Mổ xẻ cơn địa chấn bầu cử ở Malaysia

Tác giả: Carl Vadivella Belle | Biên dịch: Đinh Nho Minh

Anatomy of an Electoral Tsunami. Tác giả: Lim Teck Ghee, S. Thayaparan và Terence Netto. Petaling Jaya, Malaysia: Strategic Research and Development Centre, 2018. Bìa mềm: 245 trang.

Ngày 09/05/2018, cử tri Malaysia đã chấm dứt 60 năm thống lĩnh chính trường của đảng Tổ chức Dân tộc Malay Thống nhất (UMNO), thay vào đó bầu cho liên minh đối lập Pakatan Harapan (Liên minh Hy vọng). Cuốn The Anatomy of an  Electoral Tsunami (Mổ xẻ một cơn địa chấn bầu cử), được viết bởi ba chuyên gia hàng đầu về chính trị Malaysia, không chỉ đơn thuần phân tích cuộc bầu cử mà còn tổng hợp các bình luận về sự tha hóa trong xã hội, chính trị và kinh tế dưới thời Thủ tướng Najib Razak của UMNO, đe dọa tương lai của thể chế dân chủ nghị viện Malaysia. Cả ba chuyên gia này đều có đủ uy tín để thực hiện cuốn sách này. Lim Teck Ghee là một chuyên gia về chính sách công lâu năm, S. Thayaparan là một nhà phân tích chính trị sắc bén, còn Terence là một nhà báo kỳ cựu.

Các vấn đề chính trị Malaysia được nêu ra trong cuốn sách khá tăm tối. Cuốn sách miêu tả sự gia tăng chủ nghĩa chuyên chế và đàn án đối lập, sự lan rộng của tôn giáo cực đoan – được tạo ra bởi cuộc chiến giữa UMNO và Đảng Hồi giáo Malaysia (PAS), cũng như được thúc đẩy bởi một bộ máy hành chính tôn giáo ngày càng lan rộng và độc đoán – tình trạng phân biệt chủng tộc ngày càng lớn, hệ thống giáo dục xuống cấp, kinh tế trì trệ và tham nhũng hoành hành.

Như Lim chỉ ra (trang 13-14), tham nhũng, bao gồm các tai tiếng lớn về kinh tế, đã từ lâu là một phần trong chính trị Malaysia. Chính phủ thường xuyên xảy ra tình trạng bè phái thân hữu, nhận hối lộ, người dân phụ thuộc vào các khoản trợ cấp của chính phủ và dung túng cho sự yếu kém của quan chức. Tuy nhiên, những phanh phui về vụ án 1Malaysia Development Berhad (1MDB) đã đưa tham nhũng lên một “tầm cao” mới. Báo cáo cho biết tổng thiệt hại lên tới 42 tỉ ringgit (11,7 tỉ đô la Mỹ), trong đó Thủ tướng Najib được cho là đã bỏ túi 2,7 tỉ ringgit (700 triệu đô la Mỹ). Thủ tướng Najib tìm cách làm để vụ việc “chìm xuồng” bằng cách cách chức Phó Thủ tướng Muhyiddin Yassin và Tổng Chưởng lý Abdul Ghani Patail, dẫn tới việc chấm dứt cuộc điều tra của Ủy ban Ngân sách thuộc Nghị viện. Các cơ quan điều tra khác cũng bị ảnh hưởng, bao gồm cảnh sát, Hội đồng Chống Tham nhũng Malaysia, và Ngân hàng Quốc gia.

Nhìn chung, như Lim nhận định (trang 56), sự thống trị của UMNO đã tạo ra một chế độ chuyên chế ngạo mạn với hệ tư tưởng xơ cứng từ thời thuộc địa và dựa trên sự phân biệt chủng tộc. Vì vậy, UMNO ngày càng trở nên xa rời với thực tiễn tại Malaysia.

Bất chấp quy mô của vụ 1MDB, UMNO và Liên minh Dân tộc (Barisan Nasional -BN) bước vào cuộc tranh cử 2018 với lợi thế chiến lược rõ rệt. Những lợi thế này bao gồm sự kiểm soát truyền thông chính thống (mặc dù bị giảm bớt phần nào bởi các kênh truyền thông lề trái), bộ máy hành chính bị chính trị hóa, sự kiểm soát đối với Ủy ban Bầu cử (mà theo Lim, Ủy ban này đã tìm cách chia lại bản đồ bầu cử nhằm tạo lợi thế cho khu vực có đông người Malay bảo thủ ở nông thôn, trang 51-52), và đe dọa dùng vũ lực. Nhưng quan trọng hơn, như Thayarapan chỉ ra, UMNO có thể lợi dụng sự sợ hãi của người Malay bản địa trong việc đánh mất sự kiểm soát chính quyền, điều có thể đe dọa đến tương lai của bản sắc Hồi giáo và người Malay (trang 98).

Cả ba tác giả đều đồng ý rằng vai trò dẫn dắt phe đối lập của cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad có vai trò xúc tác trong thất bại bầu cử của chính phủ Najib. Theo Netto (trang 143), điều này khá trớ trêu vì khi còn là thủ tướng, Mahathir đã giúp tạo ra tình thế vốn rốt cuộc dẫn tới sự trỗi dậy của một nhân vật như Najib. Mặc dù Mahathir đã thể hiện khả năng của mình trong việc làm suy yếu nhiệm kì của Abdullah Ahmad Badawi (2003-09), ông vẫn buộc phải thừa nhận rằng loại bỏ Najib cần phải có sự ủng hộ của người dân. Vào ngày 07/01/2018, Mahathir và Anwar Ibrahim (vẫn đang trong tù) đã hợp lực để đạt được mục tiêu này. Mahathir cũng tạo một đảng mới của người Malay, Parti Pribumi Bersatu Malaysia (PPBM).

Thayaparan nhấn mạnh (trang 97-99) rằng quyết định bổ nhiệm Mahathir của Liên minh Hy vọng là mang tính thực dụng và là một sự thừa nhận muộn màng rằng cuộc bầu cử sẽ dựa vào uy tín người tranh cử hơn là chính sách. Với việc không giành được phiếu của các cử tri không phải người Malay trong các cuộc bầu cử trước, BN phải phụ thuộc vào việc giữ phiếu của người Malay. Sự lãnh đạo của Mahathir đã giúp cử tri người Malay giảm bớt nỗi sợ bị thổi phồng bởi UMNO rằng nếu phe đối lập lên ngôi, liên minh DAP-người Hoa-người Thiên Chúa Giáo sẽ cai quản đất nước và làm phương hại lợi ích của người Malay cũng như tương lai Hồi giáo ở Malaysia. Mahathir được coi như người tạo ra nước Malaysia hiện đại và là người tái định hình văn hóa của người Malay cũng như ủng hộ quyền của họ. Chiến dịch tranh cử của ông nhấn mạnh rằng UMNO đã phản bội người Malay và phỉ báng đạo Hồi bằng việc dùng tiền công để làm giàu cho bản thân. Thayaparan cũng cho rằng Mahathir sẽ đảm bảo an toàn cho các quan chức bị ảnh hưởng bởi sự chuyển giao quyền lực (trang 99). Điều này cũng làm giảm khả năng UMNO sẽ từ chối công nhận kết quả bầu cử nếu thua (xem Lim, trang 4).

Cuốn Mổ xẻ một cơn địa chấn bầu cử kể lại nhiều vấn đề của chính trường Malaysia dẫn đến cơn địa chấn trong cuộc bầu cử ngày mùng 9 tháng 5. Kết quả bầu cử không chỉ loại bỏ một chính phủ mà cả ba tác giả đều cho là tha hóa và chuyên quyền, mà còn thay đổi nề tảng tư tưởng từ thời thuộc địa vốn giúp BN nắm giữ quyền lực. Vì vậy, cuốn sách là một đóng góp quan trọng cho sử liệu và là một tác phẩm đánh dấu sự trưởng thành của nền dân chủ Malaysia.

Carl Vadivella Belle là một học giả độc lập tại Nam Australia.