Các Ủy viên Ủy ban châu Âu được bổ nhiệm như thế nào?

Nguồn: How European Commissioners are appointed, The Economist, 13/09/2019.

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Nghị viện châu Âu, cơ quan lập pháp dân cử của Liên minh châu Âu, rất thích tiến hành các cuộc chất vấn. Vì vậy, cơ quan này chắc chắn trông chờ các phiên điều trần đối với một nhóm các ủy viên được công bố bởi tân Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Ursula von der Leyen, vào ngày 10 tháng 09.

Những sửa đổi liên tiếp đối với các hiệp ước của EU đã làm gia tăng sức mạnh của Nghị viện Châu Âu trong việc bổ nhiệm các ủy viên, tạo ra một vẻ ngoài của sự chính danh dân chủ cho một quá trình thường bị chỉ trích là thiếu dân chủ. Mỗi quốc gia thành viên đề cử một ứng viên cho vị trí ủy viên phục vụ một nhiệm kỳ năm năm. (Vì bà von der Leyen là người Đức, Đức không đề cử thêm ủy viên nào. Anh không đề cử, nhưng có thể sẽ phải làm điều này nếu thời hạn Brexit được gia hạn một lần nữa.)

Không có gì lạ khi những người đứng đầu chính phủ “trục xuất” các đối thủ chính trị của mình tới Brussels với hy vọng các cử tri trong nước sẽ sớm quên họ. Nhưng trước tiên, những người được đề cử sẽ phải đối mặt với các cuộc phỏng vấn với tân chủ tịch của ủy ban, người sẽ quyết định việc bổ nhiệm họ cũng như có thể phủ quyết các ứng viên không phù hợp. Các quốc gia thành viên mạnh hơn, hoặc các quốc gia đề cử các ứng viên nặng ký, thường mong đợi ứng viên của họ sẽ được trao một lĩnh vực phụ trách quan trọng.

Một khi các thỏa thuận hậu trường được chốt, các ủy viên được chọn phải đối mặt với rào cản lớn nhất của họ: phiên điều trần kéo dài ba giờ tại Nghị viện châu Âu, nơi họ có thể bị tra hỏi không chỉ về nội dung công việc mà còn về bất kỳ bí mật được che giấu nào trên trường chính trị của mình. Được tiến hành dưới sự quan sát của các phương tiện truyền thông và được cử tri ở quê nhà theo dõi, một màn thể hiện kém có thể nhấn chìm cả sự nghiệp chính trị được gây dựng cẩn trọng nhất.

Các nghị sĩ lâu năm có thể nhớ lại một cách đầy nuối tiếc thất bại của hai ứng cử viên vào năm 2004. Rocco Buttiglione, ủy viên được chọn của Ý lúc bấy giờ, với lĩnh vực phụ trách dự kiến là về nhân quyền và quyền bình đẳng, đã gây phẫn nộ khi tiết lộ rằng ông coi đồng tính luyến ái là một tội lỗi, trước khi đổ lỗi tỷ lệ sinh thấp của châu Âu cho các phụ nữ đam mê theo đuổi sự nghiệp. Các nhà lập pháp châu Âu cũng từ chối ủng hộ ứng cử viên người Latvia, Ingrida Udre, khi đảng của ông bị vướng vào những cáo buộc liên quan đến vi phạm tài chính. Chính phủ Ý và Latvia không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đề cử các ứng cử viên mới.

Nghị viện châu Âu bỏ phiếu cho toàn bộ ủy ban được đề xuất. Điều đó có nghĩa là một ứng cử viên duy nhất bị phản đối có thể khiến cả nhóm bị loại. Để tránh điều này, chủ tịch mới có thể thay đổi lĩnh vực phụ trách của các thành viên trong nhóm, như cách Jose Manuel Barroso đã làm vào năm 2004 khi ủy viên được chọn của Hungary không thuyết phục được Nghị viện về sự hiểu biết của ông đối với chính sách năng lượng, hoặc tế nhị yêu cầu chính phủ của ứng viên đó đề xuất một lựa chọn ít gây tranh cãi hơn.

Việc chú trọng vào sự giám sát của Nghị viện hoàn toàn không thừa. Các ủy viên có được vị trí tương đương cấp bộ trưởng, họ sẽ là người cung cấp định hướng chính trị cho 32.000 công chức Ủy ban châu Âu. Tổ chức mà họ lãnh đạo rất có quyền lực. Ủy ban Châu Âu đề xuất các luật mới – không giống như Nghị viện và các bộ trưởng EU. Ủy ban cũng đại diện cho EU trong các cuộc đàm phán thương mại, lập ngân sách và kiểm soát việc các quốc gia thành viên tuân thủ quy tắc của mình. Mặc dù không phải là niềm an ủi đối với 26 chính trị gia, những người sẽ dành vài tuần tới cho cuộc phỏng vấn việc làm khó khăn nhất trong cuộc đời mình, nhưng những phiên điều trần này sẽ mang lại một sự kiểm tra cần thiết đối với quyền lực rất lớn của họ.