Nguồn: Historic figures, BBC
Biên dịch: Trần Mẫn Linh
Copernicus là một nhà thiên văn học người Ba Lan nổi tiếng với lý thuyết “Mặt trời mới là trung tâm của vũ trụ chứ không phải Trái đất.”
Nicolaus Copernicus sinh ngày 19/02/1473 tại Thorn (Torun ngày nay), Ba Lan, và có cha là một thương nhân và quan chức địa phương. Khi Copernicus lên 10, cha ông mất và chú của ông – một giáo sĩ – đã đảm bảo cho Copernicus có được một nền tảng giáo dục tốt. Năm 1491, ông đến Học viện Krakow (nay là Đại học Jagiellonia) và đến Ý vào năm 1496 để học luật. Khi còn là sinh viên tại Đại học Bologna, ông đã ở cùng một giáo sư toán học là Domenico Maria de Novara, người đã truyền cho Copernicus niềm đam mê về địa lý và thiên văn học.
Trong thời gian ở Ý, Copernicus đã đến thăm Rome và học tại các trường đại học ở Padua và Ferrara trước khi trở về Ba Lan vào năm 1503. Trong bảy năm tiếp theo, ông làm thư ký riêng cho chú của mình, giám mục vùng Ermland vào thời điểm đó.
Năm 1512, chú của ông qua đời, Copernicus chuyển đến Frauenberg, nơi ông làm giáo sĩ thực hiện các công việc hành chính trong nhà thờ. Điều này đã cho Copernicus thêm thời gian để dồn tâm huyết vào thiên văn học. Dù không theo đuổi danh tiếng, song Copernicus rõ ràng được nhiều người biết đến trong tư cách một nhà thiên văn học. Năm 1514, khi Giáo hội Công giáo đang tìm cách cải thiện hệ thống lịch, một trong những chuyên gia mà Giáo hoàng kêu gọi là Copernicus.
Năm 1530, công trình vĩ đại của Copernicus – cuốn ‘Về chuyển động quay của các thiên thể’ (On the Revolutions of the Celestial Spheres) – được hoàn thành. Lý thuyết trung tâm của tác phẩm này là Trái đất tự quay quanh trục của nó hằng ngày và xoay quanh Mặt trời hằng năm. Ông cũng lập luận rằng các hành tinh xoay quanh Mặt trời – điều đã thách thức quan điểm từ lâu rằng Trái đất đứng yên ở trung tâm vũ trụ, trong khi tất cả các hành tinh khác, Mặt trăng và Mặt trời quay quanh Trái đất.
Đầu năm 1543, ‘Về chuyển động quay của các thiên thể’ được xuất bản và Copernicus mất vào ngày 24/05 cùng năm.