Những rủi ro đối với người di cư qua Eo biển Manche

Nguồn: The risks to migrants of crossing the English ChannelThe Economist, 23/04/2019

Biên dịch: Lê Hồng Loan

Đứng trên bờ phía nam nước Anh nhìn về phía Pháp, bạn sẽ nhìn thấy tuyến đường biển bận rộn nhất thế giới. Hơn 600 tàu chở hàng đi qua Eo biển Manche (English Channel) mỗi ngày. Nhiều tàu đi và đến từ London hoặc Rotterdam, được phân tách bởi một khoảng cách gần bằng với một dải phân cách đường cao tốc mà họ không được vượt qua (xem hình ảnh). Bên cạnh lưu lượng vận tải là hơn 60 phà dịch vụ qua eo biển hàng ngày, cũng như các tàu ngư dân và tàu giải trí tư nhân có thể lên tới hàng ngàn chiếc vào dịp cuối tuần mùa hè. Cho đến nay, chỉ có một số lượng nhỏ người di cư đã cố gắng đến Anh theo cách này, nhưng con số đó đang tăng lên: 539 người di cư đã cố gắng thực hiện hành trình này vào năm ngoái, theo số liệu từ Văn phòng Di trú, nhưng khoảng 80% những nỗ lực này đã được thực hiện trong khoảng thời gian ba tháng cuối năm 2018. Những rủi ro và phần thưởng khi thực hiện hành trình vượt eo biển này là gì?

Những rủi ro rất rõ ràng: đây là một hành trình khó khăn ngay cả đối với một thủy thủ giàu kinh nghiệm với một chiếc thuyền trong điều kiện tốt. Các thuyền trưởng phải suy nghĩ đến không chỉ các va chạm trên biển. Thủy triều trên Eo biển này là một trong những dòng thủy triều lớn nhất trên thế giới. Đảo Jersey có phạm vi thủy triều tối đa trên 12m (39ft). Khi thủy triều rút xuống thấp, 3km bãi biển cùng đá ngầm có thể lộ ra. Eo biển này nơi rộng nhất là 240km, còn nơi hẹp nhất chỉ có 33km. Đó là lý do tại sao các dòng thủy triều như Dòng Alderney, tại một eo biển ngay ngoài bán đảo Cotentin của Pháp, hoặc các vùng biển ngoài khơi Portland Bill cạnh Weymouth, rất nổi tiếng. Những dòng thủy triều này có thể tạo ra những vùng biển nguy hiểm ngay cả trong những ngày yên bình nhất. Ngoài ra còn có những dải cát, bãi cát ngầm, những khối đá đơn lẻ và những mối nguy hiểm khác cần phải vượt qua – và đó là trước khi thời tiết đóng thêm vai trò không thể dự đoán được của mình.

Tuy nhiên, đối với những người di cư và buôn bán, tuyến đường đặc biệt này cũng có mặt tích cực rõ ràng. Có lẽ vì những giả định lâu đời về tính hiệu quả của biển khơi trong vai trò một rào cản, có rất ít biện pháp an ninh nhằm kiểm soát sự di chuyển của các tàu giải trí. Những chiếc thuyền nhỏ có thể ra vào hàng trăm cảng dọc bờ biển phía nam của Anh, được chào đón chỉ bởi một tấm áp phích (xem hình ảnh) nói rằng họ có thể phải thực hiện một cuộc gọi cho chính quyền hoặc Cơ quan Quản lý Du thuyền Quốc gia để tuyên bố tình trạng di dân của một số thủy thủ nhất định. Các cảng nhập cảnh chính thức như Portsmouth hay Southampton dành cho phà và tàu thương mại và cách rất xa các bến tàu gỗ hoặc bến du thuyền không người giám sát, nơi mọi người đến và đi suốt cả ngày.

Nghi thức treo cờ truyền thống cho những người đến từ nước ngoài là treo cờ kiểm dịch màu vàng (Q) trước khi họ được cho phép nhập cảnh bởi các viên chức, những người sẽ kiểm tra các vấn đề về sức khỏe và hải quan của khách du lịch. Việc treo cờ vẫn là một yêu cầu đối với các tàu đến Anh từ bên ngoài EU (do các quan ngại về bệnh dịch nhiều hơn là vấn đề di cư), nhưng những chiếc thuyền nhỏ không phải lúc nào cũng tuân thủ quy tắc này. Và một tàu được đăng ký tại mội nước EU và muốn vào một cảng EU khác hoàn toàn không cần phải treo cờ Q, vì vậy không có dấu hiệu nào phân biệt nó đến từ nước ngoài hay chỉ từ một vùng biển gần kề.

Trong nhiều dịp, người viết bài này đã tận hưởng một chuyến đi ban ngày mát mẻ, cập một bến cảng Pháp, thưởng thức món bít tết và khoai tây chiên trên bờ biển, và rong ruổi về nhà vào ngày hôm sau, mà không bao giờ phải nộp một mẫu đơn nào hay bị yêu cầu xuất trình hộ chiếu. Lực lượng Biên phòng Anh có bốn tàu tuần tra không có khả năng tuần tra đồng thời trên khu vực Eo biển Dover. Số tàu đó có thể là không đủ.