Quan điểm thân Trung Quốc ngáng đường vào Nhà Trắng của Bloomberg?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Josh Rogin, “Michael Bloomberg’s China record shows why he can’t be president”, The Washington Post, 13/11/2019.

Biên dịch: Phan Nguyên

Trung Quốc đang nhanh chóng trở thành vấn đề chính sách đối ngoại quan trọng nhất của Hoa Kỳ. Khi chính phủ Trung Quốc ngày càng đàn áp trong nước và hung hăng hơn ở bên ngoài, người dân Mỹ đang thức tỉnh trước những nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm làm suy yếu an ninh, thịnh vượng và tự do của Hoa Kỳ. Hồ sơ về Trung Quốc của ứng viên tổng thống mới Mike Bloomberg cho thấy ông không phải là người phù hợp để dẫn đất nước chúng ta đương đầu với thách thức lịch sử này.

Cựu thị trưởng New York và công ty Bloomberg LP của ông đã “đầu tư” rất nhiều vào Trung Quốc cũng như ý tưởng “thỏa hiệp” với chính phủ Trung Quốc – ngay cả khi điều đó có nghĩa là nhắm mắt làm ngơ trước thực tế. Sự gần gũi của Bloomberg với lãnh đạo Trung Quốc chắc chắn là một điều có ích cho doanh nghiệp của ông, nhưng nó cũng cho thấy một điểm yếu rất lớn của ông trong nỗ lực trở thành tổng thống Hoa Kỳ.

Bloomberg đưa ra quan điểm thỏa hiệp về cách vận hành của giới lãnh đạo Trung Quốc trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 9 với chương trình Firing Line của đài PBS: “Đảng Cộng sản muốn duy trì quyền lực ở Trung Quốc và họ lắng nghe công chúng”, Bloomberg nói. “Tập Cận Bình không phải là một nhà độc tài. Ông ta phải thỏa mãn người dân của mình, nếu không ông ta sẽ không thể sống sót”.

Bloomberg lập luận rằng Bắc Kinh cam kết bảo vệ môi trường. Quỹ từ thiện của ông, Bloomberg Philanthropies, đã làm việc trong nhiều năm để giúp tài trợ cho các sáng kiến ​​năng lượng xanh của Trung Quốc thông qua hợp tác với chính phủ Trung Quốc. Nhìn chung, các chính sách môi trường của Trung Quốc rất tệ hại, nhưng họ cũng đã đạt được một số tiến bộ trong việc khắc phục ô nhiễm đô thị.

Nhưng khi bị người dẫn chương trình Margaret Hoover hỏi liệu ông ta có thực sự tin rằng Tập là người biết phản ứng trước ý chí dân chủ của người dân hay không, Bloomberg đã càng nhấn mạnh quan điểm của mình.

“Đảng Cộng sản Trung Quốc nhìn vào Nga và để xem Đảng Cộng sản (Liên Xô) đang ở đâu và họ không thấy nó ở đấy nữa. Và họ không muốn điều đó xảy ra với mình. Vì vậy, họ thực sự phản ứng nhanh”, ông nói.

Hãy tạm chưa bàn tới thực tế rằng Nga được lãnh đạo bởi một cựu sĩ quan KGB, người đã đưa Nga quay về với chủ nghĩa độc đoán kiểu Xô-viết. Quan điểm cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc biết phản ứng với nguyện vọng của người dân đối nghịch với tình trạng đàn áp nghiêm trọng đang diễn ra ở Tân Cương, nơi có ít nhất một triệu người đang bị giữ trong các trại giam, và tình hình ở Hồng Kông, nơi chính quyền đang đối phó với hàng triệu người tuần hành đòi các quyền đã được hứa hẹn bằng cách cố thủ trong các trường đại học.

Không có gì bí ẩn quanh chuyện tại sao Bloomberg nhìn lãnh đạo Bắc Kinh qua lăng kính màu hồng. Tuần tới, ông sẽ chủ trì một hội nghị kinh tế quốc tế lớn tại Bắc Kinh với sự tham dự của các nhà lãnh đạo cấp cao của chính phủ và giới doanh nghiệp Trung Quốc. Bloomberg muốn hội nghị có ảnh hưởng lớn hơn cả Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos.

Năm ngoái, Bloomberg đã phải chuyển hội nghị sang Singapore sau khi Bắc Kinh quyết định không đăng cai hội nghị này vào phút chót. Điều này được cho là vì căng thẳng gia tăng trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Nhưng Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn vẫn tham dự.

Cá nhân Bloomberg đã vận động hành lang chống lại những gì ông coi là cuộc đối đầu kinh tế của Trump với Trung Quốc. Ông thường lập luận rằng chính sách của Trump về việc sử dụng thuế quan nhằm gây áp lực với Bắc Kinh là phản tác dụng và tin rằng “chúng ta cần phải tìm cách hợp tác” với Trung Quốc.

Vào năm 2013, Bloomberg LP đã vướng vào bê bối khi bị buộc tội loại bỏ những phóng sự của trang Bloomberg News tiết lộ các cáo buộc tham nhũng ở Trung Quốc liên quan trực tiếp đến các thành viên gia đình ông Tập Cận Bình. Bloomberg News phủ nhận việc kiểm duyệt những câu chuyện trên, nhưng New York Times đưa tin rằng các giám đốc điều hành sợ Bloomberg LP sẽ bị cấm cửa khỏi Trung Quốc. Một số phóng viên và biên tập viên đã từ chức để phản đối.

Ben Richardson, biên tập viên của trang tin Bloomberg châu Á, sau đó nói với đài NPR rằng lãnh đạo Bloomberg News đã nói với ông rằng những phóng sự về gia đình của các thành viên Bộ Chính trị Trung Quốc là ngoài khuôn khổ cho phép.

Bloomberg LP không chỉ kiếm tiền ở Trung Quốc bằng cách bán thiết bị đầu cuối. Thông qua Chỉ số Trái phiếu Tổng hợp Toàn cầu Bloomberg Barclays, Bloomberg LP đang giúp tài trợ cho các công ty Trung Quốc bằng cách bơm hàng tỷ đô la từ các nhà đầu tư Hoa Kỳ vào thị trường trái phiếu Trung Quốc.

Năm nay, chỉ số bắt đầu kế hoạch kéo dài 20 tháng để hỗ trợ cho 364 công ty Trung Quốc bằng cách mua khoảng 150 tỷ đô la các loại trái phiếu mà họ chào bán, bao gồm 159 công ty do chính phủ Trung Quốc trực tiếp kiểm soát. Bloomberg, cùng với các công ty khác trên Phố Wall, đang hỗ trợ hiệu quả cho các nỗ lực của chính phủ Trung Quốc trong việc chống lại áp lực kinh tế của chính phủ Hoa Kỳ, đồng thời khiến các nhà đầu tư Mỹ gặp rủi ro gia tăng.

Không có gì sai khi tổ chức một hội nghị ở Trung Quốc hoặc gần gũi với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Quan điểm của Bloomberg là Hoa Kỳ nên bỏ qua hành vi xấu của chính phủ Trung Quốc, chung sống hòa thuận để làm ăn. Quan điểm này khá phổ biến ở Phố Wall. Nếu ông được bầu làm tổng thống, ông có thể rời các doanh nghiệp của mình như ông đã làm trong thời kỳ làm thị trưởng New York.

Nhưng nếu Bloomberg thực sự tin những gì ông nói, thì việc ông hiểu sai về bản chất và tham vọng của chính phủ Trung Quốc có thể gây ra những hậu quả tàn phá đối với chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Ông sẽ ủng hộ một chính sách ngây thơ về can dự với Trung Quốc cũng như những ảo tưởng đã từng được thử và thất bại.

Chưa nói đến thực tế rằng xoa dịu Trung Quốc là một thái độ chính trị tồi (và có khả năng sẽ tiếp tục như vậy trong năm 2020). Donald Trump Jr. đã nhắc đến những bình luận của Bloomberg về Tập trên Twitter vào tuần trước, nói rằng “Ôi trời, tôi đoán ông ấy đang cố gắng thuyết phục NBA đổi ý?!?”[1]

Trong 12 tháng tới, chủ yếu do các hành động của chính phủ Trung Quốc, các cuộc khủng hoảng ở Tân Cương và Hồng Kông có thể sẽ càng trở nên tồi tệ hơn. Nhiều công ty Mỹ sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt không công bằng khi Đảng Cộng sản Trung Quốc trấn áp quyền tự do ngôn luận của người Mỹ.

Hoa Kỳ cần một tổng thống nhìn thấy thách thức Trung Quốc một cách rõ ràng, người thừa nhận bản chất của chính phủ Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc, và tin rằng đối đầu với thách thức đó còn quan trọng hơn cả việc kiếm tiền và chung sống hòa thuận. Mike Bloomberg không phải là người phù hợp cho công việc đó.

Josh Rogin là nhà bình luận về chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của tờ The Washington Post.

—————-

[1] NBA (Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia) là tâm điểm của một tranh cãi giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vào  tháng 10/2019, khi một quan chức NBA là Daryl Morey đăng một dòng tweet ủng hộ phong trào dân chủ của Hồng Kông. Trung Quốc phản ứng dữ dội khiến NBA ra thông báo nói rằng dòng tweet của Morey đã xúc phạm người hâm mộ và rằng quan điểm của Morey không đại diện cho quan điểm của NBA. Sau đó, phát biểu này đã  gây ra phản ứng mạnh từ phía nội bộ Hoa Kỳ, khi chính giới Hoa Kỳ chỉ trích NBA kiềm chế tự do ngôn luận và thỏa hiệp với chính phủ Trung Quốc, khiến NBA phải đưa ra tuyên bố thứ hai khẳng định NBA bảo vệ tự do ngôn luận  và các giá trị của Hoa Kỳ chống lại sự đàn áp của Trung Quốc (ND).