Gió đổi chiều: Thế giới Ả rập chào đón người Do Thái trở lại

Nguồn:Decades after the Jews went into exile, some Arabs want them back”, The Economist, 04/04/2019.

Biên dịch: Ngô Việt Nguyên

Nơi đó được gọi một cách đơn giản là “the Villa”. Những bức tường trắng không dấu hiệu, và nó vẫn còn phải chờ được cấp phép chính thức. Nhưng đối với những nhà sáng lập thì sự ra đời một cách lặng lẽ của đền thờ Do Thái đầu tiên trong nhiều thế hệ ở thế giới Ả Rập là dấu hiệu cho sự hồi sinh của cộng đồng Do Thái. Tọa lạc gần bờ biển Dubai, đền thờ Do Thái dạy tiếng Hebrew và phục vụ những bữa ăn kosher (thực phẩm tiêu chuẩn của người Do Thái – ND), và gần đây mới có một rabbi (giáo sĩ Do Thái – ND). Theo Ross Kriel, chủ tịch Hội đồng Do Thái ở các Tiểu vương quốc: “Lời hứa của cộng đồng chúng tôi là sự vực dậy của truyền thống Do Thái-Hồi Giáo.”

Đó có thể là điều mơ mộng viễn vông trong thế giới Ả Rập, nơi đã xua đuổi 800 ngàn người Do Thái trong những thập niên sau khi nhà nước Israel được thành lập. Nhưng điều bất ngờ là các lãnh đạo Ả Rập từ Ma-rốc đến Iraq giờ đều nhắc lại cùng một thông điệp. Vào tháng 2, tổng thống Ai Cập, Abdel-Fattah al-Sisi, nói rằng ông sẽ cho xây dựng các đền thờ Do Thái mới nếu những người Do Thái quay về. Chính quyền của ông đang trùng tu đền thờ Eliyahu Hanavi ở Alexandria (trong hình), nơi từng là đền thờ Do Thái lớn nhất ở khu vực Trung Đông. Họ cũng đang dọn dẹp nghĩa trang Do Thái rộng lớn, nơi ngập tràn nước thải, ở phía nam Cairo. Và lần thứ hai dưới quyền của ông Sisi, các kênh truyền hình Ai Cập đã phát sóng một bộ phim về người Do Thái trong tháng ăn chay Ramadan. Câu chuyện kể về cuộc tình nóng bỏng của một người lính với một người phụ nữ Do Thái.

Những nước khác ở vùng Vịnh cũng đang noi theo Dubai. “Tôi cảm thấy thoải mái khi đội nón kippah ở Bahrain hơn là ở Berlin”,[1] theo lời Marc Schneier, một rabbi người Mỹ đang nỗ lực phát triển “đời sống Do Thái” ở năm quốc gia vùng Vịnh. Hiệp hội Hồi giáo Thế giới, bộ máy truyền giáo của Ả Rập Saudi và từ lâu là cái loa tuyên truyền sự cuồng tín mù quáng, đã đánh dấu ngày tưởng niệm các nạn nhân diệt chủng Do Thái (Holocaust Day) bằng một lá thư tiếng Ả Rập lên án việc phủ nhận sự tồn tại của Holocaust. Muhammad al-Issa, lãnh đạo của Hiệp hội, dự tính sẽ dẫn đầu một phái đoàn đa tôn giáo đến Auschwitz. “Tình cảnh đã thay đổi”, theo lời của ông.

Sau nhiều thập niên với những phát ngôn hận thù, những người hoài nghi cho rằng việc “quay ngoắt 180 độ” này chỉ là một cách để các nhà độc tài Ả Rập tìm kiếm sự ủng hộ của phương Tây. Nhưng “mùa xuân Ả Rập” vào năm 2011 đã quét sạch nhiều điều cấm kỵ. Người dân thách thức những hệ tư tưởng tồn tại lâu đời hơn bao giờ hết. Từ Iraq đến Libya, một loạt các chính trị gia, nhà làm phim, và các nhà nghiên cứu, từ những người theo trường phái thế tục đến nhóm Huynh đệ Hồi Giáo, tất cả đã và đang xem xét lại quá khứ, bao gồm cả việc xua đuổi người Do Thái sau năm 1948.

Bằng việc thoát khỏi tầm kiểm soát của những người kiểm duyệt, internet đã cho phép người Hồi Giáo và Do Thái vượt qua các biên giới hay những điểm kiểm soát hộ chiếu. Các cộng đồng ảo đã gia tăng trên mạng. “Tôi nói chuyện với bạn tôi ở Baghdad cả đêm”, theo lời một người Do Thái gốc Iraq ở London, người đã rời Baghdad vào thập niên 1960. Năm ngoái, một trang Facebook tiếng Ả rập nổi tiếng đã có một cuộc trưng cầu online về việc phục hồi quyền công dân Iraq và cho phép trở về đối với những người Do Thái bị trục xuất 70 năm về trước. Hơn ba phần tư trong tổng số 62.000 lượt bầu chọn ủng hộ những điều trên.

Truyền hình, sách vở, và các trường đại học phản ánh sự chuyển biến văn hóa này. Các bộ phim tài liệu Ả rập tìm kiếm các cộng đồng người Do Thái từng sống ở các vùng đất Ả rập. Một thế hệ tiểu thuyết gia Ả rập mới đã nâng vai trò của các nhân vật người Do Thái từ nhân vật phụ lên nhân vật trung tâm. “Tôi viết như vậy để cho thấy rằng người Do Thái là một phần trong nền văn hóa chúng tôi,” theo Amin Zaoui, tác giả người Algeria của cuốn tiểu thuyết The last Jew of Tamentit (Người Do Thái cuối cùng ở Tamentit). Bản dịch tiếng Ả rập của hồi ký The Man in the White Sharkskin suit (Người đàn ông mặc áo da cá mập trắng), của một người Do Thái gốc Ai Cập đã được tái bản nhiều lần.

Các khoa dạy tiếng Hebrew ở các trường đại học Ả rập, từng được xem là nơi của những kẻ quái dị, giờ mọc lên như nấm. Ngày nay, 13 trường đại học Ai Cập dạy tiếng Hebrew, tăng từ con số 4 vào năm 2004. Khoảng 3.000 sinh viên Ai Cập sẽ hoàn thành chương trình học tiếng Hebrew năm nay, gấp đôi con số 5 năm về trước. Thậm chí hãng thông tấn quốc gia Syria cũng có bộ phận tiếng Hebrew.

Bất chấp những sự đánh giá lại này, thế giới Ả rập ngày nay vẫn còn khác xa những năm đầu thập niên 1950, khi mà tổng thống Ai Cập đầu tiên, Muhammad Naguib, đến đền thờ Do Thái vào dịp lễ Yom Kippur (ngày lễ thiêng liêng nhất của người Do Thái – ND), và người Hồi giáo cầu nguyện bên cạnh các Ki-tô hữu và người Do Thái ở bên mộ của Moses Maimonides, một rabbi thời trung cổ, ở Cairo. Từ Tlemcen ở tây Algeria đến Qamishli ở đông bắc Syria, những ngôi đền thờ Do Thái cổ tráng lệ dần mục nát đi. “Họ sẽ lấy hết tất cả khi chúng tôi chết”, theo lời một trong những người Do Thái cuối cùng còn sống ở Damascus. Dưới chiêu bài gìn giữ di sản Do Thái, một số tổ chức được sự ủng hộ của các chính quyền Ả rập lên kế hoạch thu hồi những khu nhà bỏ hoang. Những lời thóa mạ xa xưa vẫn khó tiêu tan. “Bọn chúng đâu có cần quê hương thứ hai”, theo lời một người theo phái Salafi, sau khi một bộ trưởng Algeria đề nghị mở lại các đền thờ Do Thái.

Dù vậy, những đợt leo thang căng thẳng vì Israel không còn kích động những đợt tàn sát bài Do Thái. Mặc dù một số chính trị gia Palestine vẫn kích động làn sóng bài Do Thái, nhưng nhiều chính trị gia khác biết nói tiếng Hebrew và có sự hiểu biết và cảm thông hơn trước. Số người Palestine nghiên cứu quá khứ Do Thái ở khu vực Trung Đông nhiều đến mức bất ngờ. Thậm chí một số còn nói về thân phận chung với những người Do Thái gốc Ả rập bị mất hết tài sản. “Chúng ta đang đi vào một thời đại hậu chủ nghĩa thực dân,” theo lời của một giáo sĩ Ki-tô giáo ở Cairo. “Chúng ta một lần nữa học cách để nhìn thấy sự đa dạng ở những người khác, chứ không phải những mối đe dọa.”

————–

[1] Nón kippah là nón truyền thống của người Do Thái, hình dáng giống như nón zucchetto mà các lãnh đạo giáo hội Công Giáo (giám mục, hồng y, Giáo hoàng) đội – ND.