Chính sách quốc phòng Việt Nam: Nên ‘ba không’ hay ‘bốn không’?

Tác giả: Lê Hồng Hiệp

Việt Nam công bố phiên bản thứ tư của Sách trắng Quốc phòng vào ngày 25 tháng 11 năm 2019. So với phiên bản thứ ba công bố năm 2009, sách trắng “Quốc phòng Việt Nam 2019” cung cấp các thông tin chi tiết và cập nhật hơn về nhận thức của Việt Nam về môi trường an ninh toàn cầu và khu vực, chính sách quốc phòng, và các lực lượng quốc phòng của Việt Nam. Tuy nhiên, về chính sách quốc phòng, sách trắng không tiết lộ bất kỳ thay đổi đáng kể nào, ngoại trừ một điều chỉnh nhỏ đối với chính sách “ba không” nổi tiếng lâu nay, đó là không tham gia liên minh quân sự, không cho phép thiết lập căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, và không đi với nước này chống nước kia.

Cụ thể, sách trắng viết rằng “Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”.

Việc bổ sung nguyên tắc không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực rõ ràng là nhằm làm nổi bật bản chất phòng thủ và hòa bình của chính sách quốc phòng Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang liên tục nỗ lực nâng cao năng lực quân sự của mình. Đồng thời, nguyên tắc này cũng có thể nhằm góp phần nhấn mạnh tính phi pháp của các hành vi gây hấn ở Biển Đông, nơi Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực và sự cưỡng ép ngày càng tăng, kể cả các lời đe dọa sử dụng vũ lực, từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ khác, sự thay đổi này là không thực sự cần thiết và hữu ích trong việc giải thích các khía cạnh quan trọng khác của chính sách quốc phòng Việt Nam.

Thứ nhất, sau Thế chiến II, nguyên tắc không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực đã được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi như là một nguyên tắc nền tảng của quan hệ quốc tế. Nguyên tắc này cũng được ghi nhận trong các bản hiến chương của Liên Hợp Quốc và ASEAN. Do đó, việc bổ sung một nguyên tắc phổ quát như vậy vào “chính sách ba không” mang tính đặc thù của Việt Nam là không hoàn toàn cần thiết.

Một mặt, “chính sách ba không” bản thân nó đã hàm ý tính chất hòa bình và phòng thủ của chính sách quốc phòng Việt Nam. Mặt khác, trong khi ba nguyên tắc của chính sách ba không đều liên quan đến cam kết trung lập, không liên kết của Việt Nam, thì nguyên tắc không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực lại không như vậy. Vì thế, việc bổ sung nguyên tắc mới này làm loãng thông điệp chính về tính chất không liên kết của chính sách quốc phòng Việt Nam được nêu bật trong “chính sách ba không” ban đầu.

Thứ hai, nguyên tắc mới có xu hướng tạo ra sự hiểu lầm về chính sách quốc phòng của Việt Nam, đặc biệt là khi đoạn nói về nguyên tắc này không đi kèm với các ngữ cảnh và giải thích phù hợp. Điều này đã khiến một số nhà bình luận cho rằng nguyên tắc mới này mâu thuẫn với mục đích của chương trình hiện đại hóa quân đội cũng như nhiệm vụ bao trùm của các lực lượng quốc phòng Việt Nam, đó là bảo vệ đất nước, kể cả bằng cách sử dụng vũ lực khi cần thiết. Dường như dự kiến trước sự hiểu lầm này, Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vinh đã làm rõ trong buổi công bố sách trắng rằng “nếu đất nước có chiến tranh, chúng ta buộc lòng phải cầm súng thì cũng là vì hòa bình.”

Như vậy, dù việc đưa nguyên tắc không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực vào sách trắng có thể giúp nhấn mạnh hơn nữa bản chất hòa bình và phòng vệ của quốc phòng Việt Nam, nhưng nguyên tắc này nên được tách ra và không nên được gắn kèm với “chính sách ba không”. Hơn nữa, cần cung cấp ngữ cảnh liên quan đến nguyên tắc này để tránh gây ra những sự hiểu lầm không cần thiết.

Ngoài các vấn đề nêu trên, nhìn chung sách trắng quốc phòng 2019 là một ấn phẩm đáng hoan nghênh, mang lại sự rõ ràng và minh bạch hơn cho chính sách quốc phòng của Việt Nam. Việc Việt Nam tiếp tục giữ cam kết đối với “chính sách ba không” cũng rất đáng chú ý, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc đang gây ra áp lực ngày càng tăng đối với Việt Nam ở Biển Đông trong năm năm qua.

Từ năm 2014, khi việc Trung Quốc hạ đặt một giàn khoan dầu khổng lồ ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gây ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong quan hệ song phương, đã có một cuộc tranh luận giữa các chiến lược gia Việt Nam về việc liệu chính sách ba không có còn phù hợp và Việt Nam có nên tăng cường hơn nữa quan hệ chiến lược với các cường quốc để cân bằng lại áp lực từ Trung Quốc hay không. Việc Việt Nam tiếp tục cam kết thực hiện chính sách ba không cho thấy Hà Nội vẫn coi trọng vai trò của nó trong việc giải thích chính sách quốc phòng của mình với thế giới.

Hơn nữa, ngay cả khi Hà Nội tiếp tục theo đuổi “chính trị liên minh”, hay những nỗ lực nhằm tăng cường quan hệ an ninh và quốc phòng chưa tới mức hình thành các liên minh chính thức, mang tính ràng buộc với các đối tác quan trọng, đặc biệt là Mỹ và Nhật Bản, để đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông, thì Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục thận trọng trong những nỗ lực như vậy nhằm tránh bị coi là đã từ bỏ “chính sách ba không” và chọn phe trong bối cảnh cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và các đồng minh với Trung Quốc ngày càng trở nên gay gắt.

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên ISEAS Commentary.

Việt Nam theo đuổi liên minh đối phó Trung Quốc: Tại sao và nên như thế nào?