Thế giới hôm nay: 27/09/2019

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Jacques Chirac, Tổng thống Pháp giai đoạn 1995-2007, đã qua đời ở tuổi 86. Mặc dù thắng cử hai nhiệm kỳ, song ông mãn nhiệm như một nhân vật không được lòng dân với tỷ lệ thất nghiệp cao và tài chính công tồi tệ. Ông thắng cử nhiệm kỳ hai chủ yếu bởi đối thủ cực hữu Jean-Marie Le Pen trong vòng bầu cử thứ hai thậm chí còn khó được cử tri chấp nhận hơn. Bất chấp các bê bối tham nhũng, sự ủng hộ dành cho ông tăng lên sau khi nghỉ hưu, đặc biệt là sau việc ông phản đối cuộc chiến Iraq.

Các quan chức Nhà Trắng đã cố gắng giấu kín các biên bản về một cuộc gọi trong đó Tổng thống Donald Trump đã hối thúc Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine điều tra Joe Biden, theo đơn khiếu nại của người tố cáo được công bố hôm qua. Khiếu nại đã khiến các nghị sĩ Dân chủ tại Hạ viện mở cuộc điều tra luận tội ông Trump. Làm chứng trước Quốc hội, Joseph Maguire, giám đốc tình báo quốc gia tạm quyền, cho biết người tố cáo (không công bố danh tính) đã “hành động trung thực” và đơn khiếu nại của người này là “hoàn toàn chưa có tiền lệ”.

Gần 825.000 trẻ em ở Congo có thể được tiêm phòng sởi trong 9 ngày tới, theo một chương trình do WHO và chính phủ Congo tổ chức. Một trận dịch đã giết chết hơn 3.600 người – phần lớn là trẻ em –  ở nước này trong năm nay. Số nạn nhân như vậy còn cao hơn cả dịch Ebola.

Cho vay tại khu vực đồng euro đã bất ngờ tăng nhanh trong tháng trước, làm dịu nỗi lo về suy thoái kinh tế. Cho vay đối với doanh nghiệp tăng 4,3% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó Đức và Pháp ghi nhận mức tăng đặc biệt cao. Cho vay hộ gia đình cũng tăng so với một năm trước. Mặc dù vậy, sản lượng sản xuất của Châu Âu vẫn tiếp tục giảm.

Phương Tây lại tăng áp lực ngoại giao đối với Venezuela. Chính quyền Trump cấm nhiều quan chức cấp cao nước này và gia đình của họ đến Mỹ. Trong khi đó, Liên minh châu Âu sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt lên thêm bảy quan chức Venezuela nữa. Cho đến nay, chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro, được xem là bất hợp pháp bởi nhiều quốc gia, vẫn chưa cho thấy dấu hiệu bị chao đảo.

Tòa án cao nhất của Italia tuyên bố việc trợ tử, trước đây là phạm pháp, từ giờ sẽ được cho phép miễn là người được trợ tử trải qua “đau đớn không thể chịu đựng được”. Quyết định này được đưa ra sau khi Fabiano Antoniai, một DJ người Italy với nghệ danh DJ Fabo, chọn kết thúc cuộc đời mình trong một bệnh viện ở Thụy Sĩ. Anh này bị mù và liệt nửa người sau một vụ tai nạn xe hơi. Trường hợp của anh đã tác động mạnh lên Italia.

Cổ phiếu của Pearson, một nhà xuất bản Anh, đã mất 14% giá trị sau khi có cảnh báo lợi nhuận. Doanh thu sụt giảm sau khi sinh viên đại học Mỹ từ bỏ sách giáo khoa và chuyển sang các lựa chọn kỹ thuật số nhanh hơn dự kiến. Cho đến năm 2015, Pearson sở hữu Financial Times và 50% The Economist, các thương hiệu họ đã bán đi để tập trung vào hoạt động xuất bản giáo dục.

TIÊU ĐIỂM

Cuộc bầu cử nguy hiểm ở Afghanistan

Bầu cử ở Afghanistan chưa bao giờ là dễ dàng, nhưng cuộc bầu cử hôm thứ Bảy tới gợi lên nhiều linh cảm xấu hơn bình thường. Đây là lần thứ tư người Afghanistan bỏ phiếu bầu tổng thống kể từ sau khi chế độ Taliban bị lật đổ năm 2001. Tổng thống đương nhiệm Ashraf Ghani rất được yêu thích. Đối thủ lớn nhất của ông chính là người ông đánh bại 5 năm trước, Abdullah Abdullah. Các chiến dịch tranh cử rất buồn tẻ. Trước khi Tổng thống Donald Trump hủy bỏ các cuộc đàm phán với Taliban, cuộc bầu cử còn dự kiến được hoãn lại để không làm sao nhãng đàm phán.

Taliban phản đối cuộc bầu cử này và do đó bạo lực là rất đáng ngại. Tuy nhiên, mối quan tâm lớn nhất là đổ máu không phải vào ngày bầu cử, mà là sau đó. Các cuộc bầu cử trước đây đã đầy rẫy gian lận, khiến một số ứng viên – nhiều người kiểm soát các máy bay chiến đấu –  bác bỏ kết quả. Năm nay khó có thể khá hơn. Trong hai cuộc bầu cử năm 2009 và 2014, chỉ nhờ có Mỹ mọi thứ mới đi đúng hướng. Song, cam kết của Nhà Trắng đối với Afghanistan bây giờ mờ nhạt hơn. Liệu ông Trump có sẵn sàng can thiệp một lần nữa?

Ảnh hưởng của Đảng Brexit ở Anh

Liệu có đảng nào không có nghị sĩ quốc hội mà lại ảnh hưởng đến Westminster như vậy không? Đảng Brexit của Nigel Farage, vừa kết thúc một tuần sự kiện theo phong cách hội nghị tại London vào hôm nay, vẫn chưa đầy một năm tuổi và đang được thanh thiếu niên ủng hộ. Theo dự đoán, nếu Anh tổ chức bầu cử vào cuối năm nay thì đảng này sẽ không giành được nhiều ghế. Tuy nhiên, họ có thể dễ dàng quyết định kết quả. Quan điểm cứng rắn về Brexit của ông Farage (ông nói Brexit không thỏa thuận là kết quả duy nhất có thể chấp nhận được) là đủ để cám dỗ một số cử tri ngừng ủng hộ Đảng Bảo thủ.

Nếu Brexit lại bị trì hoãn một lần nữa vào tháng tới, điều khả năng cao sẽ xảy ra, thì sẽ gây thiệt hại cho đảng Bảo thủ, tăng nguy cơ họ đánh mất số ghế cần thiết để đạt đa số. Đảng của ông Farage giúp giải thích lý do Đảng Bảo thủ chọn Boris Johnson làm lãnh đạo của họ và tại sao ông Johnson lại dùng giọng điệu dân túy hơn bao giờ hết. Đảng Brexit có thể sẽ không đi đến đâu, nhưng họ đang đẩy đất nước theo hướng đáng lo ngại.

Biểu tình hiếm hoi ở Ai Cập

Cảnh sát đã bị bất ngờ khi vài trăm người Ai Cập biểu tình cuối tuần trước chống lại Tổng thống Abdel-Fattah al-Sisi. Đó là điều dễ hiểu. Trong nhiều năm qua hầu như không ai dám biểu tình, và bất đồng chính kiến bị đàn áp gay gắt. Vì vậy, mặc dù không lớn, nhưng các cuộc biểu tình vừa rồi rất có ý nghĩa. Trong nhiều tuần, Muhammad Ali, một doanh nhân Ai Cập lưu vong và là cựu diễn viên, đã đăng video lên YouTube từ Tây Ban Nha cáo buộc tổng thống al-Sisi lãng phí hàng triệu đô la vào một khách sạn sang trọng, dinh thự tổng thống và các dự án xa hoa khác, và kêu gọi người dân xuống đường.

Các video của ông làm rung chuyển nước này vì những tuyên bố của ông tạo ra tiếng vang trong người dân. Quân đội đã củng cố sức mạnh dưới thời ông Sisi và nghèo đói đang gia tăng. Tổng thống duy trì quyền lực một cách tàn bạo, trừng trị ngay cả những người chỉ trích ít nhất. Ông Ali đã kêu gọi nhiều cuộc biểu tình vào ngày mai. Phe đối lập bị co nhỏ của Ai Cập vẫn chưa ủng hộ ông Ali. Có thể có sự tức giận, nhưng không có ai ở Ai Cập để khai thác nó.

Áo chuẩn bị bầu cử

Vào tháng Năm, chính phủ Áo sụp đổ một cách ngoạn mục khi một video ghi hình từ 2017 bị rò rỉ, cho thấy Phó Thủ tướng và lãnh đạo Đảng Tự do cực hữu (FPÖ), Heinz-Christian Strache, hứa hẹn các hợp đồng quốc gia với một phụ nữ được cho là cháu gái của một tài phiệt Nga. Video này dường như minh oan cho những người chỉ trích quyết định mời FPÖ vào chính phủ liên minh của Sebastian Kurz, lãnh đạo đảng Nhân dân trung hữu (ÖVP).

Tuy nhiên, khi người Áo đi bỏ phiếu vào Chủ nhật tới, ông Kurz không chỉ nhiều khả năng sẽ chiến thắng  dễ dàng mà ông còn có thể quay trở lại thời điểm ông “chia tay” với FPÖ. Cho đến nay, chính trị gia 33 tuổi vẫn là người lãnh đạo đảng được ủng hộ nhất, với danh tiếng là một nhà cải cách năng nổ; trong khi đó, FPÖ đã tập hợp trở lại sau vụ bê bối Strache. Tuy nhiên, điều này khó có thể là công thức cho sự ổn định. FPÖ đã phá hủy mọi liên minh chính phủ trước đây mà họ tham gia.

Italia chuẩn bị công bố kế hoạch ngân sách

Năm ngoái, kế hoạch chi tiêu của Italia đã khiến thị trường hốt hoảng. Chênh lệch giữa lãi suất trái phiếu chính phủ Italia và lãi suất của Đức tăng vọt khi Ủy ban châu Âu đe dọa trừng phạt Rome vì vi phạm các quy tắc tài khóa của Liên minh châu Âu. Dự chi ngân sách năm nay có thể ít gây kịch tính hơn. Trong vài ngày tới, chính phủ sẽ đệ trình các kế hoạch tài chính cho năm 2020 trước quốc hội. Một chính phủ liên minh mới được xây dựng không bao gồm Liên đoàn phương Bắc cứng rắn và lãnh đạo của họ, Matteo Salvini, người trước đó với tư cách phó thủ tướng từng lựa chọn đối đầu với Ủy ban châu Âu.

Bộ trưởng tài chính hiện tại, Roberto Gualtieri, trước đây là một nghị sĩ EU, có thể sẽ tôn trọng quy tắc tài khóa của EU. Ông cũng có thể hy vọng giọng điệu hòa giải của mình sẽ khiến Brussels cho phép ông linh động tăng chi tiêu từ từ. Điều đó sẽ giúp ông ngăn chặn việc tăng thuế VAT, điều sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế. Tránh được một cuộc tranh cãi sẽ giúp ông có thể tập trung vào nhiệm vụ khó khăn là làm sống lại nền kinh tế Italy.