Thế nào là Đại học hàng đầu thế giới? (P4)

Tác giả: Dương Phúc Gia (Trung Quốc) | Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

4. Đại học hàng đầu thích những sinh viên như thế nào?

Trong số ngót 23 nghìn học sinh ưu tú trên toàn thế giới nộp đơn xin vào Đại học Harvard năm 2007, chỉ có 2.058 người từ 79 nước trúng tuyển. Đây là tỷ lệ trúng tuyển kỷ lục lịch sử, chỉ có khoảng 9% người gặp may. Vậy Đại học hàng đầu thực sự cần tuyển chọn những học sinh như thế nào?

Phát huy năng lực tính sáng tạo và tính tập thể 

Trong số 2058 người gặp may nói trên, có một học sinh chưa đầy 18 tuổi, tên là Ngô Sinh Vĩ,[1] được dư luận hết sức quan tâm. Anh đỗ thủ khoa tốt nghiệp cấp III (trong số thí sinh xin vào Harvard có khoảng 3.000 thủ khoa như vậy); và đạt 2380 điểm thành tích thi toàn quốc Mỹ (tức thi SAT, hàng năm có 7 dịp thi, điểm số cao nhất là 2400), – nhưng trong số thí sinh cũng có không ít người đạt 2400 điểm SAT.

Ngô Sinh Vĩ không những nhận được giấy báo thi đỗ của Harvard mà còn nhận được giấy báo trúng tuyển của các Đại học danh tiếng như Princeton, Yale, California (Berkley). Điều may mắn hơn nữa là anh nhận được học bổng đặc biệt cho phép có thể học ở bất cứ Đại học nào mà vẫn được chu cấp toàn bộ chi phí trong thời gian học đại học cho tới khi tốt nghiệp tiến sĩ (gồm học phí, chi phí sinh hoạt, tiền mua sách báo v.v…), tổng cộng không dưới nửa triệu USD.

Vì sao Ngô Sinh Vĩ được coi trọng như vậy?

Chẳng những học giỏi mà Ngô Sinh Vĩ còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Anh là Chủ tịch Phân bộ nhà trường của Tổ chức Ân xá quốc tế, Chủ tịch Phân bộ nhà trường của Tổ chức Chính trị gia trẻ nước Mỹ, Phó Chủ tịch Phân hội nhà trường của Hội Học sinh Danh dự toàn quốc, cũng là đội trưởng Đội Tranh luận của trường mình, Đội này từng đoạt giải nhất bang California năm 2006.

Ngô Sinh Vĩ còn có một thành tích nữa được mọi người đặc biệt quan tâm, đó là năm 15 tuổi anh sáng lập Câu lạc bộ khoa học của học sinh trường mình, về sau lại sáng lập Hội Triển lãm khoa học, bố trí cho học sinh cấp III cặp đôi với học sinh tiểu học, giúp các em nhỏ tự chọn đề tài KHKT mình ưa thích để tiến hành nghiên cứu và sau đó thành tích nghiên cứu của các em được trưng bày tại Triển lãm KHKT.

Cho dù làm hoạt động xã hội nào, Ngô đều tỏ ra có tính sáng tạo và tính tập thể. Một cậu học trò 15 tuổi mà tự mình sáng lập được những hai tổ chức: Câu lạc bộ và Hội Triển lãm. Chúng ta hoàn toàn có lý do để tin rằng một học sinh giàu tính sáng tạo như vậy sau này dù có làm ngành nào thì đều sẽ có sáng tạo. Một học sinh giàu tính tập thể như thế rất đáng được mọi người hoan nghênh.

Các thể hiện xuất sắc về diện tri thức và nhiều lĩnh vực 

Ngày 1/4/2007, Thời báo New York dùng toàn bộ trang bìa một và hơn 10 trang tiếp theo đưa tin về cuộc sống của cô gái Thang Mai Tiệp[2] nguyên là học sinh trường Trung học phổ thông trực thuộc Đại học Phục Đán (Trung Quốc), nay là sinh viên năm thứ nhất Đại học Harvard. Toàn bộ trang bìa tờ báo này in đầy những lời hay ý đẹp bằng hai thứ tiếng Anh và Trung Quốc màu đỏ: Đã đến lúc thay đổi định nghĩa của truyền thống thành công; Điểm số không nói lên tất cả; Học sinh không phải là thứ đồ đựng…..

Thời báo New York đánh giá cao thành tích cải cách giáo dục của trường Trung học trực thuộc Đại học Phục Đán. Bài báo viết: “Thành công của Thang Mai Tiệp không phải là ở chỗ em cố trở thành thứ nhất trong lớp mình ….” “Tuy rằng em có những biểu hiện xuất sắc trong nhiều lĩnh vực, nhưng thành tích thi của em thường là không lọt vào Top 100 học sinh giỏi của nhà trường” (nếu căn cứ theo thành tích ấy thì khó được vào các Đại học hàng đầu Trung Quốc). “Nhưng em đã mở rộng được định nghĩa truyền thống của mọi người về thành công; đây là thành quả hoàn mỹ mà công cuộc giáo dục tố chất ở Trung Quốc nên hướng tới”.

Thành tích công tác tập thể và xã hội của học sinh 

Vì sao Đại học Yale có thể đào tạo được nhiều lãnh tụ cho nước Mỹ và thế giới như vậy?
Hiệu trưởng Đại học Yale trả lời: Tất cả những người sau này trở thành Tổng thống, khi ở Yale đều là những sinh viên từng đảm đương chức vụ lãnh đạo trong các tổ chức đoàn thể và xã hội của sinh viên. Công tác xã hội là công việc học tập và rèn luyện quan trọng, là “giảng đường thứ hai” của sinh viên. Tổng thống, các nhân vật kiểu thủ lĩnh (kể cả các nhân vật đứng đầu giới học thuật) đều được đào tạo từ trong các tổ chức đó.

Dù là Thang Mai Tiệp hay Ngô Sinh Vĩ, hai học sinh này đều đem lại cho chúng ta những gợi ý và suy nghĩ rất quan trọng: muốn có nhân tài kiệt xuất cho xã hội thì phải bắt đầu đào tạo họ ngay từ khi còn nhỏ tuổi!

Chúng ta cần phải mạnh dạn đẩy mạnh công cuộc cải cách giáo dục, cần tạo cơ hội cho đông đảo bạn trẻ có điều kiện thể hiện bản thân, sao cho Trung Quốc xuất hiện ngày một nhiều những người như hai em học sinh nói trên và được các trường đại học Trung Quốc ưa chuộng.

5. Trách nhiệm của sinh viên đại học

Trường Đại học là nơi tập hợp những người ưu tú; sinh viên và tầng lớp tinh hoa từ khắp nơi trên thế giới gặp nhau tại đây, nơi được gọi là kho tàng tri thức nhân loại. Họ khoan dung, quý mến lẫn nhau. Trong không khí tràn đầy tinh thần đại học, mọi người cùng nhau tự do phát hiện khám phá, trăm hoa đua nở, tìm kiếm theo đuổi chân lý, thực hiện giấc mơ của mình.

Mỗi học viên trẻ đều cần có ước mơ của mình, có ước mơ lớn, có ước mơ nhỏ. Ước mơ lớn đều như nhau, đó là ước mơ để cho đất nước ta thực sự đứng lên trên thế giới này, đứng cho thẳng, đứng cho vững.

Có ba yếu tố rất quan trọng để thực hiện ước mơ, để thành tài, đó là: nhân sinh quan, sở thích và cơ hội.

Dù bạn thông minh đến đâu, dù bạn chịu khó đến đâu nhưng nếu không có cơ hội thì sẽ rất khó thành tài.

Tình hình Trung Quốc hiện nay rất tốt, là mảnh đất mầu mỡ đầy hy vọng, thể hiện ở chỗ tạo ra nhiều cơ may chưa từng có cho các bạn trẻ. Các trường Đại học của chúng ta luôn luôn cung cấp sân chơi cho mọi bạn trẻ, tạo cơ hội cho họ thành tài.

Như Einstein từng nói: “Hàng ngày tôi tự nhắc nhở mình trên trăm lần rằng cuộc sống tinh thần và vật chất của tôi đều dựa vào lao động của người khác (kể cả người đang sống và người đã mất). Tôi phải cố gắng hết sức đóng góp cùng phần như vậy để đền đáp tất cả những gì tôi đã và đang được hưởng”.

Đó là niềm tin của Einstein và cũng nên là một phần trong nhân sinh quan của chúng ta. Có động lực như vậy thúc đẩy thì ta sẽ có thể sẵn sàng đón tiếp mọi thách thức, vượt mọi khó khăn. Nhưng muốn sáng tạo được thì phải phát huy sức mạnh tập thể.

“Hãy làm cho mỗi viên ngọc đều toả sáng”, đồng thời “không những mình phải toả sáng mà còn phải làm cho người khác cũng toả sáng”. Tôi nhớ lại lời của một chủ nhân giải Nobel: “Bạn chẳng những cần được thưởng thức thành tích của mình mà đồng thời nên thưởng thức thành tích người khác giành được”.

Tóm lại, như lời Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói tại buổi liên hoan sinh viên Đại học Liêu Ninh và Đông Bắc đêm giao thừa 17/02/2007:

“Mỗi học sinh trước hết cần hiểu được đạo lý và mục tiêu suốt đời của mình là yêu Tổ quốc và phấn đấu vì Tổ quốc. Chỉ khi nào có tình yêu sâu sắc đất nước và nhân dân mình thì mới có tinh thần trách nhiệm mãnh liệt, thì mới có tinh thần hiến thân vì đất nước và nhân dân. Trò phải yêu thầy, thầy cũng phải yêu trò. Phải có tình yêu lớn với nhân dân. Có như vậy mới trở thành con người chân chính, con người có đạo đức”.■

Thế nào là Đại học hàng đầu thế giới? (P3)

—————–

[1] Tức Jonathan Wu, sinh năm 1989, có cha mẹ là người Hàn Quốc gốc Hoa sang Mỹ định cư.

[2] Nữ sinh Thang Mai Tiệp học xong lớp 11 ở Thượng Hải rồi sang Mỹ học lớp 12 trường tư nổi tiếng Sidwell Friends Middle School, nơi đào tạo nhiều nhân vật tinh hoa (con gái Bill Clinton, con trai Al Gore, con gái Obama đều học ở đây). Do có biểu hiện tốt về mọi mặt, nhất là về hoạt động xã hội và thể thao nên Thang được Harvard tuyển vào học và cấp học bổng 45.000 USD/năm. Ban Tuyển sinh của Harvard chọn sinh viên không theo cách tổ chức thi thống nhất mà căn cứ theo thành tích tổng hợp của thí sinh, kể cả thành tích học tập, chứng chỉ tiếng Anh, các khen thưởng, hai thư giới thiệu của trường PTTH và hai luận văn ngắn của thí sinh. Có lẽ Sidwell Friends Middle School (chứ không phải trường ở Thượng Hải) giới thiệu Thang vào Harvard.