Điệp viên Hoàn hảo: Richard Sorge, Trùm Gián điệp của Stalin

Tác giả: The Economist | Biên dịch: Đinh Nho Minh

An Impeccable Spy: Richard Sorge, Stalin’s Master Agent.  Tác giả: Owen Matthews. Bloomsbury; 448 trang ; Giá: $30 và £25.

Với cuộc đại đối đầu về hệ tư tưởng và địa chính trị, thế kỉ 20 là bối cảnh tự nhiên cho các hoạt động gián điệp. Những kế hoạch được hình thành ở các đại sứ quán, quán bar và hội quán bí mật đã quyết định số phận các quốc gia, khiến cho công việc gián điệp trở nên quan trọng tột cùng. Và trong số họ, Richard Sorge có lẽ là người giỏi nhất. Ông là “một cá nhân không hoàn hảo, nhưng là một điệp viên hoàn hảo—dũng cảm, tài năng, và kiên nhẫn”, theo Owen Matthews trong câu chuyện thú vị và cảm động về cuộc đời của Sorge.

Cuốn “An Impeccable Spy: Richard Sorge, Stalin’s Master Agent” (Điệp viên Hoàn hảo: Richard Sorge, Trùm Gián điệp của Stalin) là câu chuyện về các biến cố của thời kì này, và Sorge là một hiện thân hoàn hảo. Một người với lòng tự kiêu và quả cảm, ông hi sinh vì một lí tưởng nghề nghiệp mà từ lâu đã không còn.

Sinh năm 1895 trong một gia đình có bố người Đức và mẹ người Nga, Sorge, giống nhiều chàng trai trẻ khác của thế hệ đó, trở nên bi quan sau trải nghiệm trong những chiến hào của Thế Chiến I. Sau khi hồi phục vết thương trong bệnh viện, Sorge bắt đầu quan tâm tới Marx. Chủ nghĩa cộng sản đã mê hoặc ông: lý tưởng cộng sản phù hợp với viễn tưởng của ông về bản thân mình.

Các hoạt động của Sorge dẫn ông tới Moskva và Quốc tế cộng sản (Comintern), cơ quan quốc tế của các Đảng Cộng sản, “câu lạc bộ bí mật nhất của cách mạng thế giới”. Ông được cử đến Thượng Hải, một thành phố thuộc địa nơi ông uống rượu và ăn chơi như một “tay tư sản hải ngoại biến chất”, Matthews viết. “Sorge rất thích vai mình phải đóng giả.”

Nhưng hoạt động của Sorge có ảnh hưởng lớn nhất khi ông tới Nhật Bản năm 1933. Với một cuộc chiến mới đang dần hình thành, giới lãnh đạo Liên Xô đặc biệt quan tâm tới các liên minh và tham vọng quân sự của Nhật Bản. Liệu Tokyo có tìm cách đánh về phía Nam để tiến sâu vào Châu Á, hay tiến về phía Bắc vào Siberia? Kế hoạch thứ hai chắc chắn sẽ kết liễu Liên Xô, một đất nước còn non trẻ và chưa ổn định, với quân đội chưa được thử sức và bị làm cho suy yếu bởi các cuộc thanh trừng của Stalin. Cấp trên của Sorge ở Moskva—Tổng cục 4 của Bộ Tham mưu Hồng quân Liên Xô—đã ra lệnh cho Sorge tìm lời giải đáp cho câu hỏi này trong vòng tám năm tiếp theo.

Sorge đã thực hiện nhiệm vụ này một cách liều lĩnh. Ông nhảy đầm với các quý cô ở những bữa tiệc của các đại sứ quán tại Tokyo và trở nên nổi tiếng trong các quán bar ở Ginza. Một phóng viên Mỹ từng nói rằng “ông ấy giống như một tay chơi, khác hẳn với hình ảnh của một gián điệp cần mẫn và nguy hiểm.”

Nhưng Sorge chính là tay gián điệp đó. Sorge làm bạn với một sĩ quan quân đội Đức tên là Eugen Ott—sau khi đã quyến rũ vợ của anh ta, một chiêu bài thường thấy ở Sorge. Ott dần thăng quan tiến chức rồi trở thành đại sứ của Hitler ở Tokyo. Như Matthews chỉ ra, Sorge là một điệp viên thành công không phải nhờ ăn cắp bí mật mà là nhờ trao đổi bí mật. Nhờ một thành viên trong mạng lưới gián điệp được cài làm cố vấn cho thủ tướng Nhật Bản, Sorge có được thông tin mật về chính trị nội bộ Nhật Bản; ông truyền những thông tin này cho Ott để đổi lại những tin mới nhất từ Berlin về chiến lược của Phát xít Đức. Những thông tin tình báo này sau đó được điện về Moskva.

Nhưng cuốn “Điệp viên Hoàn hảo” cũng nói rõ rằng tin tình báo chỉ tốt nếu được diễn giải đúng. Ở Moskva những năm 1930, mục tiêu chính của các thành viên trong Đảng Cộng sản là tìm cách sống sót. Năm lãnh đạo liên tiếp của Tổng cục 4 đều bị xử bắn trong các cuộc thanh trừng. Những người sống sót còn lại chỉ còn cách duy nhất để tránh số phận tương tự là nói những gì Stalin muốn nghe: rằng Hitler sẽ không xâm lược Liên Xô, và những thông tin tình báo trái ngược đều nằm trong chiến dịch gây nhiễu thông tin của địch.

Sorge nhận được thông tin về âm mưu xâm lược từ Ott và các nguồn người Đức của ông. Vì vậy, Sorge tìm cách báo động cấp trên, nhưng đều bị Moskva phớt lờ. Ông còn biết đến Chiến dịch Barbarossa, kế hoạch xâm lược Liên Xô của Đức, và báo với Moskva rằng “95% khả năng sẽ xảy ra chiến tranh”, đồng  thời chỉ rõ rằng lực lượng Phát xít sẽ mở chiến dịch vào ngày 15 tháng 6. (Ông lệch một tuần: cuộc xâm lược bắt đầu ngày 22 tháng 6). Stalin điện lại: “Đáng nghi. Đưa vào mục những bức điện với ý đồ gây khiêu khích.”

Mặc dù vậy, tin tình báo của Sorge dường như đã có vai trò quyết định cục diện cuộc chiến—cứu sống không chỉ Liên Xô mà có lẽ toàn bộ thế giới. Vào tháng 9 năm 1941, ông báo rằng Nhật nhiều khả năng sẽ không tấn công vùng Viễn Đông Nga, nghĩa là Stalin có thể điều một nửa lực lượng Hồng Quân ở Siberia sang mặt trận phía Tây.

Một tháng sau, vận may của Sorge đã hết, ông cùng các thành viên khác của nhóm Tokyorezidentura bị bắt bởi cảnh sát Nhật. Moskva không mấy bận tâm tới việc này: người có thể đã cứu sống cả đất nước đã nhanh chóng bị bỏ rơi. Ông ngồi tù ba năm ở nhà tù Sugamo chờ đợi số phận: tử hình bằng treo cổ. Một phiên dịch người Đức, người giữ di chúc của Sorge, nói rằng ông giống “một người tự hào vì đã hoàn thành một công việc vĩ đại và đã sẵn sàng rời cuộc chơi”. Matthews đã miêu tả Sorge một cách tương xứng: táo bạo, khí thế và bị ám ảnh bởi những sự điên rồ và bi kịch của thời đại đó.