Đài Loan mắc kẹt trong cuộc cạnh tranh Trung – Mỹ

Print Friendly, PDF & Email

Biên dịch: Hương Trà

Đài Loan đang bị “mắc kẹt” trong cuộc chiến tranh thương mại ngày càng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như tình trạng cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc này. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đe dọa nền kinh tế xuất khẩu và phát triển công nghệ của hòn đảo tự trị Đài Loan, vốn phụ thuộc rất nhiều vào các chuỗi cung ứng của Trung Quốc đại lục trong việc tìm kiếm cơ hội xuất khẩu và thâm nhập thị trường, nhất là đối với ngành công nghiệp điện tử và bán dẫn (đang chi phối 25% tổng sản phẩm quốc nội của Đài loan). Một khó khăn nữa là chiến lược song song hai hướng của Bắc kinh nhằm cô lập hòn đảo này về ngoại giao, đồng thời mua chuộc các công ty cũng như những nhân tài Đài Loan nhằm đưa hòn đảo này trở lại là một phần của Trung Quốc.

Suốt 2 thập kỷ qua, tranh chấp về chủ quyền đã khiến mối quan hệ chính trị giữa Trung Quốc và Đài Loan luôn đầy “sóng gió”, nhưng đổi lại quan hệ thương mại đầu tư lại phát triển liên tục. Đầu tư của Đài Loan vào Trung Quốc tăng ổn định kể từ khi Trung Quốc mở cửa vào đầu những năm 1990. Với sự tương đồng sẵn có về văn hóa và ngôn ngữ, tiềm năng thị trường của Trung Quốc lớn và nhân công rẻ khiến nhiều công ty trường vốn của Đài Loan đã chuyển hướng sang Trung Quốc.

Trung Quốc hiện tiêu thụ 40% lượng hàng xuất khẩu của Đài Loan, trong đó 80% lượng hàng này được lắp ráp ở chính Trung Quốc trước khi bán ra thị trường hoặc xuất khẩu. Sự phát triển làm ăn kinh tế với Đài Loan đã góp phần nuôi dưỡng nền kinh tế Trung Quốc trong thời kỳ đổi mới và chuyển hóa. Các doanh nghiệp Đài Loan không chỉ là nguồn đầu tư dồi dào nhất đối với một Trung Quốc khát vốn lúc bấy giờ, mà còn là phương tiện quan trọng để Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng cũng như củng cố quan hệ với hòn đảo này.

Trung Quốc luôn là điểm đến hấp dẫn nhất của các nhà đầu tư Đài Loan. Những căng thẳng chính trị trong quan hệ hai bờ eo biển kể từ năm 2016 đã làm giảm đầu tư của Đài Loan vào đại lục. Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Kinh tế Đài Loan năm 2018,  đầu tư của Đài Loan vào các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) như Phillipines, Singapore, Indonesia, Malaysia và Việt Nam vẫn ở mức hạn chế.

Trên thực tế, trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cuối thế kỷ XX, chính quyền của cựu Tổng thống Mã Anh Cửu đã bãi bỏ hàng loạt rào cản trong đầu tư vào các ngành công nghệ cao ở đại lục, dẫn đến việc các doanh nghiệp Đài Loan mở thêm nhiều chuỗi cung ứng công nghệ mới ở đó và vì vậy lại càng phụ thuộc Trung Quốc về kinh tế. Khi chuyển qua sản xuất ở Trung Quốc, các công ty điện tử của Đài Loan vẫn giữ lại những ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao như: phát triển đồ bán dẫn, chíp điện tử, linh kiện điện tử thiết yếu. Tuy nhiên, đa phần những mặt hàng này cuối cùng cũng bán cho các công ty Trung Quốc, Đài Loan và các doanh nghiệp nước ngoài khác ở Trung Quốc.

Trong khi cả Trung Quốc và Đài Loan đều có lợi từ việc liên kết phát triển kinh tế, mối quan hệ này đã gây ra tranh luận ngày càng nhiều ngay ở chính Đài Loan về những hệ lụy đối với sự độc lập hiện có của hòn đảo này. Lao động Trung Quốc rẻ mà kỹ thuật cũng khá ổn, cộng với những chuỗi cung ứng liên hoàn của Trung Quốc rõ ràng giúp các doanh nghiệp Đài Loan cạnh tranh tốt hơn nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội cho Trung Quốc can thiệp vào nội bộ chính trị của Đài Loan, và nếu nhìn vào một kịch bản mang tính cực đoan thì quá trình này sẽ thách thức sự phát triển công nghiệp của chính Đài Loan. Hơn nữa, việc phụ thuộc quá nhiều vào sản xuất ở nước ngoài đã khiến Đài Loan mất dần động lực đổi mới và khiến nhiều đối thủ cạnh tranh ở Trung Quốc tích lũy thêm được kiến thức phục vụ cho công cuộc đổi mới khi Trung Quốc kêu gọi nâng cao thêm chuỗi giá trị của họ.

Chiến lược của Trung Quốc rõ ràng đang khiến Đài Loan mất dần tính cạnh tranh ở những ngành công nghệ cấp thấp hơn, nhất là khi Trung Quốc đang tích cực phát triển một nền công nghiệp bán dẫn theo cách “tự lực tự cường” như kế hoạch họ đã vạch ra trong đề án mang tên “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025”. Những động thái này có thể gây ra một số ảnh hưởng đối với Đài Loan. Trung Quốc thì tích cực thu hút nhân tài cũng như các tài năng công nghệ và Đài loan rõ ràng là mục tiêu trong kế hoạch hợp nhất của Bắc Kinh cũng như trong chiến lược của đại lục nhằm phát triển chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn.

Tất nhiên, Trung Quốc cũng sẽ phải mất cả chục năm nữa mới có thể đạt đến mục tiêu của mình là độc lập về công nghệ trong khi Đài Loan đang dẫn đầu trong hầu hết các ngành công nghệ cao chẳng hạn như thiết kế vi mạch. Nhưng với việc tăng dần gia tăng giá trị công nghệ trong các sản phẩm như điện thoại thông minh và tấm pin năng lượng mặt trời, Trung Quốc đã nhanh chóng làm Đài Loan mất thế cạnh tranh trong lĩnh vực này trên các thị trường toàn cầu. Khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đe dọa làm gián đoạn các chuỗi cung ứng, còn Trung Quốc tạo thêm căng thẳng ở vùng eo biển Đài Loan đồng thời củng cố khả năng cạnh tranh của mình về mặt công nghệ, Đài Loan đã gấp rút phát triển các quan hệ kinh tế bên ngoài đại lục mà hòn đảo này đã gây dựng bằng cách này hay cách khác trong vài thập kỷ.

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2016, bà Thái Anh Văn đã thực thi “Chính sách hướng Nam mới”, củng cố quan hệ với các nước Đông Nam Á và Ấn Độ, kế tục những nỗ lực và mục tiêu mà hai đời tiền nhiệm trước đã tiến hành. Chính quyền của bà cũng đẩy nhanh việc tìm kiếm các hiệp định tự do thương mại, với hy vọng đưa Đài Loan hội nhập kinh tế thế giới hơn nữa. Đây thực ra là mục tiêu từ những năm của thế kỷ XX khi mà sự nở rộ các hiệp định thương mại trong vùng đã ảnh hưởng không nhỏ đến lợi thế cạnh tranh của Đài Loan ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Hai năm qua kể từ khi bà Thái Anh Văn cầm quyền, đầu tư của Đài Loan vào các nước ASEAN tăng rất ít và không bằng lượng đầu tư mà Đài Loan rót vào các nước này những năm 1990 vàn 2010. Lĩnh vực đầu tư chủ yếu hiện nay tập trung vào hai ngành tài chính và bán lẻ, cho thấy họ có chú ý đến các thị trường đang phát triển nhưng không chuyển hướng khỏi thị trường Trung Quốc. Hơn nữa, cho dù Đài Loan không phải là ứng viên cho các hiệp định thương mại trong tương lai gần, việc tìm kiếm các hiệp định thương mại song phương với Mỹ hay Ấn Độ, về phương diện nào đó, có thể thêm động lực mới khi Washington thách thức mối quan hệ qua eo biển Đài Loan hiện tại.

Tất cả những diễn tiến này, cộng với cuộc cạnh tranh chiến lược lâu dài giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm các chuỗi cung ứng phải tạm dừng và với việc chính quyền Bắc Kinh ngày càng gây áp lực lên Đài Loan, hòn đảo này sẽ buộc phải tập trung vào mục tiêu tách khỏi sự phụ thuộc Trung Quốc về kinh tế cho dù sẽ phải đối mặt với rất nhiều trở ngại ở phía trước.

Theo “Stratfor

Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông