Tại sao Mỹ loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình phát triển F-35?

Nguồn: Turkey’s row with America over Russian military hardware”, The Economist, 26/07/2019.

Biên dịch: Phan Nguyên

Hai quốc gia có đội quân lớn nhất trong khối NATO một lần nữa lại mâu thuẫn với nhau. Vào ngày 17 tháng 7, Nhà Trắng đã chính thức hủy việc bán 100 máy bay chiến đấu tàng hình F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Động thái này được đưa ra để đáp trả việc Thổ Nhĩ Kỳ mua một hệ thống phòng không và tên lửa của Nga, được gọi là S-400. Hệ thống này đi kèm với radar, trung tâm chỉ huy và bệ phóng tên lửa riêng, được giao cho Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 12 tháng 7. Mỹ lo ngại rằng radar của hệ thống có thể được Nga sử dụng để do thám bất kỳ máy bay chiến đấu nào mà Mỹ bán cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau khi đưa Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình F-35, Mỹ dường như đã sẵn sàng áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt khác. Theo một đạo luật gọi là CAATSA, được thiết kế để trừng phạt các nước mua vũ khí từ Nga và các đối thủ khác của Mỹ, Nhà Trắng có nhiều lựa chọn nhằm trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ. Những biện pháp này bao gồm hạn chế thị thực và đóng băng tài sản, những điều sẽ không gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, cho đến cấm các giao dịch với các ngân hàng Mỹ, điều có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Trong quá khứ, Tổng thống Donald Trump từng có sự đồng cảm với nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và chỉ trích chính quyền Obama đã từ chối bán một hệ thống phòng thủ của Mỹ cho Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng các nhà lập pháp đảng Cộng hòa và Dân chủ đã kêu gọi Trump áp dụng đạo luật trừng phạt. Ngoại trưởng Mike Pompeo nói với tờ Washington Post hồi đầu tháng rằng ông tin Nhà Trắng sẽ làm như vậy.

Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã chi khoảng 2 tỷ đô la cho hai hệ thống S-400. Nhưng phí tổn từ hợp đồng này có thể cao hơn nhiều. Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia vào việc sản xuất 7% các bộ phận của F-35. Việc loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình F-35 sẽ khiến họ mất 9 tỷ đô la giá trị hợp đồng, theo Lầu Năm Góc. Việc thay thế các bộ phận do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo có thể khiến Lầu Năm Góc mất tới hai năm, làm chậm việc giao hàng cho các đồng minh khác. Các lệnh trừng phạt của CAATSA có thể ảnh hưởng đến các lĩnh vực hợp tác quốc phòng và phát triển vũ khí khác, theo lời Arda Mevlutoglu, một chuyên gia về chính sách quốc phòng. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ buộc Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm vũ khí từ những nước khác, đồng thời thúc đẩy nỗ lực của nước này nhằm tạo ra một ngành công nghiệp vũ khí bản địa.

Nga, nước đã sử dụng thành công việc bán S-400 để chia rẽ Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh NATO, đặc biệt là Mỹ, đã nhận thấy nhiều cơ hội hơn trong tương lai. Một ngày sau thông báo của Mỹ về việc loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35, nhà thầu quốc phòng hàng đầu của Moskva cho biết họ sẵn sàng cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ các máy bay chiến đấu Su-35 để thay thế. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận đề nghị này, một cuộc tranh cãi khác với Mỹ và NATO sẽ là điều không thể tránh khỏi; và đây thực sự là một động thái có thể khiến quy chế thành viên NATO của Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào tình trạng nguy hiểm. Một yếu tố làm xấu thêm tình hình là việc ông Erdogan không đặt nhiều niềm tin vào mối quan hệ với phương Tây. (Và phương Tây cũng không tin tưởng ông). Cho tới nay, nhà lãnh đạo chuyên chế của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn dường như tin rằng Mỹ đứng sau âm mưu đảo chính đẫm máu chống lại chính phủ của ông hồi năm 2016. “Bất chấp hiệp ước chính trị và quân sự của chúng ta với liên minh phương Tây, mối đe dọa lớn nhất mà chúng ta đối mặt lại đến từ họ”, Erdogan đã nói với các nhà báo như vậy vào ngày 14 tháng 7. Ông nói thêm rằng việc mua hệ thống phòng không của Nga là “thỏa thuận quan trọng nhất trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ”. Có thể ông ta sẽ đúng.