Tác giả: Lê Hồng Hiệp
Ngày 30/6/2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên bố đã khai trừ Đảng đối với cựu Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà và cựu chủ tịch MobiFone Lê Nam Trà vì đã có các “vi phạm nghiêm trọng”. Trong khi ông Hà chịu trách nhiệm về các vi phạm tại BIDV liên quan đến một vụ gian lận lớn tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), ông Trà chịu trách nhiệm về một thỏa thuận mua bán doanh nghiệp mờ ám của MobiFone vốn bị cáo buộc gây thiệt hại cho nguồn vốn nhà nước. Liên quan đến vụ bê bối tại MobiFone, Ủy ban cũng đề nghị các cơ quan Đảng có thẩm quyền xem xét các biện pháp kỷ luật đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn và người tiền nhiệm Nguyễn Bắc Son.
Bốn quan chức này là những nạn nhân mới nhất trong chiến dịch chống tham nhũng đang được đẩy mạnh do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo. Một hội nghị quốc gia để đánh giá chiến dịch tuần trước đã tiết lộ rằng trong hai năm qua, 490 tổ chức đảng và 35.000 đảng viên đã bị phát hiện vi phạm luật pháp và quy định của đảng. Trong số đó, 1.300 người, bao gồm 10 cựu thành viên hoặc thành viên đương nhiệm của Ủy ban Trung ương Đảng và một cựu ủy viên Bộ Chính trị, đã bị xử lý kỷ luật và/hoặc bị truy tố do tham nhũng và các cáo buộc liên quan.
Quy mô và cường độ chưa từng thấy của chiến dịch gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm của Đảng nhằm làm trong sạch hệ thống mặc dù động thái này có thể được diễn giải bởi một số nhà quan sát như là một chiến thuật nhằm thanh trừng các đồng minh và cộng sự của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Thật vậy, bốn quan chức nói trên là những người mới nhất trong một loạt các chính khách và quan chức doanh nghiệp nhà nước cấp cao có liên hệ thân thiết với ông Dũng trở thành nạn nhân của chiến dịch.
Tuy nhiên, nếu nhìn sát hơn vào chiến dịch cũng như lai lịch của các quan chức này có thể thấy nhận định trên không được hậu thuẫn bởi các chứng cứ thuyết phục. Thứ nhất, mặc dù các quan chức này đúng là có mối liên hệ với ông Dũng, hành vi tham nhũng của họ đã được chứng minh là có thật, trong đó những người như cựu ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng hay quan chức hãng PetroVietnam Trịnh Xuân Thành đã bị đưa ra truy tố và xét xử. Thứ hai, các nạn nhân tiêu biểu của chiến dịch cho đến nay có xuất thân khác nhau, bao gồm các quan chức chính quyền địa phương và trung ương, các giám đốc điều hành doanh nghiệp quốc doanh, quan chức ngân hàng, các tướng lĩnh, sĩ quan công an và quân đội. Quan trọng hơn, phần lớn trong số họ dường như không có mối liên hệ rõ ràng với ông Dũng. Thứ ba, Quốc hội hồi tháng 6 đã thảo luận sửa đổi Luật Phòng chống Tham nhũng nhằm đối phó với tham nhũng cả trong lĩnh vực tư nhân, do đó mở rộng phạm vi áp dụng của chiến dịch chống tham nhũng.
Do đó, có thể nói chiến dịch chủ yếu được thúc đẩy bởi những nỗ lực của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm giảm trừ tham nhũng hơn là vì đấu đá chính trị nội bộ mặc dù chiến dịch cũng đã giúp củng cố quyền lực của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng minh của ông. Một bằng chứng khác cho nhận định trên là việc ông Trọng vẫn duy trì một mối quan hệ có vẻ thân tình với ông Dũng bất chấp các tin đồn về căng thẳng giữa hai người, đặc biệt là trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 12 hồi năm 2016. Tại tang lễ của cố Thủ tướng Phan Văn Khải hồi tháng 3 và phiên khai mạc Quốc hội hồi tháng 5/2018, trong khi ông Trọng phần lớn làm ngơ Chủ tịch nước Trần Đại Quang thì ông được thấy vẫn thường xuyên quay sang và trò chuyện thân mật với ông Dũng.
Chiến dịch chống tham nhũng dưới sự giám sát của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kể từ năm 2016 là một diễn tiến quan trọng trong nền chính trị Việt Nam. Chiến dịch này thậm chí có thể được xem là một trong những di sản quan trọng nhất của ông Trọng sau khi ông nghỉ hưu vào năm 2021. Là người đứng đầu Đảng, sứ mệnh then chốt của ông Trọng là duy trì sự cầm quyền của Đảng. Đấu tranh chống tham nhũng, vốn được Đảng coi là một mối đe dọa sống còn đối với sự tồn vong của chính mình, vì vậy là một nhiệm vụ trọng yếu đối với ông Trọng cũng như Đảng.
Chiến dịch chống tham nhũng cho đến nay đã cho thấy ý chí chính trị mạnh mẽ của Đảng trong việc đối phó với tham nhũng và khôi phục được một số niềm tin của công chúng vào vai trò cầm quyền của Đảng. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ chiến dịch này có thể được duy trì trong bao lâu và liệu Đảng cũng có thể giảm được tham nhũng ở các cấp chính quyền thấp hơn hay không, điều đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của người dân và các doanh nghiệp. Nếu không, cho dù động lực của cuộc chiến chống tham nhũng hiện tại là gì, rốt cuộc nó cũng sẽ được người dân nhìn nhận như là một sô diễn chính trị mà thôi.
Một bản tiếng Anh của bài viết đã được đăng trên ISEAS Commentary với tựa đề “Vietnam’s Anti-Corruption Campaign: How much is it about Political Infighting?”