Một thế giới, hai hệ thống

Nguồn: Joschka Fischer,  “Two Systems, One World”, Project Syndicate, 30/08/2019.

Biên dịch: Phan Nguyên

Với lễ kỷ niệm 30 năm ngày Bức tường Berlin sụp đổ đang đến gần, vấn đề tự do đã nổi lên trở lại hàng đầu ở Moskva và Hồng Kông, mặc dù trong những hoàn cảnh lịch sử và chính trị rất khác nhau. Chúng ta được nhắc nhở rằng kỷ nguyên hiện đại được xây dựng trên sự tự do, và trên sự thừa nhận rằng tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng. Ý tưởng Khai sáng cấp tiến này, một khi bén rễ, sẽ tạo thành một sự khác biệt so với toàn bộ lịch sử trước đó. Nhưng thời thế đã thay đổi. Trong thế kỷ hai mươi mốt, chúng ta phải đối mặt với một câu hỏi cơ bản: Liệu một hình thức chuyên chế hiện đại hóa có thể đại diện cho một sự thay thế đối với nền dân chủ tự do và nhà nước pháp quyền hay không?

Năm 1989, câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi đó sẽ là không, không chỉ ở phương Tây mà trên toàn thế giới. Tuy nhiên, kể từ đó, chúng ta đã chứng kiến ​​sự hồi sinh của chủ nghĩa dân tộc ở châu Âu, sự thất bại của Mùa xuân Ả Rập, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đắc cử, sự quay lại chủ nghĩa phục thù ở Nga, và sự trỗi dậy của Trung Quốc trên toàn cầu. Bây giờ, tất cả các ván cược vào nền dân chủ tự do đã không còn được lựa chọn.

Việc Trung Quốc nổi lên như một siêu cường quân sự, kinh tế và công nghệ lớn thứ hai cho thấy rằng hiện đã có một mô hình phát triển thay thế. Ở Trung Quốc hiện đại, nhà nước pháp quyền và dân chủ được coi là mối đe dọa đối với chế độ độc đảng. Do đó, các cuộc biểu tình đang diễn ra vì tự do và trách nhiệm dân chủ ở Hồng Kông đã làm lộ rõ một khoảng cách không chỉ giữa hai khuôn khổ quy phạm, mà còn giữa hai hệ thống quyền lực chính trị với nhau.

Trong một thời gian, Trung Quốc dường như đã tìm thấy một công thức để vượt qua khoảng cách này. Nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” được cho là sẽ cho phép sự hòa nhập có trật tự của Hồng Kông và có thể là Đài Loan vào đại lục. Nếu công thức này giờ đây thất bại ở Hồng Kông, sẽ có sự leo thang căng thẳng quân sự ngay lập tức tại eo biển Đài Loan, bởi vì việc hòn đảo này duy trì lâu dài địa vị đặc biệt sẽ khiến chính phủ Trung Quốc không thể chấp nhận hoặc bỏ qua.

Tuy nhiên, công thức này thực sự cho đến nay đã có hiệu quả. Hồng Kông đã trở nên cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc bởi vì nó giúp Trung Quốc tiếp cận thị trường vốn toàn cầu và đóng vai trò là cửa ngõ tài chính cho đầu tư trực tiếp nước ngoài. Và quan hệ với Đài Loan phần lớn vẫn khá hòa bình.

Dàn xếp với Hồng Kông có hiệu quả vì chính phủ ở Bắc Kinh đã cho thấy họ phần lớn đã tôn trọng địa vị bán tự trị của thành phố này. Nhưng khi Trung Quốc trở nên hùng mạnh hơn, nhận thức của Trung Quốc về địa vị của mình như là một siêu cường toàn cầu mới đã tạo ra sự thay đổi trong hành vi. Chính quyền Trung Quốc đang gây ảnh hưởng hơn bao giờ hết lên Hồng Kông, cho thấy rằng họ muốn di chuyển theo hướng “một quốc gia, một chế độ”.

Dự luật được đề xuất (hiện đã bị đình chỉ) cho phép dẫn độ những người bị bắt ở Hồng Kông sang Trung Quốc đại lục được coi là mối đe dọa đối với nền dân chủ và nền pháp quyền ở Hồng Kông. Chính quyền Bắc Kinh biết rất rõ rằng chính nỗ lực làm suy yếu quyền tự trị của Hồng Kông này – chứ không phải các hoạt động ngầm của các cơ quan tình báo nước ngoài – mới là lý do khiến hàng triệu người dân Hồng Kông đã xuống đường biểu tình.

Với các cấu trúc quyền lực hiện tại ở Trung Quốc (và Nga), các cuộc biểu tình của quần chúng trong mùa hè này tại Hồng Kông (và Moskva) có rất ít cơ hội thành công trong ngắn hạn. Tuy nhiên, chúng rất quan trọng bởi chúng tương phản với sự èo uột lan rộng của nền dân chủ phương Tây.

Nhìn rộng hơn, việc phân chia thế giới thành hai hệ thống ngay lập tức mang lại những ký ức về thời Chiến tranh Lạnh. Nhưng trong cuộc xung đột đó, vấn đề chính là sức mạnh quân sự – theo đó là vị trí trung tâm của cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân. Còn khi nói về mức sống, khối Xô viết chưa bao giờ thực sự có cơ hội đuổi kịp phương Tây (như chúng ta thấy rõ trong cái gọi là Cuộc tranh luận nhà bếp giữa Phó Tổng thống Hoa Kỳ lúc bấy giờ Richard Nixon và nhà lãnh đạo Liên Xô, Nikita Khrushchev, năm 1959).

Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh với Trung Quốc sẽ chính là về câu hỏi hệ thống nào mang lại nhiều tiến bộ về công nghệ và vật chất hơn. Việc Trung Quốc đi lên từ một quốc gia đang phát triển nghèo đói thành một cường quốc kinh tế là một trong những thành tựu lớn nhất của thời kỳ hiện đại. Hàng triệu người đã thoát khỏi cảnh đói nghèo và trở thành tầng lớp trung lưu tiêu dùng ngày càng nhiều, và hàng triệu người khác có thể sớm theo bước họ.

Đồng thời, mặc dù Trung Quốc đang xây dựng quân đội, nhưng nước này chưa bao giờ khuếch trương sức mạnh vượt ra ngoài khu vực lân cận, không giống như Liên Xô. Khi Trung Quốc theo đuổi lợi ích chiến lược ở Châu Phi và Đông Âu, họ làm như vậy chủ yếu thông qua các phương tiện kinh tế và tài chính. Trung Quốc có được ảnh hưởng toàn cầu gia tăng không phải thông qua sức mạnh quân sự, mà thông qua nền kinh tế và khả năng phát triển công nghệ và sáng tạo gia tăng nhanh chóng. Đối với phương Tây, “thử thách Trung Quốc”  chính là làm sao cho thấy rằng mô hình dân chủ vẫn phù hợp hơn chế độ độc đoán kiểu phương Đông trong mắt đa số nhân loại.

Trong cuộc cạnh tranh này, Tổng thống Mỹ Donald Trump như một con ngựa thành Troa của Trung Quốc. Mặc dù Trump đang tiến hành một cuộc chiến thương mại và công nghệ mạnh mẽ chống lại Trung Quốc, ông ta cũng đang làm mọi thứ có thể để làm giảm uy tín của mô hình phương Tây. Về mặt lịch sử, các cuộc tấn công của Trump vào nền dân chủ sẽ mang lại hậu quả lớn hơn nhiều so với các biện pháp thuế quan của ông ta. Vấn đề càng tồi tệ hơn nữa khi châu Âu, với những điểm yếu kinh tế và sự ngây thơ địa chính trị rõ ràng, cũng thất bại trong việc huy động sự bảo vệ mô hình phương Tây.

Ở giai đoạn này, sự trỗi dậy của Trung Quốc là không thể ngăn chặn được. Đất nước này đơn giản là quá rộng lớn và quá mạnh để có thể bị tẩy chay hoặc kiềm chế. Ở một mức độ nào đó, việc người dân Trung Quốc mong muốn có được một phần trong sự thịnh vượng toàn cầu là hoàn toàn chính đáng. Phương Tây có rất ít lựa chọn ngoài việc duy trì mối quan hệ tốt với siêu cường mới này, đồng thời bảo vệ các giá trị của mình. Sự trỗi dậy của Trung Quốc – và của hệ thống Trung Quốc – chắc chắn sẽ tạo ra nhiều cạnh tranh hơn, và những sự đối đầu mới này phải được xử lý một cách hòa bình bằng mọi giá. Một thế giới với tám tỷ người không thể chịu đựng được một cuộc xung đột toàn cầu.

Liệu mô hình hiện đại hóa độc đoán của Trung Quốc có thể thành công trong dài hạn hay không là một câu hỏi mở cho các thế hệ tương lai của Trung Quốc. Những người không có ký ức về những điều khủng khiếp trong quá khứ như Cách mạng Văn hóa có thể chỉ đơn giản coi mô hình Trung Quốc là chuyện đương nhiên. Nhưng kỷ nguyên hiện đại được xây dựng trên nền tảng tự do. Như chúng ta đã thấy trong mùa hè này ở Hồng Kông và Moskva, bài học đó sẽ không sớm bị lãng quên.

Joschka Fischer là Ngoại trưởng và Phó Thủ tướng Đức từ năm 1998 đến năm 2005.