Tác giả: Lê Đình Tĩnh
Tóm tắt: Một trong những bí quyết thành công của sự nghiệp Đổi mới và của ngoại giao Việt Nam kể từ năm 1986 đến nay là không ngừng tìm tòi cái mới, tạo đột phá. Từ phá thế bao vây cấm vận tới hội nhập kinh tế và hội nhập quốc tế, ngoại giao Việt Nam đã tự đổi mới tư duy, thích ứng, chủ động hòa giải thách thức, kiến tạo cơ hội. Thành công của ngoại giao Việt Nam trên cả hai bình diện song phương và đa phương bắt nguồn từ cách tiếp cận đó. Việt Nam trở thành một nước ngày càng tích cực đóng góp vào công việc chung của khu vực và thế giới với thế và lực mới. Bài viết này cố gắng làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn xoay quanh ý tưởng cường quốc tầm trung cho Việt Nam sau năm 2030.
Một vấn đề thú vị đặt ra trong quá trình thảo luận xây dựng chính sách đối ngoại là liệu Việt Nam có thể thành một cường quốc tầm trung sau năm 2030 hay không? Ứng xử ngoại giao Việt Nam lúc đó sẽ có điểm gì mới so với giai đoạn hiện nay? Để góp phần trả lời những câu hỏi đó, bài viết này tập trung vào ba nội dung chính như sau: (i) cơ sở lý luận (ii) liên hệ thực tiễn khu vực, thế giới; (iii) tính khả thi và vấn đề đặt ra cho Việt Nam trong vai trò cường quốc tầm trung.
Cơ sở lý luận
Theo từ điển Britannica, cường quốc tầm trung là nước nằm “giữa” trên thang bảng sức mạnh quốc tế, dưới các siêu cường, nhưng có đủ khả năng tác động đến các sự kiện quốc tế.[1] Khái niệm cường quốc tầm trung với chức năng là một cơ sở phân tích về các quốc gia được cho là có nguồn gốc từ thế kỷ XVI, dựa trên các tác phẩm của nhà triết học I-ta-li-a Giovanni Botero. Đến Hội nghị Paris 1815, các cường quốc tầm trung đã thể hiện vai trò tích cực và được công nhận như một nhóm quốc gia đặc trưng trong hệ thống quốc tế.[2]
Một số công trình nghiên cứu gần đây cho rằng tiêu chí nhận diện cường quốc tầm trung gồm sức mạnh quân sự, năng lực quốc gia, vị trí địa chiến lược và khả năng lãnh đạo, dẫn dắt, uy tín quốc tế.[3] Một số nghiên cứu khác cho rằng cần nhìn vấn đề rộng hơn, tập trung vào năm tiêu chí sau: (i) năng lực quốc gia; (ii) vị trí trong trật tự thế giới; (iii) những giá trị chuẩn tắc về tổ chức nhà nước – xã hội; (iv) lợi ích chính của các giai cấp, tầng lớp trong nước; (v) đặc thù về chính sách đối ngoại.[4]Những tiêu chí này được đề xuất dựa trên sự kết hợp về lý luận của nhiều trường phái khác nhau trong nghiên cứu quan hệ quốc tế và chính trị học. Trong đó, thuyết hiện thực coi trọng tiêu chí năng lực, thứ bậc quốc gia, thuyết tự do nhấn mạnh hợp tác, thuyết Gramsci mới (neo-Gramscian) đề cao vai trò, vị thế tương đối của các quốc gia trong hệ thống kinh tế – chính trị toàn cầu, trong khi thuyết kiến tạo nhấn mạnh bản sắc và những giá trị có tính chuẩn tắc.
Để đơn giản hóa vấn đề và trên cơ sở kết hợp vận dụng các lý thuyết trên, tựu chung lại, tiêu chí cơ bản nhận diện cường quốc tầm trung gồm: Sức mạnh, năng lực quốc gia; Hành vi, ứng xử ngoại giao, uy tín quốc tế; Bản sắc, giá trị. Về cơ bản, một quốc gia có sức mạnh, tầm ảnh hưởng dưới siêu cường nhưng nhỉnh hơn phần còn lại, có lối ứng xử ngoại giao không quá quyết liệt, tham vọng nhưng trên mức phòng thủ tiêu cực và đại diện cho một bản sắc nào đó có thể được xem là cường quốc tầm trung.
Cụ thể hơn, về khía cạnh sức mạnh, năng lực quốc gia, các tiêu chí chủ chốt bao gồm năng lực chính trị xã hội trong nước, chính trị quốc tế, dân số, kinh tế, quân sự, nông nghiệp, năng lượng, khoa học công nghệ, tài nguyên thiên nhiên và chất lượng môi trường.[5] Trên các khía cạnh này, các nhà nghiên cứu “lượng hóa” chi tiết và “xếp hạng” sức mạnh và năng lực của một quốc gia. Bộ “Asia Power Index” của Viện Lowy, Ô-xtrây-li-a đưa ra 114 hạng mục đánh giá sức mạnh.[6] Nếu một quốc gia đạt đa phần chỉ tiêu ở mức giữa trở lên thì có triển vọng gia nhập nhóm các cường quốc tầm trung.
Tuy nhiên cần lưu ý sức mạnh và khả năng chuyển hóa sức mạnh thành những năng lực cụ thể là hai vấn đề không đồng nhất.[7] Sức mạnh của một quốc gia không phải là khái niệm chỉ có ý nghĩa tuyệt đối mà còn là tương đối, tùy thuộc vào tương quan so sánh với các quốc gia khác trong từng hoàn cảnh cụ thể. Vai trò của “tốt” và “xe” đã được nói tới trong bài thơ “Đánh cờ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong trường hợp giả định bị tấn công, I-ran, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (CHDCND Triều Tiên) có thể chọn “chiến lược bất đối xứng”, phản công bằng tác chiến điện tử nhằm vào hạ tầng và hệ điều hành mạng thiết yếu của đối thủ, tránh đối phó tổng lực.
Về hành vi, theo Cooper, Higgott và Nossal, một nước được xem là cường quốc tầm trung hay không chủ yếu tùy thuộc vào cách thức ứng xử ngoại giao. Theo đó, nước tầm trung có xu hướng coi trọng các dàn xếp đa phương và tích cực can dự vào các giải pháp quốc tế đối với những vấn đề chung.[8]
Ứng xử ngoại giao của cường quốc tầm trung cần được xem xét trong bối cảnh cụ thể, tức là vai trò quan trọng của nhóm nước này không phải tự nhiên có mà phải qua nỗ lực khẳng định mình. Các nước lớn hơn, nhất là siêu cường, không phải lúc nào cũng thừa nhận vai trò của nước thấp hơn trên thứ bậc quyền lực. Ví dụ, các chính quyền Mỹ gần đây vẫn chưa xem Thổ Nhĩ Kỳ, một cường quốc khu vực, đóng vai trò tương xứng trong chiến lược Trung Đông.[9] Sự lấn lướt, thậm chí “cướp cờ” của các siêu cường là xu hướng tự nhiên và là “quy luật”. Đơn cử, là thành viên sáng lập APEC nhưng về sau Ô-xtrây-li-a, một nước tầm trung, phải “nhường” vị thế dẫn dắt cho Mỹ và những nước lớn hơn.
Nước tầm trung thường tích cực về ngoại giao, tham gia giải quyết vấn đề chung chứ không chỉ bó hẹp mức độ quan tâm đối với những vấn đề sát sườn, trực tiếp. Không can dự vào mọi cuộc xung đột quốc tế nhưng nước tầm trung thường có chính kiến hoặc tham gia trên thực tế với tần suất cao hơn những nước có nhiều đặc điểm tương đồng (ví dụ có mức thu nhập như nhau) nhưng không thuộc nhóm tầm trung. Một khía cạnh liên quan khác, nước tầm trung có xu hướng tìm cách giảm thiểu xung đột bằng cách phối hợp với những quốc gia cùng quan điểm trong vấn đề đó, thông qua các dàn xếp và thể chế đa phương.[10]
Cường quốc tầm trung đề cao nhân tố ổn định (stabilizers) và ủng hộ tính hợp pháp của hệ thống quốc tế hiện hành (legitimizers). Ưu tiên mục tiêu ổn định bắt nguồn từ lý do năng lực. Nếu xảy ra một tình huống bất ổn ở cấp độ hệ thống, nước tầm trung sẽ gặp nhiều khó khăn và không loại trừ khả năng không thể tự bảo vệ lợi ích của mình. Bên cạnh đó, nước tầm trung dù truyền thống hay mới nổi đều được hưởng lợi từ hệ thống hiện hành vì vậy không có lý do gì để thách thức thay đổi hệ thống. Nước tầm trung ủng hộ thay đổi trong hệ thống chứ không phải toàn hệ thống.[11]
Hiếm khi thách thức hay phối hợp hành động nhằm làm thay đổi nguyên trạng toàn cầu, nước tầm trung thiên về ủng hộ giữ cân bằng quyền lực ở cấp độ hệ thống. Chính vì lý do này, một số nước tuy có thể có khả năng tác động vào hệ thống nhưng không được xếp vào nhóm cường quốc tầm trung như Pa-ki-xtan (có thể sở hữu vũ khí hạt nhân) hay Xi-ri (bị cáo buộc sở hữu và sử dụng vũ khí hóa học). Một số học giả phương Tây bổ sung yếu tố dân chủ như một tiêu chí nhận diện nước tầm trung với lập luận cho rằng các nền dân chủ thường ít khi gây xung đột với nhau.[12] Với tiêu chí đó, các học giả này không xếp Triều Tiên, Cu-ba và một số nước Trung Cận Đông vào nhóm nước tầm trung.[13]
Nước tầm trung đặc biệt coi trọng luật pháp quốc tế, xem đây như công cụ mấu chốt để xác định và bảo đảm lợi ích quốc gia.[14] Trường hợp luật pháp quốc tế không giúp đáp ứng đầy đủ mục tiêu này, nước tầm trung ưu tiên xây dựng các bộ quy tắc ứng xử được các bên, trong đó có các nước lớn, chấp nhận.[15] Tuy coi trọng luật pháp, nhưng nước tầm trung cũng có cách tiếp cận thực tế (quản trị kỳ vọng) trong quá trình vận dụng, thể hiện ở việc chọn vụ việc, thời điểm, khía cạnh luật pháp trong đấu tranh, bảo vệ lợi ích quốc gia, nhất là khi liên quan đến các nước lớn.
Về bản sắc, giá trị, có ý kiến cho rằng phải chăng nước tầm trung là tất cả các quốc gia còn lại sau khi đã xác định được nhóm nước lớn và nhóm nước nhỏ. Rõ ràng theo tiêu chí cường quốc hay nước tầm trung, đây không phải là những nước “bình bình”, thiếu bản sắc, chỉ chủ trương “dĩ hòa vi quý”. Để phân biệt cường quốc tầm trung với các quốc gia còn lại, các nhà nghiên cứu thường dựa vào những đặc điểm sau:
Thứ nhất, cường quốc tầm trung coi trọng vai trò của ngoại giao.
Thứ hai, cường quốc tầm trung ủng hộ cách tiếp cận đa phương, vận động các nước có cùng ý kiến, coi trọng luật pháp quốc tế, nguyên tắc ứng xử, các giá trị có tính chuẩn tắc, phản đối chủ nghĩa áp đặt, đơn phương.
Thứ ba, tham gia nhiều vấn đề quốc tế nhưng cường quốc tầm trung thường chọn phong cách ngoại giao “biết mình, biết người”, lượng sức để chọn vấn đề, chọn thời điểm, chọn lập trường thận trọng. Bên cạnh vấn đề nguyên tắc, cường quốc tầm trung cũng linh hoạt xem xét các tình huống cụ thể trước khi ra quyết định, tức là có biên độ vận dụng nguyên tắc vào thực tiễn chứ không quá cứng nhắc, rập khuôn. Dĩ nhiên, nước nhỏ cũng chọn phong cách này nhưng điểm khác là nước tầm trung không thu mình và chọn lối “phòng thủ” tiêu cực, “trung lập tuyệt đối” như nước nhỏ.
Thứ tư, như đã nêu ở trên, cường quốc tầm trung không thách thức thay đổi nguyên trạng, không xét lại hay thay đổi triệt để hệ thống quốc tế nhưng ủng hộ cải tổ, cải cách trong hệ thống.
Về phân loại, theo học giả Eduard Jordaan, cường quốc tầm trung có thể được chia thành hai nhóm: nhóm các cường quốc tầm trung truyền thống và nhóm các cường quốc tầm trung mới nổi. Mặc dù có nhiều điểm chung nhưng hai nhóm này cũng có những khác biệt. Bảng sau sẽ làm nổi bật những khác biệt này:[16]
Kinh tế | Xã hội | Chính trị | Ngoại giao | Ví dụ | |
Cường quốc tầm trung truyền thống | Thu nhập cao | Coi trọng công bằng | Dân chủ xã hội | Ảnh hưởng khu vực thấp, không rõ xu ướng hội nhập khu vực, không cố gắng tạo bản sắc khác biệt với những nước lớn, dễ thỏa hiệp với những áp lực cải cách toàn cầu, coi trọng hệ thống kinh tế – chính trị toàn cầu | Ô-xtrây-li-a,
Ca-na-đa, Na Uy, Thụy Điển |
Cường quốc tầm trung mới nổi | Thu nhập trung bình – cao | Chấp nhận công bằng tương đối | Dân chủ hóa | Muốn có ảnh hưởng khu vực, hội nhập khu vực mạnh mẽ, tạo lập bản sắc khác biệt với những nước yếu hơn, cải cách nhưng không cải tổ triệt để hệ thống toàn cầu, coi trọng kinh tế – chính trị khu vực | Ác-hen-ti-na, Bra-xin, Nigiê-ri-a, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ |
Như vậy, dù là cường quốc truyền thống hay mới nổi, hay theo cách tiếp cận nào, tiêu chí cường quốc tầm trung thường đều bao hàm cả yếu tố đối nội và đối ngoại, chỉ mức độ phát triển nhất định về kinh tế và trình độ tổ chức sắp xếp nhà nước, xã hội ở bên trong cũng như vai trò vị thế ngoại giao ở bên ngoài. Xét tầm mức ảnh hưởng, nước tầm trung không bằng các siêu cường nhưng nhỉnh hơn những nước còn lại. Tóm lại, các tiêu chí cơ bản để đánh giá một quốc gia có là cường quốc tầm trung hay không bao gồm thứ bậc sức mạnh, năng lực, hành vi ngoại giao, mức độ ảnh hưởng và bản sắc trong hệ thống quốc tế.
Liên hệ thực tiễn
Những cường quốc tầm trung được nêu trong những trường hợp nghiên cứu điển hình gần đây gồm có Ấn Độ, Ca-na-đa, Ô-xtrây-li-a, Thụy Điển, Hàn Quốc, Bra-xin, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, In-đô-nê-xi-a và Việt Nam. Trong khu vực thì Hàn Quốc và Ô-xtrây-li-a là hai nước được cả giới hoạch định chính sách và học giả đề cập nhiều nhất.[17]
Do đã có nhiều nghiên cứu chuyên sâu như của học giả Shin Dongmin về trường hợp Hàn Quốc, Gareth Evans về trường hợp Ô-xtrây-li-a, Andrew Carr về trường hợp Ca-na-đa…và do khuôn khổ bài viết, phần này tập trung nêu dẫn chứng minh họa cho khung tiếp cận lý thuyết trên, nhất là với ba tiêu chí năng lực, hành vi và bản sắc.
Cường quốc tầm trung trong cán cân lực lượng toàn cầu
….
Đọc toàn bộ bài viết tại đây.
Lê Đình Tĩnh, TS, Phó Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao. Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.
Bài viết đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế số 2 (113) Tháng 6/2018.
———————
[1] Bac, Meltem, “Middle Power”, Britannica, tại https://www.britannica.com/topic/middle-power, truy cập ngày 2/5/2018.
[2] Yilmaz, Suhnaz, “Middle Powers and Regional Powers”, Oxford Bibliographies, 27/9/2017, http://www.oxfordbibliographies.com/view/document/obo-9780199743292/obo-9780199743292-0222.xml, truy cập ngày 3/5/2018.
[3] Eduard Jordaan, “The Concept of a Middle Power in International Relations: Distinguishing between Emerging and Traditional Middle Powers”, Politikon: South African Journal of Political Studies, 30 (1) (2003): 165-181.
[4] Xin xem thêm C. Holbraad, Middle Powers in International Politics (London: Macmillan, 1984); R. W. Cox, Approaches to World Order, with Timothy Sinclair (Cambridge: University of Cambridge Press, 1996); C. Pratt (ed.), ‘Middle Power Internationalism and Global Poverty’, Middle Power Internationalism: The North-South Dimension (Montreal: McGill-Queen’s University Press, 1990); M. Neufeld, ‘Hegemony and Foreign Policy Analysis: The Case of Canada’, Studies in Political Economy, 48 (1995): 7-29.
[5] Gregory F. Treverton, Seth G. Jones, Measuring National Power, RAND (Washington, DC., 2005): 10.
[6] Lowy Institute, Asia Power Index 2018, tại https://power.lowyinstitute.org/, truy cập ngày 12/6/2018.
[7] Ashley J. Tellis et al., Measuring National Power in the Postindustrial Age: Analyst’s Handbook (Santa Monica: RAND, 2000): 5.
[8] A. F. Cooper, R. A. Higgott and K. R. Nossal, Relocating Middle Powers: Australia and Canada in a Changing World Order (Vancouver: University of British Columbia Press, 1993).
[9] Stephen Kinzer, “America and the rise of middle powers”, The Guardian, 01/11/2011, tại chttps://www.theguardian.com/commentisfree/cifamerica/2011/jan/10/usa-usforeignpolicy, truy cập ngày 4/5/2018.
[10] K. R. Nossal and R. Stubbs, ‘Mahathir’s Malaysia: An Emerging Middle Power?’, in Cooper (ed.) (1997), tlđd.: 149-51.
[11] Eduard Jordaan, The Concept of a Middle Power in International Relations: Distinguishing between Emerging and Traditional Middle Powers, Politikon: South African Journal of Political Studies, 30 (1) (2003): 165-181.
[12] Xem thêm Alex Mintz and Nehemia Geva, “Why Don’t Democracies Fight Each Other? An Experimental Study”, The Journal of Conflict Resolution, Vol. 37, No. 3 (Sep., 1993): 484-503.
[13] Xem thêm Ish-Shalom, Piki., Democratic Peace: A Political Biography (Michigan: University of Michigan Press, 2013).
[14] Xem thêm Ish-Shalom, Piki., Democratic Peace: A Political Biography (Michigan: University of Michigan Press, 2013).
[15] Xem thêm R. W. Cox, Approaches to World Order, with Timothy Sinclair (Cambridge: University of Cambridge Press, 1996).
[16] Eduard Jordaan, “The Concept of a Middle Power in International Relations: Distinguishing between Emerging and Traditional Middle Powers”, Politikon: South African Journal of Political Studies, 30 (1) (2003): 165-181.
[17] Xem thêm Yilmaz, Suhnaz, “Middle Powers and Regional Powers”, Oxford Bibliographies, 27/9/2017, http://www.oxfordbibliographies.com/view/document/obo-9780199743292/obo-9780199743292-0222.xml, truy cập ngày 3/5/2018.
Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông