Tập Cận Bình đã thống trị Trung Quốc như thế nào? (P1)

Nguồn: Richard McGregor, “Party Man: Xi Jinping’s Quest to Dominate China”, Foreign Affairs, September/October 2019.

Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Khi Joe Biden gặp Tập Cận Bình vào năm 2011, nhà lãnh đạo tương lai của Trung Quốc đã dồn dập hỏi ngài Phó Tổng thống Mỹ một loạt các câu hỏi về nền chính trị Hoa Kỳ. Hệ thống vận hành như thế nào? Quan hệ giữa Nhà Trắng và Quốc hội ra sao? Bắc Kinh nên phân tích các dấu hiệu chính trị từ Washington như thế nào? Đối với Biden và các cố vấn của ông, đây là những câu hỏi rất được hoan nghênh sau gần một thập niên đầy “thất vọng” khi làm việc với người tiền nhiệm kín tiếng, kém sinh động của ông Tập – Hồ Cẩm Đào.

Song trải qua các buổi gặp và dùng bữa tại Bắc Kinh và Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, các vị khách Mỹ ngạc nhiên trước sự hào hứng của ông Tập về một chủ đề hoàn toàn khác. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường rất cẩn trọng tránh sa đà nói về tiểu sử của chính họ. Kể lại các câu chuyện cá nhân của họ trước các quan chức Trung Quốc, chứ đừng nói đến người nước ngoài, đồng nghĩa với việc nhắc lại lịch sử chính trị gần đây của Trung Quốc, một “bãi mìn” đầy rẫy các cuộc thanh trừng, phản bội, và những sự thay đổi ý thức hệ.

Ông Tập, trái lại, kể không ngừng về cha mình, Tập Trọng Huân, một nhà cách mạng lão thành từ những ngày đầu của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ); và về Mao Trạch Đông, người lập nên nước Trung Quốc hiện đại, và là người đã làm đảo lộn đất nước mình nhằm ngăn chặn các đối thủ của ông từ xa. Cha của ông Tập, từng được xem là một Đảng viên trung thành, làm Phó Thủ tướng hồi cuối những năm 1950, để rồi bị thanh trừng bởi Mao vào năm 1962 sau khi ông ủng hộ các đối thủ chính trị của Mao. Rất nhanh chóng sau đó, Tập Trọng Huân bị bỏ tù và phải chịu sự sỉ nhục công khai gây ra bởi các Hồng Vệ Binh trong Cách mạng Văn hóa. Những kẻ cực đoan đã quấy rối con trai ông và đày Tập Cận Bình về vùng nông thôn. Tập Trọng Huân đã không được khôi phục danh dự cho đến tận cuối những năm 1970, sau khi Mao qua đời.  Nhưng như Tập Cận Bình đã nói rõ với các vị khách của mình, ông không hề chối bỏ Mao. Ông tôn kính Mao.

Biden và các cố vấn của ông rời Trung Quốc với ấn tượng rằng ông Tập sẽ là người khó đối phó hơn Hồ Cẩm Đào, tham vọng hơn trên cương vị là người đại diện cho quốc gia mình và quyết đoán hơn trong việc theo đuổi các lợi ích của Trung Quốc. Họ đã đúng, và thậm chí đã đánh giá thấp ông Tập. Trong những năm sau khi lên nắm quyền, ông Tập đã mạnh tay đàn áp bất đồng chính kiến, triển khai một chiến dịch chống tham nhũng rộng khắp và một chính sách đối ngoại táo bạo, mở rộng vốn đã thách thức trực tiếp Hoa Kỳ. Ít ai dự đoán được mức độ tham vọng của Tập trước khi ông lên nắm quyền.

Đã có nhiều tranh cãi gần đây ở phương Tây xoay quanh việc tại sao lại có nhiều người dự đoán sai về Trung Quốc, và về Tập, đến vậy. Các nhà phân tích chính sách đối ngoại đã thường xuyên nhầm lẫn giữa niềm tin của phương Tây về cách mà Trung Quốc nên cải tổ và niềm tin của ĐCSTQ về cách quản trị đất nước. Song cũng giống như nhiều người nước ngoài đã lầm tưởng, ngay cả các đồng nghiệp của ông Tập vào thời điểm 2007 dường như cũng không biết trước được họ sẽ trải qua điều gì khi đặt ông Tập vào vị trí người kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào 5 năm sau đó.

Ông Tập luôn là người tin tưởng tuyệt đối vào quyền lãnh đạo Trung Quốc của Đảng. Đối với ông, vị thế trung tâm của Đảng, của Mao, và của ý thức hệ cộng sản đều là một. Chối bỏ một phần lịch sử của ĐCSTQ chính là chối bỏ toàn bộ nó. Trong mắt ông, một nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc phải “Đỏ” nhất, nghĩa là phải trung thành với Đảng Cộng sản, với các lãnh đạo của Đảng, và với nguồn gốc ý thức hệ của Đảng bất kể mọi sự có ra sao.

Vào thời điểm nên lắm quyền, ông Tập dường như có một nỗi sợ sâu sắc rằng các trụ cột chống đỡ cho sự nắm quyền của Đảng – quân đội, các doanh nghiệp nhà nước, hệ thống an ninh, và bộ máy tuyên truyền – đang vỡ vụn và đầy tham nhũng. Vì vậy ông tiến hành một “chiến dịch giải cứu”. Ông sẽ là người “Đỏ” nhất trong thế hệ lãnh đạo của mình. Và ông mong đợi tất cả Đảng viên noi theo ông.

Sinh ra đã “Đỏ”

Những năm đầu đời của ông Tập thể hiện cả những đặc quyền mà gia đình các nhà lãnh đạo cấp cao có được lẫn những hiểm nguy mà họ phải đối mặt khi ngọn gió chính trị đổi chiều. Ông Tập khi còn là một cậu bé theo học tại một ngôi trường ưu tú ở Bắc Kinh và thường đến thăm cha mình ở Trung Nam Hải, tổ hợp rộng lớn ngay cạnh Tử Cấm Thành, nơi sống và làm việc của các lãnh đạo hàng đầu. Khi Mao bắt đầu tiến hành cuộc Cách mạng Văn hóa vào giữa thập niên 1960, thế giới của chàng thiếu niên Tập bị đảo lộn hoàn toàn. Ông bị bắt giữ bởi Hồng Vệ Binh và bị buộc phải thực hiện một thủ tục nhằm đấu tố chính cha mình. Khi được đưa về vùng nông thôn cùng những tinh hoa thành thị khác, chàng thanh niên 17 tuổi Tập Cận Bình đã phải vật lộn với điều kiện khắc nghiệt.

Khoảng thời gian ở Lương Gia Hà, ngôi làng nghèo khó ở tây bắc Trung Quốc, khiến ông sợ hãi nhưng đồng thời cũng chuẩn bị ông cho những sóng gió phía trước. “Những người có trải nghiệm hạn chế về quyền lực, hoặc ở cách xa nó, thường cho rằng những điều này là bí ẩn và mới lạ”, ông Tập nói trong một bài phỏng vấn hồi năm 2000. “Nhưng tôi nhìn vượt qua những thứ bề ngoài: quyền lực, những bó hoa, vinh quang và những tràng pháo tay. Tôi chứng kiến những trại trại tạm giam và sự đổi trắng thay đen trong bản chất con người. Điều này giúp tôi hiểu chính trị ở một mức độ sâu sắc hơn”. Ông Tập chỉ được kết nạp làm Đảng viên chính thức vào năm 1974. Song một khi đã vào Đảng, ông bắt đầu leo lên đỉnh một cách chắc chắn.

Ngày nay, chỉ có những sinh viên xuất sắc nhất, ưu tú nhất của Trung Quốc mới có thể theo học tại Đại học Thanh Hoa danh giá ở Bắc Kinh, song ông Tập đã được nhận vào đây năm 1975 trong thành phần “công nông binh”, trước khi ngôi trường này trở lại với các kỳ thi tuyển sinh chính thức. (Nhiều trí thức Trung Quốc đến nay vẫn còn nhìn nhận ông Tập là “ít học”). Sau khi tốt nghiệp, ông khoác lên mình bộ quân phục và làm trợ lý cho một trong những đồng chí thân tín nhất của cha ông, tướng Cảnh Biểu (Geng Biao), tại văn phòng Quân Ủy Trung ương, một trải nghiệm mang lại cho ông mối quan hệ vô cùng quan trọng với giới quân đội. Ông Tập đi trên một con đường sự nghiệp điển hình của một công chức triển vọng. Sau khi rời văn phòng Quân ủy, ông làm Phó Bí thư ở Hà Bắc, gần Bắc Kinh, và ở Phúc Kiến, ngay trên bờ biển đối diện Đài Loan, cuối cùng trở thành Chủ tịch của tỉnh này vào năm 2000. Năm 2002, ông Tập trở thành Chủ tịch rồi Bí thư của Chiết Giang, một tỉnh gần Thượng Hải.

Phúc Kiến và Chiết Giang nổi bật ở Trung Quốc như là hai “pháo đài” của khu vực tư nhân đang lên. Phúc Kiến là một cổng “tiếp đón” quan trọng các nhà đầu tư từ Đài Loan cách đó chỉ một eo biển. Chiết Giang là nơi đóng trụ sở một loạt các công ty tư nhân thành công của Trung Quốc, bao gồm gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba và nhà sản xuất ô tô Geely. Khi ông Tập trở thành lãnh tụ tối cao của Trung Quốc vào năm 2012, truyền thông phương Tây bám vào kinh nghiệm của ông ở hai tỉnh này để dự đoán về sự tôn trọng của ông Tập dành cho kinh tế thị trường. Bloomberg News dẫn lời Lu Guanqiu, một doanh nhân sở hữu và vận hành Wanxiang Group, công ty sản xuất linh kiện ô tô, cho rằng ông Tập thấm nhuần tinh thần tư bản Chiết Giang. “Khi ông Tập trở thành Tổng Bí thư, ông sẽ càng trở nên cởi mở hơn và dành nhiều sự chú ý hơn cho các doanh nghiệp tư nhân và sinh kế của người dân”, ông Lu nói. Song nghiên cứu kỹ lưỡng các bài phát biểu và bài viết của ông Tập trong thời gian ở Phúc Kiến và Chiết Giang, ta thấy một người trung thành tuyệt đối với triết lý chính thống của Đảng. Ông Tập luôn nói về sự phát triển cân bằng giữa kinh tế tư nhân và nhà nước. Trên thực tế, điều đó có nghĩa là chống đỡ khu vực kinh tế nhà nước để giữ cho nó không bị nuốt chửng bởi các doanh nghiệp tư nhân.

Phải đến đầu năm 2007, khi các lãnh đạo Đảng đột nhiên chuyển ông Tập sang làm Bí thư Thượng Hải, thành phố quan trọng thứ hai của Trung Quốc, thì ông Tập mới nổi lên như là người kế vị tiềm năng của Hồ Cẩm Đào. Theo truyền thống, Đại hội Đảng vào cuối năm 2007 sẽ chọn một người để thay ông Hồ 5 năm sau đó, khi ông này nghỉ hưu sau hai nhiệm kỳ làm Chủ tịch nước. Ông Tập xuất hiện như một ứng viên “thỏa hiệp”. Các đối thủ chính của ông, Lý Khắc Cường và Lý Nguyên Triều, đều xuất thân từ Đoàn Thanh niên Cộng sản, giống như ông Hồ. Đối với các nhà lãnh đạo lão thành của Đảng, ý tưởng có thêm một người nữa từ đoàn thanh niên lên nắm quyền lãnh đạo trong suốt một thập niên tới là không thể chấp nhận được, bởi điều này sẽ làm gia tăng quyền lực của một phe nhóm riêng lẻ trong khi hạn chế ảnh hưởng của các nhóm còn lại.

Ông Tập có rất nhiều lợi thế. Ông là một công chức dày dặn, có thể chấp nhận được trong mắt của các nhóm chủ đạo, các gia đình chính trị và các bậc lão thành của Đảng. Ông có một lý lịch Đảng hoàn hảo không chỉ dừng lại ở vị thế của cha ông. Ông vượt qua cuộc Cách mạng Văn hóa an toàn về mặt chính trị, cha ông được khôi phục danh dự và không bị “vết nhơ” nào trên hồ sơ của mình. Ông không dính dáng gì đến cuộc đàn áp dã man bằng quân đội ở Quảng trường Thiên An Môn hồi năm 1989. Ông không liên quan đến các hoạt động tham nhũng (dù ông làm Chủ tịch tỉnh Phúc Kiến hồi những năm 1990, thời điểm mà một loạt các lãnh đạo tỉnh này dính vào một vụ lừa đảo tỷ đô). Ông đã từng li dị, song người vợ thứ hai của ông, Bành Lệ Viên, là một ngôi sao theo cách riêng của bà: một ca sĩ văn công quân đội nổi tiếng toàn quốc. Ông Tập thể hiện mình đầy tự tin và nói chuyện rõ ràng trong các hoàn cảnh đời thường, không bị “nhiễm” các ngôn từ ngột ngạt thường thấy trong cách nói chuyện của các quan chức. Quan trọng nhất, có lẽ là vì các vị lão thành Đảng cho rằng họ có thể kiểm soát được ông. Theo một báo cáo của Reuters, họ quyết định chọn ông Tập vì cho rằng ông dễ uốn nắn và “thiếu một cơ sở quyền lực hậu thuẫn”.

Trên cương vị lãnh đạo chuẩn bị kế nhiệm, ông Tập dường như đã nhận được chấp thuận cho tái tập trung quyền lực ở Bắc Kinh sau một giai đoạn quyền lực bị phân tán về các “lãnh địa” xa xôi, bỏ mặc cho tham nhũng và thân hữu hoành hành. Song nếu đây là sứ mệnh thuở ban đầu của ông Tập, ông đã hoàn thành quá mức sứ mệnh ấy. Không có dấu hiệu nào hồi năm 2007 cho thấy rằng các nhà lãnh đạo Đảng cố tình lựa chọn một người cứng rắn để đưa đất nước vào vòng trật tự. Một ứng viên “thỏa hiệp” cuối cùng lại trở thành nhà lãnh đạo “ít thỏa hiệp nhất”.

(Còn tiếp 1 kỳ)