Vụ xử cựu chủ tịch nước Khieu Samphan và phó TBT đảng cộng sản Nuon Chea nhắc lại vai trò của các nước hỗ trợ cho chế độ Khmer Đỏ.
“Trong bốn năm Khmer Đỏ thống trị Campuchia, họ đã gây ra nạn giết người hàng loạt thuộc hàng kinh khủng nhất của thế kỷ 20. Chế độ tàn bạo này, cầm quyền từ 1975-1979, gây ra cái chết của gần 2 triệu người. Dưới sự lãnh đạo của nhà Marxist Pol Pot, quân Khmer Đỏ nỗ lực đưa Campuchia trở lại thời Trung Cổ, buộc hàng triệu người phải bỏ thành thị về sống trong các công xã nông thôn. Chương trình cải tạo xã hội gây ra hậu quả thảm khốc. Nhiều gia đình chết cả nhà vì bị hành hình, đói, bệnh hoặc lao lực.”
Vai trò các cường quốc và láng giềng
Trung Quốc thời Hoa Quốc Phong và Đặng Tiểu Bình là nước bảo trợ chính cho Khmer Đỏ, nhưng Hoa Kỳ là nước cổ vũ chính cho Trung Quốc. Washington đã dính líu vào Campuchia từ khi Henry Kissinger làm Cố vấn an ninh Quốc gia và Ngoại trưởng thời hai tổng thống Richard Nixon và Gerard Ford.
Tom Fawthrop, đồng tác giả với Helen Jarvis trong cuốn “Getting Away with Genocide? Elusive Justice and the Khmer Rouge Tribunal” nói về các trận ném bom rải thảm của Mỹ ở Campuchia, “giết chết 250 nghìn dân”, và đây là điều làm dậy lên các cáo buộc đòi đưa cố vấn an ninh Henry Kissinger của Hoa Kỳ ra tòa án quốc tế.
Sau Cuộc chiến Việt Nam, Hoa Kỳ theo đuổi chiến lược của Zbigniew Brzezinski ủng hộ Trung Quốc để chia rẽ khối cộng sản và bao vây Liên Xô, và trừng phạt Hà Nội, đồng minh của Moscow tại châu Á.
Nước Anh trong thời gian bà Margaret Thatcher cầm quyền cũng từng hỗ trợ tích cực cho lực lượng liên minh do Khmer Đỏ chỉ huy trong thời gian 1985-1989.
Và một quốc gia nữa là Bắc Triều Tiên, nơi luôn nhiệt thành ủng hộ lực lượng chống Phnom Penh và Hà Nội trong cuộc nội chiến Campuchia.
Ngoài ra, không thể không nhắc tới Thái Lan, quốc gia láng giềng từng một thời để các nhóm quân Pol Pot ẩn náu và làm căn cứ kháng chiến chống lại chính quyền Phnom Penh.
Vai trò của Hoa Kỳ
Sau khi chế độ Khmer Đỏ lên nắm quyền, Hoa Kỳ thời Ronald Reagan tiếp tục ủng hộ Trung Quốc trong chính sách giúp Phnom Penh.
Dư luận Mỹ ngày càng thấy bất bình. Năm 1981, trên tờ New York Times đã có thư ngỏ của giới vận động yêu cầu Tổng thống Ronald Reagan ngưng hỗ trợ chế độ Pol Pot.
Bài “Reagan Is Urged to End U.N. Support of Pol Pot” viết:
“Sự hỗ trợ về ngoại giao của Hoa Kỳ cho chế độ Pol Pot, mang tên ‘Kampuchea Dân chủ’, bên cạnh việc các nước khác bán vũ khí cho lực lượng du kích khủng bố (terrorist guerrilla forces) của Pol Pot, chỉ kéo dài sự đau khổ của Campuchia, và khiến việc phục hồi còn non yếu của nước này bị nguy hại, và gây nguy cơ chiến tranh lan rộng.”
‘Chúng tôi thấy bất bình rằng đã năm thứ ba liên tiếp, Hoa Kỳ bỏ phiếu duy trì Kampuchea Dân chủ của Pol Pot ở Liên Hiệp Quốc.”
Trong số những người ký thư có các dân biểu Hạ viện như Ronald V. Dellums (California), Robert W. Edgar (Pennsylvania), Patricia Schroeder (Colorado), Paul Simon (Illinios), Tom Harkin (Iowa).
Ngoài ra, ông Emory C. Swank, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Campuchia (1970-1973); diễn viên Jane Fonda, diễn viên Edward Asner, ca sỹ Joan Baez, cựu chủ tịch Peace Corps Richard Celeste, và một số tác giả, nhà báo cũng ký tên.
Nhưng phải đến năm 1993 Khmer Đỏ mới mất ghế đại diện cho Campuchia ở LHQ.
Bàn tay Trung Quốc
Chương trình trợ giúp của Bắc Kinh cho lực lượng Khmer Đỏ ngay từ khi Pol Pot lên nắm quyền đã được nhiều nguồn tài liệu khai thác.
Nhưng sau năm 1979, khi Việt Nam đem quân sang lật đổ chế độ này, Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ Pol Pot thông qua Trung Quốc.
Theo nhà báo Elizabeth Becker, Cố vấn An ninh Quốc gia Zbigniew Brzezinski rất tự hào về chiến lược khuyến khích Thái Lan hợp tác với Trung Quốc để giúp Khmer Đỏ tái xây dựng lực lượng.
Ông Brzezinski từng nói về sự kinh tởm đối với chế độ Pol Pol (abomination), vì thế, Hoa Kỳ sẽ không bao giờ giúp Pol Pot trực tiếp, “nhưng người Trung Quốc thì có thể làm điều đó”.
Lãnh tụ Đặng Tiểu Bình đặc biệt yêu thích Khmer Đỏ, và giúp cho họ chừng 100 triệu USD viện trợ các loại một năm, theo Gregory Elich viết trên CounterPunch, hồi 2014.
Đặng từng nói năm 1984:
“Tôi không hiểu vì sao có người muốn loại bỏ Pol Pot? Đúng là ông ta có phạm một số sai lầm trong quá khứ nhưng nay ông ta đang lãnh đạo cuộc chiến chống bọn xâm lược Việt Nam cơ mà.”
Nhờ chiến lược này, Pol Pot có căn cứ trên đất Thái Lan, và ngoài Khmer Đỏ còn có mội đội quân của Mặt trận Giải phóng Nhân dân Khmer (KPNLF) của Son Sann, và quân đội riêng của Hoàng thân Norodom Sihanouk (Armée Nationale Sihanoukiste, ANS).
Ngoài ủng hộ ngoại giao cho Pol Pot và liên minh Campuchia chống lại chính quyền Hun Sen cùng Hà Nội và Moscow, Hoa Kỳ còn tác động đến viện trợ quốc tế cho Campuchia.
Theo đó, chính quyền Carter yêu cầu các tổ chức cứu trợ quốc tế không cấp viện cho Hà Nội và Phnom Penh.
Các lá phiếu của Washington và đồng minh đủ mạnh khiến Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Á châu không viện trợ cho Campuchia dưới quyền Heng Samrin và Hun Sen.
Viện trợ trái lại chỉ được chuyển cho người Campuchia sống ở vùng Khmer Đỏ kiểm soát.
Sang thời Reagan và Bush, chính sách chống Hà Nội và Phnom Penh vẫn tiếp tục.
Năm 1985, Ngoại trưởng Mỹ George Schulz thăm Thái Lan và cảnh báo các nước ASEAN về chuyện soạn đề nghị hòa bình.
Bốn năm sau, chính quyền Bush cảnh báo Thái Lan nếu Bangkok “bỏ rơi” các nhóm du kích Campuchia trong rừng để làm ăn với Phnom Penh.
Tới năm 1985, tiền CIA viện trợ cho các nhóm du kích Campuchia gồm Khmer Đỏ lên tới 12 triệu. Theo điều khoản McCollum, cơ quan cấp viện USAID cũng chuyển quân trang quân dụng không sát thương dư thừa cho các nhóm du kích đóng ở Thái Lan, đạt con số 13 triệu USD năm 1989.
Nhưng có vẻ như nhà bảo trợ chính cho Khmer Đỏ vẫn là Trung Quốc.
Andrew Mertha, tác giả cuốn “Brothers in Arms: China’s Aid to the Khmer Rouge, 1975-1979” từng cho biết 90% viện trợ nước ngoài mà Khmer Đỏ nhận được đã đến từ Trung Quốc.
Các khoản này gồm thực phẩm, vật liệu xây dựng tới xe tăng, máy bay, pháo.
“Trong khi chính quyền đang giết dân của họ thì kỹ sư và cố vấn quân sự Trung Quốc vẫn tiếp tục huấn luyện nước đồng minh cộng sản”.
Ông Mertha, từ ĐH Cornell, tin rằng “nếu không có sự hỗ trở của Trung Quốc, chế độ Khmer Đỏ không thể tồn tại được quá một tuần”.
Nước Anh thời bà Thatcher
Trong Cuộc chiến Việt Nam, quân Anh chỉ trợ giúp Mỹ về tin tình báo và có cử cố vấn sang giúp chính phủ Sài Gòn thời Ngô Đình Diệm, sự dính líu của Anh ở chiến trường Nam Việt Nam gần như không có.
Tuy thế, trong nội chiến Campuchia, London đã cử lực lượng đặc biệt (SAS) sang Thái Lan giúp cho các nhóm du kích chống Phnom Penh dù không trực tiếp giúp quân của Pol Pot.
Jason Burke hồi 2000 viết trên báo Anh, tờ The Guardian về vai trò của Anh nhân vụ xử tay đồ tể Khmer Đỏ Ta Mok như sau
“Luật sư của Ta Mok là Benson Samay nói tòa án sẽ được nghe chi tiết về chuyện từ 1985 đến 1989, SAS (Special Air Service – đặc nhiệm Anh) đã mở hàng loạt trại huấn luyện cho đồng minh của Khmer Đỏ ở Thái Lan, và lập ra một ‘tiểu đoàn phá hoại (sabotage battalion) với 250 chuyên gia dùng chất nổ và phục kích. Các chuyên gia tình báo ở Singapore cũng giảng dạy các khóa học.
SAS được lệnh chỉ huấn luyện cho quân lính của Sihanouk và cựu thủ tướng Son Sann, nhưng theo Samay thì Khmer Đỏ cũng “được hưởng lợi rất nhiều từ hoạt động của người Anh”.
“Các nhóm này cùng chiến đấu nhưng Khmer Đỏ làm chỉ huy. Họ hưởng lợi từ sự trợ giúp cho các nhóm kia.”
Bắc Triều Tiên luôn ủng hộ Sihanouk
Một quốc gia khác cũng giúp cho lực lượng chống Phnom Penh và Hà Nội trong nội chiến Campuchia là CHDCND Triều Tiên.
Năm 2011, Sebastian Strangio viết trên trang The Diplomat về quan hệ giữa chính phủ liên minh chống Việt Nam của Campuchia và Bắc Triều Tiên:
“Quan hệ đặc biệt giữa Bắc Hàn và Campuchia bắt đầu năm 1965, khi TT Indonesia, ông Sukarno giới thiệu ông Kim Nhật Thành cho Hoàng tử Norodom Sihanouk tại hội nghị khối Không liên kết ở Jakarta…Hai người mau chóng thân nhau và quan hệ của hai dân tộc cũng gắn liền với nhau…
Vì quý ông Kim, Sihanouk không công nhận chính phủ Nam Hàn cho tới khi ông ta bị đảo chính tước quyền năm 1970. Sau khi ông Sihanouk bị hạ bệ, Bình Nhưỡng chuyển sự công nhận Campuchia sang Mặt trận ông chỉ huy, khi Sihanouk thực tế chỉ sống lưu vong ở Bắc Kinh.
Khi Khmer Đỏ nắm quyền, các cố vấn Bắc Triều Tiên đã có mặt để giúp xây dựng các công trình khổng lồ, tốn kém mà nay vẫn còn dấu vết tại Campuchia.”
“Sau khi chế độ Khmer Đỏ đẫm máu bị hạ bệ 9 năm sau đó, một chính quyền thân Việt Nam được dựng lên, nhưng Bình Nhưỡng vẫn chỉ công nhận mặt trận kháng chiến gồm Sihanouk,” Sebastian Strangio viết.
Trong thời gian tham gia chính phủ “kháng chiến”, ông Sihanouk được một đội vệ sỹ Bắc Triều Tiên bảo vệ ngày đêm và ông liên tục đi Bình Nhưỡng nghỉ dưỡng nếu không ở Bắc Kinh hoặc đi nơi khác.
Tình cảm đặc biệt của các nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng dành cho Sihanouk “vượt qua thời gian” và tiếp tục sau khi chế độ Khmer Đỏ tan rã.
Năm 2013 khi ông Sihanouk tạ thế, các báo quốc tế có nhắc lại tình cảm của ông dành cho ông Kim Nhật Thành.
Trong cuốn hồi ký ra năm 2005, Hoàng thân Sihanouk viết:
“Kim Nhật Thành là người bạn chân thành nhất của tôi, luôn sẵn sàng giúp đỡ tôi. Ông còn hơn cả một người bạn. Ông là người anh em, và ‘thân nhân duy nhất’ thực thụ của tôi, sau khi mẹ tôi qua đời…”
Hình: Khieu Samphan (giữa), Phó Chủ tịch Chính quyền Liên minh của Kampuchea Dân chủ và Ieng Sary (phải), Bộ trưởng Ngoại giao, ăn mặc đẹp để ra đón phái đoàn Trung Quốc ở căn cứ Dong Rek của Khmer Đỏ năm 1985.
Nguồn: BBC