Nguồn: Shashi Tharoor, “India’s China Problem in Pakistan”, Project Syndicate, 04/03/2019.
Biên dịch: Phan Nguyên
Người ta chỉ có thể hy vọng rằng những căng thẳng mới nhất giữa Ấn Độ và Pakistan, vốm nổ ra sau một cuộc tấn công khủng bố vào tháng trước giết chết hơn 40 cảnh sát bán quân sự Ấn Độ và làm bị thương một số người khác ở quận Pulwama của bang Jammu và Kashmir, sẽ được giải quyết một cách hòa bình. Nhưng dù cuộc khủng hoảng đang diễn ra có kết thúc như thế nào đi nữa, cuộc xung đột giữa hai nước đã đưa ra ánh sáng một nhân tố thứ ba: Trung Quốc.
Vụ tấn công mới nhất ở Jammu và Kashmir, giáp biên giới Pakistan, đã đặt ra những câu hỏi mới về việc Trung Quốc tiếp tục bảo vệ tổ chức khủng bố Jaish-e-Mohammed (JeM) có trụ sở ở Pakistan. JeM đã nhanh chóng tuyên bố đứng đằng sau vụ đánh bom, được thực hiện bởi một kẻ đánh bom liều chết 21 tuổi, người đã kích nổ khoảng 300 kg RDX trong một cuộc tấn công vào một đoàn xe cảnh sát gồm 78 xe.
Ấn Độ có một lịch sử nhục nhã liên quan tới kẻ sáng lập và thủ lĩnh của JeM, Maulana Masood Azhar, người đã được thả ra từ một nhà tù Ấn Độ vào năm 1999, cùng với hai kẻ khủng bố khác, để đổi lấy các hành khách trên một chuyến bay của hãng Hàng không Ấn Độ mà những kẻ khủng bố Pakistan đã bắt cóc và đưa tới Kandahar, lúc đó thuộc Afghanistan do Taliban quản lý. (Một trong những kẻ được thả ra cùng với Azhar đã gây ra vụ giết nhà báo người Mỹ Daniel Pearl sau đó.) JeM sau đó đã tiến hành nhiều cuộc tấn công khủng bố vào Ấn Độ, bao gồm một cuộc tấn công năm 2016 vào một căn cứ quân sự ở Uri, cũng ở Jammu và Kashmir, giết chết 19 binh sĩ, qua đó khiến Ấn Độ tiến hành một cuộc tấn công trả đũa chớp nhoáng được báo chí đưa tin nhiều vào một trại huấn luyện của JeM.
Mặc dù Pakistan chiến đấu chống lại một số tổ chức khủng bố Hồi giáo bạo lực (đáng chú ý là nhóm Taliban Pakistan, những kẻ đang tìm cách lật đổ chính phủ Pakistan), họ cũng theo đuổi các mục tiêu chiến lược bằng cách tài trợ, huấn luyện và trang bị cho các nhóm khủng bố tấn công các mục tiêu ở Ấn Độ, Afghanistan và Iran. Trong điệu vũ tango rùng rợn của Pakistan với chủ nghĩa khủng bố, Azhar và JeM có trụ sở công khai đặt tại thị trấn Bahawalpur, điều hành các cơ sở huấn luyện và trại vũ trang ở một số địa điểm, bao gồm Balakot (nơi Không quân Ấn Độ đã nhắm tới trong cuộc không kích vào ngày 26 tháng 2).
Azhar đi lại và diễn thuyết thoải mái trên khắp Pakistan, khoe khoang thành tích khủng bố của mình. Tương tự là Hafiz Saeed, chỉ huy nhóm Lashkar-e-Taiba và là kẻ bị cáo buộc chủ mưu “vụ tấn công ngày 26/11”, giết chết 166 dân thường ở Mumbai năm 2008. Chính phủ Ấn Độ đã cố gắng trừng phạt Azhar bị theo Nghị quyết 1267 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nghị quyết sẽ đóng băng các tài khoản ngân hàng và hạn chế sự đi lại của Azhar bên ngoài Pakistan. Mặc dù 14 trong số 15 thành viên của Hội đồng Bảo an ủng hộ nghị quyết này, nhưng Trung Quốc, đồng minh trung thành của Pakistan, đã phủ quyết nó ba lần.
Những lý do đằng sau sự ngoan cố của Trung Quốc không khó để nhận ra. Trung Quốc tự gọi mình là một đồng minh trong mọi hoàn cảnh của Pakistan, nước được Trung Quốc coi là một đối trọng hữu ích với Ấn Độ. Hơn nữa, Pakistan là một nhân tố chính trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc (BRI), trong đó một dự án chủ chốt là Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), kết nối phía tây Trung Quốc với cảng Gwadar trên bờ biển Balochistan của Pakistan.
Khi hoàn thành, Dự án CPEC trị giá 66 tỷ USD sẽ là dự án phát triển lớn nhất ở nước ngoài của Trung Quốc và sẽ giảm hơn một nửa chi phí vận chuyển cho hoạt động thương mại của Trung Quốc với Vịnh Ba Tư. Đây cũng là một dự án uy tín cho Trung Quốc và là một dự án kinh tế quan trọng, và dường như nó cũng khẳng định vai trò không thể thiếu của Pakistan trong các tính toán địa chính trị của Trung Quốc trong một thời gian dài sắp tới.
Mặc dù Trung Quốc đã cùng các quốc gia khác trên toàn cầu lên án vụ đánh bom tự sát ngày 14 tháng 2, nhưng chính phủ của họ một lần nữa nói rõ rằng họ không vội vàng ủng hộ việc trừng phạt Azhar. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang nói rằng “Chúng tôi vô cùng sốc trước cuộc tấn công này. Chúng tôi bày tỏ sự chia buồn và cảm thông sâu sắc với các gia đình nạn nhân”, nhưng kỳ lạ thay lại trích dẫn “thủ tục” của Liên Hợp Quốc để khẳng định lại lập trường của chính phủ Trung Quốc.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người đang phải đối diện với một cuộc bầu cử toàn quốc bắt đầu từ tháng 4, đang chịu áp lực trong nước đáng kể phải hành động quyết liệt chống lại JeM. Tại một sự kiện ngay sau vụ tấn công ở Pulwama, Modi nói: “Có rất nhiều sự tức giận, máu của người dân đang sôi sục. Chúng tôi sẽ phản ứng mạnh mẽ. Chúng tôi sẽ đưa các lực lượng đứng sau vụ tấn công ra trước công lý”. Việc một máy bay phản lực Ấn Độ bị bắn hạ và viên phi công bị bắt giữ rồi phóng thích sau đó có thể đã giúp hạ nhiệt cuộc khủng hoảng. Nhưng mặc dù hai nước đã bị đưa đến bờ vực chiến tranh, Ấn Độ biết rằng các lựa chọn chính của họ vẫn là qua kênh ngoại giao.
Mong muốn của Ấn Độ trong việc cô lập Pakistan trên trường quốc tế vì nước này hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố đã vấp phải bức tường là sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho chính phủ ở Islamabad. Các quốc gia khác cũng vậy, có các lý do song phương để không cô lập Pakistan. Hoa Kỳ cần Pakistan vì vấn đề Afghanistan, đặc biệt trong vai trò một kênh kể đàm phán một thỏa thuận với lực lượng Taliban ở Afghanistan.
Nhưng Modi đặc biệt mất mặt khi Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ cho Pakistan, điều đi ngược lại “tinh thần Vũ Hán” mà ông tuyên bố đã thiết lập với Chủ tịch Tập Cận Bình sau hội nghị thượng đỉnh năm ngoái tại thành phố miền trung Trung Quốc. Khi còn là thủ lĩnh phe đối lập, Modi đã chỉ trích gay gắt chính phủ Ấn Độ vì đã nhân nhượng Trung Quốc. Nhưng kể từ khi ông trở thành thủ tướng, Trung Quốc đã tiếp tục ngăn Ấn Độ gia nhập Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân. Modi cũng không thể ngăn Trung Quốc xây dựng dự án CPEC chạy qua khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát (điều Ấn Độ coi là một sự vi phạm chủ quyền của mình) hay ngăn Trung Quốc tái khẳng định các yêu sách của mình đối với bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ (mà Trung Quốc coi là khu vực “Nam Tây Tạng”). Giờ đây, “tinh thần Vũ Hán”, nếu nó có thực chứ không chỉ là những thông cáo báo chí, đã bị phá vỡ tan tành.
Năm ngoái, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Ấn Độ về các vấn đề đối ngoại (mà tôi làm chủ tịch) đã ban hành một báo cáo về quan hệ Trung-Ấn, kết luận chính phủ Modi đã “quá thận trọng” trước các vấn đề nhạy cảm của Trung Quốc và cho rằng Ấn Độ không thể tiếp tục “chính sách đối ngoại quỵ lụy của mình trước Trung Quốc”.
Sau vụ tấn công Pulwama, Hoa Kỳ yêu cầu Pakistan “ngay lập tức chấm dứt hỗ trợ và cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho tất cả các nhóm khủng bố”, và Vương quốc Anh và Pháp đã đưa ra một “tuyên bố chủ tịch” trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an nhằm lên án vụ đánh bom tự sát cũng như hoạt động khủng bố của JeM . Bất chấp sự phản đối ban đầu của Trung Quốc, họ đã đưa Azhar vào lại danh sách đen, một quá trình mà các thành viên phải đưa ra lập trường trước ngày 13 tháng 3. Có rất ít nghi ngờ về cách 14 quốc gia sẽ bỏ phiếu. Liệu Trung Quốc có tiếp tục đóng vai trò là kẻ ủng hộ khủng bố lớn nhất thế giới?
Shashi Tharoor, cựu Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và cựu Quốc vụ khanh về Phát triển Nguồn nhân lực và Quốc vụ khanh về Ngoại vụ của Ấn Độ, hiện là nghị sĩ Đảng Quốc đại Ấn Độ và Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đối ngoại. Ông là tác giả cuốn “Pax Indica: India and the World of the 21st Century”.