Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Cảnh sát London vùa công bố thêm chi tiết về vụ tấn công khủng bố ở thành phố này hôm thứ Sáu. Usman Khan, kẻ được thả khi chỉ mới thi hành một nửa án tù 16 năm vì các tội danh khủng bố, đã đâm chết hai người, Jack Merritt và Saskia Jones, trước khi bị cảnh sát tiêu diệt. Merritt là điều phối viên của một hội nghị về cải tạo tù nhân mà kẻ sát hại ông đã tham dự chiều hôm đó.
Cảnh sát Hồng Kông đã bắn đạn hơi cay để giải tán người biểu tình chống chính phủ khi các cuộc biểu tình bước vào đợt cuối tuần thứ 27 liên tiếp. Bạo lực tiếp diễn sau một thời gian tạm lắng vì các cuộc bầu cử địa phương vào Chủ nhật tuần trước, cuộc bầu cử mà các ứng viên dân chủ đã giành quyền kiểm soát 17 trên 18 hội đồng quận của Hồng Kông.
Trước thềm các cuộc đàm phán COP25 về khí hậu tại Madrid, Liên Hợp Quốc tuyên bố Mark Carney, thống đốc Ngân hàng Anh, sẽ trở thành đặc phái viên về tài chính và hành động khí hậu. Ông Carney, người sẽ mãn nhiệm ở Ngân hàng Anh vào tháng tới, sẽ được trả 1 đô la danh nghĩa một năm cho công việc mới của mình.
Một cặp ứng viên cánh tả ít được biết đến đã chiến thắng trong cuộc bầu cử lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội Đức. Norbert Walter-Borjans và Saskia Esken nhận được 53% phiếu bầu. Cặp đôi trung dung gồm Olaf Scholz, bộ trưởng tài chính và Klara Geywitz, một chính trị gia địa phương từ miền đông nước Đức, chỉ giành được 45% số phiếu. Chiến thắng của ông Walter-Borjans và bà Esken làm tăng khả năng SPD sẽ rút khỏi liên minh cầm quyền Thủ tướng Angela Merkel.
Các công tố viên ở Malta buộc tội một doanh nhân nổi tiếng tội đồng lõa trong vụ giết Daphne Caruana Galizia, một nhà vận động và nhà báo chống tham nhũng. Yorgen Fenech, một trong những người đàn ông giàu có nhất Malta, phủ nhận cáo buộc. Ba người đàn ông đã bị bắt và bị buộc tội vào đầu năm nay vì đặt và kích nổ quả bom xe giết chết Caruana Galizia hồi năm 2017. Họ cũng không nhận và đang chờ xét xử.
Hãng tin Nhật Bản Kyodo cho biết Nissan, Renault và Mitsubishi đã đồng ý thành lập một liên doanh mới để tập trung vào nghiên cứu và phát triển các công nghệ ô tô mới. Liên doanh này nhằm tăng cường cho liên minh hiện có giữa các hãng này. Mối quan hệ đã trở nên căng thẳng kể từ vụ bắt giữ và loại bỏ Carlos Ghosn, một giám đốc điều hành hàng đầu tại ba công ty.
Giáo hoàng Francis kêu gọi mọi người chống lại sự thái quá của chủ nghĩa tiêu dùng trong dịp Giáng sinh, gọi đó là một loại virus tấn công đức tin và xúc phạm người nghèo. Những lời bình luận trên được ông đưa ra trong một bài giảng vào Chủ nhật giữa Thứ Sáu Đen và Thứ Hai Điện Tử, hai trong số những ngày mua sắm lớn nhất trong năm. Doanh số bán hàng trực tuyến ở Mỹ đạt 7,4 tỷ đô la vào thứ Sáu, tăng 20% so với năm trước.
TIÊU ĐIỂM
Cuộc bầu cử Anh và vụ khủng bố trên cầu London
Cuộc tổng tuyển cử của Vương quốc Anh xem ra sẽ chỉ xoay quanh Brexit. Tuy nhiên, khi tuần vận động tranh cử cuối cùng bắt đầu hôm nay, trọng tâm đang chuyển sang vấn đề an ninh. Một vụ tấn công khủng bố ở London hôm thứ Sáu đã làm ba người bị thương và khiến ba người chết – trong đó có thủ phạm Usman Khan, một tên khủng bố bị kết án mới được ra khỏi tù. Dù có thể không thích đáng lắm, nhưng thủ tướng Boris Johnson và lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn sẽ nhắc đến cuộc tấn công trong các chiến dịch tranh cử của họ. Song cũng tồn tại những rủi ro cho cả hai người.
Hai phần ba người Anh không tin tưởng ông Corbyn về các vấn đề an ninh. Tuần này Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Watford sẽ nhắc nhớ cử tri về thái độ lạnh nhạt của ông với liên minh. Trong khi đó, ông Johnson đang cam kết sẽ đưa ra các án tù dài hơn và bãi bỏ việc phóng thích sớm cho những kẻ khủng bố. Cử tri có thể hoài nghi nếu họ cảm thấy ông quá háo hức khai thác một bi kịch. Các cuộc thăm dò ý kiến từ lâu đã cho thấy Đảng Bảo thủ thoải mái dẫn đầu nhưng khoảng cách đang thu hẹp một chút. Cuộc bầu cử này vẫn chưa kết thúc.
COP 25: Hội nghị thường niên về biến đổi khí hậu
Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu – gọi tắt là COP25 – sẽ bắt đầu từ hôm nay tại Madrid. Sự kiện thường niên này là một diễn đàn để các quốc gia vạch ra đường hướng chính xác nhằm đối phó với biến đổi khí hậu. Theo thỏa thuận Paris năm 2015, các bên ký kết cam kết giữ mức nóng lên toàn cầu vào năm 2100 sẽ “ít hơn” 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Tại COP năm nay, phần lớn các cuộc tranh luận sẽ xoay quanh điều 6 của thỏa thuận Paris, trong đó nêu rõ cần có một cơ chế để các nước mua bán hạn ngạch phát thải. Điều này có khả năng đặt nền móng cho một thị trường và giá cả carbon toàn cầu. Song các cuộc đàm phán chắc chắn sẽ rất khó khăn. Các chính phủ dự kiến đạt đồng thuận về cơ chế này vào năm ngoái, nhưng đã thất bại. Sẽ cần có nhiều tham vọng hơn nữa. Các hành động khí hậu hiện tại, dù được thực hiện cùng nhau, sẽ không thể giúp hành tinh của chúng ta đạt được mục tiêu 2°C.
Hội nghị Kinh tế Châu Phi
Bầu trời phía trên thành phố Sharm el-Sheikh có thể xanh trong, nhưng tuần này một đám mây sẽ lơ lửng trên đầu thị trấn nghỉ mát Ai Cập khi các nhân vật quan trọng về phát triển và tài chính của châu Phi tề tựu cho cuộc họp thường niên của họ. Các nền kinh tế trên khắp vùng hạ Sahara vẫn đang ì ạch hồi phục từ đợt giảm giá hàng hóa cơ bản bắt đầu vào năm 2014. IMF gần đây đã cắt giảm dự báo tăng trưởng trong năm nay của khu vực này xuống còn 3,2%, một mức không nhanh hơn là bao so với tốc độ gia tăng dân số.
Sự kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế chậm chạp và các phòng hộ sinh bận rộn đang làm tăng số thanh niên thất nghiệp; và chắc chắn sẽ trở thành chủ đề hàng đầu trong chương trình nghị sự. Song, ngoài việc liên tục nói về tầm quan trọng của giáo dục, sẽ chẳng mấy ai nỗ lực dỡ bỏ các rào cản thương mại, luật lao động phiền hà và mớ quy trình rườm rà của chính phủ, những rào cản chính đối với việc tạo ra việc làm.
Phó tổng thống đắc cử của Argentina hầu tòa
Tổng thống Argentina từ năm 2007 đến 2015, Cristina Fernández de Kirchner, hôm nay sẽ trở lại tòa án với cáo buộc tham nhũng và lạm dụng các quỹ công. Chỉ còn 8 ngày nữa là bà lên nắm quyền phó tổng thống, cùng với vị tổng thống đắc cử mà bà chọn làm đối tác tranh cử, ông Alberto Fernández (giữa 2 người không có quan hệ họ hàng). Trong một bước ngoặt phút chót, bà Fernández đã đệ đơn yêu cầu các thủ tục tố tụng của tòa án được tường thuật trực tiếp trên truyền hình, điều các thẩm phán từ chối.
Các cố vấn khuyên bà lặp lại tuyên bố của mình về “đàn áp chính trị”, trong khi những người ủng hộ tổ chức một cuộc biểu tình bên ngoài tòa án yêu cầu một “Giáng sinh không có tù nhân chính trị”. Cựu phó tổng thống và cựu bộ trưởng kế hoạch của bà là hai trong số những người ngồi tù vì tham nhũng. Tổng thống đắc cử đã đứng về phía bà Fernández, đề cập đến lần hầu tòa gần đây nhất của bà như là “sự bắt giữ tùy tiện” những người “bị ngăn trở chỉ vì là phe đối lập”. Bà Fernández sẽ có một ngày trọng đại cho dù phiên tòa sẽ kết thúc như thế nào đi nữa.
Tòa án Tối cao Hoa Kỳ xét vấn đề quyền sở hữu súng
Hôm nay, Tòa Tối cao Mỹ sẽ xem xét lại một câu hỏi mà họ đã lảng tránh suốt từ năm 2008: bản chất của “quyền giữ và mang vũ khí của người dân” được đề cập trong hiến pháp. Lần này là trường hợp liên quan đến một quy định đã bị bãi bỏ ở New York, theo đó cấm hầu hết các chủ sở hữu súng có giấy phép mang vũ khí của họ đến bất kỳ nơi nào khác bên ngoài thành phố. Các nguyên đơn gọi lệnh cấm vận chuyển vũ khí là vi hiến, và làm tổn hại quyền của người dân New York. Ở hai tòa án cấp dưới, thành phố đã bảo vệ thành công quy định này như một biện pháp an toàn công cộng.
Nhưng sau khi Tòa Tối cao đồng ý xem xét vụ việc, Thành phố New York lo ngại việc thua kiện sẽ củng cố quyền sử dụng súng, tạo thành một tiền lệ phá vỡ các luật kiểm soát súng khác. Trong một nỗ lực nhằm khiến vụ kiện trở nên kém quan trọng, thành phố đã loại bỏ quy định này và các nhà lập pháp tiểu bang đã thông qua một luật củng cố quyền mang chuyển vũ khí của những người có giấy phép. Mặc dù vậy, các nguyên đơn sẽ tranh luận rằng “những động thái khác thường” này không nên ngăn cản Tòa án Tối cao xem xét vụ kiện.