Nguồn: Soviets send troops into Azerbaijan, History.com
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Vào ngày này năm 1990, trong bối cảnh giao tranh khốc liệt giữa các lực lượng Armenia và Azerbaijan tại Azerbaijan, chính phủ Liên Xô đã gửi 11.000 quân tới đây để dập tắt cuộc xung đột.
Cuộc xung đột – và phản ứng chính thức của Liên Xô đối với nó – là một dấu hiệu cho thấy sự kém hiệu quả ngày càng tăng của chính quyền trung ương Liên Xô trong việc duy trì kiểm soát ở các nước cộng hòa thành viên, cũng như quyền lực chính trị ngày càng suy yếu của nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev.
Xung đột tại Azerbaijan là kết quả của nhiều thế kỷ căng thẳng giữa người Hồi giáo Azerbaijan và người Thiên chúa giáo Armenia. Kể từ sau Cách mạng Nga năm 1917, chế độ cộng sản đã cố gắng duy trì nền hòa bình tương đối giữa hai nhóm người, nhưng với sự suy yếu dần của Liên Xô vào cuối những năm 1980, các cuộc đối đầu sắc tộc bắt đầu tái xuất hiện. Trong tình trạng suy yếu đó, Liên Xô đã chọn chỉ tham gia một phần vào cuộc xung đột. Cách tiếp cận này rất khác thường – nếu xảy ra dưới chế độ cộng sản nghiêm ngặt vào thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, một cuộc xung đột nội bộ căng thẳng như vậy có thể đã bị dập tắt một cách tức thời và dứt khoát.
Trong đợt bùng phát bạo lực mới nhất, người Armenia đã gánh chịu hậu quả từ các cuộc tấn công và gần 60 người đã thiệt mạng. Các phát ngôn viên của Armenia đã lên án sự thiếu hành động từ phía chính quyền Gorbachev và yêu cầu can thiệp quân sự. Tuy nhiên, các quan chức Liên Xô không muốn nhảy vào giữa cuộc xung đột sắc tộc và đã cố gắng hạ thấp mức độ nghiêm trọng của tình hình trên báo chí. Một quan chức Liên Xô đã tuyên bố rằng cuộc chiến ở Azerbaijan không phải là một “cuộc nội chiến”, mà chỉ là “xích mích quốc gia”.
Một số người ủng hộ Gorbachev thậm chí còn lên tiếng nghi ngờ rằng bạo lực trong khu vực đang bị khuấy động bởi các nhà hoạt động chống Gorbachev nhằm làm mất uy tín của chế độ. Gorbachev đã gửi 11.000 quân Liên Xô tới để làm dịu tình hình, và chính phủ Hoa Kỳ ủng hộ hành động của ông như một phản ứng nhân đạo trước các vụ giết người và khủng bố.
Đội quân mà Gorbachev gửi tới đã không đóng góp nhiều vào việc làm dịu tình hình – trong hai năm tiếp theo, bạo lực sắc tộc ở Azerbaijan vẫn tiếp diễn, và chế độ Liên Xô suy yếu không thể đưa ra giải pháp lâu dài cho tình hình. Chưa đầy hai năm sau, Gorbachev từ chức và Liên Xô chấm dứt tồn tại.