Tác giả: Nguyễn Hải Hoành
Ngày 09/08/2018, Phó Tổng thống kiêm Chủ tịch Hội đồng An ninh Không gian quốc gia Mỹ Mike Pence tuyên bố tại Lầu Năm Góc: Trước năm 2020 nước Mỹ sẽ thành lập Lực lượng Không gian.
Tuyên bố này đã lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận Mỹ và thế giới.
Thực ra vấn đề này không hoàn toàn mới. Tháng 6 năm nay, Tổng thống Donald Trump từng lên tiếng ủng hộ việc thành lập Lực lượng Không gian (Space Force). “Tôi đang chỉ đạo Bộ Quốc Phòng và Lầu Năm Góc bắt đầu ngay lập tức quá trình cần thiết để thiết lập một lực lượng không gian làm nhánh thứ sáu của các lực lượng vũ trang. Đó là một tuyên bố lớn,” Trump nói. “Chúng ta có Không quân và chúng ta sẽ có Lực lượng Không gian — tách biệt nhưng bình đẳng [với Không quân].”
Đây là quân chủng thứ 6 sau 5 quân chủng hiện có ở Mỹ: Lục quân, Hải quân, Không quân, Lính thủy đánh bộ, và Tuần duyên.
Pence giải thích: “Cũng như trước đây – khi chúng ta thành lập Lực lượng Không quân – việc thành lập Lực lượng Không gian là một ý tưởng đã đến lúc phải làm”, “Nước Mỹ sẽ luôn luôn tìm kiếm hòa bình trong không gian vũ trụ cũng như trên Trái Đất. Nhưng lịch sử chứng minh rằng hòa bình chỉ có được nhờ sức mạnh, và trong lĩnh vực không gian vũ trụ, Lực lượng Không gian Mỹ sẽ là sức mạnh đó”.
Nhà Trắng cho rằng việc lập Lực lượng Không gian là cần thiết bởi lẽ các đối thủ của Mỹ, nhất là Nga và Trung Quốc đang gây ra sự đe dọa cho an toàn không gian của Mỹ, như chế tạo những vũ khí để ngăn chặn, phá hoại các vệ tinh thông tin cực kỳ quan trọng. Năm 2007 Trung Quốc đã dùng tên lửa phá một vệ tinh của mình. Nga còn thử một loại tên lửa có thể đuổi theo bắn hạ vệ tinh đang bay.
Cùng hôm đó Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra bản kế hoạch 15 trang dự kiến lập Bộ Tư lệnh Không gian, Lực lượng Tác chiến Không gian và Cục phát triển Không gian. Tổng thống Trump viết dòng tweet: Lực lượng Không gian tiến lên! (Space Force all the way!)
Năm 1983, Tổng thống Reagan từng đưa ra Sáng kiến Phòng thủ chiến lược (Strategic Defense Initiative, SDI) còn gọi là Chiến tranh giữa các vì sao (Star Wars Program) chủ yếu để chống tên lửa đạn đạo. Kế hoạch lập Lực lượng Không gian có quy mô lớn hơn nhiều so với SDI. Quân chủng mới có nhiệm vụ từ trên không gian tấn công các mục tiêu mặt đất và đánh chặn các tên lửa đạn đạo của đối phương, như vậy có thể kiểm soát được toàn bộ không gian ngoài Trái Đất, hình thành quyền lực tuyệt đối bá chủ không gian vũ trụ.
Sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã nhiều lần nêu ra ý tưởng thành lập Lực lượng Không gian, nhưng phía quân đội Mỹ không tích cực ủng hộ. Tháng 7/2017 Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis viết thư cho nghị sĩ đảng Cộng hòa Turner tỏ ý không cần lập Lực lượng Không gian, mà cứ để Không quân quản lý không gian là được rồi. Thực tế là cho tới nay, tuy chưa có quân chủng riêng phụ trách bảo vệ không gian nhưng vẫn có Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ (lập 1982, nằm trong quân chủng Không quân), đặt trụ sở tại căn cứ không quân Peterson ở Colorado, quản lý 30.000 binh sĩ. Lực lượng đó gồm Trung tâm hệ thống Không gian và tên lửa, Cục Quản lý vệ tinh quốc phòng, các đơn vị này sử dụng radar giám sát mọi cuộc phóng tên lửa đạn đạo nhằm ngăn chặn các vụ tập kích nước Mỹ.
Tháng 6/2017, chính quyền Mỹ thành lập Hội đồng Không gian quốc gia (National Space Council) do Phó Tổng thống Pence làm chủ tịch. Tháng 12/2017, Nhà Trắng khi nói về chiến lược an ninh quốc gia lại nhắc tới việc tăng cường ưu thế cạnh tranh của Mỹ trong không gian vũ trụ. Chiến lược không gian quốc gia Mỹ đưa ra hồi tháng 3 năm nay có dự kiến tăng thêm “Lực lượng Không gian” cho quân đội Mỹ, một ý tưởng năm ngoái bị các thành viên Chính phủ Mỹ phản đối.
Thứ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan nói hiện Lầu Năm góc chưa xác định số tiền cần dùng để xây dựng Lực lượng Không gian. Trong bài nói của mình, ông Pence yêu cầu Quốc hội duyệt chi 8 tỷ USD trong 5 năm để dùng cho hệ thống an toàn không gian. Ông cho biết: tháng 2/2019 Tổng thống Trump sẽ công bố dự toán ngân sách dành cho quân chủng mới này.
Bộ trưởng Quốc phòng Mattis giờ đây đã ủng hộ ý tưởng lập quân chủng Không gian. Chủ tịch đảng Cộng hòa và các nghị sĩ cấp cao đảng Dân chủ cũng ủng hộ việc đó, nhưng trong Quốc hội cũng có nhiều người phê phán chủ trương này.
Các chuyên gia giải thích: Lực lượng Không gian là lực lượng quân sự bố trí trên các vệ tinh nhân tạo, là hệ thống tấn công và phòng ngự trên không gian vũ trụ. Hệ thống tấn công tại căn cứ quân sự trên trời ấy có thể dễ dàng vượt qua biên giới quốc gia đối địch, trực tiếp tấn công ngay trên đầu đối phương.
Việc Mỹ tuyên bố thành lập Lực lượng Không gian đã gây ra sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế. Tạp chí National Geographic đặt câu hỏi: Liệu Lực lượng Không gian có hợp pháp hay không?
Đài Phát thanh quốc tế Pháp nói đây là phiên bản 2.0 của Dự án Chiến tranh giữa các vì sao do Tổng thống Reagan đưa ra hồi thập niên 80 thế kỷ trước.
Thông tấn xã Đức nhận xét “Mỹ muốn làm siêu cường vũ trụ”.
Truyền thông Australia nói Mỹ muốn bố trí vũ khí lên không gian vũ trụ, ngoài việc làm cho loài người lo ngại về bom hạt nhân treo trên đầu, còn dẫn đến sự chấm dứt giấc mơ thám hiểm tầng không gian bên ngoài Trái Đất.
Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) ngày 10/8 đăng xã luận “Mỹ thành lập Lực lượng Không gian nhưng đừng hòng bá chủ không gian bên ngoài [Trái Đất]”, cho rằng hành động này của Mỹ là độc nhất vô nhị trên thế giới, việc lập đội quân ấy không chỉ nhằm từ trên không gian tấn công các mục tiêu ở mặt đất và đánh chặn các tên lửa của đối phương mà còn có dã tâm bá chủ toàn bộ tầng không gian bên ngoài Trái Đất, từ không gian mà chinh phục các nước lớn khác. Liên Hợp quốc kiên quyết phản đối quân sự hóa không gian tầng ngoài; các nước đều tỏ ra kiềm chế trong việc nghiên cứu vũ khí không gian; nay Mỹ công khai tuyên bố lập Lực lượng Không gian thì rõ ràng đó là tiếng kèn hiệu đầu tiên triển khai cuộc đọ sức quân sự trên không gian vũ trụ.
Về công nghệ không gian, Mỹ là cường quốc số một bỏ xa các nước khác, cho nên họ có điều kiện được trời hậu đãi để quân sự hóa không gian tầng ngoài. Nhưng các nước lớn khác sẽ không ngủ yên. Mỹ đừng hòng thực hiện được trong không gian tầng ngoài Trái Đất những việc chưa làm được trên mặt đất, dưới nước và trong bầu khí quyển. Nga và Trung Quốc phải áp dụng hành động chống trả nhằm bảo vệ không gian của mình. Trung Quốc chủ trương lập tức nghiên cứu về mức độ nguy hại mà hành động của Mỹ gây ra.
Bài báo viết: Đối sách của Trung Quốc dựa trên hai nguyên tắc: 1) Từ bỏ mọi ảo tưởng, kiên quyết phát triển năng lực đáp trả việc Mỹ xác lập bá quyền không gian; 2) Không triển khai chạy đua toàn diện vũ trang không gian với Mỹ, điều đó quốc lực Trung Quốc không cho phép. Trước hết phải xác lập lằn ranh an toàn khiến Mỹ không dám phát động tấn công không gian đối với Trung Quốc.
Việc Mỹ lập quân chủng mới có thể dẫn đến cuộc cách mạng về công nghệ không gian. Trung Quốc cần điều động cả lực lượng nhà nước lẫn lực lượng dân gian cùng dốc sức nghiên cứu công nghệ đó, – bài xã luận viết và kết luận: “Trên thế giới này chưa có sức mạnh nào đủ để ngăn cản nước Mỹ đưa ra các quyết định cực đoan. Họ đang ảnh hưởng sâu sắc tới chiều hướng hoạt động của nhân loại trong tương lai. Làm gì để hạn chế bất kỳ vụ lên cơn đột phát nào về chiến lược của nước Mỹ, giảm bớt mức độ vô trách nhiệm của vụ việc đó – đây có lẽ là thách thức lớn nhất mà cộng đồng thế giới đang đối mặt.”