30/12/1994: Nhà vận động chống phá thai tiến hành thảm sát

Nguồn: An anti-abortion activist goes on a murder spree, History.com

Biên dịch: Trần Mẫn Linh

Vào ngày này năm 1994, John Salvi III đã xông vào hai phòng khám chuyên phá thai ở Brookline, Massachusetts và bắn hai nhân viên bằng súng trường, giết hai nhân viên lễ tân và làm bị thương năm nhân viên khác. Anh ta bị bắt vào ngày hôm sau sau khi bắn 23 phát súng vào một phòng khám ở Norfolk, Virginia.

Trước khi tiến hành đợt thảm sát, Salvi từng làm việc tại một thẩm mỹ viện ở New Hamsphire và được những người quen biết mô tả là một “gã đàn ông lập dị”. Bất chấp cách hành xử ngày càng bất thường của Salvi, bố mẹ anh ta kiên quyết không đưa con đi điều trị chuyên khoa. Khi trạng thái tinh thần của Salvi chuyển biến xấu, anh ta trở thành một nhà hoạt động chống nạo phá thai nhiệt tình.

Tháng 03/1996, bồi thẩm đoàn xét xử Salvi đã bác bỏ lời biện hộ bị rối loạn tâm thần của anh ta và kết án Salvi về tội giết người. Sau khi nhận hai bản án chung thân, Salvi tự sát trong tù vào tháng 11/1996.

Tuy nhiên, tác động từ vụ thảm sát của Salvi không dừng lại ở đó. Richard Seron, một trong những nạn nhân của vụ nổ súng, đã đệ đơn kiện chủ nhà cho thuê phòng khám vì đã không cung cấp các biện pháp an ninh mà Seron cho rằng đã có thể ngăn chặn vụ việc. Sau khi thua kiện, Seron đã khiến các nhà cung cấp dịch vụ phá thai tức giận khi vận động chống một đạo luật sẽ thiết lập một vùng đệm bên ngoài các phòng khám. Anh ta còn phản đối phe ủng hộ quyền tự do phá thai của phụ nữ bằng việc đệ đơn kiện Tổ chức kế hoạch hoá gia đình Hoa Kỳ (Planned Parenthood), tuyên bố mình có quyền được thưởng 100.000 đô la vì đã hỗ trợ bắt giữ John Salvi.

Thế nhưng, trường hợp của Richard Seron cũng không khiến công chúng bất bình bằng trường hợp của Deborah Gaines, người có lịch hẹn phá thai tại một phòng khám vào ngày xảy ra vụ nổ súng. Sau vụ việc, cô đã không tiến hành phá thai và quyết định sinh đứa trẻ. Sau này, Gaines kiện phòng khám vì đã dẫn tới cuộc sống khốn khổ của mình, đòi phòng khám phải trả chi phí nuôi đứa bé vì sự bất cẩn của họ đã ngăn cô phá thai. Tuy nhiên, đơn kiện đã bị bác bỏ trước khi xét xử.