Nguồn: Jonathan Brent, The Order of Lenin: ‘Find Some Truly Hard People’, The New York Times, 22/05/2017
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
“Lưu trữ là sức mạnh,” Kirill Mikhailovich Anderson, cựu giám đốc Cục Lưu trữ Lịch sử Chính trị – Xã hội Quốc gia Nga tại Moskva, đã từng nói với tôi như vậy. Ông kể về vị giám đốc đầu tiên của Viện Marx-Engels (thành lập năm 1919): Là một người Bolshevik cũ, David Riazanov gần như không thể kiên nhẫn được với các viên chức Đảng Cộng sản – những người liên tục yêu cầu các văn kiện hoặc để khẳng định lập trường ý thức hệ hoặc để bôi nhọ kẻ thù.
Một ngày nọ, ông lấy ra một lá thư của Karl Marx, ve vẩy nó trước mặt một lãnh đạo và hét lên: “Marx của ông đây. Giờ thì biến đi!” Riazanov chạy trốn khỏi Stalin vào năm 1931, nhưng đã bị bắt vào năm 1937 và bị hành quyết một năm sau đó.
Giống như hàng ngàn nhà xuất bản, nhà nghiên cứu và nhà báo nước ngoài khác – những người lũ lượt tới Moskva vào tháng 01/1992, tôi đã tìm đến kho lưu trữ nhà nước sau khi Boris Yeltsin tuyên bố vào tháng 12/1991 rằng ông sẽ cho mở cửa các kho lưu trữ bí mật của Liên Xô. (Tôi là đại diện của Nhà xuất bản Đại học Yale/ Yale University Press.) Sức mạnh mà Anderson nói đến quả thực hiện diện sống động ở đó.
Khám phá tại những kho lưu trữ này đã làm thay đổi hoàn toàn nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu của Chiến tranh Lạnh như: gián điệp trong Đảng Cộng sản Hoa Kỳ, Đại Thanh trừng (Great Terror) của Stalin, số phận của các nhà văn và nghệ sĩ, và nhiều sự kiện khác. Đối với vài người, phát hiện mới này giúp khẳng định quan điểm trước đó của họ; còn với những kẻ khác, nó làm xáo động niềm tin vốn đã được khắc sâu. Tuy nhiên, đóng góp lớn nhất [của nó] chắc chắn là làm sâu sắc hơn và tạo nên những góc nhìn đa chiều về sự phức tạp của hiện tượng chủ nghĩa cộng sản Liên Xô và tính cách của Joseph Stalin.
Tôi đã từng hỏi một nhà sử học người Nga rằng liệu chúng ta có thể nghiên cứu “đến tận đáy” các hồ sơ lưu trữ của K.G.B., cơ quan mật vụ Liên Xô, về một chủ đề cụ thể hay không. “Dĩ nhiên,” ông đáp đầy khéo léo. “Nhưng K.G.B. có nhiều đáy lắm.”
Một trong những vấn đề tăm tối nhất liên quan đến bản chất và nguyên nhân hành động khủng bố của Stalin, và câu hỏi liệu rằng Stalin có vi phạm chính sách của Lenin hay chỉ là đang tiếp nối nó. Đằng sau đó chính là câu hỏi về việc thể chế hoá bạo lực trong nền văn hoá Bolshevik và nhà nước Liên Xô.
Dù sự chấp nhận phổ biến đối với việc sử dụng bạo lực chính trị đã sớm được thiết lập trong phong trào cách mạng Nga – ngay từ thời bản tuyên ngôn năm 1869 của Sergey Nechayev về “Giáo lý của Một Nhà Cách mạng” (Catechism of a Revolutionary) – nhưng chính sách của Lenin và Đảng Bolshevik lúc đầu không dựa vào khủng bố. Tuy nhiên, các điều kiện khắc nghiệt của cuộc nội chiến 1917 – 1922, trong đó bảy triệu người đã thiệt mạng, cùng với việc xuất hiện các chính sách kinh tế tàn nhẫn của Lenin, đã dẫn đến cảnh khốn cùng và tuyệt vọng của hàng triệu người khi thấy mình chẳng còn lương thực, sinh kế, nơi ở và an ninh.
Cuộc nổi dậy hàng loạt của nông dân bắt nguồn từ các quy định hà khắc của nhà nước Liên Xô trong việc thu mua ngũ cốc. Chế độ Bolshevik non trẻ cần ngũ cốc để ngăn chặn nạn đói ở các thành phố, và khi không thấy có lựa chọn nào khác, Lenin đã ban hành mệnh lệnh này vào tháng 08/1918, mà sau đó được phát hiện trong một kho lưu trữ bí mật: “Hãy treo cổ (không được giấu diếm, phải làm công khai để mọi người đều thấy) ít nhất 100 địa chủ, nhà giàu, những kẻ hút máu dân.” “Công khai tên của chúng,” ông chỉ định. “Lấy hết ngũ cốc của chúng. Chỉ định ai sẽ làm con tin.”
“Hãy làm việc này theo cách để hàng trăm người xung quanh phải nhìn thấy, run rẩy, thừa nhận, thét lên,” ông tiếp tục, rằng những người Bolshevik “đang siết cổ, bóp chết bọn địa chủ hút máu người.”
Ông kết thúc bản ghi nhớ khủng khiếp bằng chỉ thị: “Hãy tìm những người thực sự khét tiếng”
Một tháng sau, ông ra lệnh: “Cần phải giữ bí mật – và khẩn trương – chuẩn bị đợt khủng bố.”
Lenin sử dụng khủng bố để chống lại những kẻ thù được thừa nhận của nhà nước. Stalin lại dùng nó để chống lại các thể chế của nhà nước và bản thân xã hội Liên Xô. Stalin đi theo Lenin, nhưng đã vượt qua ông.
Ngày 07/11/1937, ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, bài phát biểu của Stalin tại cuộc họp gồm các nhà lãnh đạo Bộ Chính trị đã được đảng viên Cộng sản Bulgaria và lãnh đạo Tổ chức Comintern, Georgi Dimitrov, ghi lại trong cuốn nhật ký được xuất bản của ông.
“Tôi muốn nói vài lời, có lẽ không được vui cho lắm.” Stalin nói. “Các Sa hoàng đã làm rất nhiều điều xấu. Họ cướp bóc và biến dân chúng thành nô lệ. Nhưng họ đã làm một điều tốt. Họ đã xây dựng được một đất nước to lớn, kéo dài đến tận Kamchatka. Chúng ta đã được thừa hưởng đất nước đó.”
Ông nói tiếp: “Chúng ta đã thống nhất đất nước theo cái cách mà nếu một phần nào đó bị cô lập khỏi nhà nước xã hội chủ nghĩa chung, thì nó sẽ không chỉ gây ra thiệt hại cho nhà nước, mà còn không thể tồn tại một cách độc lập và chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng nô lệ cho nước ngoài. Vì vậy, bất cứ ai cố gắng hủy hoại sự thống nhất của nhà nước xã hội chủ nghĩa, bất cứ ai tìm cách tách rời bất kỳ phần nào của nó – thì hắn là kẻ thù, một kẻ thù công khai của nhà nước và của các dân tộc thuộc Liên bang Xô viết. Và chúng ta sẽ hủy diệt từng kẻ thù như thế, ngay cả khi hắn là một thành viên Bolshevik cũ; chúng ta sẽ giết tất cả họ hàng, gia đình của hắn. Chúng ta sẽ tàn nhẫn hủy diệt bất cứ ai, nếu hành động hay tư tưởng của hắn – đúng, tư tưởng của hắn – đe dọa sự thống nhất của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Hãy nâng ly vì sự hủy diệt hoàn toàn tất cả các kẻ thù và họ hàng của chúng!”
Lúc đó, các thành viên Bộ Chính trị đã lên tiếng ủng hộ: “Hãy nâng ly vì Stalin vĩ đại!”
Tính đến thời điểm ấy, những kẻ thù trong nước của chế độ Bolshevik đã bị loại bỏ, bao gồm cả những nông dân cứng đầu đã chết trong nạn đói năm 1932 – 1933. Đại hội Đảng lần thứ 17 (1934) đã được tung hô là “Đại hội của những người chiến thắng,” và Andrei Zhdanov, đảng viên đại diện vùng Leningrad và một người yêu thích Stalin, có thể tự tin tuyên bố tại Đại hội Hội Nhà văn Xô viết trong năm đó rằng “những khó khăn lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đã bị vượt qua.”
Nghịch lý là, Stalin đã tiến hành Đại Thanh trừng vào năm 1936, trong thời điểm tương đối hòa bình và ổn định. Hàng loạt kẻ thù đột nhiên xuất hiện trong xã hội Liên Xô là do tưởng tượng nên. Hàng triệu người vô tội đã bị bắt giữ, tra tấn và bắn chết, chẳng hề có bằng chứng, nhưng chỉ dựa theo quota mà Kremlin chỉ thị. Stalin đã không nói dối: Đúng là “bất cứ ai” cũng có thể phạm tội.
Nikolai Bukharin, cựu lãnh đạo Bolshevik và biên tập của tờ Pravda, đã trở thành một trong những kẻ thù: bị bắt vào tháng 02/1937 và bị hành quyết vào tháng 03/1938. Bức thư ông viết cho Stalin từ nhà tù, vào ngày 10/12/1937, là một bức thư run rẩy và đáng thương từ một người đàn ông biết chắc chắn mình sẽ chết. Nhưng ngạc nhiên thay, ông không chỉ khẳng định những lời Stalin nói với Bộ Chính trị cách đây vài tháng, mà còn thừa nhận vai trò của mình trong việc tạo ra cỗ máy mà giờ đây khiến ông mắc kẹt trong tuốc-bin của nó.
“Có điều gì đó vĩ đại và táo bạo trong ý tưởng chính trị của một cuộc thanh trừng hàng loạt,” ông viết. “Việc thanh trừng này này bao gồm 1) kẻ tội đồ; 2) người bị nghi ngờ; và 3) những người có khả năng bị nghi ngờ. Hành động này không thể được thực hiện mà không có tôi.”
Nhà nước độc tài mà Bukharin hình dung là nhà nước dựa trên một trạng thái bất ổn lâu dài, trong đó hỗn loạn và sợ hãi là những thành phần thiết yếu của chính phủ. Nhà văn Lydia Chukovskaya đã miêu tả nỗi sợ hãi vốn là cốt lõi của thế giới đảo ngược này trong tiểu thuyết tuyệt vọng năm 1939, “Sofia Petrovna”, vốn không được xuất bản ở Liên Xô mãi cho đến cuối thập niên 1980. Nhân vật nữ chính trong tác phẩm “giờ đây khiếp sợ mọi người và mọi thứ,” Chukovskaya viết. “Có lẽ họ đã đưa cô ta đến đồn cảnh sát, tước mất hộ chiếu và đẩy cô vào cảnh lưu đày? Cô sợ hãi từng tiếng chuông kêu.”
Xóa bỏ trật tự xã hội, xem thường các quy định của pháp luật, truyền nỗi sợ vào sâu trong ý thức cá nhân và gieo mầm sự hồ nghi là điều cần thiết cho mục tiêu của Stalin, nhằm loại bỏ bất cứ mối đe dọa nào đối với quyền lực tuyệt đối của ông. Stalin không chỉ dùng Đại Thanh trừng để loại trừ những người có thể trở thành đối thủ trong đảng, mà còn gửi đi một tín hiệu không thể nhầm lẫn cho cả nước: Nếu Bukharin, Lev Kamenev và Grigory Zinoviev còn có thể có tội, thì mọi người đều bị nghi ngờ.
Một câu chuyện kể rằng Stalin đã giữ bức thư của Bukharin trong ngăn kéo trên cùng ở bàn làm việc của mình, nơi nó được phát hiện sau cái chết của ông, nhưng chỉ được xuất bản sau khi Liên Xô tan rã.
Thế chiến II kết thúc, đất nước giành được chiến thắng tuyệt vời trước Hitler, tuy nhiên, Stalin lại nhận ra rằng khi sự suy giảm về thể chất của ông xuất hiện, thì quyền lực cá nhân của ông cũng bắt đầu suy giảm. Phản ứng của ông là chuẩn bị một đợt thanh trừng thứ hai.
Một lần nữa, không ai được an toàn. Stalin giận dữ vì Ngoại trưởng Vyacheslav Molotov đã cho phép xuất bản đầy đủ bài phát biểu của Winston Churchill trên tờ Pravda. Molotov đã không nhận ra kẻ thù của họ. Ngoài ra còn có Zhdanov, khi ấy đang là một trong những thành viên quyền lực nhất của Bộ Chính trị, cũng bị Stalin oán giận khi con trai ông, Yuri, người đứng đầu bộ phận khoa học của Uỷ ban Trung ương, cho tổ chức một cuộc hội thảo kín để thảo luận về công trình của nhà nông học “rởm” T. D. Lysenko, một nhân vật giống như Rasputin trong chính quyền Stalin.
Stalin đã trả thù bằng cách quen thuộc: dùng tra tấn thể xác như là một phương pháp đối phó với kẻ thù chính trị; lan truyền sự hoang tưởng, sợ hãi và hồ nghi trong xã hội; bịa đặt ra kẻ thù; và tự cho mình là nhà lãnh đạo có khả năng duy nhất trong những thời điểm khó khăn như vậy. Bằng cách thao túng, lập mạng lưới bảo trợ, sự tàn bạo và lén lút, Stalin tiếp tục tiến hành cuộc tấn công vào chính đất nước mình. Quyền lực của ông nằm bên ngoài cấu trúc chính thức của nó, và trong giai đoạn cuối cùng của chế độ độc tài Stalin, khủng bố lên đến đỉnh điểm sau vụ “Âm mưu của các Bác sĩ” năm 1953, một cuộc khủng hoảng được bịa ra, trong đó các bác sĩ Do Thái nổi tiếng bị buộc tội âm mưu chống lại lãnh đạo Liên Xô. Tiếp nối những lời đe dọa mà ông thốt ra trong bài phát biểu năm 1937, âm mưu mới này chứa đựng những hạt giống tai họa thậm chí còn lớn hơn do sự xuất hiện của Chiến tranh Lạnh.
Khi Molotov không tìm thấy tên mình trong danh sách những người được cho là mục tiêu ám sát của các bác sĩ Do Thái, ông biết mình đã bị đánh dấu trong danh sách bị khử trừ. Nhưng không chỉ có mình ông. Anastas Mikoyan, Kliment Voroshilov và nhiều cấp dưới khác của Stalin lo ngại ngày tàn của họ đã đến. Năm 1952, khi Bộ trưởng An ninh Semyon Ignatiev không thể tạo ra các bằng chứng giả cho vụ các bác sĩ Do Thái đủ nhanh, Stalin đã đe dọa sẽ làm giảm chiều cao của ông “bằng một cái đầu.”
“Đánh chúng, đánh chúng, đánh chúng bằng những cú đánh chết người,” ông hét vào mặt vị lãnh đạo an ninh. Ignatiev nhanh chóng bị trụy tim và được đưa ra khỏi văn phòng.
“Hãy nhìn lại các cậu đi,” ông nói với một nhóm cộng sự thân cận của mình vào tháng 12 năm đó, “bọn mù, lũ mèo con, các cậu không nhìn thấy kẻ thù; các cậu sẽ làm gì nếu không có tôi? – Đất nước này sẽ bị diệt vong bởi vì các cậu không nhìn thấy kẻ thù.”
Chỉ có ông, Stalin, mới có thể lãnh đạo đất nước, bởi vì chỉ có ông, Stalin, mới có thể nhìn thấy kẻ thù. Chỉ có cái chết của Stalin, vào tháng 03/1953, mới cứu được nhiều người khỏi bị hủy diệt – và có lẽ là cứu cả thế giới. Năm tháng sau, Liên Xô cho nổ quả bom hydro đầu tiên của họ.
Jonathan Brent, người khởi xướng loạt ấn phẩm Annals of Communism tại Yale University Press và từng nghiên cứu kho lưu trữ Liên Xô trong giai đoạn 1992-2009, hiện đang là giám đốc điều hành Viện YIVO về Nghiên cứu Do thái và giảng dạy tại Đại học Bard.
Hình: Các đại biểu dự Đại hội 16 Đảng Cộng sản Nga. Những người bị bôi mờ là nạn nhân của đàn áp chính trị dưới thời Stalin.