Nguồn: Sam Rainsy, “The Rising Cost of Strongman Rule in Cambodia”, Project Syndicate, 12/04/2019.
Biên dịch: Phan Nguyên
Vào ngày 04/04/2019, một nhóm các hiệp hội nhà mua hàng quốc tế thuộc các ngành may mặc, giày dép, hàng thể thao và du lịch đã gửi một bức thư cho Thủ tướng Campuchia Hun Sen để bày tỏ lo ngại về các hành vi bóc lột lao động và vi phạm nhân quyền. Trước đó, quyền tiếp cận miễn thuế vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) rộng lớn của Campuchia, được cấp theo chương trình “All But Arms” (ABE – Mọi thứ trừ vũ khí) của EU, đã có nguy cơ bị đình chỉ vì những vi phạm đó. Các hiệp hội này cảnh báo rằng nếu Campuchia bị loại vĩnh viễn ra khỏi chương trình EBA và các thỏa thuận thương mại ưu đãi khác, các ngành hàng của họ cũng như toàn bộ nền kinh tế Campuchia sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hun Sen tuyên bố rằng cộng đồng quốc tế đang nhắm vào Campuchia một cách không công bằng. Nhưng sự thật là việc tăng cường sức ép lên Campuchia phù hợp với những thay đổi toàn cầu nói chung, theo đó đầu tư ngày càng được dẫn dắt – thậm chí bị chi phối – bởi các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
Đã qua rồi cái thời mà tiết kiệm chi phí ESG là một phần thưởng tuyệt vời cho các nhà đầu tư. Các nhà quản lý quỹ lương hưu và quỹ đầu tư hiện đầu yêu cầu các công ty mà họ bơm tiền vào phải hoạt động một cách có đạo đức và minh bạch nhằm hạn chế rủi ro về danh tiếng. Do đó, các quyết định đầu tư tại các quỹ thị trường mới nổi ngày càng được tiến hành theo các quy định ESG nghiêm ngặt – những quy định mà sau 34 năm cầm quyền của chế độ độc tài Hun Sen, Campuchia không có cơ hội nào có thể vượt qua được.
Campuchia hiện đang bị tước đoạt tài nguyên thiên nhiên – bao gồm gỗ, cao su và cát – để cho các cá nhân vun vén tư lợi. Suy thoái môi trường – đặc biệt là nạn phá rừng – đang gia tăng và nạn tham nhũng lan tràn, với nguồn tiền mờ ám chảy vào các sòng bạc, ngân hàng và thị trường bất động sản Campuchia.
Vào tháng 2, tổ chức liên chính phủ Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính (FATF) đã đưa Campuchia vào danh sách “xám” cần theo dõi, lưu ý rằng chưa có một vụ rửa tiền nào từng bị khởi tố ở nước này. Campuchia xếp thứ 161 trong số 180 quốc gia trên bảng Chỉ số Nhận thức Tham nhũng Quốc tế 2018.
Trong khi các nguồn lực của Campuchia đã làm giàu cho một số người thì các công nhân của đất nước này được hưởng rất ít sự bảo vệ, còn những người đấu tranh đòi thay đổi có nguy cơ đối mặt với kết cục bạo lực. Năm 1997, một cuộc tấn công bằng lựu đạn vào một cuộc biểu tình ôn hòa do tôi lãnh đạo ở Phnom Penh đã khiến 16 người biểu tình thiệt mạng. Hơn 100 người khác, bao gồm nhà hoạt động công đoàn và lãnh đạo phe đối lập Chea Vichea, đã bị thương. Vào tháng 1 năm 2004, Vichea đã bị bắn chết ngay giữa thanh thiên bạch nhật.
Ngày nay, như các hiệp hội may mặc quốc tế nêu rõ trong thư gửi Hun Sen, lãnh đạo của các công đoàn hiện tại tiếp tục phải đối mặt với các cáo buộc hình sự và bị kết án chỉ vì làm công việc của mình. Và Luật Công đoàn được thông qua năm 2016 đã hạn chế việc thành lập các công đoàn mới.
Các đối thủ chính trị của Hun Sen cũng đối mặt với sự đàn áp tương tự. Kem Sokha, lãnh đạo Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP), nơi tôi là người đồng sáng lập, đã bị bắt vào tháng 9 năm 2017 và đã phải ngồi tù một năm trước khi bị chuyển sang quản thúc tại gia. Ông ấy đã bị giam giữ mà không đưa ra xét xử lâu hơn thời hạn tối đa 18 tháng mà luật pháp Campuchia quy định. Và CNRP, đảng đã giành được gần một nửa số phiếu trong cuộc tổng tuyển cử năm 2013 lẫn các cuộc bầu cử địa phương năm 2017, đã bị giải tán theo lệnh của tòa án trước khi cuộc tổng tuyển cử năm 2018 bắt đầu.
Chỉ với các đảng đối lập bù nhìn được phép tham gia cuộc bầu cử đó, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền đã giành được tất cả số ghế trong quốc hội. Do đó, người dân Campuchia gần như đã bị tước mất quyền tự quyết của mình.
Trong bối cảnh đó, không một nhà đầu tư có đạo đức nào có thể biện minh được cho việc làm ăn tại Campuchia. Đó là lý do tại sao các hiệp hội nhà mua hàng đã kêu gọi Hun Sen thiết lập thời gian biểu ràng buộc để tiến hành những cải thiện cụ thể. Nhưng cơ hội mà Hun Sen chú ý tới các lời kêu gọi đó là rất thấp.
Do Khmer Đỏ từng có một sự biện minh về mặt lý luận cho những thảm họa mà họ đã gây ra ở Campuchia trong khoảng thời gian từ 1975 đến 1979, họ tin rằng Campuchia không cần phải tham gia vào các thị trường quốc tế và có thể thông qua bạo lực để đạt được sự tự cung tự cấp. Hun Sen, một cựu chỉ huy Khmer Đỏ, dường như đang bám vào một biến thể của giả định này.
Đây sẽ là một sai lầm nghiêm trọng. Nguồn vốn từ Trung Quốc sẽ không bao giờ đủ bù đắp cho khoản đầu tư từ phương Tây bị cắt. Và do hàng xuất khẩu của Campuchia phải cạnh tranh với sản phẩm nội địa của Trung Quốc, Trung Quốc thực tế nhập khẩu rất ít từ Campuchia.
Campuchia không phải cam chịu số phận đó. Campuchia tự hào với những địa điểm du lịch hiếm có, nguồn tài nguyên thiên nhiên rộng lớn có thể được khai thác có trách nhiệm và mang lại lợi nhuận cao, cùng với một trong những lực lượng lao động trẻ nhất thế giới. Vào những năm 1960, Campuchia từng là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á. Tới giờ, Campuchia lẽ ra đã trở thành một nền kinh tế mới nổi có thu nhập trung bình ngang bằng với nước láng giềng Thái Lan và Việt Nam.
Bốn thập niên sau khi Khmer Đỏ bị lật đổ khỏi quyền lực, sự cai trị khủng bố hà khắc của họ không còn có thể được sử dụng như một sự biện minh cho thất bại này. Xét cho cùng, Campuchia không phải là nền kinh tế mới nổi duy nhất có một quá khứ đầy rắc rối. Các quốc gia khác đã thừa nhận và điều chỉnh theo các ưu tiên đầu tư của phương Tây, đáp ứng các tiêu chuẩn về bền vững môi trường và nhân quyền. Họ hiện đang thu hút được nguồn vốn nước ngoài giúp thúc đẩy tăng trưởng.
Campuchia cần phải làm như vậy, ngay khi có hoặc không có Hun Sen. Nếu không, đất nước này có nguy cơ bị tụt hậu vĩnh viễn.
Sam Rainsy, từng là bộ trưởng tài chính Campuchia từ năm 1993 đến năm 1994, là người đồng sáng lập và chủ tịch của Đảng Cứu Quốc Campuchia (CNRP) đối lập. Ông hiện đang sống lưu vong.