Bốn điểm nóng và tương lai an ninh châu Á

Tác giả: Sam Bateman | Biên dịch: Đinh Nho Minh

The Four Flashpoints: How Asia Goes to War. Tác giả: Brendan Taylor. Melbourne, Australia: La Trobe University Press, 2018. Bìa mềm: 241pp.

Bốn điểm nóng của Châu Á được nhiều người biết đến gồm: Bán đảo Triều Tiên, Biển Hoa Đông, Biển Đông và Đài Loan. Cả bốn nơi này đều có đặc điểm là tồn tại căng thẳng âm ỉ, có nguy cơ rơi vào chiến tranh với ảnh hưởng rất lớn và sâu rộng. Đã có rất nhiều sách phân tích bình luận về các điểm nóng, nhưng Brendan Taylor đi xa hơn nữa bằng việc vẽ một bức tranh chung cho thấy bốn điểm nóng này đang làm xấu đi môi trường chiến lược của Châu Á. Taylor phác họa cách thức khủng hoảng có thể xảy ra như thế nào ở mỗi điểm nóng và lập luận rằng chỉ có thể tránh khủng hoảng bằng cách hiểu được mối quan hệ phức tạp giữa chúng với nhau. Taylor cho rằng khả năng xảy ra một cuộc chiến lớn ở Châu Á là lớn hơn so với mọi người lầm tưởng, vì khu vực có khả năng “trượt vào khủng hoảng” (trang 177), với sức ép từ cả bốn điểm nóng đẩy khu vực gần hơn tới đụng độ.

Một điểm hấp dẫn trong sách của Taylor đó là phần về hoàn cảnh lịch sử của mỗi tranh chấp. Ông đã kết hợp phần này với nghiên cứu sâu về tình hình hiện tại và hiểu biết về khu vực để đưa ra một đánh giá bi quan về tương lai của Châu Á.

Taylor đưa ra bốn nguyên nhân tại sao các điểm nóng này là mối đe dọa lớn nhất cho trật tự thế giới. Nguyên nhân đầu tiên là khả năng quân sự của các nước trong khu vực ngày càng lớn nhờ gia tăng ngân sách quốc phòng và tình thế lưỡng nan an ninh. Thứ hai, Châu Á là tâm điểm của kinh tế toàn cầu, cũng như của giao thương và trao đổi thông tin. Thứ ba, khu vực này chưa có kinh nghiệm giải quyết xung đột. Hơn nữa, vẫn chưa có cơ chế an ninh đa phương để xử lí nguy cơ xảy ra khủng hoảng. Cuối cùng, lịch sử và chủ nghĩa dân tộc có vai trò quan trọng ở cả bốn điểm nóng ở Châu Á.

Cuốn sách bắt đầu với Bán đảo Triều Tiên. Nơi này thu hút nhiều chú ý vì khó đoán xung đột, chính sách thiếu nhất quán của chính quyền Trump, và vì những hành động của Kim Jong-un. Đây là cái mà Taylor gọi là “đối đầu kiểu Mexico” (trang 58), một tình huống mà không có giải pháp dễ dàng nhanh chóng.

Taylor sau đó chuyển qua cuộc đối đầu ở Biển Hoa Đông quanh khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây là nơi thể hiện sự thù địch giữa Trung Quốc và Nhật Bản và có lịch sử tranh chấp từ lâu. Taylor có vẻ cho rằng có một số điểm hợp lý trong yêu sách chủ quyền dựa trên lịch sử của Trung Quốc trong bối cảnh tồn tại một số điều thiếu rõ ràng trong nhiều điều ước khác nhau trong và sau Thế chiến II. Chủ nghĩa dân tộc ở cả Trung Quốc và Nhật Bản đã làm gián đoạn quá trình khai thác năng lượng chung ở khu vực, tuy nhiên việc đồng ý lập đường dây nóng giữa hai nước vào tháng 12 năm 2017 vẫn là “một bước đột phá” (trang 91). Taylor nghĩ rằng mối đe dọa an ninh lớn nhất không phải một chiến dịch quân sự có kế hoạch từ trước mà là một xung đột an ninh cấp thấp.

Taylor cho rằng khu vực phức tạp nhất trong cả bốn điểm nóng là Biển Đông. Tuy nhiên, dù không loại trừ hoàn toàn khả năng, ông lại cho rằng khu vực này khó xảy ra chiến tranh nhất trong các điểm nóng vì ngoại giao dễ thành công hơn ở đây cũng như vì các nước không vội vã phải giải quyết xung đột, đồng thời Washington không muốn có chiến tranh ở đây. Taylor tin rằng Hoa Kỳ nên lùi bước (trang 130) thay vì gia tăng căng thẳng bằng các chiến dịch tự do hàng hải “hầu như không hiệu quả” (trang 127) để thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực.

Cuối cùng, Taylor cho rằng Đài Loan là nơi nguy hiểm nhất trong các điểm nóng vì ít có giải pháp ngoại giao để giải quyết tranh chấp. Mặc dù thời gian đứng về phía Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn đang quyết tâm để lấy lại Đài Loan. Hơn nữa, sự thay đổi cán cân quân sự giữa Trung Quốc và Đài Loan, và giữa Đài Loan và Hoa Kỳ, có nghĩa là Trung Quốc nhiều khả năng sẽ thành công nếu tìm cách chiếm đảo bằng vũ lực. Ông cho rằng việc Tổng thống Trump nhậm chức cùng hành động khó lường của Trump liên quan đến vấn đề Đài Loan sẽ đổ thêm dầu vào lửa.

Hai nước luôn có mặt trong cả bốn điểm nóng này là Trung Quốc và Hoa Kỳ. Việc chính quyền Trump ngày càng khó lường và tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực càng làm vấn đề thêm bi quan. Bản thân tranh chấp ở cả bống điểm nóng không phải là mối đe dọa lớn nhất, mà chính là cạnh tranh và gia tăng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington. Sự suy giảm lòng tin giữa hai quốc gia không chỉ ảnh hưởng tới chính họ mà còn tới khả năng của khu vực nhằm giữ trật tự cho môi trường địa chính trị đầy biến động này.

Bốn Điểm Nóng là một cuốn sách dễ đọc và hấp dẫn. Mặc dù có thể người đọc sẽ không đồng ý rằng tình hình khu vực bi quan như cuốn sách miêu tả, điểm chính của nó rất hợp lí: ảnh hưởng của cả bốn điểm nóng cần được chú ý đến nhiều hơn nữa. Không may, tình hình vẫn chưa được cải thiện kể từ khi cuốn sách được xuất bản. Trong bài phát biểu về chính sách của chính quyền Trump với Trung Quôc tại Viện Hudson vào Tháng Mười năm 2018, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence đã nâng cạnh tranh của Washington với Bắc Kinh lên một tầm cao mới. Bài diễn văn này nhấn mạnh một loạt chính sách chiến lược và kinh tế mới của Hoa Kỳ nhằm đối đầu và kiềm chế Trung Quốc. Điều đó khẳng định mối lo ngại lớn nhất của Brendan Taylor về tương lai của khu vực.

Sam Bateman là Nghiên cứu viên hàm Giáo sư ở Trung Tâm Quốc gia Australia về Tài nguyên và An ninh Biển (ANCORS) thuộc Đại học Wollongong.

Nguồn bài điểm sách bằng tiếng Anh: Contemporary Southeast Asia Vol. 40, No. 3 (2018), pp. 542-44.