Cuộc Chiến tranh Lạnh lần thứ hai

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Richard N. Haass, “Cold War II”, Project Syndicate, 23/02/2018.

Biên dịch: Trần Văn Thắng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Cuộc Chiến tranh Lạnh kéo dài bốn thập kỷ, xét về nhiều mặt thì cả khởi đầu và kết thúc của nó đều diễn ra ở Berlin. Tin tốt lành là cuộc chiến đó là cuộc chiến “lạnh”, phần lớn là do vũ khí hạt nhân đã đưa ra một thứ kỷ luật mà các cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường trước đây không có, và vì Hoa Kỳ cùng với các đồng minh châu Âu và châu Á của nước này đã chiến thắng nhờ vào các nỗ lực chính trị, kinh tế và quân sự được duy trì liên tục khiến một Liên Xô dễ chao đảo cuối cùng không thể bì kịp.

Một phần tư thế kỷ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, chúng ta bất ngờ nhận thấy mình đang ở trong một cuộc Chiến tranh Lạnh lần thứ hai. Nó vừa khác vừa quen thuộc. Nga không còn là siêu cường, mà chỉ là một quốc gia của khoảng 145 triệu người với một nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt, và không có một hệ tư tưởng quyến rũ thế giới. Mặc dù vậy, nước này vẫn là một trong hai nước sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất, có một ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, và sẵn sàng sử dụng các khả năng quân sự, năng lượng và công nghệ mạng để hỗ trợ các đồng minh và làm suy yếu các nước láng giềng và đối thủ.

Tình trạng như vậy hoàn toàn có thể tránh được. Sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh được kỳ vọng sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho các mối quan hệ thân thiện giữa Nga với Hoa Kỳ và châu Âu. Người ta vẫn nghĩ rằng nước Nga hậu cộng sản sẽ tập trung vào phát triển kinh tế và chính trị. Và mối quan hệ đã khởi đầu tốt đẹp khi Nga, thay vì đứng về phía Iraq, đồng minh lâu năm của mình, đã hợp tác với Hoa Kỳ trong việc đảo ngược cuộc xâm lược của Saddam Hussein vào Kuwait.

Sự thiện chí này không kéo dài. Chỉ riêng nguyên nhân của thực tế đó cũng sẽ trở thành một vấn đề gây tranh luận giữa các sử gia trong nhiều thập niên tới. Một số nhà quan sát sẽ đổ lỗi cho các vị tổng thống khác nhau của Hoa Kỳ, chỉ ra sự thiếu hỗ trợ kinh tế dành cho một nước Nga đang vật lộn với khó khăn, và thậm chí việc không ngừng mở rộng NATO, điều mà bằng cách đối xử với Nga như một kẻ thù tiềm tàng đã làm gia tăng xác suất việc Nga trở thành kẻ thù thực sự.

Đúng là Hoa Kỳ lẽ ra đã có thể và cần phải rộng lượng hơn khi Nga thực hiện sự chuyển đổi đầy đau đớn sang nền kinh tế thị trường vào những năm 1990. Cũng không rõ việc mở rộng NATO có thích hợp hơn các dàn xếp an ninh khác của châu Âu có bao gồm cả Nga hay không. Mặc dù vậy, phần lớn trách nhiệm cho sự tái xuất hiện Chiến tranh Lạnh lần hai thuộc về Nga, và trên hết là Vladimir Putin. Giống như nhiều người tiền nhiệm khác, ông Putin xem trật tự thế giới do Hoa Kỳ thống trị như là một mối đe dọa đối với sự cầm quyền của ông và cho cái mà ông coi là một địa vị chính đáng của đất nước mình trên thế giới.

Trong những năm gần đây, nước Nga đã sử dụng lực lượng vũ trang để chiếm, đóng quân và sáp nhập Crimea, trong một quá trình vi phạm các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế vốn quy định đường biên giới không thể bị thay đổi bởi vũ lực. Putin tiếp tục sử dụng các biện pháp quân sự hoặc bí mật để gây mất ổn định ở Đông Ukraina, Gruzia, và một phần vùng bán đảo Balkans. Và Nga đã sử dụng quân đội theo cách đặc biệt tàn bạo ở Syria để chống đỡ cho chế độ khủng khiếp của Bashar al-Assad.

Theo lời của công tố viên đặc biệt Hoa Kỳ Robert Mueller, nước Nga của Putin cũng đã một thời gian dài thực hiện các “gian lận và lừa dối vì mục đích can thiệp vào các quá trình chính trị và bầu cử của Hoa Kỳ, bao gồm cả cuộc bầu cử tổng thống năm 2016”. Những người đứng đầu các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã nói rõ rằng họ dự đoán những nỗ lực lớn hơn như thế sẽ diễn ra từ nay đến cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11/2018 tới.

Do Nga đã trở thành một quốc gia theo chủ nghĩa xét lại, và không hề ngần ngại đảo ngược nguyên trạng thế giới bằng bất cứ biện pháp nào mà nó cho là cần thiết, nên việc bảo vệ châu Âu và cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine là một phản ứng hợp lý. Nhưng Hoa Kỳ nên làm gì nữa, ngoài việc giảm tính dễ bị tổn thương của các máy móc sử dụng trong bầu cử và yêu cầu các công ty công nghệ phải có những biện pháp để ngăn chặn các chính phủ nước ngoài gây ảnh hưởng đến chính trị Mỹ?

Thứ nhất, người Mỹ phải nhận ra rằng quốc phòng là chưa đủ. Quốc hội đã đúng khi yêu cầu các biện pháp trừng phạt bổ sung, và Donald Trump đã sai khi từ chối thực hiện các biện pháp trừng phạt mà Quốc hội đã thông qua.

Chính phủ Hoa Kỳ cũng cần phải đưa ra tiếng nói của mình và chỉ trích chính quyền Nga đã bắt những người bất đồng chính kiến trong nước và ám sát các nhà báo. Nếu Trump, vì bất cứ lý do gì, vẫn tiếp tục nuông chiều Nga, thì Quốc hội, giới truyền thông, các tổ chức, và các viện nghiên cứu cần công bố chi tiết về sự tham nhũng đặc trưng cho chế độ của Putin. Việc lưu hành thông tin như vậy có thể làm gia tăng sự phản đối nội bộ đối với Putin, thuyết phục ông ta chấm dứt ngay lập tức việc tiếp tục can thiệp vào chính trị Mỹ và châu Âu, và theo thời gian, sẽ đẩy mạnh hơn các lực lượng có trách nhiệm trong lòng nước Nga.

Đồng thời, không nên đặt mục tiêu chấm dứt những phần còn lại ít ỏi của mối quan hệ Mỹ – Nga, vốn dĩ đang ở trong trạng thái tồi tệ hơn nhiều so với thời Chiến tranh Lạnh lần thứ nhất. Cần phải tìm kiếm hợp tác ngoại giao bất cứ khi nào có thể và vì lợi ích của Hoa Kỳ. Nga có thể sẵn sàng chấm dứt can thiệp vào Đông Ukraina để đổi lấy một mức độ giảm nhẹ các lệnh trừng phạt, nếu nước này có thể yên tâm rằng những người gốc Nga sẽ không bị trả thù. Tương tự như vậy, điện Kremlin không có lợi ích trong việc leo thang quân sự tại Syria vốn sẽ làm gia tăng chi phí tương đối khiêm tốn cho cuộc can thiệp của nước này ở đó.

Đồng thời, sự ủng hộ của Nga là cần thiết để thắt chặt các biện pháp trừng phạt chống lại Bắc Triều Tiên. Việc duy trì các cơ chế kiểm soát vũ khí và tránh một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới cũng sẽ là mối quan tâm của cả hai nước.

Vì vậy, có lý do cần thiết tiến hành các cuộc gặp ngoại giao thường kỳ, các trao đổi văn hoá và học thuật, và các chuyến thăm tới Nga do các phái đoàn Quốc hội đề cử, không phải như là một sự ân huệ, mà là một phương tiện để làm rõ rằng nhiều người Mỹ sẽ sẵn sàng có một quan hệ bình thường với Nga nếu nước này hành động chừng mực hơn. Hoa Kỳ và các đối tác của nước này có lợi ích lớn từ sự kiềm chế lớn hơn của Nga trong khi Putin vẫn nắm quyền và từ một nước Nga mang những đặc trưng khác ngoài chủ nghĩa Putin sau khi ông rời ghế lãnh đạo.

Richard N. Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, từng là Giám đốc Hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (2001-2003), đặc phái viên của Tổng thống George W. Bush tại Bắc Ireland và điều phối viên chương trình Vì tương lai Afganistan. Ông cũng là tác giả của cuốn sách “A world in Disarray: American Foreign Policy and the Crisis of the Old Order”.