Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Tổng thống Donald Trump tuyên bố Abu Bakr al-Baghdadi đã chết trong một cuộc đột kích ở Syria của lực lượng đặc nhiệm Mỹ. Bị mắc kẹt trong một đường hầm, thủ lĩnh ISIS đã kích nổ chiếc áo quấn bom, tự sát cùng với ba đứa con của mình. Ông Trump tuyên bố nhiều chiến binh IS cũng đã bị tiêu diệt trong chiến dịch, trong khi không mất lính Mỹ nào. Ông Trump cảm ơn Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iraq và người Kurd ở Syria đã hỗ trợ chiến dịch này.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã gặp lãnh đạo đảng đối lập Trắng và Xanh Benny Gantz vào Chủ nhật để thảo luận về một chính phủ đoàn kết dân tộc. Ông Netanyahu đã không thể thành lập chính phủ sau cuộc bầu cử hồi tháng trước, dẫn đến việc tổng thống phải yêu cầu ông Gantz tiến hành nỗ lực của riêng mình. Cả hai đồng ý về nguyên tắc một chính phủ đoàn kết dân tộc, nhưng bất đồng trong việc xác định ai sẽ lãnh đạo.
Cơ quan bầu cử Mozambique tuyên bố Tổng thống Felipe Nyusi đã tái cử với 73% phiếu bầu trong các cuộc bầu cử được tổ chức vào ngày 15 tháng 10, đảng Frelimo của ông cũng đạt được thế đa số đủ lớn để có thể thay đổi hiến pháp. Các nhà quan sát ghi nhận sự bất thường, bao gồm việc một tỉnh có số phiếu bầu cao hơn 300.000 so với số cư dân có đăng ký; trong khi các đảng đối lập đã tẩy chay kết quả.
Lại thêm một đợt biểu tình cuối tuần khác ở Barcelona. Vào thứ Bảy, khoảng 350.000 người ủng hộ nền độc lập của Catalan, vẫn còn bị kích động bởi vụ kết án các nhà lãnh đạo ly khai, đã tổ chức một cuộc tuần hành phi bạo lực. Sau đó, những người ủng hộ hành động trực tiếp đã ném đá và chai lọ vào cảnh sát chống bạo động trước trụ sở cảnh sát. Vào Chủ nhật, những người ủng hộ việc ở lại với Tây Ban Nha cũng tổ chức cuộc tuần hành của riêng mình.
Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Đức đã bỏ phiếu bầu lãnh đạo mới của mình. Cặp đôi do Olaf Scholz lãnh đạo đã về nhất; ông là bộ trưởng tài chính và phó thủ tướng trong “đại liên minh” của SPD với đảng Dân chủ Thiên chúa giáo trung hữu của Angela Merkel. Nhưng một cặp đôi khác muốn thoái lui khỏi chính phủ hiện tại cũng giành được số phiếu xấp xỉ cặp của ông Scholz. Hai cặp này sẽ bước vào cuộc bầu cử vòng 2 vào tháng 11.
Các vụ cháy rừng mới bùng phát ở California, dẫn đến việc sơ tán nhiều thị trấn. Những cơn gió mạnh tới hơn 145 km/h làm cho tình hình càng thêm tồi tệ. Công ty điện PG&E đã mở rộng việc ngắt điện mà họ đã công bố; lo ngại tia lửa từ các đường dây có thể gây thêm nhiều đám cháy nữa, họ đã cắt điện của 2,5 triệu khách hàng.
Tập đoàn hàng xa xỉ Pháp LVMH đã tiếp cận hãng trang sức Tiffany có trụ sở tại New York với lời đề nghị mua lại. Tiffany hiện đang suy yếu do nhu cầu từ Trung Quốc giảm, và đã mở rộng các dịch vụ của mình sang các giao dịch nhỏ hơn cũng như các vật phẩm nhắm vào nam giới. LVMH, lớn hơn gần 20 lần về vốn hóa thị trường, gần đây có kết quả kinh doanh rất tốt.
TIÊU ĐIỂM
Abu Bakr al-Baghdadi bị tiêu diệt
Chịu trách nhiệm cho hàng ngàn cái chết và nhiều năm cai trị Nhà nước Hồi giáo man rợ, trùm khủng bố bị truy nã gắt gao nhất thế giới đã gặp kết cục nhục nhã trong cuộc đột kích vào đêm khuya của quân đội Mỹ. Từ Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump tuyên bố hôm Chủ nhật rằng chiến dịch tiêu diệt Abu Bakr al-Baghdadi đã thành công. Bị mắc kẹt trong một đường hầm, Baghdadi được cho là đã kích nổ một chiếc áo quấn bom, tự sát cùng với ba đứa con mà hắn mang theo.
Cuộc họp báo của ông Trump để lại nhiều câu hỏi chưa được trả lời. Một là liệu có bất kỳ mối liên hệ nào giữa việc rút quân gần đây của Mỹ khỏi đông bắc Syria và việc phát hiện ra Baghdadi ngay sau đó ở phía tây bắc, trong lãnh thổ được Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ hay không. Dù thế nào đi chăng nữa thì triều đại caliphate của Baghdadi đã tổn thất nặng nề và chính vị “Caliph” cũng đã chết. Tuy nhiên, sự hỗn loạn ở Trung Đông, vốn đã cho phép thương hiệu thánh chiến của y trỗi dậy ngay từ đầu, lại trở nên ngày một tồi tệ hơn.
Dự án thủy điện Xayaburi trên sông Mê Kông khánh thành
Sản xuất điện tại đập Xayaburi ở phía bắc Lào dự kiến sẽ bắt đầu trong tuần này. Kể từ khi khởi công vào năm 2010, khoảng 5 triệu mét khối bê tông đã được đổ xuống để tạo nên bước tường cao 38 mét và các công trình khác trên con sông lớn nhất Đông Nam Á. Mê Kông là ngư trường nội địa lớn nhất thế giới và là con sông có mức đa dạng sinh học lớn nhất sau Amazon. Những người phản đối cảnh báo hậu quả tàn khốc đối với dòng chảy của cá, phù sa và chất dinh dưỡng của con sông nuôi sống hàng chục triệu người.
Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á đã từ chối ủng hộ dự án. Xayaburi mới chỉ là đập đầu tiên trong số 11 đập được lên kế hoạch ở hạ lưu sông Mê Kông (9 ở Lào; 2 ở Campuchia). Nhà máy thủy điện này có công suất 1.285 megawatt. Thái Lan, nước có các ngân hàng tài trợ cho dự án, sẽ mua 95% số điện. Điện và lợi nhuận sẽ ở lại Thái Lan và Lào; trong khi các hậu quả môi trường và xã hội sẽ chủ yếu do các nước ở hạ lưu, Campuchia và Việt Nam, gánh chịu.
Quốc hội Anh hôm nay quyết định về cuộc bầu cử sớm
Tình trạng bế tắc của quốc hội Anh về Brexit sẽ tiếp diễn khi thủ tướng Boris Johnson yêu cầu nghị viện bỏ phiếu về việc có nên tổ chức cuộc tổng tuyển cử vào ngày 12 tháng 12 hay không. Ông muốn các nghị sĩ cam kết thông qua thỏa thuận Brexit của ông trước. Nhưng Công đảng đối lập sẽ không đồng ý nếu rủi ro về Brexit không thỏa thuận vẫn tồn tại. Đảng Dân chủ Tự do và đảng Dân tộc Scotland đang đề nghị thay vào đó là một cuộc bầu cử được tổ chức vào 9 tháng 12 mà không cần thông qua thỏa thuận của ông Johnson.
Vì cần đạt được hai phần ba số ghế ở Hạ viện để thông qua việc tổ chức một cuộc bầu cử sớm, khó có thể có cuộc bầu cử nào trước Giáng sinh. Trong khi đó, EU đã đồng ý gia hạn thời hạn 31 tháng 10 đối với Brexit, nhưng chưa quyết định sẽ trì hoãn trong bao lâu. Nếu họ chọn ngày 31 tháng 1, một khả năng cao, thì cuộc tranh luận về việc có nên ngăn cản Brexit không thỏa thuận hay không có thể sẽ trở lại vạch xuất phát. Phần còn lại của thế giới sẽ tiếp tục bị nước Anh làm cho kinh ngạc.
Biểu tình và bạo lực ở Chile
Một nhóm đại diện Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc hôm nay sẽ đến Chile để điều tra các cáo buộc ngược đãi người biểu tình giữa tình hình bất ổn gần đây của nước này, trong đó ít nhất 20 người đã chết. Các cuộc biểu tình của học sinh, sinh viên về việc tăng giá vé tàu điện ngầm đã trở nên dữ dội vào ngày 18 tháng 10 với các vụ đốt phá và cướp bóc lan rộng. Tổng thống Sebastián Piñera đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp, cho phép triển khai quân đội và tuyên bố lệnh giới nghiêm.
Bạo lực hiện đã giảm bớt, và các cuộc biểu tình ôn hòa chống bất bình đẳng cùng những nỗi bất bình khác đang dần xuất hiện. Hơn 3.190 người đã bị bắt, trong đó có 343 trẻ vị thành niên và 546 người bị thương vì trúng đạn, theo Viện Nhân quyền Quốc gia. Tổ chức này đang thu thập hồ sơ của 88 trường hợp pháp lý liên quan đến cảnh sát hoặc lực lượng vũ trang, bao gồm năm vụ giết người và 17 cáo buộc lạm dụng tình dục. Sau cuộc tuần hành của 1,2 triệu người vào thứ Sáu tuần trước, Tổng thống Sebastián Piñera đã yêu cầu toàn bộ nội các của ông từ chức.
Căng thẳng ở WTO giữa Mỹ và Trung Quốc
Giải quyết các căng thẳng thương mại được cho là nhàm chán. Nhưng khi cơ quan giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới họp vào hôm nay, tình hình sẽ rất nóng. Trung Quốc sẽ yêu cầu cho phép áp thuế đối với hàng xuất khẩu trị giá 2,4 tỷ đô la từ Mỹ, một lượng nhỏ trong cuộc thương chiến nói chung, nhưng vẫn quan trọng về mặt biểu tượng. Mỹ biện minh cho quyết định áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc bằng việc cáo buộc chính phủ Trung Quốc bơm các khoản trợ cấp thông qua các công ty được nhà nước hỗ trợ.
Tuy nhiên, Trung Quốc lập luận rằng Mỹ định nghĩa các cơ quan công quyền, và kéo theo đó là phạm vi của nhà nước, quá rộng. Vào tháng Bảy cơ quan phúc thẩm của WTO phán quyết có lợi cho Trung Quốc. Yêu cầu của Trung Quốc về áp thuế trả đũa khả năng cao sẽ không được Mỹ chấp nhận. Đối với họ, toàn bộ vụ việc giúp biện minh cho việc Mỹ làm suy yếu WTO bằng cách ngăn chặn bổ nhiệm thẩm phán và cản trở hệ thống giải quyết tranh chấp của tổ chức này. Đối với những người theo chủ nghĩa đa phương, cuộc sống sẽ tốt hơn khi không có những tranh chấp kịch tính như thế này.