Nguồn gốc hành vi của Trung Quốc (P2)

Nguồn: Odd Arne Westad, “The Source of Chinese Conduct”, Foreign Affairs, September/October 2019.

Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Ngày ấy và bây giờ

Nhưng Trung Quốc không phải là Liên Xô. Có một điều là hệ tư tưởng của Liên Xô về bản chất không tương thích với sự chung sống lâu dài với Mỹ. Từ Lenin về sau, các lãnh đạo Liên Xô nhìn thế giới bằng lăng kính có tổng bằng không: dân chủ tư sản và chủ nghĩa tư bản phải thất bại trước chủ nghĩa cộng sản. Có thể tồn tại những liên minh vì tình thế và cả các giai đoạn hòa dịu (détente), song cuối cùng, thể chế cộng sản phải thắng lợi ở mọi nơi để Liên Xô được an toàn. Nhưng ĐCSTQ thì không nghĩ vậy. Tổ chức này mang tính dân tộc nhiều hơn là tính quốc tế. Đảng nhìn nhận Washington như một trở ngại ngăn họ duy trì chế độ và thống trị khu vực, nhưng họ không cho rằng nước Mỹ hay mô hình chính phủ Mỹ phải bị đánh bại để đạt được các mục tiêu ấy.

Hơn nữa, xã hội Trung Quốc tương đồng với xã hội Mỹ hơn là xã hội Liên Xô. Ở Liên Xô, người dân chấp nhận và thích ứng với các chính sách kinh tế xã hội chủ nghĩa. Ngược lại, người Trung Quốc chỉ muốn vươn lên trong xã hội kinh tế định hướng thị trường cạnh tranh của họ. Đối với nhiều người, chủ nghĩa cộng sản chỉ là cái tên của đảng cầm quyền hơn là một mục tiêu cần hướng tới. Thật vậy, nhiều người ủng hộ ông Tập củng cố quyền lực, cho rằng Trung Quốc cần sự lãnh đạo cứng rắn sau thời kì chủ nghĩa cá nhân của những năm 1990 và đầu thế kỷ 21. Song không có ai, kể cả ông Tập, muốn quay trở lại những ngày tăm tối trước đổi mới và mở cửa. Bất chấp các luận điệu Mao-ít, ông Tập cả trong lời nói và hành động thậm chí còn xa rời Mao Trạch Đông hơn cả nhà lãnh đạo cải tổ Mikhail Gorbachev xa rời Lenin.

Một điểm nữa là người Trung Quốc đã trải qua một vài thập niên hòa bình đáng ghi nhận. Vào thời điểm 1947, người Nga vừa trải qua hơn 30 năm chiến tranh và cách mạng liên miên. Theo lời Kennan, họ “mệt mỏi cả về vật chất lẫn tinh thần.” Người Trung Quốc có trải nghiệm ngược lại: khoảng hai phần ba dân số chỉ biết đến hòa bình và thịnh vượng. Cuộc can thiệp quân sự ở nước ngoài gần nhất của nước này, tại Việt Nam, đã kết thúc 30 năm trước, và cuộc chiến lớn gần nhất của họ, chiến tranh Triều Tiên, kết thúc 70 năm trước. Một mặt, những thập niên thành công vừa qua cho thấy giá trị của hòa bình, khiến người dân e ngại mạo hiểm tất cả những điều ấy để theo đuổi một cuộc chiến. Mặt khác, sự thiếu vắng những trải nghiệm chiến tranh gần đây dẫn đến thái độ ngông cuồng của những người chưa từng trải qua cuộc chiến nào. Ngày nay, người ta có thể dễ dàng bắt gặp người Trung Quốc, đặc biệt là lứa trẻ, nói rằng họ cần tiến hành một cuộc chiến để không bị kiềm chế bởi Mỹ. Tập và nhóm của ông không phải là những kẻ liều lĩnh bẩm sinh. Nhưng trong một cuộc khủng hoảng, người Trung Quốc trông giống người Đức năm 1914 hơn là người Nga sau Thế chiến II – dễ bị kích động chứ không phải kiệt sức.

Cán cân quyền lực quốc tế cũng đã thay đổi rất nhiều kể từ thời Kennan. Ngày nay, thế giới ngày càng trở nên đa cực thay vì lưỡng cực. Đây là một quá trình chậm rãi, nhưng xu hướng của nó là có thật. Không như Chiến tranh Lạnh, cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc lớn nhất sẽ không dẫn đến thế lưỡng cực; thay vào đó, nó sẽ tạo cơ hội cho các cường quốc khác nhỏ hơn đuổi kịp, bởi vì không có sự cưỡng ép ý thức hệ nào, và lợi thế kinh tế là quan trọng hơn. Mỹ và Trung Quốc càng “đánh nhau” hăng, các cường quốc khác càng có cơ hội vượt lên. Kết quả có thể sớm muộn là một thế giới của các bá quyền khu vực.

Tình hình đối nội ở Mỹ cũng rất khác so với buổi đầu Chiến tranh Lạnh. Thời ấy đúng là có chia rẽ giữa các cử tri và mâu thuẫn giữa các cơ quan chính phủ, song không hề có sự phân cực và bế tắc như của nền chính trị Hoa Kỳ ngày nay. Giờ đây, nước Mỹ có vẻ như đã đánh mất uy tín cả ở trong nước và quốc tế. Dưới sự lãnh đạo của chính quyền Trump, vị thế của Mỹ trên thế giới đang ở mức thấp chưa từng thấy, và ngay cả các đồng minh thân cận cũng không còn xem Mỹ là một đối tác tin cậy nữa. Từ trước khi ông Trump làm Tổng thống, giới hoạch định chính sách đối ngoại Mỹ đã than phiền về sự suy giảm khả năng đạt được đồng thuận quanh các vấn đề quốc tế, nhưng họ không có khả năng sửa chữa vấn đề đó. Ngày nay, thế giới nghi ngờ khả năng lãnh đạo của Mỹ trong tất cả các vấn đề lớn nhỏ, những vấn đề mà sự lãnh đạo của Mỹ từng được coi là không thể thiếu.

Nền kinh tế Mỹ cũng liên hệ mật thiết với nền kinh tế Trung Quốc theo cách không thể tưởng tượng được với nền kinh tế Liên Xô. Như Kennan biết rõ, về kinh tế, Liên Xô không cần phải bị “ngăn chặn”; họ tự ngăn chặn chính mình bằng cách không tham dự vào đời sống kinh tế thế giới. Trung Quốc không như vậy, một phần ba GDP của họ liên quan đến xuất khẩu, và Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn nhất của họ. Cố gắng tách kinh tế Mỹ khỏi kinh tế Trung Quốc bằng cách kiểm soát du lịch, cấm vận công nghệ, và hàng rào thuế sẽ không thành công, trừ khi hai nước thật sự ở trong tình trạng chiến tranh thực tế khiến cho mọi tương tác là không thể. Trong ngắn hạn, thuế quan có thể tạo lợi thế tạm thời, song về dài hạn, nó có thể làm lợi cho Trung Quốc bằng cách buộc nước này phải “tự thân” hơn, đó là chưa kể những thiệt hại đối với uy tín của Mỹ. Và do đó cuộc cạnh tranh với Trung Quốc sẽ phải được quản trị trong khuôn khổ mối quan hệ kinh tế phụ thuộc lẫn nhau.

Cuối cùng, các lãnh đạo Trung Quốc có những“lá bài” quốc tế mà Liên Xô không có. So với nền chính trị dựa trên đấu tranh giai cấp mà Moskva “rao bán” xuyên suốt Chiến tranh Lạnh, vai trò của Trung Quốc đối với sự đoàn kết toàn cầu trong các vấn đề như biến đổi khí hậu, thương mại, và bất bình đẳng sẽ được đón nhận nhiều hơn ở nước ngoài. Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn, đặc biệt khi đặt trong bối cảnh ô nhiễm môi trường, chủ nghĩa bảo hộ, và bất bình đẳng kinh tế ở Trung Quốc. Tuy nhiên, vì Hoa Kỳ đã không thể dẫn đầu trong bất kỳ vấn đề nào kể trên, chính phủ cộng sản Trung Quốc có thể thế vào chỗ trống đó và thuyết phục các nước rằng các chính phủ chuyên chế có thể giải quyết những vấn đề trên tốt hơn các nền dân chủ.

Điều Mỹ nên làm

Nguồn gốc hành vi của Trung Quốc, cùng với vai trò toàn cầu hiện nay của Mỹ, tạo nên mối quan hệ cạnh tranh khác hẳn so với sự đối đầu mà Kennan từng chứng kiến vào năm 1946 và 1947. Khả năng xảy ra một cuộc chiến tức thời thấp hơn, trong khi khả năng hợp tác có chừng mực lại cao hơn. Song mối nguy chủ nghĩa dân tộc làm leo thang các vòng tròn xung đột không ngừng mở rộng là lớn hơn, và quyết tâm của Trung Quốc trong việc xóa bỏ ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á là bền bỉ hơn hẳn những gì Stalin từng cố làm ở châu Âu. Nếu Mỹ muốn cạnh tranh với Trung Quốc, họ phải chuẩn bị một chiến dịch gây ảnh hưởng lâu dài thử thách khả năng ưu tiên chiến lược và lên kế hoạch dài hạn của họ. Điều này đặc biệt đúng khi những thay đổi chóng mặt về kinh tế và công nghệ làm cho một chiến lược ngăn chặn truyền thống trở nên không khả dĩ – thông tin lan truyền dễ dàng hơn so với trước đây, nhất là tới Trung Quốc, vốn không hề có ý định biệt lập mình khỏi thế giới.

Mặc dù cạnh tranh Mỹ-Trung nhìn bề ngoài rất khác Chiến tranh Lạnh, song điều đó không có nghĩa “kế sách” của Kennan là không phù hợp. Như ông nói Mỹ cần tiếp tục hiện diện ở châu Âu, Hoa Kỳ hôm nay cũng cần giữ vững và xây dựng mối quan hệ sâu rộng với các nước châu Á vốn đang lo sợ trước hành động gây hấn của Bắc Kinh. Muốn đối phó với Liên Xô, Washington tiến hành kế hoạch Marshall (có một phần đóng góp của Kennan) vào năm 1948 và thành lập NATO (Kennan ít nhiều hoài nghi về tổ chức này) một năm sau. Ngày nay, tương tự như vậy, các mối quan hệ đồng minh của Mỹ ở châu Á là vừa về an ninh vừa về kinh tế. Trên thực tế, kinh tế giờ đây dĩ nhiên quan trọng hơn, khi mà Trung Quốc chủ yếu là một cường quốc kinh tế. Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định TPP cũng giống như việc Mỹ vừa tạo ra NATO rồi đột ngột rút đi vậy. Quyết định của chính quyền Trump có thể là hợp lý về mặt đối nội, nhưng về chính sách đối ngoại, đó là một thảm họa bởi nó cho phép Trung Quốc tuyên bố rằng Mỹ là một đối tác kém tin cậy ở châu Á.

Kennan cũng dự đoán Mỹ sẽ cạnh tranh với Liên Xô hàng thập kỷ, và do đó chính sách đối ngoại của Mỹ phải vừa dựa trên thương lượng và thỏa hiệp cũng như sự chuẩn bị lực lượng quân sự và các hoạt động tình báo. Các nhà hoạch định chính sách cùng thời với Kennan phải mất khá lâu để học bài học này, và chắc chắn rằng quá trình xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau đã góp phần đưa đến kết cục hòa bình của Chiến tranh Lạnh. Các quan chức Mỹ và Liên Xô có đủ liên lạc để vượt qua những tình huống xấu nhất và trì hoãn chiến tranh đủ lâu để Liên Xô thay đổi cách tiếp cận của mình đối với Mỹ và các vấn đề quốc tế nói chung.

Trung Quốc thậm chí còn dễ thay đổi thái độ hơn Liên Xô. Cuộc cạnh tranh hiện nay không phải là cuộc chạm trán giữa các nền văn minh – hay tệ hơn là giữa các chủng tộc, như Skinner chỉ ra hồi tháng 4 khi bà cho rằng Trung Quốc là “một đối thủ không có nguồn gốc da trắng.” Trái lại, nó là cuộc xung đột chính trị giữa hai cường quốc lớn. Một thiểu số đáng kể trong nội bộ Trung Quốc bất đồng với cuộc chơi quyền lực của các lãnh đạo của họ. Họ muốn một Trung Quốc tự do và công bằng hơn, hòa bình với hàng xóm và với Hoa Kỳ. Trung Quốc càng bị cô lập thì số người này sẽ càng ít đi, khi mà họ bị cuốn vào cơn sóng dữ của chủ nghĩa dân tộc. Như Kennan nhấn mạnh trong trường hợp Liên Xô, “các yêu cầu đối với chính sách của Nga nên được đề xuất theo hướng giữ cánh cửa mở cho một sự thỏa hiệp không quá xúc phạm đến lòng tự tôn của người Nga.”

Mỹ cũng nên kiến tạo một môi trường tích cực hơn không chỉ ở châu Á. Vào thời điểm Trung Quốc vẫn đang trỗi dậy, việc xem Nga như một kẻ xấu bất bình đứng ngoài lề hệ thống quốc tế là hoàn toàn không hợp lý. Washington nên đưa Nga vào một mối quan hệ hợp tác hơn với phương Tây bằng cách mở cửa cho các cơ hội hợp tác và giúp giải quyết xung đột ở đông Ukraine. Nếu Washington không làm điều này, cơn ác mộng chiến lược vốn ám ảnh các nhà hoạch định chính sách trong suốt Chiến tranh Lạnh sẽ trỗi dậy lần nữa: liên minh Nga-Trung. Ngày nay, sự kết hợp giữa tài nguyên của Nga và dân số của Trung Quốc sẽ tạo ra cho phương Tây một thách thức lớn hơn hẳn 70 năm trước. Như Kennan từng viết hồi năm 1954, mối đe dọa duy nhất đối với người Mỹ sẽ đến từ “sự hợp tác giữa các thế lực thống trị về tài nguyên hữu hình ở châu Âu và một cường quốc chính trị ở châu Á thù địch với [Mỹ].”

Tuy nhiên, một trong những tầm nhìn vĩ đại nhất của Kennan không phải là về các vấn đề quốc tế; mà là về chính trị Hoa Kỳ. Ông cảnh báo trong bài viết “X” của ông rằng “các dấu hiệu của sự do dự, không thống nhất và phân rã nội bộ” là mối nguy lớn nhất đối với nước Mỹ. Ông cũng cảnh báo về tính “ngại chi tiêu” vì các mục tiêu chung. Cũng như 70 năm trước, ngày nay để cạnh tranh, Mỹ cần phải chi nhiều hơn, đồng nghĩa với việc người Mỹ giàu có và các công ty phải đóng góp nhiều hơn, trong nỗ lực nhằm mang lại nền giáo dục hàng đầu, hạ tầng tầm cỡ thế giới, và nghiên cứu phát triển (R&D) hiệu quả nhất. Cạnh tranh với Trung Quốc sẽ không thể “tiết kiệm.” Và cuối cùng, Kennan phát biểu rằng quyền lực Mỹ phụ thuộc vào khả năng “tạo ra trước thế giới ấn tượng về một quốc gia biết mình muốn gì, một quốc gia đang đối phó thành công với các vấn đề nội tại và có trách nhiệm của một siêu cường toàn cầu, một quốc gia có sức sống tinh thần đủ khả năng giữ mình trước các dòng tư tưởng lớn của thời đại.”

Mặc dù bạn có thể diễn giải câu trích trên theo nhiều cách khác nhau, song các thách thức hôm nay vẫn ý hệt. Liệu cuộc cạnh tranh với Trung Quốc sẽ tập trung vào, như lời Kennan, “tâm trí nước Mỹ” đến mức từ bỏ các bất hòa trong nước nhằm đạt được đồng thuận? Nếu không có các yếu tố thống nhất thì, sớm hơn nhiều người nghĩ, sự suy giảm khả năng hành động có mục đích của Mỹ sẽ đưa đến một thế giới không chỉ đa cực mà còn hỗn loạn – một thế giới mà trong đó sự sợ hãi, căm thù, và tham vọng sẽ biến nhân loại thành con tin của những bản năng thấp hèn nhất mà con người có thể tưởng tượng ra./.

Odd Arne Westad là Giáo sư Lịch sử và các Vấn đề Toàn cầu tại Đại học Yale và là tác giả cuốn The Cold War: A World History.