Thế giới hôm nay: 9/12/2019

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Hàng chục nghìn người Hồng Kông lại xuống đường biểu tình ủng hộ dân chủ, hai tuần sau khi các ứng viên chống chính phủ thắng lớn trong các cuộc bầu cử địa phương. Đây là cuộc tuần hành đầu tiên được chính phủ cấp phép trong bốn tháng qua, và lớn nhất trong thời gian gần đây. Trước đó, cảnh sát đã đột kích tư gia của một số nhà hoạt động, bắt giữ và thu hồi một khẩu súng ngắn. Tuy nhiên, đến lúc này các cuộc biểu tình vẫn trôi qua trong trật tự.

Kinh tế Trung Quốc đón nhận các tin tức trái chiều. Xuất khẩu giảm 1,1% trong tháng 11 so với năm trước. Đây là tháng thứ tư liên tiếp xuất khẩu giảm, trong bối cảnh nước này mắc kẹt trong cuộc thương chiến với Mỹ. Tuy nhiên, nhập khẩu tăng cho thấy các biện pháp kích cầu của chính phủ vẫn có hiệu quả. Trung Quốc tháng vừa rồi vẫn thặng dư thương mại 38 tỷ đô la.

MỹIran trao đổi tù nhân trên đường băng của sân bay Zurich. Iran đã thả một sinh viên người Mỹ gốc Hoa, người bị họ cáo buộc làm gián điệp; trong khi Mỹ thả một nhà khoa học Iran bị nghi ngờ vi phạm lệnh trừng phạt. Tổng thống Donald Trump đã cảm ơn chế độ Tehran, nói rằng điều đó cho thấy hai nước có thể cùng tạo ra thỏa thuận.

Các cuộc biểu tình phản đối đề xuất cải cách lương hưu tiếp tục làm rúng động nước Pháp. Đình công làm tê liệt hệ thống đường sắt quốc doanh và giao thông Paris vào cuối tuần; trong khi một cuộc biểu tình lớn khác được lên kế hoạch cho thứ Ba. Chính phủ cho biết họ muốn tiếp tục kế hoạch thống nhất các chế độ lương hưu phân mảnh của đất nước, song sẽ cung cấp thêm chi tiết, và có lẽ là một số nhượng bộ, vào thứ Tư.

Thủ tướng Anh Boris Johnson thừa nhận cảm thấy lo lắng khi Công đảng thu hẹp đôi chút khoảng cách với Đảng Bảo thủ trong các cuộc thăm dò. Một khảo sát cho thấy khoảng cách chỉ 8 điểm giữa hai bên. Đảng Bảo thủ được dự đoán sẽ thắng, song vì thiếu đồng minh chính trị, họ sẽ khó xây dựng được một liên minh trong trường hợp không bên nào thắng.

Ít nhất 43 người chết trong một vụ cháy nhà máy sản xuất túi xách ở Delhi. Tòa nhà này nằm trong chợ bán sỉ ở khu phố cổ của thành phố, nơi thường chật cứng và do đó rất khó để lính cứu hỏa tiếp cận. Ở Ấn Độ, các quy định về phòng cháy chữa cháy thường bị ngó lơ, khiến cho những vụ cháy như vậy trở nên phổ biến.

Triều Tiên cho biết họ đã tiến hành một vụ thử tên lửa “rất quan trọng” tại cơ sở phóng Sohae, nơi trước đó họ đã đồng ý tháo dỡ. Vụ phóng này, hiện chưa được xác minh độc lập, diễn ra sau khi chế độ ở Bình Nhưỡng đưa ra thời hạn cuối năm nay để Mỹ thay đổi cách tiếp cận với đàm phán phi hạt nhân hóa. Hai nước đã ngưng thảo luận chính thức kể từ tháng Mười.

TIÊU ĐIỂM

Quốc hội Nhật bế mạc, thủ tướng thở phào

Thủ tướng Shinzo Abe sẽ được thở phào nhẹ nhõm vào sáng nay. Việc quốc hội bế mạc cuối năm đã giúp kết thúc trong gượng gạo việc các nghị sĩ truy vấn thủ tướng về một vụ scandal gần đây vốn khiến tỉ lệ ủng hộ của ông suy giảm. Các chính trị gia đối lập cáo buộc chính phủ sử dụng quỹ công để mời các thân hữu đến dự một bữa tiệc lớn vào tháng Tư. Ông Abe gây hoài nghi khi khẳng định rằng các bản sao danh sách khách mời của bữa tiệc do nhà nước tài trợ này đã bị hủy bỏ cùng với các bản sao kỹ thuật số.

Các ảnh chụp sự kiện cho thấy sự tham dự của các băng đảng yakuza (xã hội đen). Vụ bê bối càng làm tăng thêm những nghi ngại ông Abe tham nhũng sau bảy năm nắm quyền. Một máy hủy tài liệu khổng lồ trong Văn phòng Nội các, được dùng để hủy các tài liệu chính thức, đã vô tình trở thành một biểu tượng của chính quyền ông. (Cỗ máy này có thể xử lý hết 550kg giấy mỗi giờ.) Việc bế mạc phiên họp quốc hội này giúp ông thở phào cho đến tháng 1, thời điểm mà ông hy vọng vụ bê bối đã bị chìm xuống.

Cháy rừng chưa từng có ở Úc

Mùa hè chỉ vừa mới đến mà hàng ngàn đám cháy đã bắt đầu hoành hành ở Úc. Quy mô của các đám cháy là chưa từng có và sẽ không hề thuyên giảm trong tuần này. Ở New South Wales, bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, nhiệt độ được dự đoán sẽ tăng vọt. Hỏa hoạn ở bang này đã thiêu rụi hơn 2 triệu ha rừng – một khu vực rộng gần bằng diện tích của Israel – trong khi 10% tổng diện tích đất công viên quốc gia của bang cũng đã bị đốt trụi. Các đám cháy khác cũng đang hoành hành ở ngoại ô Sydney, bao trùm thành phố trong một màn khói mù độc hại.

Nhiều người địa phương tức giận muốn chính phủ của họ thừa nhận rằng nóng lên toàn cầu ít nhất là chịu trách nhiệm một phần cho các thảm họa này. Mùa cháy, thường chỉ giới hạn trong những tháng mùa hè nóng, đang kéo dài hơn. Các nhà khoa học cảnh báo rằng nhiệt độ tăng và mưa mùa đông giảm chính là công thức gây cháy. Tuy nhiên, chính phủ liên minh bảo thủ đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm nay với sự ủng hộ không ngừng cho ngành than. Họ hầu như chẳng hề đề cập đến biến đổi khí hậu.

Các nước thảo luận về chấm dứt xung đột ở Ukraine

Đã gần 6 năm kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, sáp nhập Crimea và châm ngòi cuộc chiến ở vùng Donbas gây thiệt mạng 13.000 người. Giờ đây, tổng thống Pháp Emmanuel Macron hy vọng sẽ hồi sinh một thỏa thuận hòa bình từng rất được kỳ vọng nhưng đã chết vài tháng trước. Hôm nay, ông sẽ đón tiếp tổng thống Nga Vladimir Putin, người bắt đầu cuộc chiến, và tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người đã hứa sẽ chấm dứt nó.

Cùng tham dự sẽ có thủ tướng Đức Angela Merkel, quốc gia chính đứng sau thỏa thuận ngừng bắn ban đầu. Ukraine đã nhượng bộ để kéo Nga vào bàn đàm phán, bao gồm rút bớt quân dọc theo ranh giới xung đột. Về phần mình, Nga muốn bình thường hóa quan hệ với châu Âu và được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Nhưng Putin cũng có một mục đích khác: trả lại Donbas, bị tàn phá bởi chiến tranh và bị đầu độc bởi sự tuyên truyền của ông, cho Ukraine, với hy vọng điều đó có thể ngăn nước này hướng về phương Tây.

Ngành công nghiệp quốc phòng toàn cầu đang nở rộ

“Chúng ta đã quay lại với kỷ nguyên cạnh tranh giữa các nước lớn, thậm chí là xung đột liên miên”, bộ trưởng quốc phòng Anh phát biểu vào tuần trước. Đây là tin xấu cho hầu hết mọi người – nhưng là liều thuốc bổ cho giới buôn bán vũ khí. Một báo cáo do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm công bố hôm nay cho thấy doanh số bán vũ khí và dịch vụ quân sự của 100 công ty quốc phòng lớn nhất (trừ các công ty ở Trung Quốc) đã tăng vọt kể từ năm 2002.

Các công ty Mỹ như Lockheed Martin, Boeing và Raytheon thống trị danh sách hơn bao giờ hết. Họ đã được thúc đẩy bởi các vụ sáp nhập và mua lại lớn trong năm qua, cũng như gia tăng chi tiêu quân sự dưới thời Tổng thống Donald Trump. Mặc dù gần đây Nga thành công trong việc chọc ngoáy NATO bằng cách bán một hệ thống phòng không cho Thổ Nhĩ Kỳ, ngành công nghiệp của họ thật sự không quá lớn. Doanh số bán hàng của Nga chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số bán hàng của châu Âu, và thậm chí còn đang giảm.

Scandal doping của Nga đối mặt phán quyết

Hôm nay, Cơ quan Chống doping Thế giới (WADA) có thể sẽ ra khuyến nghị các đội tuyển của Nga nên bị cấm tham gia các sự kiện thể thao trong 4 năm, bao gồm cả World Cup bóng đá tiếp theo. Tháng trước, WADA cho biết những người bị xét nghiệm ở Moskva gần đây đã xóa thêm bằng chứng về việc nhà nước tài trợ doping, gần 4 năm sau khi các nhà điều tra lần đầu tiên phát hiện ra kế hoạch này. Hình phạt này có thể sẽ là nghiêm trọng nhất.

Nhưng liệu các liên đoàn thể thao có thực thi không lại là một vấn đề khác. Khi cơ quan này đề nghị trục xuất Nga khỏi Thế vận hội 2016 ở Rio, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã ngó lơ, vì WADA không thể chứng minh mọi vận động viên đều có lỗi. Khoảng 70% của đội vẫn tiếp tục tham dự. Trong khi đó, tại Olympic mùa đông 2018 ở Pyeongchang, IOC đã cho phép người Nga thi đấu dưới một lá cờ trung lập. Thomas Bach, chủ tịch của cơ quan này, được cho là sẽ ủng hộ dàn xếp như vậy một lần nữa. Có lẽ FIFA, cơ quan quản lý bóng đá, sẽ có lập trường cứng rắn hơn. Nhưng cho dù phán quyết hôm nay có ra sao, thì các vận động viên Olympics Nga vẫn sẽ giành huy chương tại Tokyo vào năm tới.