Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
Thời báo Hoàn cầu ngày 04/08/2018 đăng bài “Cần cảnh giác trước việc Nhật tích trữ một lượng lớn Plutonium” của Dương Thừa Quân (Yang Cheng Jun), Nghiên cứu viên cấp cao Ủy ban An ninh quốc gia Trung Quốc. Bài báo viết:
Báo “Tin tức Kinh tế Nhật ” hôm qua đưa tin: Hiện nay lượng dự trữ vật liệu Plutonium của Nhật là hơn 47 tấn, vượt xa nhu cầu [sản xuất điện] của các nhà máy điện hạt nhân. Nếu dùng số lượng Plutonium này chế tạo vũ khí hạt nhân (VKHN) thì có thể làm được hơn 6000 trái bom nguyên tử.
Nhật tích trữ một lượng Plutonium nhiều như vậy phải chăng có tồn tại khả năng mất kiểm soát? Theo ý kiến tác giả, ở đây cần phân tích xem liệu Nhật có hay không có ý đồ chủ quan và hành động khách quan nghiên cứu triển khai VKHN.
Tác giả cho rằng hiện nay Nhật hoàn toàn có đủ 4 điều kiện nghiên cứu triển khai VKHN: Nắm được lý thuyết phản ứng hạt nhân và các đặc tính lý hóa của vật liệu hạt nhân; Có các công nghệ và thiết bị để tinh luyện vật liệu hạt nhân, phân rã hạt nhân; Có năng lực tài chính hùng hậu để hỗ trợ việc làm VKHN; Có nhu cầu để nghiên cứu chế tạo VKHN.
Mấy năm qua GDP của Nhật đều giữ ở mức trên 5.000 tỷ USD, tổng lượng kinh tế đứng thứ ba thế giới, quốc lực tổng hợp, thu nhập bình quân đầu người và năng lực kinh tế đều rất lớn.
Xét về công nghệ năng lượng hạt nhân, Nhật hiện nay sở hữu công nghệ tổng hợp hạt nhân hàng đầu thế giới. Ví dụ, Nhật đang sử dụng thiết bị thí nghiệm tổng hợp hạt nhân kiểu xoáy ốc loại lớn duy nhất trên thế giới. Nhật đã đầu tư 6 tỷ USD xây dựng xong lò phản ứng tăng trị neutron “Văn Thù” [Manjusri neutron breeder reactor]. Đồng thời Nhật cũng có năng lực chế tạo đầu đạn hạt nhân. Công ty Toray (Đông Lệ) của Nhật chế tạo được vật liệu composites carbon/ carbon có cường độ chịu xâm thực nhiệt, độ kháng cường chấn, và tỷ trọng chỉ bằng 1/10 hợp kim tungsten, đã được dùng làm đầu đạn hạt nhân Minuteman III của Mỹ.
Bởi thế, Nhật hiện nay hoàn toàn có năng lực chế tạo VKHN, mà một khi đã có VKHN thì lực tấn công tổng hợp sẽ rất lớn.
Việc sử dụng Plutonium như thế nào sẽ có liên quan tới xu hướng hoạt động hạt nhân từ nay về sau của Nhật, nhưng công nghệ phòng hộ hạt nhân của Nhật chưa tiên tiến – đây là một nỗi lo ngại lớn hơn. Mọi người đều biết, nước Nhật có nhiều thiên tai như động đất và bão. Chưa ai quên trận động đất lớn năm 2011 ở miền đông nước này gây ra vụ rò rỉ hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân số 1 Fukushima Daiichi. Sự cố rò rỉ hạt nhân đã đánh một đòn nặng nề vào lòng tin của người Nhật đối với công nghệ của họ. Vì vậy nếu sau này các thiên tai như động đất lại gây ra rò rỉ Plutonium thì ảnh hưởng sẽ rất nặng nề.
Để xử lý vấn đề Nhật tồn trữ lượng Plutonium với quy mô lớn, tác giả cho rằng trước hết cần vận dụng các điều luật quốc tế liên quan, dùng nhiều hình thức khác nhau tiến hành tuyên truyền các điều luật quốc tế có liên quan tới hạt nhân, từ đó khêu gợi cộng đồng quốc tế quan tâm tới tình hình hạt nhân ở vùng Đông Bắc Á.
Thứ hai, tăng cường ý thức lo ngại về khả năng Nhật nghiên cứu triển khai VKHN, làm cho dân chúng trên thế giới có nhận thức đầy đủ về năng lực hạt nhân của Nhật, đặc biệt là trên các lĩnh vực công nghệ thăm dò, thiết bị động lực, xuất khẩu đất hiếm… từ đó thấy rõ và ngăn chặn sự phát triển năng lực hạt nhân của Nhật.
Sau cùng, [Bắc Kinh cần] căn cứ vào nhu cầu an ninh hạt nhân của Trung Quốc, tiến hành luận chứng khoa học về quy mô số lượng VKHN mà Trung Quốc cần tự phát triển, điều chỉnh sự bố trí VKHN một cách tối ưu, nâng cao năng lực cảnh báo chiến lược sớm và năng lực đối phó với các sự kiện đột phát bất ngờ, làm tốt công tác chuẩn bị đề phòng và phản kích.
Tuy rằng Chính phủ Nhật đã nhiều lần nhấn mạnh Plutonium dùng để phát điện dân dụng, nhưng tình hình phía Nhật sử dụng Plutonium như thế nào, có thật là chỉ hoàn toàn dùng vào việc phát điện dân dụng hay không, điều đó đáng được Trung Quốc theo dõi sát sao.
Nguyễn Hải Hoành biên dịch từ nguồn tiếng Trung 杨承军:日本持有大量钚值得警惕