Thế giới hôm nay: 31/08/2019

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Hôm qua , cảnh sát ở Hồng Kông đã bắt giữ các nhà hoạt động dân chủ và chính trị gia, bao gồm Joshua Wong, một thanh niên 22 tuổi nổi tiếng từ cuộc “cách mạng dù” năm 2014. Làn sóng phản đối hiện nay, được kích hoạt bởi một dự luật nhằm cho phép dẫn độ các nghi phạm sang Trung Quốc đại lục, đã diễn ra 12 tuần qua dù không có ai lãnh đạo – do đó đã không cho nhà chức trách cơ hội bắt giữ những người tổ chức biểu tình.

Bão Dorian được dự báo sẽ đổ bộ vào Florida vào thứ Hai với sức gió lên tới 130 dặm một giờ. Điều đó sẽ biến nó trở thành cơn bão mạnh nhất từng tấn công bờ biển phía đông bang này kể từ năm 1992. Florida, nơi vẫn còn đang khắc phục thiệt hại do cơn bão Michael gây ra năm ngoái, đã ban bố tình trạng khẩn cấp. Tổng thống Donald Trump đã hủy chuyến thăm theo kế hoạch tới Ba Lan nhằm ở lại theo dõi tình hình cơn bão.

Các nhà vận động chống Brexit đã đưa ra một số thách thức pháp lý nhắm vào quyết định đình chỉ quốc hội của ông Boris Johnson nhằm ngăn chặn các nghị sĩ cản trở Brexit không thỏa thuận. John Major, cựu thủ tướng Anh, và Gina Miller, người từng thắng trong một vụ kiện rằng quy trình rút khỏi EU không thể được kích hoạt nếu không có sự ủng hộ của quốc hội, là hai trong số những người này.

Standard & Poor, một cơ quan xếp hạng, công bố rằng họ đang hạ thêm ba bậc tín dụng dài hạn của Argentina, đẩy nước này vào “vùng nguy hiểm”. Tuyên bố này được đưa ra sau khi chính phủ tiết lộ một kế hoạch “đơn phương” gia hạn các khoản nợ của họ, điều mà cơ quan xếp hạng tuyên bố đã kích hoạt tình trạng vỡ nợ tạm thời. Đây là lần thứ chín nước này thất hứa trong việc trả các khoản nợ của mình.

Cơ quan Quản lý Công viên Hải dương Rạn san hô Great Barrier (GBRMPA), một cơ quan nhà nước của Australia chịu trách nhiệm chăm sóc hệ thống rạn san hô lớn nhất thế giới, cho biết triển vọng của kỳ quan sinh thái này là “rất nghèo nàn”. Biến đổi khí hậu, đánh bắt quá mức và hoạt động giải phóng mặt bằng đất đai đã tác hại đến rạn san hô. GBRMPA cảnh báo rằng rạn san hô này có thể mất vị thế là Di sản Thế giới của UNESCO nếu xu hướng hiện tại vẫn tiếp diễn.

Tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản đã giảm xuống 2,2% trong tháng 7, mức thấp nhất kể từ năm 1992. Con số này là một bất ngờ; các nhà kinh tế thật ra đã dự đoán thất nghiệp tăng. Song viễn cảnh nào cũng đều không tốt đối với nền kinh tế Nhật Bản. Doanh số bán lẻ tại nước này đã giảm 2% so với dự kiến trong tháng 7 trước khi việc tăng thuế tiêu thụ dự kiến có hiệu lực vào tháng 10.

Người mua sắm Đức đã cắt giảm chi tiêu trong tháng 7, khi mà doanh số bán lẻ giảm 2,2% hồi tháng trước. Kết quả thấp hơn dự kiến này là mức giảm hàng tháng lớn nhất từng được ghi nhận trong năm 2019. Dữ liệu này bổ sung vào một chuỗi các tin tức kinh tế gần đây cho thấy nền kinh tế Đức có thể sớm đi vào suy thoái.

TIÊU ĐIỂM

Lễ hội Fringe Sydney

Năm năm trước, “luật đóng cửa” được ban hành ở trung tâm thành phố lớn nhất của Australia, buộc các quán bar, câu lạc bộ và quán rượu phải đóng cửa không nhận khách mới vào lúc 1:30 sáng. Mục đích là nhằm giảm bạo lực do rượu và ma túy. Song luật này cũng tác động đến nền kinh tế ban đêm. Ngày mai, phiên bản thứ mười của Lễ hội Fringe Sydney, sự kiện kéo dài một tháng, sẽ mang đến sự phong phú rất cần thiết cho “Thành phố Ngọc lục bảo”, khởi đầu với King Street Crawl, phần trình diễn của hơn 150 nhóm biểu diễn nhạc sống.

Những điểm nổi bật khác bao gồm một chương trình show nhảy từ một người mẹ và đứa con trai 16 tuổi của bà nhằm tỏ lòng hâm mộ với thần tượng chung duy nhất của họ: Sia, một ngôi sao nhạc pop người Australia thường che mặt bằng bộ tóc giả màu vàng trên truyền hình. Ngoài ra, một chiếc xe buýt cổ điển sẽ là địa điểm tổ chức cho “Speed: The Movie, The Play”. Và một tòa nhà văn phòng ở trung tâm thành phố sẽ tổ chức một trong những đêm bế mạc của lễ hội với màn trình diễn kéo dài 24 giờ trong sảnh của họ.

Ăn chay kiêng thịt ảnh hưởng sức khỏe não bộ

Nhiều người đang ăn ít thịt đi vì lý do môi trường và đạo đức. Nhưng một số chất dinh dưỡng thiết yếu chỉ có thể được hấp thu từ các sản phẩm động vật hoặc các chất bổ sung. Một trong số những chất này là choline, một loại vitamin quan trọng giúp cho chức năng gan và não khỏe mạnh. Nó chủ yếu được tìm thấy trong thịt, trứng và sữa, và với mức độ thấp hơn nhiều trong các loại hạt và rau. Tuần này, Emma Derbyshire, một nhà nghiên cứu dinh dưỡng, đã cảnh báo trong một bài xã luận trên tạp chí y khoa BMJ Nutrition, Prevention & Health về một cuộc khủng hoảng choline sắp xảy ra do xu hướng chuộng chế độ ăn thực vật.

Tiến sĩ Derbyshire rất kiên quyết cho rằng mọi người nên được thông báo về sự nguy hiểm của tình trạng thiếu choline, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vì nó đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển não bộ của thai nhi. Các cơ quan thực phẩm ở Bắc Mỹ, Châu Âu, Australia và New Zealand đều khuyến nghị sử dụng thịt ở một mức tối thiểu hàng ngày và Tiến sĩ Derbyshire kêu gọi Anh cũng nên làm theo. Song hầu hết mọi người, ngay cả ở các quốc gia đề ra mục tiêu choline tối thiểu, vẫn không hấp thụ đủ chất này.

Sự thống trị môn quần vợt của Big Three

Trong nhiều năm, quần vợt nam là một vòng lặp lại. “The big three” (tạm dịch Ba ông lớn) – Roger Federer (38 tuổi), Rafael Nadal (33 tuổi) và Novak Djokovic (32 tuổi) – thắng gần như mọi giải Grand Slam, và các giải đấu thường chỉ hấp dẫn khi những danh thủ này đấu với nhau. Các nhà bình luận thường xuyên hỏi rằng liệu tuổi tác có làm họ chậm lại hay đây sẽ là năm mà thế hệ tiếp theo vượt qua họ. Năm 2019, lại một lần nữa, người ta không thấy có dấu hiệu nào như vậy cả.

Tại Grand Slam cuối cùng của năm, giải US Open, sẽ diễn ra vào cuối tuần này, các “quý ông” này đã vượt qua các vòng đầu một cách nhẹ nhàng, trong khi một nhóm những tay vợt trẻ đã phải thất bại ngay từ vòng đầu tiên. Đã 5 năm kể từ khi một tay vợt nam thắng giải Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp của mình – Marin Cilic tại US Open 2014 – và 11 giải đấu lớn gần đây đều về tay Federer, Nadal hoặc Djokovic. Xem ra danh sách này sắp kéo dài đến số 12.

Thành tích của các tay vợt nam tại các giải Grand Slam gần đây.

Các bộ phim kịch tính hóa những bê bối chính trị

Trở lại năm 1976, “All the President’s Men”, bộ phim về vụ bê bối Watergate, đã chứng minh rằng những câu chuyện về những người tố giác có thể được chuyển thể thành kịch bản kịch tính ly kỳ. Trong những năm gần đây, nhiều đạo diễn đã cố gắng tái tạo thành công đó. Bill Condon đã làm một bộ phim về những năm đầu của WikiLeaks vào năm 2013; Steven Spielberg đã kịch tính hóa việc công bố Hồ sơ Lầu năm góc trong bộ phim “The Post” hồi năm 2017.

Ngày mai “The Laundromat”, tác phẩm của Steven Soderbergh về Hồ sơ Panama, sẽ ra mắt thế giới tại Liên hoan phim Venice. Và “Official Secrets”, được phát hành ở Mỹ trong tuần này, kể về câu chuyện ít được biết đến hơn của Katharine Gun, một sĩ quan tình báo Anh, người hồi năm 2003 đã rò rỉ một email cho báo chí về một hoạt động phi pháp của Mỹ nhằm nghe lén các văn phòng tại Liên Hợp Quốc và buộc một số quốc gia chấp thuận cuộc xâm lược Iraq. Cô hy vọng rằng sự phẫn nộ của công chúng có thể cản trở sự tham gia của chính phủ Anh vào cuộc chiến bùng nổ hồi năm đó, song không may cô đã thất bại.

Nhìn lại 1919: một năm đầy bước ngoặt

Năm 1919 là một năm đầy mâu thuẫn. Hàng triệu người trở về sống sót sau Thế chiến I chỉ để bị cúm Tây Ban Nha giết chết. Những lý tưởng sau chiến tranh của nền dân chủ toàn cầu đã bị dập tắt bởi một kế hoạch phân chia lãnh thổ mang tính đế quốc. Mặc dù quyền bầu cử của phụ nữ cuối cùng cũng được Quốc hội Mỹ phê chuẩn, song hơn 200 người Mỹ da đen đã bị sát hại trong một làn sóng bạo lực phân biệt chủng tộc được gọi là “Red Summer.” Đó cũng là năm mà Henry Huntington, một ông trùm đường sắt ven biển Thái Bình Dương, thành lập Thư viện Huntington ở Los Angeles.

Lễ kỷ niệm một trăm năm sẽ được khởi động vào tuần tới; một cuộc triển lãm khai mạc vào giữa tháng 9, “Nineteen Nineteen”, sẽ đánh dấu dịp kỷ niệm này. Triển lãm sẽ trưng bày 275 hiện vật từ kho lưu trữ khổng lồ của thư viện liên quan đến năm thành lập của nó, bao gồm các bức ảnh ban mai rực rỡ từ Đài thiên văn Núi Wilson; áp phích của phong trào lao động ngày càng lên cao; và những lá thư cùng chữ ký của T.E Lawrence từ Hội nghị Hòa bình Paris. Cuộc triển lãm là tổng hợp những hiện vật của một thế giới đang thay đổi không ngừng, với những tiến bộ lớn bị che mờ bởi cảm quan về những rắc rối dai dẳng đang chờ đợi phía trước.