Sự cần thiết của ‘Chủ nghĩa tư bản có trách nhiệm’

Nguồn: Simon Johnson, “Saving Capitalism from Economics 101”,  Project Syndicate, 31/08/2018.

Biên dịch: Nguyễn Minh Khuê

Trên khắp nước Mỹ sinh viên đang nhập học tại các trường đại học – và bắt đầu làm quen với môn “Econ 101” (Nhập môn Kinh tế học). Khóa học đại cương này thường được giảng dạy với một thông điệp khiến người ta yên tâm: nếu thị trường được phép làm việc thì những kết quả tốt – chẳng hạn như tăng trưởng năng suất, tăng tiền lương, và nói chung là thịnh vượng chung – chắc chắn sẽ được tạo ra.

Thật không may, như đồng tác giả James Kwak của tôi chỉ ra trong cuốn sách gần đây của ông, Economism: Bad Economics and the Rise of Inequality, Econ 101 quá xa thực tế đến mức nó thực sự có thể bị coi là gây hiểu lầm – ít nhất là trong vai trò một hướng dẫn cho việc hoạch định chính sách hợp lý. Thị trường có thể tốt, nhưng nó cũng rất dễ bị lạm dụng, bao gồm cả những chủ thể nổi bật trong khu vực tư nhân. Đây không phải là một mối quan ngại về mặt lý thuyết; nó đã là trung tâm trong các cuộc tranh luận chính sách hiện tại của chúng ta, bao gồm cả các dự luật mới quan trọng của Hoa Kỳ vừa mới được đề xuất.

Một vấn đề cốt lõi là các động lực thị trường khuyến khích các hành vi tư lợi của tư nhân mà không tính tới các lợi ích hoặc chi phí xã hội. Chúng ta thường bỏ qua tác động  từ các hành động của chúng ta lên người khác, hay còn gọi là các “ngoại ứng” (externalities). Nói cho công bằng thì các cuốn sách giáo khoa Econ 101 có thảo luận vấn đề này trong một số ngữ cảnh nhất định, chẳng hạn như nạn ô nhiễm môi trường, và người ta thường công nhận rằng thiệt hại môi trường cần phải được điều tiết nếu chúng ta muốn có không khí sạch, nước sạch và hạn chế các chất gây ô nhiễm khác.

Thật không may, trong số những người đó không có chính quyền của Tổng thống Donald Trump, những người vốn đang bận rộn xóa bỏ các quy định về bảo vệ môi trường đối với một loạt các hoạt động. Thời báo New York đếm được 76 quy trình xóa bỏ như vậy đang được thực hiện. Suy nghĩ đằng sau chính sách này được lấy từ những tuần học đầu tiên của môn Econ 101: hãy thôi can thiệp vào thị trường. Kết quả là sẽ có nhiều ô nhiễm hơn – bao gồm nhiều khí thải nhà kính hơn – trong tương lai của nước Mỹ.

Ngoài ra còn có một vấn đề khác sâu sắc hơn. Có một giả định chung trong môn Econ 101 là các doanh nghiệp nên tối đa hóa lợi nhuận, và điều này là tốt nhất cho các cổ đông của họ và cho xã hội. Nhưng khái niệm “doanh nghiệp” này chỉ là một cách viết tắt cho những người được tổ chức theo một hình thức nhất định. Con người, không phải các công ty, đưa ra các quyết định. Để hiểu bản chất và tác động của các quyết định này, chúng ta cần xem xét kỹ các động lực của các nhà quản lý cấp cao và các thành viên hội đồng quản trị của công ty.

Kể từ những năm 1970, những người điều hành các công ty ngày càng tìm cách tăng các chế độ lương thưởng cho họ, thông qua các khoản tiền thưởng, các lựa chọn cổ phiếu và các loại ưu đãi tương tự. Đã có sự gia tăng đáng kể về giá trị cổ phần, phần lớn trong số đó thuộc sở hữu của 10% người Mỹ giàu nhất. Mặt khác, mức lương trung bình hầu như không tăng – một sự khác biệt đáng kể so với giai đoạn ngay sau Thế chiến II, khi năng suất tăng dẫn đến một mức tăng lương ổn định.

Ngày nay, các công ty được vận hành chủ yếu phục vụ lợi ích của các nhà quản lý cấp cao và hội đồng quản trị của các công ty đó. Các nhà đầu tư đôi khi được hưởng lợi theo, mặc dù có rất nhiều trường hợp những người nội bộ công ty hưởng lợi quá mức bằng cách tự thưởng quá cao cho mình, chấp nhận rủi ro quá mức, hoặc tham gia vào các hoạt động khác xấu xa hơn. Ý tưởng rằng các ủy ban lương thưởng nhấn mạnh vào các thành tích thực sự ấn tượng so với các tiêu chuẩn tương ứng để định đoạt mức lương thưởng cho các quản lý doanh nghiệp đã trở thành điều nực cười.

Đó là lý do Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren (trong hình) đại diện bang Massachusetts đang đề xuất Đạo luật Chủ nghĩa tư bản có trách nhiệm. Các công ty rất lớn sẽ cần phải có một điều lệ công ty liên bang (so với điều lệ tiểu bang hiện hành), đi kèm trong đó là các nghĩa vụ cụ thể – đặc biệt là việc phải xem xét lợi ích của tất cả các bên liên quan của công ty, bao gồm công nhân. Để làm cho điều này có ý nghĩa hơn và cải thiện tính minh bạch nói chung, các nhân viên bình thường (không phải quản lý) cần có đại diện ở Hội đồng Quản trị. Dàn xếp này hoạt động tốt ở Đức, một quốc gia nơi công nhân tiếp tục được đối xử một cách tôn trọng.

Warren cũng ủng hộ một đề xuất có nguồn gốc từ John Bogle, người sáng lập Vanguard (một quỹ tương hỗ), yêu cầu sự ủng hộ siêu đa số (trên 65%) từ các cổ đông và hội đồng quản trị trước khi một công ty lớn có thể tham gia các hoạt động chi tiêu chính trị (tức vận động hành lang – NBT).

Nền tảng lý thuyết pháp lý đằng sau những đề xuất này là hợp lý, và nó đã được nêu rõ trong một bức thư được ký tên bởi Robert Hockett đến từ Trường Luật Cornell và các nhân vật tiêu biểu khác. Các tập đoàn lớn được trao các quyền quan trọng, bao gồm trách nhiệm hữu hạn đối với các cá nhân giám đốc điều hành, trong khi tạo điều kiện cho việc kêu gọi một số lượng lớn vốn từ những người không nhất thiết phải biết nhau. Ban đầu, mục đích của các quyền này là để cho phép các công ty tư nhân thực hiện được các khoản đầu tư rủi ro quy mô lớn có tác động tiềm năng cao, chẳng hạn như xây dựng các kênh đào và hệ thống đường sắt.

Hoa Kỳ được cho là tìm cách hạn chế hoạt động của các tập đoàn lớn, với việc Bộ Tư pháp sẽ hành động nếu các công ty có được vị thế độc quyền hoặc hành xử theo cách phản cạnh tranh. Nhưng thực tế việc thực thi luật chống độc quyền đã suy yếu rất nhiều trong những năm gần đây, dưới cả hai chính quyền Cộng hòa và Dân chủ.

Warren đang đề xuất một cách suy nghĩ rộng hơn nhiều. Các tập đoàn lớn vẫn có thể hoạt động tốt nhưng họ cần phải chịu trách nhiệm một cách minh bạch hơn. Ưu đãi cho các giám đốc điều hành sẽ được điều chỉnh, và việc điều hành các công ty này sẽ không còn phục vụ quá nhiều cho việc tư túi cho riêng họ. Công nhân sẽ không còn bị đối xử tồi tệ như vậy nữa, và nhiều người hơn sẽ có thể bắt đầu tin tưởng vào Giấc mơ Mỹ với sự thịnh vượng chung cho tất cả mọi người.

Tính hợp pháp của chủ nghĩa tư bản – quyền sở hữu tư nhân và sự phụ thuộc vào các cơ chế thị trường – sẽ được tăng cường mạnh mẽ theo Đạo luật Tư bản có trách nhiệm. Vì vậy, dù có thích hay nó không thì đề  tài này vẫn nên được đưa vào “bài thi cuối kỳ”.

Simon Johnson, nguyên kinh tế trưởng tại IMF, là giáo sư tại Trường Quản trị Sloan (MIT), nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Peterson về Kinh tế Quốc tế, và là đồng sáng lập của blog kinh tế học hàng đầu mang tên The Baseline Scenario. Ông là đồng tác giả với James Kwak cuốn White House Burning: The Founding Fathers, Our National Debt, and Why It Matters to You.

Copyright: Project Syndicate 2018