Nguồn: Anthony V Rinna, “Containing China through the South Korea–US alliance”, East Asia Forum, 21/11/2019.
Biên dịch: Trần Hùng
Washington dường như đang sử dụng liên minh Mỹ – Hàn để thúc đẩy mục tiêu kiềm chế Trung Quốc, như là một phần của chiến lược Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương mở và tự do. Nhưng việc Mỹ cố gắng lôi kéo Hàn Quốc vào cuộc cạnh tranh chiến lược với Bắc Kinh cuối cùng sẽ có nguy cơ đẩy đối tác của mình ra xa, ngay cả khi cả Washington và Seoul đều khẳng định rằng liên minh vẫn ‘vững như bàn thạch’.
Động thái này diễn ra vào thời điểm liên minh Mỹ – Hàn đang trải qua một giai đoạn căng thẳng chưa từng thấy trong gần 20 năm qua. Căng thẳng này xuất phát từ đòi hỏi tài chính cắt cổ mà Nhà Trắng đưa ra nhằm duy trì Lực lượng Hoa Kỳ tại Hàn Quốc cũng như từ áp lực của Mỹ đối với Hàn Quốc nhằm buộc nước này không rút khỏi hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo GSOMIA với Nhật Bản.
Mục đích chính thức của liên minh quân sự Mỹ – Hàn trong nhiều thập niên qua là để ngăn chặn một cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường của Triều Tiên vào Hàn Quốc, đồng thời cũng ngăn Hàn Quốc thực hiện việc thống nhất Bán đảo Triều Tiên bằng vũ lực.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, sự trỗi dậy của Trung Quốc đã mang lại một mục đích mới cho liên minh Mỹ – Hàn. Các cuộc thăm dò gần đây của cả Hội đồng Chicago về các Vấn đề Toàn cầu và Viện Asan có trụ sở tại Seoul đều chỉ ra rằng sự ủng hộ đối với liên minh vẫn mạnh mẽ – một phần vì công chúng của cả Hàn Quốc và Hoa Kỳ đều coi đó là công cụ để giúp đối phó với Trung Quốc.
Cũng đã xuất hiện các đề xuất sửa đổi liên minh để Hàn Quốc tham gia vào các tình huống liên quan đến Hoa Kỳ bên ngoài Bán đảo Triều Tiên, như ở Biển Đông. Cũng có sự quan tâm dành cho việc mở rộng phạm vi liên minh từ sự hỗ trợ tạm thời và tương đối hạn chế trong lịch sử của Hàn Quốc dành cho các sứ mệnh quân sự của Mỹ ở các khu vực khác trên thế giới sang một vai trò lâu dài, cố định hơn.
Nhưng Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với rủi ro từ bất kỳ nỗ lực nào nhằm tái định hình mục đích của liên minh nhằm giúp Hoa Kỳ chống lại Trung Quốc. Một so sánh tương đối là trường hợp thay đổi mục đích của NATO sau Chiến tranh Lạnh.
Các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ vào những năm 1990 tin rằng việc mở rộng NATO là tốt nhất cho an ninh châu Âu, ngay cả khi điều đó đi ngược lại những lời hứa mà Washington đã đưa ra trước đây với Moskva. Các hành động xâm lược của Nga chống lại Gruzia và Ukraine – và mối đe dọa tiềm tàng của Nga ở các quốc gia láng giềng khác – là một phản ứng trực tiếp đối với một cuộc bao vây địa chính trị vô cớ của phương Tây đối với Nga.
Câu hỏi mà các nhà hoạch định chính sách ở Seoul cần đặt ra là liệu việc duy trì thỏa thuận an ninh hiện tại với Hoa Kỳ có đáng để Hàn Quốc mạo hiểm vướng vào sự hoài nghi sâu sắc của Washington đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc hay không. Tương tự như vậy, Washington phải xem xét khả năng khiến Hàn Quốc xa lánh nếu yêu cầu Seoul mở rộng phạm vi của liên minh nhằm cân bằng lại Trung Quốc.
Suy luận thông thường sẽ dẫn đến dự đoán rằng Hàn Quốc cuối cùng sẽ phải chọn liên kết chính trị hoàn toàn với Trung Quốc hoặc Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Hàn Quốc đang cho thấy xu hướng sẽ giữ lập trường riêng khi nói về quan hệ với Trung Quốc bên ngoài khuôn khổ cạnh tranh giữa các cường quốc.
Sau sự sụp đổ của quan hệ Trung – Hàn hồi năm 2015 – 2016 do tranh cãi liên quan đến việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã bắt tay vào ‘tái lập’ quan hệ với Bắc Kinh. Việc tái lập này đã giúp mở đường cho cuộc đối thoại chiến lược Trung – Hàn năm 2019 – cuộc đối thoại đầu tiên như vậy giữa Trung Quốc và Hàn Quốc kể từ năm 2014.
Một đường dây nóng quân sự giữa Bắc Kinh và Seoul khai trương năm 2015 cũng được sử dụng hiệu quả vào tháng 10 năm 2019 khi không quân Trung Quốc thông báo cho Hàn Quốc biết rằng máy bay của Trung Quốc đang tiếp cận Khu vực nhận dạng phòng không của Hàn Quốc.
Dù các biện pháp trả đũa về kinh tế của Trung Quốc đối với Hàn Quốc hồi năm 2017 đã không thể làm đảo ngược quyết định triển khai THAAD của Seoul, chúng cho thấy rằng Hoa Kỳ sẽ không nhất thiết chia sẻ gánh nặng chiến tranh kinh tế với đồng minh. Dường như đây là lý do đằng sau quyết định của Hàn Quốc nhằm ban hành cái gọi là chính sách “ba không” đối với Trung Quốc liên quan đến liên minh với Hoa Kỳ – không triển khai THAAD bổ sung, không tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, và không thiết lập liên minh quân sự ba bên Mỹ – Nhật – Hàn.
Tương tự như vậy, bất chấp mối đe dọa chung của Triều Tiên đối với Seoul, Tokyo và Washington, Hàn Quốc đã đặt những gì họ coi là lợi ích quốc gia của mình trước chủ nghĩa đa phương về an ninh. Việc Hàn Quốc quyết định rút khỏi hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo GSOMIA (cập nhật: ngày 22/11/2019, Hàn Quốc đã quyết định vẫn tham gia hiệp định này – ND) cho thấy Hàn Quốc sẵn sàng chia tay với một đồng minh khác của Mỹ ở Đông Bắc Á. Nó cũng cho thấy không có gì đảm bảo Hàn Quốc sẽ tuân theo các yêu cầu của Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc.
Liên minh Mỹ – Hàn kéo dài hàng thập niên qua, được củng cố bởi mức độ liên kết chưa từng có giữa quân đội hai quốc gia, nhiều khả năng sẽ còn kéo dài. Nhưng chừng nào liên minh còn tồn tại, nó cần tuân theo mục đích ban đầu là đảm bảo an ninh của Hàn Quốc trước sự đe dọa tấn công từ Triều Tiên. Mở rộng ra ngoài mục tiêu này của liên minh sẽ chỉ gây thêm căng thẳng cho mối quan hệ đối tác vốn đã chịu nhiều sức ép này.
Anthony V Rinna là biên tập viên cao cấp và chuyên gia về chính sách đối ngoại của Nga ở Đông Á trong Nhóm nghiên cứu về Trung Quốc và Triều Tiên.