13/02/1633: Galileo tới Rome, đối mặt Tòa án dị giáo

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Galileo in Rome for Inquisition, History.com

Biên dịch: Lê Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Vào ngày này năm 1633, nhà triết học, thiên văn học và toán học người Ý Galileo Galilei đã tới Rome để đối mặt với tội danh dị giáo vì ủng hộ học thuyết Copernic, học thuyết cho rằng Trái đất xoay quanh Mặt Trời. Galileo chính thức đối mặt với Tòa án dị giáo La Mã vào tháng Tư cùng năm và đồng ý nhận tội để đổi lấy một bản án nhẹ hơn. Bị lãnh án quản thúc tại gia vô thời hạn bởi Giáo hoàng Urban VIII, Galileo đã sống những ngày còn lại tại ngôi nhà của mình ở Arcetri, gần Florence, trước khi qua đời vào ngày 08 tháng 01 năm 1642.

Galileo, con trai của một nhạc sĩ, sinh ngày 15 tháng 02 năm 1564, tại Pisa, Italy. Ông vào Đại học Pisa với ý định học ngành y, nhưng đã chuyển sang triết học và toán học. Năm 1589, ông trở thành giáo sư tại Pisa trong nhiều năm, trong thời gian đó ông đã chứng minh rằng tốc độ của một vật đang rơi không tỷ lệ thuận với trọng lượng của nó, như Aristotle đã tin. Theo một số báo cáo, Galileo đã tiến hành nghiên cứu của mình bằng cách thả các vật thể có trọng lượng khác nhau từ Tháp nghiêng Pisa. Từ 1592 đến 1630, Galileo là giáo sư toán học tại Đại học Padua, nơi ông đã phát triển một kính viễn vọng cho phép ông quan sát các ngọn núi và miệng núi lửa mặt trăng, bốn vệ tinh lớn nhất của Sao Mộc và các pha của Sao Mộc. Ông cũng phát hiện ra rằng Dải Ngân hà được tạo thành từ các ngôi sao. Sau khi công bố nghiên cứu của mình vào năm 1610, Galileo đã được ca ngợi và được bổ nhiệm làm nhà toán học của triều đình tại Florence.

Nghiên cứu của Galileo đã đưa ông trở thành người ủng hộ công trình của nhà thiên văn học người Ba Lan Nicolaus Copernicus (1473-1573). Tuy nhiên, học thuyết Copernic về một hệ mặt trời, trong đó mặt trời là trung tâm, đã mâu thuẫn với những giáo lý của Giáo hội Công giáo La Mã hùng mạnh, một thể chế về cơ bản đang cai trị Italia vào thời điểm đó. Giáo lý của nhà thờ cho rằng Trái Đất, chứ không phải mặt trời, là trung tâm của vũ trụ. Năm 1633, Galileo được đưa ra trước Toà án dị giáo La Mã, một hệ thống tư pháp được thành lập bởi Giáo hoàng vào năm 1542 để điều chỉnh các giáo lý nhà thờ. Điều này bao gồm việc cấm các cuốn sách mâu thuẫn với giáo lý của nhà thờ. Tòa án dị giáo La Mã có nguồn gốc từ Tòa án dị giáo thời trung cổ, mục đích của nó là tìm kiếm và truy tố những kẻ dị giáo, bị coi là kẻ thù của chính quyền.

Ngày nay, Galileo được công nhận vì có những đóng góp quan trọng cho nghiên cứu về vật lý và thiên văn học. Công trình của ông đã ảnh hưởng đến các nhà khoa học sau này như nhà toán học và vật lý học người Anh Isaac Newton, người đã phát triển định luật vạn vật hấp dẫn. Năm 1992, Vatican chính thức thừa nhận sai lầm của mình khi kết án Galileo.