Scars of War, Wounds of Peace: The Israeli-Arab Tragedy.