Thế giới bối rối trước sự tàn bạo của Trung Quốc ở Tân Cương

Nguồn: Few Chinese officials are blushing at a damning leak about Xinjiang”, The Economist, 21/11/2019.

Biên dịch: Phan Nguyên

Trung Quốc trong tuần này đối mặt với các bằng chứng tài liệu rò rỉ cho thấy họ đã xây dựng một nhà nước cảnh sát rộng lớn và tàn bạo ở vùng Tân Cương xa xôi. Trong một sự cố rò rỉ bất thường các tài liệu nội bộ chính thức của Trung Quốc, tờ New York Times đã đăng tải những bài phát biểu bí mật của Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi người Hồi giáo bị nhiễm “virut” của chủ nghĩa cực đoan chấp nhận trải qua “một giai đoạn điều trị can thiệp đau đớn”. Vụ rò rỉ cho thấy một bộ máy quan liêu máu lạnh khi Trung Quốc, bắt đầu từ năm 2017, đã bắt giữ hàng trăm ngàn người Hồi giáo, hầu hết trong số họ là người thiểu số Duy Ngô Nhĩ, và nhốt họ mà không qua xét xử trong các trại cải tạo vì những hành vi thể hiện sự mộ đạo bình thường, từ để râu dài đến cầu nguyện bên ngoài các nhà thờ do nhà nước kiểm soát. Các văn bản hướng dẫn đàn áp bao gồm lời lẽ được sử dụng để nói với những người con có cha mẹ bị bắt giam: “Hãy trân trọng cơ hội được giáo dục miễn phí mà đảng và chính phủ đã mang lại để xóa bỏ các suy nghĩ sai lầm”.

Các quan chức Trung Quốc đã đưa ra ba phản ứng trái ngược nhau. Chính quyền Tân Cương gọi báo cáo là một sự “xuyên tạc hoàn toàn” do các lực lượng chống Trung Quốc ở phương Tây dựng nên, những người không thể chịu đựng được khi nhìn thấy khu vực của họ thành công. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã có một phản ứng thận trọng hơn. Thay vì bác bỏ bản báo cáo một cách thẳng thừng, ông gọi đó là một “sự chắp vá vụng về”, nhằm bóp méo “những cái gọi là tài liệu nội bộ” để bôi nhọ các chính sách chống khủng bố và chống cực đoan hóa thành công của Trung Quốc. Phản ứng thứ ba, đến từ các phương tiện truyền thông nhà nước và một số quan chức, lại hoàn toàn khác. Phản ứng này gần với sự thừa nhận rằng Tân Cương thực sự nằm dưới sự cai trị của bàn tay sắt, và thế giới nên vui mừng vì điều đó.

Zhao Lijian là một nhà ngoại giao Trung Quốc và là một “dư luận viên” cao cấp, sử dụng tài khoản riêng của mình trên Twitter, một nền tảng truyền thông xã hội bị cấm tại Trung Quốc. Ông Zhao, người gần đây đã quay lại đảm nhiệm một vị trí cấp cao ở Bắc Kinh, đã lên Twitter vào ngày 18 tháng 11 để tố cáo phương Tây “rao giảng đạo đức”. Phê phán phương Tây sai lầm về vấn đề vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Iraq, ông tuyên bố “Trung Quốc xứng đáng được hoan nghênh vì đã thể hiện cách đối phó hiệu quả với khủng bố và chủ nghĩa cực đoan ở Tân Cương. Cứng rắn và thịnh vượng là một sự kết hợp tuyệt vời!” Luận điệu đó được lặp lại bởi Thời báo Hoàn cầu, một tờ báo lá cải thuộc sở hữu của tờ Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản. Trong một bài xã luận in kèm một tấm ảnh những người Duy Ngô Nhĩ đang nhảy múa, Hoàn Cầu ca ngợi các “biện pháp quyết liệt” đã giúp ngăn chặn Tân Cương không trở thành một Afghanistan hay Chechnya khác. Tờ báo này đồng tình với luồng tư tưởng của một số các trí thức dân tộc chủ nghĩa và các nhà tuyên giáo của đảng, những người phê phán ý tưởng cho rằng 100 triệu người dân tộc thiểu số của Trung Quốc, nhất là người Duy Ngô Nhĩ hoặc người Tây Tạng, nên được hưởng những đặc quyền như là cái giá cho sự tồn tại hòa bình cạnh 1,3 tỉ đa số người Hán. Họ ủng hộ việc thúc đẩy một bản sắc dân tộc tập thể.

Thời báo Hoàn cầu đã đưa ra một lập luận dựa trên quan điểm đa số trị thẳng thừng trong bài xã luận của mình, cho rằng khi giới tinh hoa phương Tây nêu quan ngại về vấn đề người Duy Ngô Nhĩ, họ đã xem nhẹ quyền của tất cả người Trung Quốc. “Cuộc tranh chấp về Tân Cương là cuộc đụng độ giữa không chỉ giữa hai hệ thống giá trị, mà còn giữa hai hệ thống lợi ích. Tất cả người dân Trung Quốc, bao gồm người dân của tất cả các dân tộc ở Tân Cương, hy vọng có được hòa bình và thịnh vượng trong khu vực. Các biện pháp giúp đạt được mục tiêu này phù hợp với đạo đức và công lý”, tờ báo viết. Tờ báo này luôn đi đầu trong việc nêu các quan điểm thẳng thắn, thách thức phương Tây về vấn đề Tân Cương.

Nếu xét những rủi ro mà các nhà hoạt động và người lưu vong Duy Ngô Nhĩ cũng như các nhà nghiên cứu phương Tây đã phải đối mặt để đưa các thông tin về Tân Cương ra thế giới bên ngoài, thì nghe có vẻ vô lý khi phương Tây dường như khó đối mặt với sự thật hơn là với những lời nói dối trắng trợn. Đó là bởi vì nếu nhìn vào quan điểm của ông Tập thể hiện trong các tài liệu bị rò rỉ, có thể thấy quan điểm cứng rắn về Tân Cương – rằng Trung Quốc rất tàn nhẫn, và cần phải như vậy – lại rất gần với quan điểm của chính ông Tập. Các tài liệu bị rò rỉ bao gồm một bài phát biểu bí mật từ năm 2014, trong đó ông Tập nói các quan chức cấp cao nên gạt những chỉ trích của quốc tế qua một bên: “Các đồng chí đừng sợ nếu các thế lực thù địch chỉ trích, hoặc bôi nhọ hình ảnh của Tân Cương”. Thời điểm đó đang chứng kiến các cuộc tấn công khủng bố gây chết người của phiến quân Duy Ngô Nhĩ, và trong các tài liệu bị rò rỉ, ông Tập thể hiện quan điểm khác với những người tiền nhiệm của ông, những người hy vọng rằng tăng trưởng kinh tế sẽ dập tắt xu hướng li khai bạo lực. “Trong những năm gần đây, Tân Cương đã phát triển rất nhanh và mức sống vẫn không ngừng tăng lên, nhưng ngay cả khi như vậy, chủ nghĩa ly khai sắc tộc và bạo lực khủng bố vẫn đang gia tăng”, ông nói. Trong các tài liệu bị rò rỉ, ông Tập đặt niềm tin vào sự giám sát toàn diện, giảng dạy ý thức hệ nghiêm ngặt và gia tăng dòng người Hán định cư vào các khu vực có người Duy Ngô Nhĩ sinh sống tập trung.

Ông Tập là người có thẩm quyền tuyệt đối trong Đảng Cộng sản. Nhưng ông cũng có thể được coi là một người theo chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc trung ương tập quyền. Và cho dù ông Tập đang thúc đẩy “Trung Quốc mộng” hay đòi hỏi sự kiểm soát chặt chẽ hơn nhằm “Hán hóa” Hồi giáo, Kitô giáo và các tôn giáo khác, thì ý tưởng của ông vẫn được nhiều công dân ủng hộ. Dư luận Trung Quốc không phải là đồng nhất, và các tài liệu bị rò rỉ cho thấy một số quan chức người Hán ở Tân Cương đã chống lại chế độ cứng rắn mới, thậm chí lặng lẽ phóng thích các tù nhân người Duy Ngô Nhĩ. Nhưng người dân Trung Quốc bình thường đang sống giữa tiếng trống dồn dập của chủ nghĩa dân tộc và liên tục được nhắc nhở về những mối đe dọa khủng bố không xác định. Tại mỗi sân bay, nhà ga và trạm tàu điện ngầm ở Trung Quốc đều có các điểm kiểm soát an ninh, cộng với những chiếc thùng bọc thép khổng lồ trông như vạc dầu của phù thủy, nơi người ta có thể thả bom vào trong (để hạn chế sức công phá). Có rất ít bằng chứng cho thấy các biện pháp an ninh như vậy bị người dân phản đối. Du lịch nội địa đến Tân Cương đã phát triển mạnh mẽ ngay cả khi các trạm kiểm soát của cảnh sát và camera giám sát đã biến khu vực này thành một khu vực “chuyên chế công nghệ kỹ thuật số”, với các blogger du lịch nổi tiếng của Trung Quốc bày tỏ sự ngạc nhiên về mức độ an toàn của nơi này. Quan điểm chống Hồi giáo đang lan tràn trên mạng internet ở Trung Quốc.

Với thế giới, sự tàn bạo bí mật của chính quyền Trung Quốc đã khó đối phó, nay sự đàn áp công khai, thẳng thừng còn khó đối phó hơn. Xóa bỏ những nỗi kinh hoàng ở Tân Cương có thể đòi hỏi phải đối đầu với công luận Trung Quốc, cũng như những nhà lãnh đạo của họ. Không rõ liệu thế giới có sẵn lòng tiến hành cuộc chiến đó hay không.■