Tác giả: Hồ Bạch Thảo
Niên Hiệu: Long Thụy Thái Bình: 1054-1058; Chương Thánh Gia Khánh:1059-1065; Long Chương Thiên Tự:1066-1067; Thiên Huống Bảo Tượng :1068; Thần Vũ:1069-1071.
Dân ta ghét những triều đại ác với dân; riêng vua Lý Thánh Tông có lòng thương dân, ngay cả với người tù tội; nhưng cương quyết với ngoại bang, nên được nhớ ơn đời đời. Nhà Vua lên ngôi Hoàng đế vào tuổi trung niên [31 tuổi], trước đó từng xông pha trận mạc, sống gần với dân, nên tỏ ra dày kinh nghiệm, lịch lãm, chửng chạc. Lúc vua Thái Tông mất, bèn cho đem kỷ vật của Vua cha biếu tặng nhà Tống; nên được Vua Tống nể trọng sai sứ sang điếu tế, và phong cho nhà Vua tước Quận vương:
“Trường Biên,[1] quyển 181. Tống Nhân Tông năm Chí Hòa thứ 2 [1055]
Ngày Kỷ Tỵ tháng 11 [6/12/1055], Nhật Tuân [Vua Lý Thánh Tông], con Vương An Nam Lý Đức Chinh, sai Sứ cáo Đức Chính [Vua Lý Thái Tông] mất; đem tiến phụng vật kỷ niệm lưu lại, cùng hiến 10 con voi. Ngày Quí Dậu [10/12/1055] tặng Đức Chính Thị trung Nam Việt vương, ban thưởng rất hậu. Mệnh Chuyển vận sứ Quảng Tây Đồn điền viên ngoại lang Tô An Thế làm Điếu tế sứ. Ngày Ất Hợi [12/12/1055] ban cho Nhật Tuân chức Tĩnh hải tiết độ sứ An Nam đô hộ Giao Chỉ quận vương.”[2]
Mới lên ngôi chưa được bao lâu, gặp một mùa đông rét mướt, gió lạnh thổi về, nhà Vua mặc áo lông chồn còn cảm thấy rét; nghĩ đến những người trong tù rét lạnh thấu xương, bèn ra lệnh ban thêm chăn chiếu, săn sóc đủ cơm ăn:
“Mùa đông, tháng 10, Thánh Tông năm Long Thụy Thái Bình thư 2 [1055] đại hàn, vua bảo các quan tả hữu rằng:
‘Trẫm ở trong cung, sưởi than xương thú, mặc áo lông chồn còn rét thế này, nghĩ đến người tù bị giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa rõ ngay gian, ăn không no bụng, mặc không kín thân, khốn khổ vì gió rét, hoặc có kẻ chết không đáng tội, trẫm rất thương xót. Vậy lệnh cho Hữu ty phát chăn chiếu, và cấp cơm ăn ngày hai bữa.” (Toàn Thư,[3] Bản Kỷ, quyển 3)
Lại một ngày hè, Vua ngồi trong điện xử kiện, Công chúa đứng hầu bên cạnh; Ngài chỉ vào con mà bảo viên coi ngục rằng Ngài yêu dân như con; nhưng vì dân không biết pháp luật, mắc vào tội lỗi, bèn cho khoan giảm:
“Ngày Giáp Thìn, Thánh Tông năm Chương Thánh Gia Khánh thứ 6 [1064], mùa hạ, tháng 4, vua ngự ở điện Thiên Khánh xử kiện. Khi ấy công chúa Động Thiên đứng hầu bên cạnh, vua chỉ vào công chúa, bảo ngục lại rằng:
‘Ta yêu con ta, cũng như lòng ta làm cha mẹ dân. Dân không hiểu biết mà mắc vào hình pháp, trẫm rất thương xót, từ nay về sau, không cứ gì tội nặng hay nhẹ đều nhất luật khoan giảm“. (Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3)
Vừa mới lên ngôi nhà Vua phải tham dự cuộc đấu tranh “ai thắng ai” với nhà Tống. Nguyên do sau khi Địch Thanh chiến thắng Nùng Trí Cao; Tiêu Chú, viên quan có thành tích trong việc dùng hỏa công đốt thuyền Trí Cao để bảo vệ thành Quảng Châu được ban chức Đô giám Quảng Nam Tây Lô [Quảng Tây] vào ngày 8/3/1053 . Y chủ trương liên tục gây hấn và xúi dục các Tù trưởng dân thiểu số tại vùng biên giới nước ta, quay sang theo Tống. Đối phó lại, vua Lý Thánh Tông áp dụng sách lược 2 mặt; cấp trung ương vẫn tiếp tục liên lạc ngoại giao, nhưng tại vùng biên giới quân địa phương và các Tù trưởng ra tay đánh phá. Các Tù trưởng tiêu biểu tham gia tấn công lãnh thổ và lãnh hải Trung Quốc như: châu Tô Mậu, động Giáp, động Hỏa.
Châu Tô Mậu thuộc huyện Đình Lập tỉnh Hải Ninh, nổ ngòi đánh phá vùng ven châu Ung [Nam Ninh], khiến triều đình nhà Tống phải sai Kinh lược Quảng Nam Tây Lộ mang quân đánh:
“Trường Biên, quyển 178. Tống Nhân Tông năm Chí Hòa thứ 2 [1055]
Ngày Mậu Thìn tháng giêng [8/2/1055] Ung Châu tâu rằng Man châu Tô Mậu[4] vào cướp phá, bèn ra lệnh ty kinh lược Quảng Nam Tây Lộ mang quân đánh; còn ra lệnh cho 7 viên Tam ban viện vũ dõng sứ thần chỉ huy.”[5]
Cuộc chiến do châu Tô Mậu phát động, kéo dài từ năm 1055 đến năm 1059; viên quan coi trại Cổ Vạn [phía nam Nam Ninh, Quảng Tây] tử trận:
“Trường Biên, quyển 190. Tống Nhân Tông Năm Gia Hựu thứ 4 [1059]
Ngày Bính Thân tháng 7 [14/8/1059], truy tặng Binh giáp tam ban phụng chức Lý Duy Tân thuộc trại Cổ Vạn Ung Châu, chức Nội điện thừa chế, do man tại Tô Mậu [Đình Lập, Hải Ninh] cướp phá biên giới, Duy Tân giao chiến tử trận.”[6]
Chiến dịch này diễn ra tại nhiều nơi, lại còn một cánh quân khác đánh phá tại châu Khâm:
“Trường Biên quyển 189. Tống Nhân Tông năm Gia Hựu thứ 4 [1059]
Ngày Canh Ngọ tháng 2 [21/3/1059], ty kinh lược Quảng Nam tâu Giao Chỉ cướp phá động Tư Lẫm, Khâm Châu.”[7]
Sử nước ta cũng xác nhận, cùng năm [1059] quân ta đánh châu Khâm [Quảng Tây] ra uy rồi trở về; có thể hiểu ngoài việc biểu dương lực lượng, còn có mục đích yểm trợ cho cánh quân châu Tô Mậu. Lại chép thêm việc 2 năm trước đó [1057] Sứ bộ nước ta sang triều Tống biếu con thú lạ, nói là con lân; viên Thừa tướng tương lai Tư Mã Quang sợ bị lừa, nên đề nghỉ ban thưởng rồi trao trả về:
“Kỷ Hợi, Lý Thánh Tông năm Chương Thánh Gia Khánh thứ 1 [1059], Mùa xuân, tháng 3, đánh Khâm Châu nước Tống, khoe binh uy rồi về, vì ghét nhà Tống phản phúc. Long Thụy Thái Bình năm thứ 4 [1057], sai sứ đem con thú lạ sang biếu nhà Tống nói là con lân. Tư Mã Quang nói: ‘Nếu là con lân thực mà đến không phải thời cũng chẳng lấy gì làm điềm tốt, nếu không phải lân, thì làm cho người phương xa chê cười. Xin hậu thưởng rồi bảo đem về“. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.
Một mũi tấn công khác từ động Giáp vị trí tại vùng phía nam tỉnh Lạng Sơn, viên Chúa động lập công là Thân Thiệu Thái được Vua Lý gả Công chúa cho nên giữ tước Phò mã. Phò mã họ Thân không chỉ lập thành tích dưới thời vua Lý Thánh Tông, mà lại còn có công lớn trong cuộc chiến tranh Lý – Tống, thời vua Lý Nhân Tông sau này:
“Trường Biên, quyển 191. Tống Nhân Tông năm Gia Hựu thứ 5 [1060]
Ngày Mậu Dần tháng 6 [21/7/1060], ty Kinh lược Quảng Tây tâu: giặc thuộc các động như động Giáp hơn 50 người cướp phá trong nội địa; chiếu ban Ung châu phát binh đánh dẹp.”[8]
Bấy giờ viên Đô tuần kiểm Tống Sĩ Nghiêu tại châu Tây Bình dung dưỡng thành phần bất mãn tại nước ta sang Trung Quốc trốn tránh; Phò Mã Thân Thiệu Thái bèn mang quân đuổi bắt. Sĩ Nghiêu mang quân chống cự, bị quân ta giết tại trận:
“Trường Biên, quyển 192. Tống Nhân Tông năm Gia Hựu thứ 5 [1060]
Ngày Tân Mão tháng 7 [3/8/1060], khởi đầu tướng thuộc động tại châu Tây Bình[9] Vi Huệ Chính ngầm giấu những hộ Giao Chỉ trốn tránh; man động Giáp, Thân Thiệu Thái mang binh dân đuổi bắt người trốn, bị Đô tuần kiểm Tống Sĩ Nghiêu cầm quân chống cự, xông vào đất Giao Chỉ chém bắt rất nhiều. Ngày hôm sau Giao Chỉ cùng quân động Giáp hợp binh đến cướp phá, Sĩ Nghiêu tử trận.”[10]
Sự kiện khác xảy ra khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn, viên Chúa động Hỏa, Nùng Tôn Đán, chiếm cứ chỗ hiểm tại phía Bắc tỉnh Cao Bằng thường mang quân đánh phá Trung Quốc. Các quan chức Tống tìm cách chiêu dụ, Tôn Đán bèn mang cả động này theo, nhà Tống đổi tên thành châu Thuận An:
“Trường Biên, quyển 186. Tống Nhân Tông ngày Giáp Tuất tháng 4 [3/6/1057]. Nùng Tông Đán thuộc man Hỏa Động, cùng họ với Trí Cao, chiếm cứ chỗ hiểm, tụ tập dân chúng, mấy lần ra cướp phá. Tri Ung Châu Tiêu Chú muốn mang quân binh tại các động đánh phá; Tri Quế Châu Tiêu Cố một mình xin dùng sắc mệnh chiêu hàng. Chuyển vận sứ Vương Hãn cho rằng Tông Đán giữ chốn núi rừng tre trúc, nếu dùng phục binh quân ta vị tất có thể thắng, lại gây nên mối hoạn biên giới. Bèn mang binh đến biên giới, cho người chiêu dụ con Tông Đán là Nhật Tân rằng:
‘Cha người bên trong thì cừu thù với Giao Chỉ, phía bên ngoài thì làm mồi cho các quan biên giới được thưởng. Hãy về báo cha người, chọn điều lợi mà làm.’
Do đó cha con Tông Đán đều hàng, việc phương nam bình yên. Ban cho Tông Đán chức Trung vũ tướng quân, Nhật Tân làm Tam ban phụng chức.”[11]
Sau vụ Nùng Tôn Đán làm phản, tình hình biên giới trở nên căng thẳng hơn, nhằm làm dịu bớt tình hình, Vua Tống ra lệnh cho Tri Ung châu Tiêu Chú từ nay không được mang quân đi tuần biên giới:
“ Trường Biên, quyển 188. Tống Nhân Tông ngày Canh Dần tháng 7 [13/8/1058], chiếu ban cho Tri Ung châu, từ nay không được mang quân tuần biên giới. Bấy giờ Tiêu Chú mấy lần mang quân tuần tiễu các khe động, Chuyển vận sứ Vương Hãn tâu việc này sinh sự.”[12]
Nhằm trả đũa về vụ Nùng Tôn Đán, động Giáp tiếp tục gây hấn tại biên giới, đánh phá trại Vĩnh Bình, khiến Quảng Nam Tây Lộ [Quảng Tây] phải xin tăng cường quân tinh nhuệ:
“Trường Biên quyển 192, Tống Nhân Tông ngày Tân Sửu tháng 7 [13/8/1060], Ty kinh lược Quảng Tây tâu:
‘Giao Chỉ cùng dân di động Giáp lại cướp phá trại Vĩnh Bình, xin triều đình 3.000 quân Kinh Hồ Bắc Lộ [Kinh Châu thị, Hồ Bắc] giỏi sử dụng phiêu bài[13] đến lộ này.’
Chấp thuận.”[14]
Sử nước ta xác nhận trong chiến dịch này, Phò mã Thân Thiệu Thái bắt được viên Chỉ huy sứ Dương Bảo Tài; rồi có cuộc hội nghị giữa hai nước tại Ung Châu, quan chức Tống xin trả lại Bảo Tài, nhưng phía ta không đồng ý:
“Canh Tý, Lý Thánh Tông năm Chương Thánh Gia Khánh thứ 2 [1060]. Mùa xuân, châu mục Lạng Châu là Thân Thiệu Thái đánh bắt những binh lính bỏ trốn vào đất Tống, bắt được chỉ huy sứ là Dương Bảo Tài và quân lính, trâu ngựa đem về.
Mùa thu, tháng 7, quân Tống sang xâm lấn, không được, bèn sai Thị Lang bộ lại là Dư Tĩnh đến Ung Châu để hội nghị. Vua sai Phí Gia Hựu đi. Tĩnh hậu tặng cho Gia Hựu và đưa thư xin trả Bảo Tài cho họ, vua không nghe.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.
Về mặt ngoại giao, Sứ bộ nước ta đem 2 con thú lạ, gọi là con lân đến cống Vua Tống; dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại nội bộ nước này:
“Trường Biên, quyển 187. Năm Gia Hựu thứ 3 [1058]
Ngày Đinh Mão tháng 6 [21/7/1058], Giao Chỉ cống 2 thú lạ. Lúc đầu nước này xưng cống lân, hình dáng giống như trâu nước, thân che bởi giáp thịt, cuối mũi có sừng, ăn cỏ hoặc trái dưa; phải đánh trước rồi mới cho ăn. Lúc đưa đến nơi, Khu mật sứ Điền Huống viện dẫn lời tâu của viên quan tại châu Nam Hùng [Nam Hùng thị, Quảng Đông], cho rằng con thú không phải là lân, đừng để cho lừa dối:
‘Hôm qua Thiêm phán châu Nam Hùng Đồn điền viên ngoại lang Tề Đường tâu con thú này so với những điều trong sách sử chép thì không giống; sợ không phải là kỳ lân, như vậy triều đình sẽ bị man di lừa dối.’
Lại có Tri Kiền châu, Tỷ bộ lang trung Đỗ Thực cũng tâu:
‘Tại Quảng Châu từng nghe viên Thương biện Phiên [ngoại quốc] nói rằng: ‘đó chỉ lá sơn tê [tê ngưu trên núi] mà thôi.’
Kính cẩn xét Phù Thụy Đồ chép lân là con thú có lòng nhân, thân mình giống như con quân [麕],[15] đuôi trâu, một sừng, cuối sừng có thịt. Nay Giao Chỉ hiến không có thân hình như con quân, mà có giáp; biết rằng nó không phải là lân, nhưng không biết tên là con gì. Trước kia vào cuối đời Tống Thái Thủy, Vũ Tiến đưa ra một con thú có 1 sừng, đầu giống dê, cánh giống rồng, chân ngựa, các phụ lão không biết giống gì; như vậy vật lạ tại trung nguyên cũng có. Sách Nhĩ Nhã chép con quân, lớn như con nai, có 1 sừng…Quảng Chí ghi rằng chân xem như lân, da có giáp lân; trông thì cũng gần giống, nhưng hình thể lại như trâu, lại sợ rằng không phải. Bởi vậy các quan ở ngoài triều, mấy lần dâng tấu chương tranh biện. Vậy không biết phải chăng triều đình muốn cho nước di xa xôi hưởng lợi trong việc triều cống, để ràng buộc; thì cũng không nên nói là có được lân rồi cho đó là điềm lành. Hãy xin tuyên dụ cho Tiến phụng sứ Giao Chỉ, cùng ban chiếu chỉ hồi đáp rằng được phụng tiến thú lạ, nhưng không nói là kỳ lân, đủ để cho thói tục lạ không lừa được ta; cũng không mất ý nghĩa triều đình hoài nhu với nước xa xôi.’
Cuối cùng chiếu ban chỉ xưng thú lạ mà thôi.”[16]
Trước phản ứng quyết liệt của nước Đại Việt, viên Đô giám Quảng Tây Tiêu Chú không làm được gì hơn; bèn kiến nghị lên triều đình một giải pháp đê hèn là bắt giữ sứ bộ cống lân, chờ khi trả lại người và súc vật bị mất trong cuộc chiến, mới cho trở về. Lẽ dĩ nhiên đường đường nước Trung Quốc tự vỗ ngực là Thiên triều, không thể sượng mặt chấp thuận giải pháp này:
“Trường Biên quyển 189. Tống Nhân Tông ngày Giáp Tuất [25/3/1059], Quảng Tây An phủ sứ đô giám Tiêu Chú tâu:
‘Giao Chỉ cướp phá các độngTư Lẫm, Cổ Sâm, Thiếp Lãng [đều tại Khâm Châu, Quảng Tây]; cướp người và súc vật tại 19 thôn, không biết bao nhiêu mà kể, muốn xuống Quảng Châu giữ lại người tiến phụng thú lạ; đợi khi lấy lại được người và súc vật bị cướp, mới cho trở về. Nếu không tuân mệnh, tức mang quân đánh sâu vào.’
Chiếu cho Tiêu Cố An phủ sứ lộ này, Chuyển vận sứ Tống Hàm, Đề điểm hình ngục Lý Sư Trung cùng Tiêu Chú xử trí.”[17]
Kế đó Tiêu Chú viện dẫn lý do để xin mang đại quân đánh Đại Việt, nhưng nghị luận trong triều cho rằng Chú sinh chuyện, không ủng hộ giải pháp này:
“Trường Biên quyển 190. Tống Nhân Tông ngày Mậu Thân tháng 9 [25/10/1059], Đề điểm Quảng Nam Tây Lộ hình ngục Lý Sư Trung tâu:
‘Tri Ung Châu Tiêu Chú muốn đánh Giao Chỉ, Tri Nghi Châu [Nghi Châu thị, Quảng Tây] muốn giữ lấy quân An Hóa; sợ người xa xôi [An Nam] nghe tin sẽ không yên tâm; xin ngăn Chú đừng sinh sự tại biên giới.’
Chấp thuận.
Chú tại Ung Châu đã lâu, ngầm lấy lợi dụ dỗ các Man tại Quảng Nguyên [tỉnh Cao Bằng], bí mật tu bổ giáp binh, rồi tâu rõ như sau:
‘Giao Chỉ ngoài mặt thì triều cống, bên trong ngầm gây mối họa, thường mưu tàm thực đất đai nhà vua. Vào năm Thiên Thánh [1023-1031] Trịnh Thiên Ích làm Chuyển vận sứ thường trách Giao Châu không nên tự tiện dùng binh tại động Vân Hà, nay động Vân Hà vào trong tay man đến mấy trăm dặm, do năm tháng chồng chất xâm lấn dần dần xảy ra như vậy. Thần hiện nay biết hết bụng dạ của chúng, rõ các chỗ đất trọng yếu, thừa lúc này không chiếm, ngày sau sẽ lo lắng không nhỏ; mong được đến kinh khuyết, để diện trình phương lược.’
Nghị luận cho rằng Chú sinh chuyện cho nước, không nhận định như vậy.”[18]
Tuy nhiên vào năm sau vua Tống Nhân Tông lại điều viên quan lão luyện vùng biên giới Việt – Hoa, Tiêu Cố, bấy giờ làm Tri Quảng Châu [Quảng Đông], đến Ung Châu [Nam Ninh] nghiên cứu bàn bạc việc đánh Đại Việt:
“Trường Biên quyển 192. Tống Chân Tông ngày Quí Tỵ [5/8/1060] Ung châu tâu lên, chiếu ban Tri Quảng châuTiêu Cố đến Ung châu phát quân các châu, cùng Chuyển vận sứ Tống Hàm, Đề điểm hình ngục Lý Sư Trung bàn việc đánh.”[19]
Tiếp đến vào cuối năm Âm Lịch, Tù trưởng châu Tô Mậu lại mang quân sang đánh Ung Châu:
“Trường Biên quyển 192. Tống Chân Tông ngày Kỷ Mão tháng chạp [18/1/1061], An phủ ty Quảng Tây tâu man thuộc châu Tô Mậu cướp phá Ung Châu.”[20]
Tình hình nơi biên giới không suôn sẻ, các quan tố cáo Tri Ung châu Tiêu chú gây sự làm cho quân dân suy bại, hối lộ, bắt dân tìm vàng làm lợi riêng nên bị cách chức:
“Trường Biên quyển 193. Tống Chân Tông năm Gia Hựu thứ 6 [1061]. Ngày Canh Thân tháng 4 [29/4/1061], Đề điểm Quảng Nam Tây Lộ hình ngục Đồn điền viên ngoại lang Lý Sư Trung quyền bản lộ Chuyển vận sứ; trước đó Sư Trung hặc Tri Ung châu Tiêu Chú:
‘Cai trị Ung châu 8 năm, có quân tại các động hơn 10 vạn, mà không thể phủ dụ dùng được. Lại vào các khe động mua bán, vơ vét khiến mất lòng dân, cuối cùng làm cho quân lính suy bại. Kinh lược sứ Tiêu Cố thi thố sai lạc, cùng với Chuyển vận sứ Tống Hàm bè đảng.’
Sau khi Chú bị trách phạt đến Kinh Nam [nam Hồ Nam], Sư Trung lại tâu thêm:
‘Chú tham ô ngăn trở ra uy, dụ bắt 5 tôi tớ bị thiến của Nùng Trí Cao về làm nô tỳ, tự tiện điều động đinh tráng trong khe động tìm vàng, thu hoạch được không ghi vào sổ sách, gây chuyện rắc rối cho quốc gia, xét theo pháp luật đáng tội chém. Nay chỉ giảng một quan, từ Đô Giám làm Kiềm Hạt, không biết lấy danh nghĩa nào mà quyết định như vậy?’
Chiếu chỉ sai Trung sứ Lý Nhược Ngu điều tra sự thực; Chú lại bị kết tội thêm giáng làm Đoàn luyện phó sứ an trí tại Thái Châu [Giang Tô]; Cố và Hàm đểu bị đình chức.”[21]
Trên 10 năm dài dưới thời Vua cha, tình hình biên giới Việt – Hoa vẫn chưa cải tiến, Vua Anh Tông mới lên ngôi sốt ruột ôm ý đồ xâm lăng, muốn biết ngọn ngành về việc giành tự chủ của nước Đại Việt. Tể tướng Hàn Kỳ ngăn trở, kể lại việc thất bại trong cuộc chiến tranh Lý – Tống dưới thời vua Lê Đại Hành; và kết luận rằng nếu đánh lấy Đại Việt cũng không giữ được; cuối cùng Anh Tông chỉ ra lệnh cho viên Tri Quế châu tăng cường phòng thủ nơi biên giới:
“Trường Biên quyển 203. Tống Anh Tông ngày Kỷ Mão tháng 11 năm Trị Bình thứ nhất [28/12/1064]. Tri Quế Châu Lục Tiên tâu Giao Chỉ sai Sứ đến bàn việc, nhân dịp Thiên tử hỏi:
‘Giao Chỉ bắt đầu cát cứ vào năm nào?’
Quan phụ tá tâu:
‘Từ đời Đường Chí Đức [Túc Tông 756-757] đổi là An Nam đô hộ phủ, thời Lương Trinh Minh [915-919] Thổ hào Khúc Thừa Mỹ chiếm đất này.’
Hàn Kỳ [Tể tướng] tâu:
‘Trước đây Lê Khu phản mệnh (xét theo Tống Sử chép Lê Hoàn), Thái Tông sai sứ đánh dẹp nhưng không khuất phục, sau sai Sứ chiêu dụ mới thuận. Nước này núi rừng hiểm trở, nhiều mưa lụt lam chướng độc hại; nếu chiếm đất này không dễ phòng thủ, đáng dùng chính sách nhu viễn mềm mỏng.’
Mùa đông năm này, Lục Tiên bắt đầu đến Ung Châu xét biên giới, triệu tập 45 động tại Tả Giang, Hữu Giang, duyệt lính địa phương được 5 vạn, đặt tướng tá, xin đúc ấn cấp cho, tâu miễn thuế cho Tả, Hữu Giang đến vài vạn. Giao Chỉ rất sợ, nhân sai Sứ triều cống, lời lẽ thêm phần cung kính. Sau đó Tiên lại tâu xin mỗi năm một lần dạy lính địa phương, được chấp thuận; từ đó về sau vẫn cứ 3 năm 1 lần lập sổ hộ tịch rồi tâu lên; việc này thi hành vào tháng 8 năm sau, nay phụ xem.”[22]
Đến đời Vua Tống Thần Tông dùng Vương An Thạch làm Tể tướng, cho thi hành chính sách bảo giáp, tổ chức lực lượng dân quân tại các địa phương; Quảng Nam Tây Lộ [Quảng Tây] có thêm quân, nên chính sách nhà Tống lại tỏ ra cứng rắn hơn. Nhân Sứ bộ nước ta xin tiến cống, bèn đòi hỏi muốn tiến cống phải giao nạp số người và tài sản đã đánh lấy trước kia:
“Trường Biên quyển 218. Tống Thần Tông ngày Nhâm Thân tháng 12 năm Hy Ninh thứ 3 [19/1/1071], ty kinh lược Quảng Nam Tây Lộ tâu:
‘Sứ thần Giao Chỉ Lý Kế Nguyên xin tiến cống sản vật địa phương. Nay binh dân nước này cướp phá đất đai; xin lệnh trước hết phải trả lại người và súc vật đã cướp, mới theo lệ dẫn người tiến phụng đến kinh khuyết.”[23]
Rồi dùng lại Tiêu Chú cho làm Tri Quế châu, với ý đồ gây hấn như cũ. Lúc này trinh thám nhà Tống biết được quân ta thua rút lui tại Chiêm Thành, nhưng không biết việc vua Lý Thánh Tông đã quay trở lại đánh thắng và bắt sống Vua Chiêm Chế Củ. Riêng Tiêu Chú thì hiểu được thực lực quân ta mạnh hơn trước nhiều, nên thẳng thắn từ chối việc đánh nước Đại Việt:
“Quyển 219. Tống Thần Tông năm Hy Ninh thứ 4 [1071].
Ngày Quí Mão tháng giêng [19/2/1071], chiếu ban cho Vương Khánh Dân vẫn chuyên giữ chức Quản câu Lân phủ lộ quân mã; riêng Tiêu Chú đợi chiếu chỉ tại phủ Thái Nguyên. Lúc đầu định cho Chú thay thế Khánh Dân. Chú đã đi, nghe tin Hà Đông dùng binh, bèn tự trình bày rằng bản thân vốn thư sinh, sở trường về phủ dụ, sở đoản về chiến đấu; sợ không làm tròn nhiệm vụ tại phủ Lân. Vào lúc có tin Giao Chỉ bị Chiêm Thành đánh bại, dân chúng không đầy 1 vạn, có thể kể ngày chiếm được; nên mệnh Chú Tri Quế châu. Phan Túc truyện kể rằng Túc trình bày Giao Chỉ có thể lấy được; điều nói “Dân chúng không đầy 1 vạn”; có thể do Túc trình bày, đáng khảo. Tháng Giêng năm thứ 6 [1073] Chú thôi giữ Quế Châu. Thiên tử hỏi Chú sách lược đánh hoặc giữ; Chú từ chối rằng:
‘Trước đây thần có ý như vậy; vì vào lúc đó dân khe động 1 người có thể chống lại 10; khí giáp sắc bén, những người thân tín có thể lấy tay chỉ để điều khiển. Nay binh giáp không hoàn bị như đường thời, những người tâm phục chết quá nửa, mà người Giao sinh sôi tập luyện cả 15 năm; bảo rằng dân chúng không đầy 1 vạn người, sợ là chuyện nói láo.”[24]
——————-
[1] Trường Biên: Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên, tác giả Lý Đào.
[2] 己巳,安南王李德政之子日遵遣使告德政卒,仍進奉遺留物及獻馴象十。癸酉,贈德政侍中、南越王,賻賚甚厚。命廣西轉運使、屯田員外郎蘇安世為弔贈使。乙亥,授日遵靜海節度使、安南都護、交阯郡王。
[3] Toàn Thư: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, tác giả Ngô Sĩ Liên.
[4] Châu Tô Mậu: Theo Đất Nước Việt Nam Qua Các Đời, Đào Duy Anh, trang 121, Tô Mậu thuộc Định Lập, tỉnh Quảng Ninh ngày nay.
[5] 邕州言蘇茂州蠻內寇,命廣南西路經略司發兵捕擊之,仍令三班院武勇使臣七員為指揮。
[6] 贈管勾邕州古萬寨兵甲三班奉職李惟賓為內殿承制,以蘇茂州蠻寇邊而惟賓戰死也。
[7] 庚午,廣南經略司言交阯寇欽州思稟峒。
[8] 戊寅,廣西經略司言,邕州甲峒等蠻賊五十餘人內寇。詔邕州發兵攻討之。
[9] Châu Tây Bình: châu ky my, vị trí tại vùng biên giới phía nam Ung Châu [Quảng Tây].
[10] 初,西平州峒將韋惠政匿納交阯逃戶,甲峒蠻申詔泰【一】領眾襲逐所亡,都巡檢宋士堯等帥兵拒之,.擅入交阯界,多所斬獲。明日【二】,交阯與甲峒蠻復合兵來寇,士堯等皆戰沒.
[11] 火峒蠻儂宗旦者,智高之族也。據險聚眾,數出剽略。知邕州蕭注欲大發峒丁擊之,知桂州蕭固獨請以敕招降。轉運使王罕以為宗旦保山溪篁竹間,苟設伏要我,軍未必可勝,徒滋邊患,乃獨領兵次境上,使人召宗旦子日新,謂曰:「汝父內為交趾所仇,外為邊臣希賞之餌。歸報汝父,可擇利而行。」于是宗旦父子皆降,南事遂平。以宗旦為忠武將軍,日新為三班奉職。
[12] 庚寅,詔邕州知州,自今毋得輒出巡邊。時蕭注數領兵出巡溪峒,而轉運使王罕言其生事也。
[13] Bài: lá chắn dùng để ngăn gươm giáo cung tên.
[14] 辛丑,廣西經略司言,交阯與甲峒夷人又寇永平寨,乞朝廷發荊湖北路兵善用摽牌者三千人赴本路。從之。
[15] Quân: Hán Việt Tự Điển Thiều Chửu giải thích quân là tên riêng của con chương.
[16] 丁卯,交阯貢異獸二。初,本國稱貢麟,狀如水牛,身被肉甲,鼻端有角,食生芻果瓜,必先以杖擊然後食。既至,而樞密使田况言:「昨南雄州簽判、屯田員外郎齊唐奏此獸頗與書史所載不同。儻非麒麟,則朝廷殆為蠻夷所詐。」又,知虔州、比部郎中杜植亦奏:「廣州嘗有蕃商辨之曰:『此乃山犀爾。』謹按符瑞圖:麟,仁獸也,麕身、牛尾、一角,角端有肉。今交阯所獻,不類麕身而有甲,必知非麟,但不能識其名。昔宋太始末,武進有獸見,一角、羊頭、龍翼、馬足,父老亦莫之識。蓋異物,雖中原或有之。爾雅釋麕,大如麃,牛尾、一角;驨,如馬,一角;麐,麕身、牛尾、一角;又,兕,似牛,一角、青色、重千斤。然皆不言身有鱗甲。廣志云:符枝【一六】如麟,皮有鱗甲。此雖近之,而形乃如牛,又恐非是。故在外之臣,屢有章奏辨之。然不知朝廷本以遠夷利朝貢以示綏來,非以獲麟為瑞也。請宣諭交阯進奉人,及回降詔書,但云得所進異獸,不言麒麟,足使殊俗不能我欺,又不失朝廷懷遠之意。」乃詔止稱異獸云。
[17] 甲戌,廣西安撫都監蕭注言:「交阯寇思稟、古森、貼浪等峒,掠十九村人畜不可勝數,欲下廣州截留進奉異獸人,候取索人畜數足,遣還本道。苟不聽命,即發兵深討。」詔本路安撫使蕭固、轉運使宋咸、提點刑獄李師中同蕭注處置。
[18] 戊申,提點廣南西路刑獄李師中言:「知邕州蕭注欲伐交趾,知宜州張師正欲取安化軍,恐遠人聞之不自安,請戒注等毋得為邊生事。」從之。
注在邕州久,陰以利啗廣源諸蠻,密繕甲兵,迺露奏曰:「交趾外奉朝貢,中包禍心,常以蠶食王土為事。天聖中,鄭天益為轉運使,嘗責交州不當擅賦雲河洞。今雲河洞乃入蠻徼數百里,蓋積歲月侵削以至於此。臣今盡得其腹心,周知要害之地,乘此時不取,他日為患不細,願得馳至闕下,面陳方略。」論者以注且為國生事,不省也。
[19] 癸巳,邕州以聞,詔知廣州蕭固赴邕州發諸郡兵,與轉運使宋咸、提點刑獄李師中同議掩擊之。
[20] 己卯,廣西安撫司言蘇茂州蠻寇邕州。
[21] 庚申,提點廣南西路刑獄、屯田員外郎李師中權本路轉運使。初,師中劾知邕州蕭注:「治邕八年,有峒兵十餘萬,不能撫而用之。乃入溪峒貿易,掊歛以失眾心,卒致將卒覆敗。經略使蕭固措置乖謬,與轉運使宋咸黨附。」注既責荊南,師中復言:「注黷貨阻威,誘略儂智高所閹民羅寨五輩為奴,又擅發溪峒丁壯采黃金,無簿籍可鉤考,為國生事,案法當斬。今就橫行降一官,自都監作鈐轄,不知此何名也?」詔遣中使李若愚鞫實,注竟坐此責為泰州團練副使安置,固及咸皆追官勒停。
[22] 己卯,知桂州陸詵奏交趾使所議事,上因問:「交趾於何年割據?」輔臣對曰:「自唐至德中改安南都護府,梁貞明中土豪曲承美專有此地。」韓琦曰:「向自黎樞【三三】叛命,案宋史黎樞作黎桓。太宗遣將討伐不服,後遣使招誘,始效順。山路險僻,多潦霧瘴毒之氣,雖得其地,恐不能守,當懷柔之爾。」
是冬,陸詵始按邊至邕州,召左、右江四十五峝將領詣麾下【三四】,閱土丁得精兵五萬,補置將校,請更鑄印給之,奏免兩江積欠稅物數萬。交趾大恐,因遣使朝貢,辭禮加恭。其後詵又奏請每歲一教土丁,從之,仍自今三歲一造籍以聞。此事附見。交趾遣使當自有日月,詵請邕州溪洞丁比歲一教,三歲一造籍以聞,乃明年八月事,今附見。
[23] 廣南西路經略司言:「交趾使人李繼元乞進方物,今其兵丁劫掠省地,乞令先歸所掠人口,乃許依例引伴進奉人赴闕。
[24] 癸卯,詔王慶民依舊專管勾麟府路軍馬,蕭注於太原府聽旨。初,以注代慶民,注既行,聞河東用兵,乃自言本書生,長於撫納,而短於戰鬥,恐不能辦麟府事。會有言交趾為占城所敗,眾不滿萬,可計日取也。因命注知桂州。潘夙傳云夙陳交趾可取,此云「眾不滿萬」,或是夙所陳也,當考。六年正月注罷桂州。上問注攻取之策,注辭曰:「臣昔者意嘗在此。方是時,溪洞之兵一可當十,器甲犀利,其親信之人皆可指手役使。今兵甲無當時之備,腹心之人死亡大半,而交人生聚教訓之又十五年矣。謂其眾不滿萬,恐傳者之妄也。