Nguồn: What happens with the Mueller report, The Economist, 04/03/2019.
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan
Vào ngày 17/05/2017, Rod Rosenstein, Phó Tổng chưởng lý Hoa Kỳ, đã ký một lệnh bổ nhiệm Robert Mueller, cựu công tố viên liên bang và giám đốc FBI, làm điều tra viên đặc biệt, chịu trách nhiệm về việc điều tra “bất kỳ mối liên hệ và/hoặc sự hợp tác nào giữa chính phủ Nga và các cá nhân liên quan tới chiến dịch tranh cử của Donald Trump”, cũng như “bất kỳ vấn đề nào phát sinh hoặc có thể phát sinh trực tiếp từ cuộc điều tra.” Cuộc điều tra của ông cho đến nay đã đưa ra 37 cáo trạng và cáo buộc phạm tội. Trong số những người đưa ra lời buộc tội có năm người từng làm việc cho Trump, bao gồm chủ tịch chiến dịch cũ của ông (Paul Manafort), cố vấn an ninh quốc gia (Michael Flynn) và cựu luật sư (Michael Cohen). Một bản báo cáo cuối cùng từ ông Mueller dự kiến sẽ sớm được công bố. Điều gì xảy ra sau đó?
Nhiều người trong công chúng dường như đang mong đợi ông Mueller sẽ đưa ra một báo cáo hơi giống với báo cáo do ủy ban 9/11 đưa ra, rằng họ có thể đọc và sau đó sử dụng để đưa ra phán quyết về vị tổng thống thứ 45. Họ có thể sẽ phải thất vọng, ít nhất là vào lúc đầu. Các quy chế điều chỉnh việc bổ nhiệm Mueller và phân định quyền lực của ông yêu cầu rằng ông phải cung cấp cho William Barr, tổng chưởng lý mới được phê chuẩn của Trump, “một bản báo cáo tuyệt mật giải thích các quyết định truy tố hoặc từ chối truy tố mà Điều tra viên Đặc biệt đưa ra.” Do đó báo cáo có thể không gì hơn là một tài liệu khung chỉ đơn giản dẫn chiếu đến các tài liệu đã được công bố công khai khác và giải thích lý do tại sao ông từ chối nộp bất kỳ tài liệu nào khác. Hoặc nó có thể là một kho các sự kiện và phân tích mới. Hoặc nó có thể là bất cứ điều gì ở giữa.
Điều gì xảy ra sau khi bản báo cáo được nộp phụ thuộc đầu tiên vào Barr. Các quy chế đối với điều tra viên đặc biệt cho phép nhưng không yêu cầu ông phải công khai báo cáo này. Tuy nhiên, ông phải báo cáo với Quốc hội khi cuộc điều tra của Mueller kết thúc. Các quy chế cũng yêu cầu Barr phải báo với Quốc hội về bất kỳ trường hợp nào mà ông đã bác bỏ phán quyết của Mueller. Barr đã gọi cuộc điều tra của Mueller vào hành động cản trở công lý (của Trump) là một việc “bị hiểu lầm một cách nghiêm trọng”, nhưng cũng tin rằng quan trọng là “công chúng và Quốc hội phải được thông báo về kết quả công tác của Điều tra viên Đặc biệt”.
Tuy nhiên, khi được hỏi trực tiếp liệu ông có công khai báo cáo của Mueller không, ông chỉ nói rằng ông sẽ “cung cấp các thông tin có sẵn trong chừng mực có thể để tuân thủ các quy tắc và quy định.” Chính xác điều đó có nghĩa là gì thì không rõ ràng: Hướng dẫn của Bộ Tư pháp quy định không được truy tố một tổng thống đang tại vị cũng như không được ghi tên những người chưa bị truy tố trong các tài liệu buộc tội. Điều đó có thể được đưa ra để biện minh cho việc bỏ qua bất kỳ sự đề cập nào về Trump trong tài liệu mà Barr đưa ra công khai. Bộ Tư pháp của ông cũng có thể sẽ lược bỏ bớt thông tin từ các nguồn tuyệt mật.
Tuy nhiên, công chúng sẽ kêu gọi công khai tối đa. Như Richard Nixon đã nói vào năm 1973, “Người dân cần phải biết liệu tổng thống của họ có phải là kẻ lừa đảo hay không.” Ông Barr nói rằng ông sẽ công bố một bản “tóm tắt” của báo cáo này trước Quốc hội. Bản tóm tắt này gần như chắc chắn sẽ bị rò rỉ (từ đảng Dân chủ nếu nó gây thiệt hại cho Trump, hoặc từ đảng Cộng hòa nếu nó giải tội cho Trump).
Adam Schiff, một đảng viên Dân chủ, chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, cho biết vào ngày 24/02 rằng Quốc hội “chắc chắn sẽ ra trát yêu cầu báo cáo này. Chúng tôi sẽ mang Bob Mueller đến làm chứng trước Quốc hội. Chúng tôi sẽ đưa nó ra tòa nếu cần thiết.” Theo cách này hay cách khác, công chúng cuối cùng sẽ được biết đến những nội dung trong báo cáo của Mueller. Nhưng nó không thể giải quyết được những vấn đề cấp bách nhất mà nó đặt ra, không phải về mặt pháp lý hay hình sự, mà là về chính trị, và do đó các vấn đề này có khả năng sẽ tiếp tục bùng lên trong ít nhất hai năm tới.