Nguồn: Rana Foroohar, “Coronavirus will hit global growth”, Financial Times, 03/02/2020.
Biên dịch: Ngô Việt Nguyên
Tuần trước, hai mẹ con tôi được tận hưởng một kỳ nghỉ ở Istanbul. Kỳ nghỉ trở nên tuyệt vời hơn bởi chúng tôi được nâng cấp phòng có giá 1.000 euro dù chỉ trả 250 euro. Điều này xảy ra chủ yếu vì khách sạn chúng tôi ở, nơi thường được đặt kín chỗ bởi khách du lịch Trung Quốc, giờ gần như trống không.
Ở khắp nơi trong thành phố, các cửa tiệm trưng các bảng hiệu “Chúc mừng năm mới Trung Hoa” nhiều hơn bình thường để mời chào du khách vãng lai. Điều này dễ hiểu vì không có nhiều người như chúng tôi, theo lời lễ tân. “Vào dịp này năm ngoái, mọi nơi đều chật kín khách. Năm này thì không có ai.”
Chúng ta có thể đang quan sát một hiện tượng mới, đó là sự giảm tốc kinh tế toàn cầu do Trung Quốc chứ không phải Mỹ gây ra. Bốn đợt suy thoái toàn cầu vừa qua đều có nguyên nhân từ người tiêu dùng Mỹ. Nhưng vị thế của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu đã tăng một cách mạnh mẽ thời gian qua. Trung Quốc ngày nay đóng góp khoảng 1/3 tăng trưởng toàn cầu, tỷ lệ lớn hơn Mỹ, châu Âu và Nhật cộng lại.
Cho dù rõ ràng tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đã chậm lại trong những năm gần đây, quy mô nền kinh tế Trung Quốc cũng đã tăng mạnh. Theo chuyên gia đầu tư vào Trung Quốc Andy Rothman, một nhà phân tích chiến lược đầu tư của công ty Matthews Asia, cho dù tỷ lệ tăng trưởng đạt mức 9,4 % một thập niên về trước, nền tảng cho mức tăng trưởng 6,1% năm ngoái vẫn lớn hơn nền tảng 10 năm về trước tới 188%. Điều này có nghĩa là người tiêu dùng và nhân công Trung Quốc giờ đây đóng vai trò quan trọng hơn trước kia. “Người tiêu dùng Trung Quốc đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới vào năm 2019,” theo ông Rothman, tương tự như tình hình mấy năm về trước.
Vì thế không có gì bất ngờ khi ngành nhà hàng, du lịch, lữ hành và bán lẻ đang rất lo lắng về ảnh hưởng của dịch virus corona. Khách du lịch Trung Quốc cực kỳ giá trị bởi họ thường ở lại lâu hơn và tiêu nhiều tiền hơn khách đến từ các nước khác. Ví dụ, ở Mỹ, khách du lịch Trung Quốc ở trung bình 18 ngày và tiêu 7.000 đôla trong mỗi chuyến thăm trong năm ngoái, theo một báo cáo từ 13D Global Strategy and Research.
Khi mức tiêu dùng của khách Trung Quốc ở Mỹ chậm lại vì thương chiến, bây giờ Châu Á lẫn Châu Âu cũng sẽ chịu ảnh hưởng. Điều này sẽ gây tác động dây chuyền đến các ngành phụ thuộc vào du lịch, bao gồm bán lẻ, nhà hàng, các mặt hàng và dịch vụ xa xỉ.
Goldman Sachs dự báo mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc vào năm 2020 sẽ giảm 0,4%, và một mức giảm tương tự đối với Mỹ trong Quý I. Những người lạc quan sẽ nhắc lại rằng trong khoảng thời gian dịch SARS hoành hành vào năm 2003, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm trong một thời gian ngắn trước khi bật tăng đến 10%. Nhưng lúc bấy giờ Trung Quốc chỉ chiếm 4% GDP toàn cầu, so với 16% ngày nay. Lúc đó, tiêu dùng vẫn chưa phát triển nhiều, và ngành du lịch Trung Quốc đa phần phụ thuộc vào khách nước ngoài. “Hệ quả là ảnh hưởng tiêu cực hiện tại lên tăng trưởng toàn cầu có thể cao hơn năm 2003,” theo một báo cáo của ING.
Không chỉ khách du lịch Trung Quốc là tác nhân dẫn tới sự chậm lại của nền kinh tế. Khu vực tỉnh Hồ Bắc là một khu vực rất quan trọng trong chuỗi cung ứng. Các lệnh cấm đi lại đã gây khó khăn cho hoạt động của công nhân và việc duy trì vận hành các nhà máy. Có khả năng là những gián đoạn về chuỗi cung ứng sẽ làm Trung Quốc không thể tuân theo các cam kết mua hàng trong thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Điều này dĩ nhiên sẽ có các ảnh hưởng địa chính trị, đặc biệt trong những ngành như công nghệ, vốn liên quan chặt chẽ nhất tới các doanh nghiệp Trung Quốc, bất chấp sự tách rời đang xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc. (Đây là một xu hướng mà thỏa thuận thương mại giai đoạn một sẽ không làm thay đổi). Nếu ngành công nghệ có biến chuyển xấu, nó sẽ ảnh hưởng đến ngành năng lượng và nguyên vật liệu đầu vào, châm ngòi cho sự sụt giảm thị trường lớn hơn mà rất nhiều người trong chúng ta đã dự báo.
Tất cả những điều này làm cho sự bùng phát virus trở thành một sự kiện châm ngòi khủng hoảng bất ngờ mà những người tham gia thị trường đều lo sợ, bên cạnh những lo ngại về biên lợi nhuận của các tập đoàn Mỹ, mức nợ kỷ lục, các vấn đề thanh khoản, và lợi suất âm.
Dĩ nhiên, các thị trường vẫn có thể chịu đựng được một thời gian nữa. Có thể Donald Trump sẽ tuyên bố trước thềm cuộc bầu cử vào tháng 11 rằng chính ông làm Tổng thống Mỹ khi chỉ số Dow đạt mức 30.000 điểm. Nhưng mức điểm kỷ lục này đã được thúc đẩy bởi chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng (gây thâm hụt ngân sách) chứ không phải là bất kỳ chiến lược hiệu quả nào của Nhà Trắng.
Điều này nhấn mạnh một điểm bao quát hơn, đó là bất kể điều gì xảy ra với virus corona, thì Mỹ đã đánh mất một cơ hội, không chỉ dưới thời Tổng thống Trump mà còn từ thời khủng hoảng kinh tế năm 2008, để làm mới chiến lược tăng trưởng, một chiến lược dựa vào tăng trưởng thu nhập hơn là lạm phát giá tài sản. Đó là cách duy nhất để đảm bảo ổn định kinh tế trong dài hạn.
Trung Quốc cũng đã phụ thuộc rất nhiều vào nợ trong giai đoạn hậu khủng hoảng 2008. Họ đã tạo nên bong bóng trong nhiều lĩnh vực từ bất động sản đến trái phiếu địa phương. Mức tiêu dùng và thị trường lao động đã yếu đi trước khi virus corona bùng phát. Sự tin tưởng vào thể chế, điều đã suy giảm dưới thời Tập Cận Bình, càng bị ảnh hưởng thêm vì việc đảng ban đầu xem nhẹ khủng hoảng.
Dù vậy, bất kể mức độ ảnh hưởng của virus lên kinh tế toàn cầu là gì, thực tế rằng những lo lắng về suy thoái, điều dường như là không tưởng một tuần trước, giờ lại dậy sóng nói lên một điều rất quan trọng.
Đó là nước Mỹ vẫn có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế toàn cầu, nhưng không còn được như trước. Trung Quốc giờ có ảnh hưởng lớn hơn nhiều. Mức ảnh hưởng cụ thể sẽ được chứng minh qua tình hình virut corona diễn biến trong những tuần và tháng tới đây.