Bạo lực và Lịch sử Bất Bình đẳng Kinh tế từ thời Đồ Đá đến TK 21

Tác giả: The Economist | Biên dịch: Đinh Nho Minh

The Great Leveller: Violence and the History of Inequality from the Stone Age to the Twenty-First Century. Tác giả: Walter Scheidel. Princeton University Press, 2017. 504 trang.

Thoạt đầu, sẽ không ai nghĩ cuộc Đại Khủng hoảng là một điều tốt. Nhưng khi giở đến trang 363 cuốn “Sự kiện Cào bằng” của Walter Scheidel, bạn sẽ thấy cuộc Đại Khủng hoảng là có lợi. Đó là lần duy nhất trong lịch sử, không một cuộc khủng hoảng kinh tế nào khác ở Hoa Kỳ đạt được kết quả tương tự – khi lương thực tế (của người lao động) tăng và thu nhập của người giàu giảm đến mức “có ảnh hưởng lớn đến bất bình đẳng kinh tế”. Đúng vậy, Đại Khủng hoảng tạo ra nhiều khổ đau, nhưng nó nổi bật ở chỗ không khiến hàng triệu người bị chết, và về khía cạnh này cuộc khủng hoảng có tác động nổi bật.

Nếu đó là một điều tốt, bạn có thể tưởng tượng sự bất hạnh trước và sau Đại Khủng hoảng. Scheidel, một sử gia sinh tại Vienna và hiện đang công tác tại Đại học Stanford, đã đặt cuộc tranh luận về khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng được tìm thấy trong các nghiên cứu gần đây của Thomas Piketty, Anthony Atkinson, Branko Milanovic và các học giả khác vào bối cảnh lịch sử và phân tích cách để giảm bất bình đẳng kinh tế.

Sử dụng nhiều nghiên cứu khoa học khác nhau để tạo ra một khảo sát bắt đầu từ thời đại đồ đá, ông thấy rằng chênh lệch giàu nghèo ở các quốc gia đều cao hoặc đang gia tăng do việc quyền lực chính trị và quyền lực kinh tế luôn đi đôi, củng cố lẫn nhau và truyền qua các thế hệ. Bất bình đẳng kinh tế không tự mất đi như nhiều người nghĩ.

Ông Scheidel cho rằng chỉ có bốn thứ tạo ra hiệu ứng cào bằng. Một là đại dịch, ví dụ như Cái Chết đen (Black Death)[1] khi đại dịch này làm thay đổi giá trị tương đối giữa đất đai và lao động vào cuối thời Trung Cổ ở Châu Âu. Một cách khác là sự sụp đổ hoàn toàn của quốc gia và hệ thống kinh tế, giống như cuối thời nhà Đường ở Trung Quốc và sự sụp đổ của Đế quốc Tây La Mã. Khi tất cả mọi người đều trở nên đói khổ thì người giàu mất nhiều nhất. Một cách nữa là cách mạng toàn diện, giống như Cách mạng Tháng Mười Nga hoặc Cách mạng ở Trung Quốc. Người “anh em” của cách mạng, chiến tranh tổng lực, là cách cuối cùng làm giảm bất bình đẳng.

Ngoài ra thì không còn cách nào khác. Khủng hoảng tài chính sẽ làm tăng hoặc giảm khoảng cách giàu nghèo tùy lúc. Cải cách chính trị thường không hiệu quả, một phần vì nó nhắm vào cân bằng quyền lực giữa những người có quyền lực kinh tế và những người có quyền lực chính trị, chứ không giúp những ai không có cả hai. Cải cách ruộng đất, xóa nợ và giải phóng nô lệ cũng thường không cải thiện tình hình nhiều lắm, mặc dù nếu những biện pháp này được thực hiện một cách bạo lực có thể giúp ích đôi chút. Nhưng bản thân bạo lực nếu không xảy ra trên diện rộng cũng không tạo ra nhiều bình đẳng hơn. “Phần lớn các cuộc khởi nghĩa trong lịch sử”, Scheidel viết, “đều không tạo ra nhiều bình đẳng hơn.”

Có lẽ khía cạnh thú vị nhất của cuốn sách này là việc tổng hợp cẩn thận các bằng chứng cho thấy rằng chiến tranh tổng lực là nguyên nhân chính đằng sau sự giảm khoảng cách giàu nghèo chưa từng thấy ở phương Tây giai đoạn 1910 – 1970 (mặc dù cuộc Đại Khủng hoảng cũng giúp một tay). Bằng cách bắt mọi người đều phải hi sinh, việc huy động nguồn lực quốc gia trên diện rộng trong tình huống như vậy đã lấy đi nhiều tài sản của người giàu.

Thuế thu nhập và thuế tài sản tăng mạnh trong cả hai cuộc Thế chiến (mức thuế thu nhập cao nhất đạt đỉnh 94% vào năm 1944 ở Hoa Kỳ, còn thuế tài sản đạt mức kỉ lục 77% vào năm 1941). Thiệt hại về vật chất với nhà xưởng sản xuất và lạm phát hậu chiến cũng làm giảm tải sản của người giàu. Các cuộc chiến cũng mở rộng các nghiệp đoàn – một trong những yếu tố liên quan đến chiến tranh – góp phần giữ bất bình đẳng ở mức thấp trong vòng một thế hệ sau 1945, trước khi chênh lệch giàu nghèo gia tăng trở lại vào những năm 1980.

Thế kỷ 20 cũng là khoảng thời gian gia tăng dân chủ hóa. Nhưng Scheidel cho rằng đây là một hệ quả khác do các cuộc chiến tổng lực. Như Max Weber, một trong những cha đẻ của xã hội học, Scheidel cho rằng giới tinh hoa sử dụng dân chủ để có được sự hợp tác từ các tầng lớp dưới trong chiến tranh, khoảng thời kì mà dân chủ hợp pháp hóa việc cào bằng kinh tế. Dựa trên nghiên cứu của Daron Acemoglu và các đồng nghiệp, Scheidel nhận thấy dân chủ không có tác động gì lên bất bình đẳng kinh tế trong các thời kỳ khác. (Một ví dụ khác tương tự bức tranh của thế kỷ 20 này là Athen thời cổ đại, một nền dân chủ với chênh lệch giàu nghèo tương đối thấp và cũng dựa trên tổng động viên, do các cuộc hải chiến thời đó đòi hỏi.)

Các sự kiện cào bằng lớn sẽ khó xảy ra hơn trong tương lai. Đại dịch vẫn là một mối đe dọa, nhưng sẽ không lặp lại với quy mô lớn như đại dịch Cái Chết đen. Chiến tranh hoặc cách mạng tổng lực trong nhiều năm liền giữa các đội quân hàng triệu người cũng khó lặp lại. Hơn nữa, kể từ Cách mạng Công nghiệp, sự thịnh vượng chung vẫn tăng lên bất chấp khoảng cách giàu nghèo có thế nào chăng nữa. Và trong các thập niên gần đây, bất bình đẳng kinh tế toàn cầu đã giảm.

Nhìn chung đây là tin tốt, nhưng vẫn khiến những ai muốn có tình trạng bất bình đẳng giảm nhiều hơn nữa cảm thấy lo lắng. Scheidel cho rằng mặc dù các biện pháp giảm bất bình đẳng bằng các chính sách tái phân phối và tăng quyền lực cho người lao động không hiệu quả lắm, nhưng chúng cũng không gây hại gì. Các biện pháp này có thể giúp bất bình đẳng không gia tăng thêm, nhưng cũng khó có thể làm giảm bất bình đẳng. Và chúng cũng có chi phí cơ hội. Nếu lịch sử không cho cơ hội suy nghĩ sâu xa như vậy, rằng việc giảm bất bình đẳng một cách hòa bình là có thể, thì những người theo tư tưởng cấp tiến nên chuyển sang các chính sách khác.

Có hai khả năng khác. Một là cần lưu ý rằng hoàn cảnh lịch sử luôn thay đổi. Như Scheidel đã chỉ ra, thế kỷ 20 khác so với các thể kỷ khác. Liệu có khả năng một biến chuyển bớt bị kịch hơn nhưng không kém phần sâu sắc khiến con người và các quốc gia sẽ thu hẹp hoặc gia tăng khoảng cách thu nhập sẽ chuẩn bị xảy ra không? Ví dụ, nếu các công cụ trí thông minh nhân tạo với tầm quan trọng kinh tế ngày càng tăng quyết định rằng chúng sẽ không thuộc sở hữu của ai hết, thì liệu điều đó có tạo nên sự khác biệt?

Một khả năng khác là một số nhận định rằng sự sụp đổ của nền văn minh nhân loại là một cái giá hợp lý để tạo ra một thế giới không tưởng từ đống đổ nát – hoặc đơn giản là có người muốn chứng kiến sự tàn phá thế giới như vậy. Các cá nhân và nhóm nhỏ ngày nay vẫn có thể tạo ra những thảm kịch từng không tưởng được trong quá khứ bằng vũ khí hạt nhân hoặc công nghệ sinh học. Tài sản có thể phải mất rất nhiều thời gian mới tích tụ được, nhưng phá bỏ nó thì không cần lâu đến vậy.

————–

[1] Đại dịch dịch hạch ở châu Âu thời thế kỷ 14 làm chết từ 30-60% dân số châu lục này.